Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Nhạc sĩ Lê Dinh


Anh nói rằng trọn đời yêu em
Sao nỡ đành lòng nào lại quên
Câu tình yêu giữ không nhạt màu
Câu mình thương đến khi bạc đầu
Bây giờ trả lại trăng sao..
(Tình yêu trả lại trăng sao – 1964)
Rồi đến : Ga chiều, Xác pháo nhà ai.

Nói đến Lê Dinh ai mê nhạc cũng không quên bài : Hà Tiên, Ga chiều, Tình yêu trả lại trăng sao… Lời nhạc Lê Dinh đơn sơ dễ hiểu, mộc mạc đi thẳng vào tâm hồn người nghe một cách thích thú, nói vậy không phải tôi nói bạn cũng thích như tôi, hễ có người sản xuất những văn nghệ phẩm, là tôi thích học hỏi của kẻ khác. Mình đi tìm cái hạnh phúc mà không cần nhọc công dụng sức chi cả. 
Tôi nghe vọng cổ, nghe hát bội, hát chèo tôi biết mê say.
 Anh chị nghe nhạc cổ điển Tây phương, nhạc Âu Mỹ biết hay, cũng đam mê…Vậy chưa chắc cái sướng và cái đam mê ai hơn ai ?
Tôi đã gặp nhạc sĩ Lê Dinh một lần tại Montreal trong một buổi văn nghệ, và người nghệ sĩ này đã để lại tôi ấn tượng khó quên. Tôi kính mến thái độ vui vẻ, nhiệt thành, đơn giản mộc mạc thẳng thắn, ẩn trong cái nghiêm túc của một nhạc sĩ, có đức tin về phương pháp làm việc, với sự cần cù nhẫn nại, đã đem lại lòng qúi mến và tin tưởng trong giới nghệ sĩ. Tôi biết nhạc sĩ Lê Dinh có đời sống tinh thần trong âm thầm, nhưng đầy hăng hái kiên nhẫn, đó là nền tảng cho một đời sống về tinh thần. Tâm hồn của một người nghệ sĩ dồi dào, thì sự sung sướng cũng rộng rãi hơn.
Sau khi định cư tại thành phố Montreal (Canada) đã ổn định được đời sống gia đình, và để gây cho mình sự hứng thú bền bĩ, nhạc sĩ Lê Dinh chủ trương thực hiện tờ Nguyệt san Nghệ Thuật là để duy trì sự cố gắng, và có đường lối rõ ràng.
 Văn nghệ làm nẩy sinh vào tâm hồn nghệ sĩ, luôn luôn nhìn đời với những khía cạnh màu sắc mới lạ. Lê Dinh sáng tác những bài nhạc mới sau này như : Bài hát của người điên, Cho người tình cũ, Nắng bên này sông, 10 bài hận ca, Thương về Gò Công… đều mang khắc khoải của người sống xa quê hương. Sau nhảy ra làm đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam với Lê Thái. Tất cả môn sinh hoạt văn nghệ, liên quan đến trong tâm hồn người nghệ sĩ, nó phản ảnh đời sống, tình cảm, tư tưởng của một nhạc sĩ. Nhưng cũng rất không đơn giản khi làm về báo chí văn nghệ.
Trước năm 1975 Lê Dinh cùng với nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng thành lập nhóm Lê Minh Bằng. “Ba cây chụm lại thành hòn núi cao” có khác, nên rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như : Gõ cửa, Chuyện tình Lan và Ðiệp, Căn nhà ngoại ô, Linh hồn tượng đá, Ðêm nguyện cầu… Nhóm Lê Minh Bằng cũng đã đào tạo nên những ca sĩ nổi tiếng như : Giáng Thu, Trang Mỹ Dung, Hải Lý, Mạnh Quỳnh, Ngọc Tuyết…Sau biến cố 1975 nhóm Lê Minh Bằng mỗi người một nơi. Nhạc sĩ Anh Bằng sinh sống ở California (nhà xuất bản băng nhạc Asia, Dạ Lan). Lê Dinh cùng với gia đình sống ở Montreal (Canada). Minh Kỳ thì đã mất vào đầu tháng 9 năm 1975 trong vụ nổ ở trại cải tạo Long Khánh.
Cuộc đối thoại giữa người giới thiệu chương trình nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, và nhạc sĩ Lê Dinh dưới ánh đèn sân khấu Thúy Nga tại Paris 2003, làm bừng dậy ý nghĩa đời nghệ sĩ không bị nhoè đi, giữa thương trường ồn ào, và bụi bặm, khơi lại trong đời sống tinh thần, đã một thời từng gởi gấm, nhiều tình cảm sâu xa của nỗi nhớ mình, trong các nhạc phẩm nổi tiếng bắt đầu từ năm 1956 cho đến nay, với tất cả hơn 200 nhạc phẩm trước năm 1975, đã được thu dĩa bởi các hang : Tân Thanh, Continental, Asia Sóng nhạc, Việt Nam…
Sau năm 1975 các nhạc phẩm lại được thu vào dĩa Thúy Nga Paris, Asia USA… với các giọng ca Như Quỳnh, Phương Dung, Thanh Thúy, Mỹ Huyền, Hoàng Lan, Kim Ngọc Khánh, Dalena, Nhật Trường, Giao Linh, Thanh Tuyền, Lưu Hồng, Trần Thị Thu, Nguyệt Lan…
Nghe những lời nhạc của Lê Dinh tôi có cảm nhận : Người nghe không có sự suy nghĩ với cái nghĩa rộng của nó, mà dòng nhạc đi thẳng một cách mạch lạc vào đời sống tình cảm người ta mà thôi.
 Nhạc là âm thanh để cảm nhận, tất cả chung quanh chỉ là cái khung để chúng ta sinh hoạt, nếu ta quá quan trọng sẽ làm giảm mất đi cái chân giá trị của sự sáng tạo, một sự sáng tạo trong bóng tối, trong im lặng cũng là một vết sáng của đêm đông, và người sáng tạo là người biết định đoạt hành động mình, biết trù liệu đến sự tín ngưỡng và số phận của mình.
Ðể thả hồn bâng khuâng rung động về kỷ niệm, những màn vũ hoang dã trong nhạc điệu trữ tình, tôi đến gặp nhạc sĩ Lê Dinh gốc người miền Nam, tại khách sạn Kyriad trong quận 19 Paris để nhớ lại một kỷ niệm, cách đây hai năm, tôi đã hân hạnh gặp nhạc sĩ rất còn nồng nhiệt, trong một trái tim nghệ sĩ, để cho tôi thẹn thùng, e ấp thật thà trong Tiếng Hát Mường Luông, Chiều Lên Bản Thượng v.v… bên núi rừng xinh xinh, xanh ngát mênh mông.
Xin mời bạn đọc nghe tâm tình của nhạc sĩ Lê Dinh, qua mẩu chuyện ngắn sau đây Bích Xuân: Xin vui lòng sơ lược tiểu sử của nhạc sĩ ?
LÊ DINH: Sinh năm 1934 (tuổi Giáp Tuất) tại làng Vinh Hựu, tỉnh Gò Công.
1948-1953: Học Trung học ở Collège Le Myre de Vilers (MỹTho).
1953-1955: Học trường Cao đẳng Vô Tuyến Ðiện Saigon (Ecole Supérieure de Radióelectricité de Saigon).
1955-1957: Dạy học (Pháp văn và âm nhạc) ở Gò Công và ở Chợ Lớn.
1957-1975: Làm việc tại Ðài Phát thanh Saigon. Chức vụ: Chủ sự Phòng Sản Xuất rồi Chủ sự Phòng Ðiều Hợp.
1975-1978: Không làm gì được cả.
Tháng 8/1978: Vượt biên đến đảo Ðài Loan.
Tháng 10/1978: Ðịnh cư ở Canada, thành phố Montréal, cho đến nay.
1979-1999: Làm việc cho hãng tàu chở hàng hóa đi khắp thế giới có tên là Federal Navigation (viết tắt là FEDNAV) của Canada ở thành phố Montréal 
(Ðiểm đặc biệt là hãng tàu này là hãng tàu đã cứu vớt 40 người trên chiếc ghe tỵ nạn – trong đó có gia đình Lê Dinh – trên biển Nam Hải năm 1978).
Lúc còn học ở Trung học Le Myre de Vilers (MỹTho) có theo học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác của Ecole Universelle de Paris.
Sáng tác đầu tiên : Bài Làng Anh Làng Em, viết năm 1956, nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam ấn hành năm 1956.
Gia cảnh : Vợ, 3 con.
BX: Khán giả đã biết nhạc sĩ Lê Dinh bắt đầu từ năm 1956 nhưng cho đến nay vẫn không quên công việc của một người làm về thông tin trên đài phát thanh trước năm 1975, hiện thời còn là chủ bút tờ báo nữa, mà cốt yếu của người cầm bút có kiến thức, có chiều sâu tư tưởng, tờ báo mới hay, phải hấp dẫn để đến được với độc giả. Công việc của nhạc sĩ nằm trong tư tưởng Văn hóa. Xin nhạc sĩ cho biết cảm tưởng về những điều này ?
Nhạc sĩ LD: Khán thính giả biết Lê Dinh từ năm 1956 (qua bài Làng anh làng em) cho đến nay nhưng từ năm 1994, khi nguyệt san Nghệ Thuật ấn hành số 1, độc giả biết Lê Dinh qua người chủ trương tờ báo và đồng thời cũng qua Lê Dinh, người viết nhạc.

Chủ trương tờ báo, LDinh  không có tham vọng to lớn, chỉ muốn dùng tờ báo, ngoài việc loan tin tức về âm nhạc, thời sự, kiến thức phổ thông… chính yếu là muốn nhắc lại cho các thế hệ sau biết những người đi trước trong lãnh vực văn học, âm nhạc, nghệ thuật… và giới thiệu, nâng đỡ những mầm non văn nghệ trên con đường mà những mầm non này đã chọn.
BX: Nhạc sĩ đã được khán giả trước năm 1975 yêu thích và ngay như hôm nay tại Hải ngoại, được các Trung tâm băng nhạc thâu lại các nhạc bản như – Xác pháo nhà ai (1964) – Chiều lên bản Thượng (1964) – Tình yêu trả lại trăng sao (1964) – Thương về xứ Thượng (1965) – Ngang trái (1965)…v.v…
 Tại sao nhạc sĩ không tiếp tục đi sâu vào các ca khúc khác ?
Nhạc sĩ LD: Vẫn sáng tác (mặc dù tờ báo chiếm rất nhiều thì giờ) nhưng so với trrước 1975 thì rất ít vì ở hải ngoại còn nhiều thứ cần nhiều thì giờ để giải quyết và cơm áo buộc ràng không cho mình còn nhiều thì giờ để sáng tác.
BX: Công việc làm báo, làm đài phát thanh tại Montreal, có hỗ trợ gì trong cuộc sống của nhạc sĩ không ?
Nhạc sĩ LD: 
 Công việc làm báo, làm đài phát thanh ở đâu thì không biết, chứ ở thành phố Montréal này, không giúp đỡ gì về mặt tài chính cho người chủ trương. Ðó chỉ là sở thích thôi, ai không thích, không thể nào làm nổi, với trăm ngàn chuyện bực mình vụn vặt, không thể nói ra hết ở đây.
BX:  Nhạc sĩ có những bản nhạc viết về quê hương rất tha thiết. Xin nhạc sĩ cho biết cảm tưởng về những bài nhạc ấy ?
Nhạc sĩ LD: 
Về những bản nhạc quê hương, không hiểu tại sao, khi còn ở trong nước thì không viết, nhưng giờ đây, ở hải ngoại mới thấy thấm thía 2 chữ “quê hương” và viết rất dễ, rất suôn sẻ, chẳng hạn như bài “Thương về Gò Công (Nắng trưa lên rất cao, Ngoài xóm đi vào, đi ngang bờ ao, gặp em đang hái cau để má ăn trầu. Ai qua Gò Công mà không ghé thăm chợ Dinh, Ðể nghe tiếng hò cô gái ngoài kinh, Hò ơi: Em là cô gái xứ Gò, quanh năm sông vắng đưa đò nuôi me, Nhà em ở xóm Giồng Tre, Anh về nhớ ghé thăm mẹ thăm em).
BX:  Theo nhạc sĩ những dòng nhạc trước năm 1975 có những đặc điểm gì giống và khác với thời bây giờ ?
Nhạc sĩ LD: Nhạc trước 1975, kỹ thuật không rắc rối, lời ca ít cầu kỳ và bình dị hơn nhạc sau 1975, kỹ thuật vững chải hơn, hơi khó khăn hơn (có lẽ do sống gần với nền âm nhạc của ngoại quốc) và lời ca cùng đề tài cũng thay đổi nhiều, do hoàn cảnh đang ở tạm nơi xứ người, thân phận ly hương v.v…
BX:  Xin nhạc sĩ vài kinh nghiệm khi làm nhạc ?
Nhạc sĩ LDinh: 
- Nói về kinh nghiệm trong việc viết nhạc thì nếu viết nhạc nhiều, thì lần lần kỹ thuật sẽ vững chắc hơn, không còn để những lỗi lầm ấu trĩ những khiếm khuyết buồn cười. Những người viết nhạc từ 10 năm trở lên sẽ không còn vấp phải những lỗi lầm này.
 Còn về phần hồn nhạc, thì không ai giống ai, cũng không phải do kinh nghiệm mà có, bởi đó là thiên phú.
BX:  Về các ca sĩ hiện nay ở hải ngọai ?
Nhạc sĩ LD: Các ca sĩ hiện nay ở hải ngoại : Lớp lớn tuổi (đã nổi tiếng ở Việt Nam) một số, phong độ vẫn còn và họ hát bằng tâm hồn, còn một số trẻ mới lớn lên và nổi tiếng ở hải ngoại, có một số hát bằng hình dáng hơn là hát bằng xúc cảm. 
Số này cần phải có những người múa may xung quanh mới được. Và khán giả thì “coi” họ hát hơn là “nghe” họ hát.
BX:  Xin nhạc sĩ kiêm Chủ bút cho biết thế nào là mẩu truyện ngắn hay ? Cây bút nào anh cảm mến ?
Nhạc sĩ LD:
- Cảm nghĩ của một chủ bút không khác gì cảm nghĩ của một độc giả. Một truyện ngắn (hay dài) mà hay là có đề tài mới lạ, không giống những truyện đã có từ trước, có thắt gút (cho độc giả hồi họp, chờ đợi) rồi từ từ mở khi kết thúc, vui hay buồn, để trả độc giả về với thực tại.
 Về phần văn chương, không cần phải cầu kỳ hoa lá cành, chỉ cần cho trọn vẹn, câu cú có đầy đủ chủ từ, động từ, túc từ là được. (Chúa ghét những truyện kể lể dài dòng rồi hết, không đem lại một cảm xúc gì cho người đọc).
BX:  Xin nhạc sĩ cho biết tại sao bây giờ các nhạc sĩ thường hay sáng tác những ca khúc gào thét như thế ?
Nhạc sĩ LD: Âm nhạc những năm sau này (nhất là âm nhạc trong nước) không phải là âm nhạc nữa mà không biết nên gọi đó là gì. Nghe loại nhạc chói tai này, đang vui mình bỗng thấy bực tức ngang xương. 
Ca sĩ thì không gào thét không phải là ca sĩ, có thể gọi là ” hét sĩ ” thì đúng hơn. (Người Pháp có câu : Chanter n’est pas crier).
 Người VN mình bắt chước rất hay, nhưng bắt chước cái không nên bắt chước. Tuy nhiên, ở trong nước, cũng có một số ít bài rất dễ thương như Song quê, Về quê ngoại, Tiếng hát chim đa đa v.v…
BX:  Nhạc sĩ ấp ủ đề tài nào trong tương lai ?
Nhạc sĩ LD: 
Hình thức thu video của những trung tâm video lớn bây giờ, nếu cứ cái đà này mà kéo dài mãi, sợ không còn có người thích nữa.
 Phải thay đổi món ăn cho con người thưởng thức, ăn một món dù ngon, nhưng ăn hoài cũng phải chán (A force de manger la même soupe, on finit par se lasser). 
Do đó, một màn kịch nhạc, có thể nói như một vở tuồng cải lương mà thay vì cổ nhạc mình viết bằng tân nhạc, có đối thoại, có ca, có vũ, một câu chuyện có đầu có đuôi, viết bằng tân nhạc.
 Việc này đòi hỏi ca sĩ phải là diễn viên và có như thế mới hấp dẫn về lâu về dài số khán thính giả ít oi ở hải ngoại này. 
Ðó là ước muốn của LD nhưng mình không có trong tay phương tiện thì làm sao thể hiện được, cho nên ước muốn chỉ là ước muốn suông mà thôi.
                                   
 Bích Xuân
                     


Thất bại có đáng sợ thật hay không?


Bạn làm một bài kiểm tra -exam đạt điểm thấp, công việc kinh doanh đầu tiên bị thất bại, bạn không xin được việc làm thêm phù hợp với thời gian học của mình…
Và muôn vàn những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Bạn cho rằng mình thật xui xẻo và đã thất bại rồi. 
Bạn chán nản, buồn rầu và chẳng còn tìm thấy một chút ánh sáng của hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Mọi thứ trở nên ảm đạm và bạn bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng.Nhưng bạn ơi! Mọi chuyện chưa đến nỗi là quá tồi tệ hay ảm đạm như vậy đâu.
 Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn mọi chuyện tốt đẹp và may mắn đến với mình. Nhưng trên con đường để đi tới thành công không bao giờ trải đầy hoa hồng hay thảm đỏ. Mà trên con đường đó luôn có những ổ gà hay thậm chí là ổ voi. 
Bạn muốn bước tiếp ư?
 Chẳng còn cách nào khác là bạn phải vấp một hai ổ gà thì bạn mới có thể đi đến đích một cách trơn tru và hãnh diện. Thất bại luôn là bạn song hành cùng thành công trong cuộc đời bạn. Hãy thử tìm hiểu một số những điều tuyệt vời mà thất bại mang lại cho bạn.
Thất bại giúp bạn có cơ hội để nhìn lại những lỗ hổng mà bạn đang còn thiếu. Những kiến thức hay cách làm cũ rích mà bạn tiến hành bấy lâu nay đã không hiệu quả và bạn còn thiếu một chút gia vị nào đó cho thành công của mình.
 Khi thất bại rồi bạn mới có cơ hội để biết được chút gia vị đó là gì để thêm nó vào và chuẩn bị cho thành công sắp tới.
-Thất bại giúp bạn bỏ qua được những cách làm không đúng. Bạn đã áp dụng rất nhiều phương pháp nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn.
 Vậy thất bại sẽ giúp bạn biết được rằng những phương pháp mà bạn đã thử đều không đúng và bạn sẽ không bao giờ làm phải lại nó một lần nữa.Thất bại giúp bạn trưởng thành hơn. Khi thành công bạn luôn sống trong niềm vui và hạnh phúc nhưng khi thất bại bạn sống trong sự chiêm nghiệm.
- Bạn nhận thức được mọi vấn đề một cách sâu sắc và lý trí hơn. Bạn biết phân tích vấn đề một cách toàn diện và thấu đáo hơn. Nếu không có thất bại thì có lẽ bạn sẽ không có thời gian và bản lĩnh để làm được điều này.Thất bại giúp bạn nhận ra giá trị cuộc sống. Khi bạn có tất cả thì bạn sẽ không bao giờ trân trọng những gì mình đang có. Nhưng khi bạn không còn gì cả thì bạn mới biết quý những gì mà mình từng có.
 Vì vậy bạn mới có ý thức giữ gìn và tận hưởng những phút giây tuyệt vời do cuộc sống mang lại.Thất bại giúp bạn nhận ra lòng người. Khi bạn thành công và giàu có thì bạn có nhiều bạn bè, tình nhân vây quanh. Nhưng khi bạn thất bại thì có chắc những người đó vẫn còn ở bên cạnh bạn.
 Lúc đó bạn nhận ra ai mới thực sự là người yêu thương, quan tâm và muốn chia sẻ với bạn.Bạn thấy đấy, thất bại đâu có đáng sợ như bạn vẫn tưởng phải không? Vậy vì sao bạn không dám làm những việc mình muốn chỉ vì sợ thất bại. Có thất bại mới dẫn bạn tới một thành công vẻ vang và vinh quang hơn.
                                                                    St

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Gửi Mùa Đông Biếc


Đà Lạt đứng bên kia nỗi nhớ
Anh như mây qua núi chẳng kịp về
Mùa dã quỳ vàng theo chân ngọn gió
Tiếng chim đèo run giọng hót se se

Hơn mười năm dòng thác vẫn bạc phơ
Chồi thông biếc cắm vào lòng đất cũ
Ta chia tay đủ bao mùa bão tố
Lòng hanh hao vạt nắng xuống bên hồ

Tháng mười hai đâu hẹn để em chờ
Ngôi nhà trắng đứng bên triền dốc mỏi
Mimosa nở hay lời ai nói
Cả một trời im vắng dưới sương bay

Ai xui mùa đông biếc trở về đây
Cốc cà phê lạnh mùi hương xa biệt
Nhớ vạt tóc ngàn trùng - ơi tưởng tiếc
Vọng đáy hồ lồng lộng áo vàng xưa

Ngồi bên cầu nghe nát khúc đàn xưa
Người xa vắng hoa đào không nở nữa
Hàng cây cũ rụng vàng bao thảm lá
Dấu chân em in lại chút rêu mờ

Anh như chim khản giọng khóc gọi mùa
Hồn thăm thẳm một chiều sương Đà Lạt
Đường cỏ lau trắng chân người phiêu bạt
Mai lại xa theo ngựa hí qua đèo.

Tử Kế Tường


Chiều Winnipeg -TCP


Tôi đến Winnipeg vào một ngày thượng tuần tháng 4 năm 1979. Sau khi được lên máy bay cùng mấy chục thuyền nhân từ trại tị nạn chuyển tiếp ở Kula Lumpur Mã Lai đến Toronto vào nữa đêm, ngủ một đêm khách sạn và trưa hôm sau, những thuyền nhân chia nhau nhiều nhánh đi về những thành phố khác nhau và chỉ một mình tôi được đưa về thành phố Winnipeg.
Một anh sinh viên du học thời trước 1975, trong nhóm người thiện nguyện giúp đỡ người tị nạn, tiễn tôi tận cửa máy bay.
Cả hai cùng vẫy tay chào giã biệt, cảm giác bùi ngùi. 

Một thóang bơ vơ trong lòng vì lần đầu tiên kể khi vượt biển ra xứ lạ, đây là lần đầu mình ngồi trên chiếc phi cơ giữa bao nhiêu hành khác ngọai quốc bay trên bầu trời Canada.
Nhìn qua cửa kính, những đám mây trắng như bông lơ lững, những dải đất phủ đầy tuyết trắng mênh mông bên dưới, lần đầu tiên trong đời nhìn thấy tuyết.
Máy bay đến Winnipeg, một bà già bản xứ cầm cái bảng ghi tên tôi đứng đón và bà lái xe đưa về một khách sạn để tạm trú, bây giờ nhớ lại tên là Balmoral.

 Chúng tôi không nói với nhau lời nào vì tiếng Anh mình chẳng biết. Trời tháng tư nhưng Winnipeg vẫn còn lạnh, tuyết rơi lất phất. Và cũng là lần đầu trong đời sờ chạm tới tuyết. Cảm giác háo hức đặt chân xứ người ngọai quốc xen lẫn cái buồn ảm đạm của bầu trời u ám lạnh lẽo tuyết bay.
Ngày hôm sau, một cô sinh viên Tàu du học nằm trong nhóm nhà thờ thiện nguyện chở tôi đi mua đôi giày chống lạnh và chiếc áo khóac mùa đông. 

Sau đó có mấy người Việt Nam ở tại đây trước tới thăm hỏi, đa số là những người đi từ tháng tư bảy lăm, có mấy anh từng là phi công VNCH vì chán Mỹ bỏ rơi miền Nam nên chọn định cư tại Canada thay vì Hoa Kỳ.
Ở tại khách sạn Balmoral mấy ngày thì nhân viên của Sở Nhân Lực ( Man Power) cử người đến dẫn đi làm giấy tờ và mướn nhà. 

Tôi chọn một căn phòng nhỏ trong một chung cư đường Kennedy, có cái bếp nhỏ bằng điện và tủ lạnh.
Anh Nguyễn Thành, một phi công VNCH đến làm quen và giúp đỡ mọi thứ từ thông dịch tiếng Anh cùng những chuyện cần thiết trong đời sống trong những ngày đầu bơ vơ xứ lạ.
Đến Winnipeg được khỏang mười ngày thì Sở Nhân Lực tìm việc làm cho tôi, trong hãng may áo khóac mùa đông.

 Người ta nhồi lông ngỗng, lông vịt vào bên trong chiếc áo và tôi dùng cái cây đập áo để lông nằm đều trong áo. 
Tôi đập và bụi cùng lông bay tứ tung. Họ đưa tôi may những đường chỉ cho cái mũ của áo , tôi đạp bàn may điện và cầm chiếc mũ vải lạng qua lạng lại theo đường chỉ, đầu óc tưởng tượng như đang lái chiếc Honda chở người yêu trên đường phố Saigon.
Tôi may hư nhiều quá và bị cho nghỉ việc, mức lương đầu tiên trong đời xứ Canada tháng 4 năm 1979 là 2 đô 75 xu tiền Canada. Người bạn kiếm cho một việc khác làm găng tay da, cũng mức lương 3 đô la.
Tôi làm việc mà đầu óc thẫn thờ trong nỗi buồn tha hương, nỗi nhớ nhà, năng suất rất chậm đến nỗi ông già người gốc Do Thái làm chủ nói với một anh kia rằng nếu tôi không phải là người tị nạn Việt Nam thì đã bị đuổi từ lâu. Lúc đó báo chí truyền thông thế giới nhắc nhiều đến thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam, danh từ Boat People được đặt ra và trở thành cái tên phổ biến.
Winnipeg là một thành phố của tỉnh Manitoba, được coi là nóng và lạnh nhất của đất nước Canada.
Ngày còn ở trại tị nạn chuyển tiếp Mã Lai, có người cho biết là tôi được định cư ở đây, tôi cứ tưởng là thành phố Quebec với Montreal nổi tiếng, người dân nói hai thứ tiếng Anh và Pháp.
Nhờ quen với anh Nguyễn Thành và một số anh cựu phi công VNCH mà tôi được an ủi trong tình đồng hương. 

Những ngày tháng tư vẫn còn tuyết, qua tháng năm thỉnh thỏang tuyết vẫn rơi đến nỗi tôi nói đùa với bạn rằng cái câu hát " không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi" ( Không Bao Giờ Ngăn Cách- Trần Thiện Thanh) là không đúng. Tháng năm ở Việt Nam trời mùa hè nóng bức nhưng ở đây Canada tuyết rơi.
Và mùa lạnh giá băng hết nhường cho mùa hè. Những ngày nắng ấm ở Winnipeg trong năm không nhiều nên người dân rất yêu quý cái nắng của mặt trời, lúc này tôi mới hiểu được ý nghĩa của những bài hát ca tụng ngày chủ nhật đẹp có nắng, khác với cái nắng oi bức của Việt Nam làm mồ hôi nhễ nhại.
 

Ở đây càng hiểu thêm cái câu mùa đông ngày ngắn đêm dài và mùa hè ngày dài đêm ngắn. Buổi chiều tới nhà bạn, cùng ra công viên ngồi ăn uống, mãi đến chín mười giờ đêm mà nắng chiều vẫn còn lưu luyến.
Ở Winnipeg, thành phố tôi đặt chân thưở ban đầu tị nạn dù chỉ 6 tháng nhưng để lại nhiều kỷ niệm khó phai.
Năm 1979, Hoa Kỳ và Việt Nam chưa bang giao nên mọi liên lạc thư từ đều bị cấm, chỉ có Canada là nước trung lập nên được gởi thư, gởi quà, điện tín, điện thọai.

 Khi đến đây tôi đã gởi hai bức điện tín về cho gia đình và người yêu báo tin đã định cư nơi đây.
Một buổi chiều đi làm về tới nhà bạn, nhận được lá thư của người yêu từ Sài Gòn gởi qua. Nét chữ run run quen thuộc kể nỗi tiếc nuối một thời bên nhau đã qua, một cơn bão nào đó lướt qua để những trận mưa gió đổ xuống thành phố. Tôi đọc lá thư cả trăm lần, mỗi lần cho cảm giác ngất ngây. 

Cảm giác tuyệt vời đó đã tạo nên cảm hứng viết thành ca khúc Sài Gòn Em Ở Đó có câu : " Sài Gòn còn mưa bão, đưa em đi phương nào".
Đi làm bằng xe buýt và nhà gần phố nên tôi hay đi bộ lang thang phố xá và những con đường dọc theo công viên.

 Những người da đỏ bản xứ cũng lang thang giữa phố, họ rất hiền lành, được hưởng trợ cấp trọn đời của chính phủ vì mảnh đất này của họ đã bị dân da trắng và các sắc dân khác tới chiếm cứ.
Tôi nhìn đám mây trên trời và thốt ra câu hát : " Ta đứng đây nơi thành Winnipeg. Trời chiều xanh xanh tới dáng quê xưa. Oâi quê xưa biết bao giờ trở lại. Sài Gòn ơi thôi hết những chiều mưa."
Lẩm nhẩm trong đầu và tìm những lời , một ca khúc đang hình thành, đó là bản Chiều Winnipeg.
Tôi đến nơi này tháng 4 và sau đó liên lạc được với Nguyễn Ngọc Ngạn ở Vancouver, nơi ấm áp hơn và có những sinh hoạt văn nghệ vui vẻ hơn nên tôi quyết định từ giã Winnipeg vào khỏang tháng 10, 1979.
Tôi leo lên chiếc xe Greyhound, xe búyt dài chạy về hướng tây đất nước Canada, xuyên qua dãy núi Rocky Mountain hùng vĩ để đến Vancouver.

 Mấy anh cựu quân nhân định cư trứơc từ năm bảy lăm cùng nhau ra tiễn tôi tại nhà ga. Dù chỉ mấy tháng sinh họat với nhau nhưng để lại nhiều kỷ niệm, người Việt tại thành phố này chừng vài trăm thời đó nên quen biết nhau coi như trong xóm trong làng.
Hôm nay đúng 30 năm kể từ ngày tôi đến Winnipeg, Canada. Thấm thóat thời gian như giấc mơ. Tôi chưa hề trở lại thành phố dễ thương này và tôi cũng không thấy lại những đồng hương VN thuở đó. Chỉ có anh Nguyễn Thành sau này dọn về Vancouver, chúng tôi có gặp nhau và hai năm trước nghe tin anh đã qua đời vì bệnh ung thư.
Xin chép lại lời bài hát Chiều Winnipeg, một kỷ niệm về một thành phố ghi dấu nỗi bơ vơ tị nạn, nỗi buồn xa xứ, để tặng những anh ở thành phố này và những ai có chung tâm trạng tha hương.

 Bài hát được Ngọc Trọng, Jo Marcel, Thảo My, Duy Quang và Thanh Lan trình bày, có một vài lời không đúng nguyên bản của tác giả.
Ta đứng đây nơi thành Winnipeg.

 Trời chiều xanh xanh tới dáng quê xưa. Oâi quê xưa biết bao giờ trở lại. Sài Gòn ơi thôi hết những chiều mưa.
Mây vẫn trôi mang hồn tên viễn xứ. Về nơi đâu đây đất khách quê xa. Gió lá bay buốt lòng thân trơ trọi.

 Em hỡi em có biết chăng nỗi nhớ nhà.
Winnipeg lạnh lùng tuyết trắng xóa mênh mông, giá băng cho thấm thía nỗi mùa đông.

 Winnipeg chiều hè dài nắng đổ, màu nắng hanh người hỡi có còn mơ.
Mơ thấy em một ngày sang đất mới. Để cùng nhau chung kiếp sống phiêu linh. Mơ thấy quê hương một ngày thanh bình. Ta vẫn mơ ta mãi mơ mơ suốt đời.

Trần chí Phúc

Khi Mùa Giáng Sinh Đến


Đã tới giờ đi ngủ, tôi dắt cu Bí lên giường. Tôi nằm cạnh nó, vỗ nhẹ vào lưngvà kể một câu chuyện thần tiên giản dị, nhưng mãi nó vẫn chưa ngủ, còn quay ra hỏi tôi:
- Bố sắp về chưa mẹ?
- Lúc chiều bố đã nói chuyện phone với con là một tuần nữa bố sẽ về rồi mà.
Trong ánh sáng mờ của ngọn đèn ngủ, cu Bí giơ cả hai bàn tay lên, xòe đủ muời ngón nhỏ xíu ra truớc mặt tôi rồi hỏi:
- Một tuần nữa là mấy ngày? Mẹ đếm đi
Tôi đếm từng ngón tay của Bí:
- Đây này, 1,2,3,4,5,6,7. Tới ngày này bố sẽ về.
Cu Bí reo lên:
- Con thích qúa, Bố về với mẹ, vói con để đi mua Christmas tree nhé?
- Đúng vậy, mùa lễ Gíang Sinh này chúng ta sẽ có một cây Christmas tree đẹp ơi là đẹp như những năm truớc.

Bây gìơ con hãy ngủ đi nhé
Thằng bé sung suớng mỉm cuời và khép mắt lại. Tôi tin rằng một giấc mơ đẹp đang đến với nó.
Nhưng ngay trong giây phút này một giấc mơ buồn của tuổi thơ tôi hiện ra, khi vừa rồi tôi nhìn thấy con tôi xòe những ngón tay để đếm từng ngày đợi mong bố về sau một chuyến công tác xa nhà…
Tôi chỉ còn nhớ những hình ảnh mơ hồ, không theo thứ tự, kể từ khi tôi lên 4 tuổi, tôi thấy bố mẹ tôi thường xuyên cãi nhau và có khi đánh nhau, mẹ ném một cái gì đó vào bố và bố cũng ném lại vào mẹ .
Những lúc đó tôi sợ hãi khóc ré lên, nhưng mặc cho tôi gào khóc bố mẹ vẫn tiếp tục cãi nhau
. Một lần, khi thấy tôi khóc mẹ đã tức giận tát túi bụi vào mặt tôi, làm tôi sợ hãi thêm và nín khóc ngay, từ đó trở đi tôi không dám khóc nữa, mỗi lần bố mẹ bắt đầu to tiếng thì tôi len lén chui vào closet, đóng cửa lại, tôi tìm thấy nơi đó một sự trú ẩn bình an.
Có hôm tôi ngủ quên trong đó, có hôm tôi chờ đợi sự im ắng thì chui ra, hoặc bố hoặc mẹ đã ra khỏi nhà.
Tôi đã biết tự lo cho chính mình, mở tủ lạnh tìm đồ ăn, là một vài miếng cheese khô hay cái hotdog đã mở bọc nằm lăn lóc trong góc tủ.
Vì sau trận cãi nhau chẳng ai ngó ngàng đến tôi, tôi cũng biết thân phận chẳng dám kêu réo hay đòi hỏi gì.
Rồi một ngày tôi thức dậy thì biết mình mất mẹ, bố tôi ngồi thừ người ở ghế.
Mẹ tôi đã ra đi và bỏ tôi ở lại như một trong các món đồ cũ mẹ không cần dùng. Bố tôi nói dửng dưng như thông báo một chuyện vừa xảy ra ở nhà hàng xóm:
- Mẹ đi rồi, từ nay con ở với bố.
Tôi oà lên khóc, có lẽ vì sợ hãi cô đơn hơn là thương nhớ mẹ, tôi rất it khi nhận được sự chiều chuộng âu yếm nơi mẹ, thì giờ chính của mẹ ở nhà là uống bia, uống rượu như bố, rồi mẹ ngủ vùi.
Những bữa ăn của tôi thường là những lát bánh mì, gà chiên sẵn mua ở tiệm hay hotdog.
Đôi khi bố mẹ vui vẻ tôi được dẫn đi ăn nhà hang, đó là những ngày hạnh phúc nhất đời tôi, vì được thấy bố mẹ thân thiện và được ăn đồ nóng sốt ngon lành.
Tôi từng cầu mong những giây phút hạnh phúc đó kéo dài vô tận, nhưng thực tế thì quá ngắn ngủi, tôi không hiểu sao mới hôm qua họ còn cười nói, ôm hôn nhau, hôm sau họ đã cãi nhau, chửi nhau đầy vẻ hận thù .
Tôi đã mong tôi lớn mau để hỏi bố hỏi mẹ điều này.
Bố để mặc tôi khóc một lúc rồi gắt:
- Thôi nín đi, đừng làm bố sốt ruột lên đây.
- Tại sao mẹ bỏ đi? rồi mẹ ở nhà ai?
- Bố không biết! bố tôi trả lời cụt ngủn và lạnh lùng.
Tôi tưởng mẹ đi mấy ngày rồi trở về như vài lần trước, nhưng bố đã nói:
- Mẹ không bao giờ trở về đâu, bố sẽ gởi con cho baby sit để bố còn đi làm.
Từ ngày mẹ đi, không còn ai để cãi nhau nên thì giờ của bố chỉ để uống rượu bia, hết uống với bạn bè ngoài đường
về đến nhà lại uống.
Tôi không chui vào closet để trốn nữa mà chỉ ngồi ru rú trong phòng coi ti vi một mình.
Bố gởi tôi cho một gia đình Việt nam, sáng trước khi đi làm bố mang tôi đến, chiều về làm ghé vào đón tôi.

 Bác Kha trai làm việc cùng hãng với bố, bác Kha gái ở nhà trông con, họ có một đứa con gái bằng tuổi tôi tên Linh.
Chính ở nơi đây tôi được ăn những bữa cơm ngon lành, được hưởng lây không khí gia đình ấm cúng, hai vợ chồng bác Kha không cãi nhau như bố mẹ tôi nên cái Linh ngạc nhiên khi nghe tôi kể phải trốn vào closet.
Vài tháng trôi qua, tôi thực sự yêu thích ngôi nhà êm ấm của bác Kha, nhưng một đôi lần bố không đón tôi đúng hẹn, bác Kha trai đã về đến nhà ăn xong bữa cơm chiều mà bố vẫn chưa đến, tôi đã thấy khi bác Kha trai về, nhà vui vẻ, rộn ràng hẳn lên, khi ấy Linh quên tôi, nó nhảy nhót lên lòng bố, kể chuỵện nọ kia, bác Kha gái vừa dọn cơm vừa nói chuyện vói chồng.
Tôi như người thừa, bị bỏ rơi, cảm thấy tủi thân và ganh tị với Linh, chỉ mong mau chóng rời khỏi đây, dù chỉ là về nhà với bố ăn một cái bánh mì nguội kẹp hotdog và uống một ly sữa là xong bữa ăn chiều thường lệ.
Bố thường xuyên đón tôi trễ, tôi càng ngày càng mặc cảm, tủi thân với gia đình bác Kha, mỗi buổi chiều tôi đều ngó ra cửa sổ mong đợi bóng dáng bố đang từ ngoài sân bước vào, tôi vui khi thấy bố, tôi thất vọng khi bóng chiều ngả màu tối mà bố chưa đến.
Thế là tôi lỉnh vào phòng trong vờ coi tivi để khỏi trông thấy cảnh Linh đang hưởng hạnh phúc bên bố mẹ nó.
Bác Kha gái hay nói với tôi:
- Bố cháu có bồ rồi, bố quên đón cháu rồi.
Tôi đã nhìn bác Kha với vẻ tức giận, bố có bồ chỉ là một ý nghĩ bố đang gần gũi một người nào đó, chứ tôi chẳng hiểu “bồ” là gì cả.
Tôi không muốn tin điều bác Kha nói là sự thật.
Tôi hay khóc thút thít mỗi khi bố đón tôi trễ, đó là một sự phản đối, sự trách móc duy nhất tôi có thể làm.
Vì` nếu tôi nói lên một điều gì đó sẽ bị cắt ngang ngay bằng lời gắt gỏng của bố, cho đến khi ăn xong bữa tối với bố ai về phòng nấy tôi lại khóc tiếp trong đống chăn gối quấn quanh tôi và ngủ thiếp đi.
Dù nhà bác Kha vẫn có những bữa cơm trưa ngon lành, vẫn là cảnh gia đình ấm cúng, nhưng tôi biết những cảnh đó không thuộc về tôi.
Tôi vẫn chỉ là đứa trẻ đứng bên ngoài, tôi càng ngày càng ganh ghét với Linh,
.Tôi không thích đến nhà bác Kha nữa, dù ở nhà tôi cũng có gì vui đâu!
Một chiều đi làm về, bố sửa soạn quần áo của bố và tôi vào hai cái valy.
Tôi lẩn quẩn bên chân bố và luôn miệng hỏi:
- Chúng ta sẽ đi xa hở bố?
- Ừ, chúng ta sẽ về Texas thăm bà nội và cô Nga.
Tôi ngạc nhiên lẫn tò mò:
- Con không biết là mình có bà nội và cô Nga, con tưởng rằng trên cõi đời này nhà mình chỉ có bố, mẹ và con.
Bố tôi cười buồn:
- Ai cũng có họ hàng gần xa chứ, con có cả ông bà ngoại, nhưng họ đã từ bỏ mẹ con, nên họ chẳng bao giờ biết đến con đâu,
còn bên nội con có bà nội và cô Nga, nhưng bố ít khi về thăm họ.
Thôi, mai bố sẽ đưa con về.
Đêm ấy tôi đã ngủ vói một giấc mơ thật đẹp, hai bố con tôi về một vùng đất xa xôi nào đó bên Texas
, Tôi sẽ có bà nội có cô Nga, mọi người sẽ sống gần nhau chắc là vui lắm.
Dù tôi đã mơ thế, nhưng lần đầu gặp bà nội và cô Nga tôi vẫn rụt rè xa lạ.
Tôi luôn nắm lấy áo bố hay bàn tay bố trong khi bà và cô quấn quýt hỏi han bố đủ thứ, rồi bà và cô đều khóc, không biết họ hờn trách hay sung sướng khi gặp bố?
Xong bà nội ôm tôi vào lòng, bà ngắm nghía, vuốt ve từng lọn tóc, từng bàn tay tôi, bà bảo tôi con gái mà giống cha cao ráo.
Bà hôn lên má tôi, tôi cảm nhận được tình thương bà dành cho tôi, cả cô Nga cũng thế.
Tuy cô trìu mến chăm sóc tôi, nên tôi bớt thấy xa lạ và quen dần với họ.Hai ngày sau, tôi thấy bố sắp quần áo vào valy, tôi lo âu hỏi:
- Chúng ta lại về chốn cũ hở bố?
- Chỉ mình bố về thôi, con ở lại đây.
Tôi càng lo sợ hơn, tôi nói mà sắp khóc:
- Bố đừng đi, con muốn ở với bố.
- Bà nội và cô Nga thương con, con đừng sợ. Bố khuyên tôi thế.
- Nhưng con không muốn xa bố.
Tại sao chúng ta không sống như thế này mãi?
- Bố phải về đi làm để có tiền nuôi con chứ.
Bà nội tôi nước mắt ràn rụa cầm lấy tay bố tôi:
- Con cuả con mới 6 tuổi còn bé bỏng, nó đã không có mẹ chỉ còn cha thôi, hãy vì nó mà ở lại, công việc của con ở đâu mà chẳng có, mấy năm nay mẹ cũng không được gần con, đừng đi đâu nữa.
Cô Nga cũng khóc theo và nói:
- Anh hãy ở lại đây, mẹ và em sẽ đỡ đần anh để cùng lo cho cháu.
Nhưng những giọt nước mắt chẳng làm bố tôi thay đổi. 

Mới 2 ngày ở với bà và cô, dù tôi đang cảm thấy thân thương, nhưng bố vẫn là người gần tôi nhất.
Tôi đã quen thuộc với bố từng lúc vui buồn, những lần giận dữ, từng câu nói giọng cười, từng bữa ăn ngon, từng ngày bị bỏ đói.

 Tôi vui khi ở với bà nội, cô Nga, nhưng tôi vẫn không muốn xa bố, hình như tình máu mủ ruột thịt làm tôi hiểu bố là người thân nhất, là nơi tôi cần nương tựa nhất.
Tôi ôm chầm lấy bố gào lên:
- Con không cho bố đi!
Con không cho bố đi!
Bố hất mạnh tay tôi ra, tôi ngã lăn quay trên nền nhà. Bố thương hại đỡ tôi dậy, giọng dịu lại:
- Rồi bố sẽ về thăm con, bố hứa sẽ về thăm con.
Tôi nghẹn ngào hỏi:
- Bao giờ bố về?
Bố nhìn lên tờ lịch trên tường:
- Bây giờ là tháng Mười, hai tháng nữa bố sẽ về, vào ngày Christmas, con chịu không?
Tôi đã xoè tất cả những ngón tay của mình ra và hỏi:
- Hai tháng là bao nhiêu ngày?
Có lâu không?
- Là 60 ngày, mau lắm con. Bố sẽ mang về một Christmas tree để trang hoàng cho con xem, con thích Christmas tree lắm mà.
Mỗi mùa Giáng Sinh đã qua tôi đều say mê thích thú khi được ngắm những cây thông trang hoàng rực rỡ trong những cửa tiệm hay trên đường phố, đôi mắt trẻ thơ của tôi đã mở to ra như muốn mang tất cả những hình ảnh lung linh huyền diệu đó vào trong tâm hồn.
Lúc một vài tuổi thì tôi không biết, nhưng từ khi 4-5 tuổi, tôi chưa bao giờ có một cây Giánh Sinh trong nhà khi mùa lễ đến. Tôi vừa chùi nước mắt vừa nói:
- Bố nhớ nhé, rồi chúng ta sẽ có một cây Christmas, con sẽ phụ bố để treo đèn.
Bố ơi, có phải là đêm Giáng Sinh, ông già Noen sẽ chui từ ống khói để vào nhà và cho quà trẻ con, để dưới gốc cây thông không?
- Có đấy, nhưng bây giờ con phải ngoan để cho bố đi.
Tôi lại chùi nước mắt lần nữa để cho bố vui lòng, vì lời hứa hẹn trở về của bố vào mùa lễ Giáng Sinh với cây thông xinh đẹp.
- Vâng, bố xem này, con không khóc nữa đâu.
Vậy mà chỉ mười phút sau, khi bố vừa xách valy đi ra cửa, tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng và sợ hãi trở lại, tôi chạy theo bố, nước mắt lại rơi ra:
- Bố ơi !
- Vào nhà với bà nội đi. Bố tôi gắt
- 60 ngày nữa bố về nhé?
- Ừ, bố hứa rồi mà.
Tôi vẫn không muốn rời bố:
- Nhưng….nhưng….nếu bố quên, làm sao con nhắc bố được?

 Bố cho con số điện thoại của bố đi…..
Bố tôi bực mình đặt valy xuống đất, rút túi xé một mảnh giấy trắng nhỏ bằng bàn tay, viết vội vài con số rồi đưa cho tôi:
- Số điện thoại đây, thôi để bố đi.
Tôi nắm chặt tờ giấy như nắm chặt một báu vật, làm như tờ giấy mất thì tôi mất luôn cả bố. Bà nội đã ôm tôi, cả hai bà cháu đều khóc.
Tối hôm ấy tôi hỏi bà nội : Bây giờ bố về đến nhà chưa?
Bà nói rồi, là tôi len lén vào phòng, đóng cửa lại.
Cầm phone lên tôi bấm đủ các số bố đã ghi trên mảnh giấy, với lòng rạo rực được nghe thấy bố nói, nhưng không ai trả lời, cõi lòng mơ hồ thất vọng, tôi nghĩ là bố đang trên đường trở về nhà hay bố đang ngủ nên không biết là tôi đã gọi.
Ngày mỗi ngày tôi đều lén vào phòng gọi phone cho bố, nhưng chẳng lần nào được gặp bố, tôi xấu hổ, sợ bà nội và vợ chồng cô Nga đọc thấy nỗi lòng mong đợi của tôi .
Tôi là đứa trẻ mỏng manh, yếu đuối, không đủ kiên nhẫn chờ đợi 60 ngày sau bố sẽ trở về.
Ngày nào tôi cũng hỏi bà nội còn bao nhiêu ngày nữa là Christmas, hình ảnh bố về với cây thông làm tôi náo nức.

 Cho đến ngày cuối cùng thì cõi lòng tôi tan nát như một cái ly thuỷ tinh vừa bị đánh rơi trên nền gạch.
Bố không về như đã hứa, chỉ có cây thông của vợ chồng cô Nga, cây thông to đẹp, được trang hoàng đủ màu sắc nhưng vẫn không làm tôi vui, tôi cảm thấy bị tổn thương, bị bỏ rơi.
Tôi vẫn muốn liên lạc được với bố, để nghe bố nói hay giải thích tại sao, miễn là tôi vẫn cảm thấy bố đang ở bên cạnh tôi. 

Tôi sợ mình đã không biết cách gọi phone, cuối cùng tôi đưa mảnh giấy ra nhờ bà nội và vợ chồng cô Nga gọi giùm, vẫn biệt tăm biệt tích, không biết bố ở đâu!
Bà nội thở dài:
- Cháu ơi, chắc bố cháu bận làm việc đấy. Thôi đừng gọi nữa, không Christmas này thì Christmas sau bố sẽ về.
Lòng tôi đã bớt náo nức chờ mong vì mùa sau xa xôi quá, 60 ngày qua tôi đã chờ đợi biết bao lâu!
Tôi cũng không xoè cả hai bàn tay ra để đếm nữa, dù trong lòng vẫn hi vọng vào lời ước đoán của bà, nhưng mảnh giấy mà bố tôi xé vội để ghi số điện thoại, tôi vẫn giữ kỹ, vẫn tin đó là nhịp cầu duy nhất để nối liền tôi với bố, để tôi có thể gặp bố.
Chẳng phải chỉ mình tôi mong bố về mà bà nội và cô Nga cũng mong.
Nhưng đứa con hư của bà nội chẳng bao giờ trở về, mấy năm trời biệt tăm biệt tích, bà nội mới nhận được tin bố từ một người khác, họ báo tin bố tôi đã chết vì trúng gió, họ chỉ nói đơn giản thế.
Năm ấy tôi mới 10 tuổi, về sau tôi càng lớn càng biết nhiều về bố do bà nội và cô Nga kể lại.
Bà nội chỉ có hai người con là bố và cô Nga, vì bố là con trai nên bà nội rất cưng chiều,
Bố chẳng lo học hành, chỉ rong chơi cho tới lớn, rượu chè, cờ bạc và bồ bịch với đủ hạng người.
Bố ăn ở với một cô gái dân chơi bụi đời, bà nội ngăn cản không được, đành chịu thua số mệnh , bố mang người yêu đi sống ở một phương trời khác và từ đó chẳng hề liên lạc với bà nội cho tới ngày mang tôi về.
Tôi quả là một đứa trẻ bất hạnh khi có cả cha lẫn mẹ đều hư hỏng, nhưng tôi may mắn có bà nội và vợ chồng cô Nga.
Tôi đã xé nát mảnh giấy năm xưa có ghi số điện thoại của bố, mảnh giấy tôi đã giữ kỹ suốt 4 năm trời.
Đó chỉ là một sự lừa dối khủng khiếp , những con số đó không có thật , do bố bịa đặt ra , những lời hứa hẹn ngon ngọt chỉ để làm xiêu lòng một đứa trẻ lên 6 , để bố được thoải mái ra đi, sống theo con đường của mình.
Theo lời chỉ dạy của bà nội, của vợ chồng cô Nga, tôi đã chăm chỉ học hành.
Tôi nhận thấy đây là mái ấm gia đình của tôi, vợ chồng cô Nga đã liên tiếp có 2 đứa con, dù chúng cách tuổi tôi khá xa, nhưng chúng tôi vẫn thương yêu gắn bó nhau như chị em ruột . Mỗi khi rảnh tôi hay ôm bà nội, thủ thỉ :
- Bà ơi, sau này cháu sẽ đi làm nuôi bà, cháu sẽ làm ra nhiều tiền để cho bà sung sướng.
Bà nội vuốt đầu tôi, âu yếm:
- Bà chỉ mong mỗi một điều được thấy cháu ăn học nên người, không hư hỏng như bố cháu, thì chết bà cũng vui.
Bà đã đạt được ước nguyện đó và còn chứng kiến ngày tôi lên xe hoa với một người chồng hiền lành tử tế,
Anh đến với tôi bằng tình yêu và được cả gia đình tôi hài lòng tin tưởng,
Bà nội tôi từ trần khi con tôi vừa một tuổi, trên gương mặt bà giây phút cuối còn hiện lên vẻ thanh thản mãn nguyện.
Cây thông tươi xanh được trang hoàng thật đẹp, những đèn đủ màu sắc, những sợi dây kim tuyến lấp lánh, và những tấm thiệp hớn hở treo đầy cành.
Vợ chồng tôi đều thích chưng cây thông tươi vào mỗi mùa lễ Giáng Sinh, như mang cả thiên nhiên vào căn nhà ấm cúng khi ngoài trời gió lạnh đầy.
Có lẽ đây là cây Christmas mà thuở lên 6 tôi đã mong mỏi đợi chờ nơi bố, thì bây giờ tôi mang niềm vui và hạnh phúc đó cho con tôi, những gì mà khi xưa tôi không có,
Tôi đều bù đắp cho con nhiều lên, con tôi đâu hiểu rằng nó đang sống giùm tôi một quãng đời tuổi thơ mơ ước khát khao.
Đêm Chúa Giáng Sinh, hai vợ chồng và con tôi quây quần bên gốc cây thông để mở những gói quà xinh đẹp,
Tôi đọc thấy trong mắt con tôi cả một khoảng trời xanh ngây thơ và hạnh phúc, lòng tôi rạt rào niềm vui, niềm hãnh diện, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên quá khứ của tôi,Lòng tôi không nghĩ tới việc oán trách bố mẹ, mà để thương cho những cảnh ngộ trẻ thơ như tôi
. Có biết bao đứa trẻ đã bị ghẻ lạnh, bị bỏ rơi trong những ngày lễ tết cuối năm đầy màu sắc tươi vui và nhộn nhịp này!!
Khi treo những cánh thiệp mang đầy lời cầu chúc, lời ước nguyện tốt lành trên cành cây Christmas, tôi đã nghĩ đến chúng.


Như An 

                   

Đọc & suy ngẫm


Sách Hoài Nam Tử có chép một câu chuyện như sau:"Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần Trường thành, có nuôi một con ngựa.
 Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng.
 Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.
Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tỉnh nói: Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi.
Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ.
Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão, và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây.
Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói:

 Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.
Con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi.
 Con ngựa Hồ chưa thuần nết nên nhảy loạn lên.
Có lần con ông lão không cẩn thận để ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi, khiến con ông lão bị què chân, tật nguyền.
 Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế.
Ông lão thản nhiên nói:

 Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà được phúc.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. 

Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan
 Bình luận của sách Hoài Nam Tử:
 Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa.

 Họa Phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái kết quả của nó.
Do đó, người đời sau lập ra thành ngữ: Tái ông thất mã, an tri họa phúc.

 Nghĩa là: ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc.
  Hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau, khó biết được, nên khi được phúc thì không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái họa sẽ đến; khi gặp điều họa thì cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn hại tinh thần.

Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên bắt chước tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống.đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính, được sống sót ở gia đình."
      St 

Chùm truyện ngắn Trần Hoàng Trúc

 
1. BIẾT CHẾT LIỀN

Ở xứ sở Hiểu Biết có 4 mẫu người: Biết Ít, Biết Vừa, Biết Nhiều và Biết Hết.
Điều oái oăm là Biết Ít luôn tự nhận mình Biết Nhiều;
Biết Vừa luôn cho rằng mình Biết Hết;
Biết Nhiều luôn khẳng định mình Biết Vừa;
Còn Biết Hết lúc nào cũng lắc đầu rằng mình Không Biết.
Một hôm có khách lạ đến hỏi tìm Biết Hết.
Biết Ít chỉ ngay vào Biết Nhiều: Đấy!... 
Biết Hết đấy!
Biết Vừa không đồng ý: Ta mới là Biết Hết!
Duy có một người đứng gần đó chỉ tủm tỉm cười. Khách vốn biết nhiều nên cất giọng suy đoán:
- Hẳn là anh rồi!
- Tôi á? 
Không! 
Tôi mà Biết Chết Liền!

2. NGHỊCH CẢNH
Ngày nọ, Thạch Sanh vác rìu vào rừng và nhận ra không còn củi để đốn.
 Chàng đi mãi, đi mãi vẫn chỉ thấy những gốc cây trơ trọi. Đêm, nguớc nhìn mặt trăng, chàng chậc lưỡi tiếc rẻ: Giá cái cây ấy đừng bay lên trời!
Sau nhiều ngày vô vọng, chàng trở về tay không.
 Nào ngờ bắt gặp vô số Lý Thông đến mức chẳng nhận ra ai là thật.
 Thạch Sanh vỗ trán, giậm chân kêu trời:
- Nghịch cảnh!
 Nghịch cảnh!
 Củi thì hết mà Thông lại mọc đầy!

3. BẢN LĨNH

Ở chính diện tiệm thuốc bắc là những keo rượu óng ánh màu hổ phách, bên trong ngâm đủ loại động vật, hầu hết chúng đã hôn mê.
Duy có hải mã vẫn còn thoi thóp, nó nhìn sang bìm bịp đang dập dềnh, cất giọng buồn bã:
Vì cái gọi là “bản lĩnh đàn ông” chúng ta sớm muộn cũng sẽ bị tận tuyệt như tê giác mà thôi!
Bìm bịp hấp háy mắt, giọng khoan dung:
Thôi thì cứ cho là vì con người không có bản lĩnh nên đành trông vào chúng ta vậy.

4. CUỐN

Nước lũ đã dâng sát nóc nhà nơi chị nhấp nhổm chờ chồng quay lại.
Trước đó không lâu, anh đánh liều đưa các con đi trước. Nhìn chiếc xuồng chở ba cha con chòng chành giữa dòng nước xiết, lòng chị như lửa đốt.
Rồi nước rút, họ cũng trở về.
Một hôm thấy trẻ hàng xóm đùa nghịch ầm ĩ trước sân, chị lên tiếng nhắc nhở:
Mấy con đừng ồn để anh chị học bài.
Lũ trẻ kinh hoảng: Nhà có ai đâu cô?
Thằng Hai với con Út đang ngồi học kia mà!   Chị chỉ tay vào khoảng không, giọng chắc nịch.
Lũ trẻ xanh xám mặt mày, co giò ù té chạy.

5. THÊM MỘT NGƯỜI ĐẶC BIỆT

Anh đã có vợ, nàng đã có chồng, họ hẹn gặp nhau vì công việc. Việc xong, anh nhìn sâu vào mắt nàng:
Em rất đặc biệt, em biết không?
Nàng nhún vai:
Em tưởng với đàn ông, phụ nữ nào cũng đặc biệt.
Ánh nhìn anh thiêu đốt:
Anh không như những đàn ông khác, thời gian sẽ chứng minh.
Được dăm hôm, nàng tình cờ bắt gặp anh đang tình tứ sóng đôi cùng một cô gái trẻ đẹp. Trông thấy nàng, anh thoáng bối rối.
Nàng mỉm cười chào anh, ánh mắt như thầm hỏi: “Lại thêm một phụ nữ đặc biệt hả anh?”.
 
                     Trần Hoàng Trúc

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Ngọn Nến Muộn Màng

                        
             
     Em đứng thẳng cho anh nhìn vàomắt

Anh vớt hộ em những giọt long lanh 
  Con sông chảy cả một thuyền quá khứ 
  Trong mắt em ngơ ngác đám lục bình
Em đứng nghiêng cho anh nhìn sóng lượn 
  Đêm màu xanh hay biển tóc em xanh  
Gió thổi ngược tóc bay về dĩ vãng 
  Có sợi nào còn vướng ngực áo anh


Em cúi xuống cho anh hôn lên gáy  
Kỷ niệm gầy như những chiếc xương vai 
  Hương phấn đó em mang từ tiền kiếp
  Cho anh ôm tình cũ một vòng tay


Co chân lên cho anh nâng gót nhỏ
  Gót chân son nôn nả nhịp xe đời
  Nói cho anh chuyến tàu nào em lỡ Sân ga nào còn giữ lệ em rơi
Em ngồi xuống đêm không còn trẻ nữa 
  Cánh chim bay tha hết cọng thời gian 
  Trên vai anh em gởi đời cát lở
Tình thắp cho em ngọn nến muộn màng
Trần mộng Tú