Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Giá trị khoảng lặng

Bạn thân mến,
 vậy là những ngày cuối cùng của tháng 10 sắp đi qua, dường như chúng ta đang sắp khép lại một năm.
 Những tháng cuối của năm này, hình như mọi người ai đó cũng tất bật hơn, cũng vội vã hơn, đề hoàn thành tốt mọi công việc, mọi dự định và ước mơ còn dang dở. 
Cuộc sống vốn bộn bè, tấp nập như vậy nhưng ta vẫn luôn có những khoảng lặng. 
Ở đó, không có sự ganh đua, không có những cuộc tranh luận to tiếng, càng không có những cơn nóng giận vô cớ...
 Ở đó, ta tìm thấy mình trong sự tĩnh lặng, ta trải đều những cảm xúc trong suy nghĩ của riêng ta.
  Để rồi ta hiểu ra rằng mình không chỉ biết lắng nghe mà ta còn dừng lại để biết yêu thương nhiều hơn.
St

Người Về Như Bụi


vàng trang sách xưa
người ̀ như mưa
soi tìm dấu cũ
tôi buồn như cỏ
một đời héo khô
tôi buồn như gió
ngang qua thềm nhà
thấy ai ngồi đợi
bóng hình chia đôi
sầu tôi lụ khụ 

người ̀ như sóng
buồn tôi quanh năm
người ̀ như đêm


tình tôi phập phều
những tăm phụ bạc
lòng tôi gian ác
dấu trong miệng cười 

người ̀ như sương
ẩn sau hang động
người ̀ trong gương
thấy mình mất tích 

người ̀ như sông
tràn tôi, lụt lội
hồn tôi thả nổi
như khóm lịc bình
sầu ai ̀ cội 


1974
 Du Tử Lê

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Và tách cà phê đã nguội




Người thích uống cà phê đều biết rằng nếu cà phê đã nguội thì đừng đem hâm nóng, vì vừa mất đi hương vị vừa tăng vị đắng gấp nhiều lần. Cũng giống như vậy, những gì đã cũ, đã không còn trong thì cũng xin để nó được ngủ yên hoặc vĩnh viễn biến mất.
 Để khi nghĩ về nhau, khóe môi sẽ được dịp nở nụ cười…" 
- Hamlet Trương 
Đêm đặc quánh, miên man qua làn hơi trắng mỏng manh…
 Hơi ấm vụt tan rất nhanh giữa tiết trời quá sương giá của Hà Nội cuối năm.
 Mỗi khi chỉ còn lại một mình, bên ly cà phê đặc quánh thăm thẳm như màn đêm, mình ngồi viết nhật ký cuối ngày và cho một ngày mới. 
Đôi khi, chẳng gì cả, chỉ là vài ba dòng cảm xúc vu vơ, vài ba dòng ghi chép lại sự kiện trong ngày, nhưng thói quen viết nhật ký đã hình thành kể từ khi mình bắt đầu biết viết. Ngày bé, cuốn nhật ký chỉ toàn hình vẽ, vẽ về cuộc sống xung quanh, vẽ về những việc làm trong ngày.
 Lớn dần, những hình vẽ ngộ nghĩnh thay bằng những con chữ, cứ ngày một dài ra.
 Mình có một thói quen bất di bất dịch, khi một cuốn nhật ký kết thúc - là số phận của nó cũng sẽ chấm dứt như cách mình luôn để một trang cuối cùng, chẳng viết gì cả, chỉ để ghi lên đấy một dấu chấm hết thật to. 
Và cuốn nhật ký sẽ hóa thành tro bụi bởi vì đó là cách để mình bắt đầu với những trang mới của cuộc đời.
 Người ta không thể quên quá khứ, nhưng không được phép lưu luyến nó, cho dù quá khứ có đẹp như một đóa hồng.
Mình luôn pha cà phê nóng, đặt bên cạnh, đôi khi uống cạn, đôi khi uống vơi, nhưng một khi nó đã nguội - mình sẽ đổ đi, chứ không đem nó đi hâm lại.
 Chỉ bởi vì mình ghét - những thứ đã cũ, đã vỡ, đã nguội - không bao giờ mình cố gắng làm cho nó trở lại nguyên vẹn như trạng thái ban đầu, một là chấp nhận hai là từ bỏ. Chỉ vậy thôi… 
Và tách cà phê đêm nay của mình đã nguội mất rồi… có lẽ, pha cà phê chỉ là để pha, còn uống hay không, còn tùy thuộc tâm trạng!

                Mộc Diệp Tử

             

Tân định của tôi

Tôi đi để lại đường xưa
Cùng bao kỷ niệm nắng mưa bên đời …

Chả hiểu tại sao nhưng hễ cứ nghe ai nhắc hoặc nói đến hai chữ Tân Định là tôi lại thấy lòng nao nao, xúc động một cách kỳ lạ.
Không kềm được. 

Chỉ mới nghe đến hai chữ Tân Định không thôi là đã thấy cả một quãng đời thơ ấu thần tiên như hiện ra trước mắt với biết bao kỷ niệm vui buồn thân yêu, cả một thời mới lớn vô tư đầy mơ với mộng, và cũng cả … một thời “đổi đời” khốn đốn chật vật lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc….

Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa đó
Đầy ắp trong tôi dìm hơi thở
Sắp xếp làm sao những mến thương
Cho tròn nỗi nhớ khung trời cũ .

Đã ở Saigon ai mà chả biết hoặc chưa từng đi ngang qua nhà thờ Tân Định?

 Qua Hai Bà Trưng, con đường chính nối liền Phú Nhuận và … cứ thế đi thẳng tắp lên phố?
Đi thẳng ra chỗ tượng đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, giang sơn của Hải Quân thì có lẽ chính xác hơn, nhưng phố Catinat và Bonard cũng đã nằm lẩn quẩn gần đâu đấy, chỉ cách có vài bước.
Cái đất Tân Định của tôi có nhiều… thứ nổi tiếng lắm nhé.

 Rất rất nhiều thứ. Những nhân vật trứ danh của vùng quận nhất Tân Định nói chung, và khu Nhà Thờ của tôi nói riêng, thì … ối thôi hằng hà vô số, nhớ sao cho hết và kể sao cho xuể?
Một thí dụ nôm na thôi, tầm thường thôi, nhưng chắc chắn sẽ còn rất nhiêù người vào lứa tuổi sồn sồn như tôi khó mà quên cho được…
Chú Hòa (còn được gọi một cách thân mật là Chí Hòa) có cái xe đẩy bán sirop đá bào ở đầu cái hẻm đối diện với nhà thờ Tân Định.
Những buổi trưa nắng gắt mà được sà vào dầm dầm khuấy khuấy một ly “đá nhận” thoang thoảng chút mùi chanh muối rồi chấm chấm mút mút từng muỗng đá bào có xịt xịt tí sirop mâù xanh mâù đỏ, thì cứ gọi là coi ông mặt trời như …nơ-pa, đã khát và mát ruột gì đâu !
Lại nhớ hồi tôi còn đầu tắt mặt tối với cái quán café cóc (sau 75 âý mà, buôn bán nhì nhằng chỉ mong kiếm đủ tiền đi chợ hằng ngày thôi, có mấy ai mà chẳng phải thế, như tôi, nhỉ ?
 

cũng ở ngay đầu hẻm, đã biết bao lần chú Hòa thương hại “giải vây” cho tôi vay tạm từng cục nước đá BGI để tôi phục vụ bán cà-phê “sữa đá” hay “đen đá” cho những người vừa tan lễ nhà thờ ùa vào hàng loạt … khiến tôi lính quýnh tíu tít pha pha chế chế luôn tay không kịp thở và cái thứ hàng gì tôi bày bán cũng hết sạch nhẵn, chỉ trong nhấp nháy, sau những giờ tan lễ ngày chủ nhật.
Cái quán cà-phê cóc của tôi thật ra thì chả có mấy người còn nhớ đến, nhưng nức tiếng lắm lắm cả Sài Gòn lẫn Chợ Lớn là (quán đàng hoàng) Café Thu Hương nằm gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ Hiền Vương (đường Mayer cũ và bây giờ hình như là Võ thị Sáu thì phải).
Ngày xưa, lúc đang còn trong thời kỳ nhắng nhố… sắp sửa thành người lớn, bọn ghiền ngồi cà-phê chúng tôi cứ phân vân không biết phải chọn cà-phê Văn Hoa Dakao hay Thu Hương Tân Định để được nghe những bài nhạc ngoại quốc “mới ra lò”, thịnh hành nhất, rô-măng-tic nhất …
Văn Hoa thì nhạc hay, âm thanh hay và có mấy cô caissières yé yé xinh xẻo nhưng cà-phê lại chỉ tàm tạm thôi nên chúng tôi đóng đô Thu Hương thường hơn, vả lại những hôm lười đi xa, tôi chỉ việc băng qua đường là đã tới, gần xịt.
Gần xịt hơn nữa là cái quán bánh xèo Đinh Công Tráng rộn rịp từ xế xế chiều cho đến tối khuya, lúc nào cũng tấp nập người và xe. Nghe nói sau gần 40 năm rồi mà đến bây giờ vẫn còn tấp nập xe và người, cả ngày lẫn đêm nữa cơ đấy!
Đi quá thêm vài ba bước nữa là tới cái ngõ hẻm của nghệ sĩ Tùng Lâm, danh tiếng thì cả nước biết.

 Tôi thường đi băng tắt ngang cái hẻm này mỗi ngày để ra chợ, cái hẻm đâm thẳng vào hông chợ, đầu hẻm có xe nước miá (pha lẫn với dâu Đàlạt) của chị Tám, trời thần ơi là ngon, nhất là được uống vào những buổi tối cúp điện.
Có lẽ chưa có loại nước uống nào trên thế giới, theo tôi nghĩ, mà vừa rẻ, vưà đã khát, vừa ngon lại vừa bổ như nước miá, nếu đừng để ý đến cái đám nhặng xanh bay vần vũ trên những xác mía đã được ép lâý nước rồi, cũng như những đẵn miá chưa ép.
Cứ gì phải ra tận ngoài Hà Nội để mò đến Chả Cá Lã Vọng mới thưởng thức cho được cái món chả cá thìa là chấm mắm tôm? chả cá Sơn Hải ở ngay ngã ba Lý Trần Quán và Đinh Công Tráng (còn gọi là Calmette) mà không ngon ư?
Cứ gọi là lịm cả người đi âý chứ! Và trong cái ngõ hẻm sát kế bên còn có một nhân vật, lúc còn sinh thời, đã từng làm mưa làm gió trong giới điện ảnh hồi đó: tài tử Đoàn Châu Mậu, bố của Tuyền, cô bạn học cùng lớp với tôi ở M.C. và cùng học violon với ông xã nhà tôi ở trường Quốc Gia âm nhạc.
Một cô bạn tính tình hiền hậu, lành như cục đất, ai nói gì cũng chỉ ngỏn ngoẻn cười. Cô bạn này của tôi đã có dạo, trước 75 một chút, cùng với Đức Huy là một Duo khá nổi tiếng trong làng ca nhạc Saigon.
Cha Tr. của giáo xứ Tân Định những năm 70 cũng là một nhân vật được nhắc đến khá nhiều, nhất là trong giới trẻ. 


Một thần tượng, một… hiện tượng lạ thì đúng hơn, đáp ứng được cái “máu hippie” của bọn choai choai chúng tôi thuở bấy giờ. Những buổi lễ của Cha, dành riêng cho giới trẻ, lúc nào cũng đông nghẹt!
Bọn con gái chúng tôi mê nhất là bộ râu quai nón của Cha, giọng nói từ tốn “lịm cả hồn” và những bài giảng rất là giản dị và cởi mở, những bài thánh ca soạn theo thể loại mới, nghe mà cứ “ngơ ngẩn cả người” vì… hay!

 Tôi biết, đã có khối con chiên ghẻ bỗng dưng trở thành ngoan đạo, chăm chỉ sốt sắng đi lễ nhà thờ không bỏ sót chủ nhật nào cũng chỉ vì …Cha, và trong số những con chiên ghẻ đó có tôi.Sát bên nhà thờ Tân Định là trường Thiên Phước.
 Ngôi trường đạo này là của các Sơ, chỉ nhận toàn con gái và có một đặc điểm rất dễ thương là bắt các nữ sinh phải mặc đồng phục váy mầu hồng thay vì mặc váy mầu xanh nước biển đậm và blouse trắng như các trường đạo khác (Couvent des Oiseaux, Régina Pacis và Régina Mundi… chẳng hạn).
Cứ đến giờ tan học là cả khu Tân Định nhộn nhịp hẳn lên với một đàn bướm mầu hồng khổng lồ ríu rít túa ra xúm đông xúm đỏ các gánh hàng rong túc trực sẵn trước cổng trường, trông vui mắt đáo để. Quà vặt của vùng Tân Định là có tiếng đâý.

 Có tiếng là ngon! Mà cũng có tiếng là đắt! Chả thế mà người ta vẫn thường kháo với nhau là “chợ Tân Định chỉ dành riêng cho những dân nhà giầu, bán toàn hàng “tuyển” nên mắc như quỷ (?).
Mà cũng đúng thôi, tiền nào của nấy!”
Chẳng ngoa tí nào sất, thật, dân vùng Tân Định phần lớn là “có máu mặt” cả mà!
Những ngôi nhà lịch sự xinh xắn trong các con hẻm tương đối rộng rãi nếu so với những con hẻm của các vùng khác, và những cửa tiệm khang trang buôn bán sầm uất ngoài mặt đường đã nói lên rằng thì là…
Quận Nhất không phải khi khổng khi không mà được gọi là Quận Nhất, nghĩa là nhất trong các quận của Saigon! Và những lý do để dẫn chứng thì kể đến mai, mốt cũng chưa hết.
Trước tiên phải kể đến lý do … yên ổn: năm 68 trong trận Mậu Thân, cái đất Tân Định chả suy xuyển một mảy may nào, ở đâu nhốn nháo chứ quanh vùng tôi ở vẫn cứ êm ru bà rù.

 Và kiểm lại trong ký ức, tôi rất ít khi nghe nói tới các băng đảng anh chị xuất thân hay những hành vi phạm pháp xuất phát từ cái xứ Tân Định.
Chỉ cần nhiêu đó thôi, thế đã đủ là lý do chính đáng hàng đầu chưa nhỉ, để chán vạn dân Saigon ôm ấp giấc mơ có được “hộ khẩu” trong vùng này? Thế thì văn hóa nữa nhé?
Yểm Yểm thư quán trên đường Trần văn Thạch chắc nhiều người trong giới chữ nghĩa vẫn chưa quên.

 Còn nữa, đối diện với chợ Tân Định ngay đầu cái xóm sát với nhà thuốc bắc Kim Khuê (có trưng một ông hổ to thật to, và thật, đứng chình ình trong tiệm) là chỗ cho mướn sách với một kho truyện phong phú không thể tả được! Trên thì giời dưới thì sách, thôi thì không thiếu một thể loại hay tác giả danh tiếng nào. Những Văn Bình Z.28,
 “Lửa cháy Thành Phiên Ngung”, “Thủy Hử” hay Kim Dung hay Duyên Anh hay Ian Fleming .v..v.., đã góp cái vốn kiến thức cho biết bao già trẻ lớn bé không chỉ vùng Tân Định.
Còn giới văn nghệ sĩ tụ tập trong vùng này thì đông vô số kể. Nào là nữ ca sĩ Bạch Quyên và Tuyết Mai của những năm “hồi đó lâu lắm rồi”, nào là nữ diễn viên kịch Mỹ Chi, nào là nữ sĩ Nguyệt Hồ nổi tiếng như cồn nhờ tài bói bài tây…
Nói chi đâu xa, cũng vào đầu những năm 60, ngay trong cái ngõ trước cửa Nhà Thờ của tôi, ông hàng xóm sọan giả Hoàng Khâm là … số dzách trong làng cải lương.
Mỗi tối khuya mà thấy ông bách bộ đi tới rồi lại đi lui, phiá bên kia đường nhà thờ, để vắt tim nặn óc viết kịch bản dựng tuồng cho các gánh hát (hạng nhất thôi đấy nhé) là thiên hạ xung quanh nhìn bằng con mắt ngưỡng mộ ghê lắm.
Hiệu uốn tóc Mô-Đéc (dấu sắc) sát bên nách hiệu thuốc tây của nhà tôi cũng được các tài tử giai nhân của cả Sài Gòn tận tình chiêú cố. Cô em Lìn Dí làm chủ tiệm này còn bà chị Lìn Chế có thêm một tiệm nữa, cũng tên Mô-Đéc, nhưng nằm trên phố, đường Lê Lợi.
Hai tiệm này lúc nào cũng đông nghẹt, nhất là vào những mùa Noel hay Tết, dễ thường khách đến “làm đầu” phải chờ đến cả tiếng đồng hồ mới được phục vụ.
Chú Cóong, chú Cai có những bàn tay bằng vàng, được các bà các cô “tán tiu” nhiều nhất. Cứ vào đây là khắc biết hết tuốt tuồn tuột những chuyện “trong nhà ngoài phố” của … cả làng trên xóm dưới, bảo đảm!
Chỉ cách nhau chưa đầy ba phút đi bộ mà cái vùng tôi ở có đến hai rạp ciné. Bên hông chợ là rạp Mô-Đẹc (dấu nặng) và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành.
Hai rạp này thay phiên nhau chiếu những phim Ấn Độ và cao-bồi hay ra phết, thỉnh thoảng để thay đổi không khí lại mời các gánh Cải Lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn tuồng.
Đấy là những dẫn chứng (mê ly chưa?) liên quan đến “cái đâù” mà tôi chỉ đại khái sơ qua thôi.
Còn “cái bụng” ư?

 Hai con đường Hiền Vương và Pasteur với một dẫy các hàng phở, món quốc hồn quốc túy vang danh khắp năm châu bốn biển, chả là cái nôi của nền văn hóa ẩm thực của nước Việt Nam đó sao?
Dân sành sõi chỉ ăn phở thịt bò ở Pasteur hay phở gà trên đường Hiền Vương.
Và Phở Pasteur đã trở thành bảng hiệu của vô số tiệm Phở, điển hình là ở Boston bên Mỹ, của Mr. Lê D.
Tiệm bán giò chả Bạch Ngọc và Phú Hương, cũng trên đường Hiền Vương thì … lọ là phải ngôn, nổi tiếng quá xá trời là ngon không đâu bằng.

 Bánh dầy, bánh giò, chả cốm, chả quế, giò lụa, giò bò không chê vào đâu được! Ăn giò chả của hai tiệm này với bánh mì nóng hôi hổi của lò Poitou gần đấy thì ngon phải biết, quên cả chết!
Ăn rồi lại muốn xơi thêm
No căng nứt bụng, cứ chêm, vẫn thèm …
Tôi còn nhớ, mãi, trong chuyến viếng thăm Little Saigon, cái cảm giác ngạc nhiên đến sững sờ khi bước chân vào lò giò chả Thái Bình trên đường Brookhurst.
Cầm khoanh chả bò trên tay, cái mùi rau thìa là ngào ngạt xộc vào mũi, xông thẳng lên óc.
Chao ôi là quen thuộc! là thân yêu! 

Trong một lóe chớp, dường như tôi thấy cả một quê hương Việt Nam, cả một bầu trời Tân Định ùa đến trước mặt.
 Tôi lặng cả người. Từ khi bị xa xứ, gần hai chục năm rồi, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được ngửi lại cái mùi chả bò quyến rũ này.
Quyến rũ kỳ diệu cái khứu giác. Tôi cắn ngập răng, nghiến ngấu, mê mẩn.

 Quyến rũ thần tình cái vị giác.
Không ngờ cái mùi, cái vị của một món ăn lại có sức khơi dậy kỷ niệm mãnh liệt dường âý. Tả làm sao cho xiết những xúc động của tôi lúc đó, lúc mang cái tinh túy đặc biệt của xứ sở tôi vào lòng?
Cám ơn lò giò chả Thái Bình đã cho tôi tìm lại hương vị độc đáo không bao giờ quên được này.
Cám ơn cả Van´s bakery với những ô mai, những bánh mứt đủ các loại, gợi cho tôi nhớ biết mấy cái tuổi nhỡ nhỡ nhàng nhàng, lúc nào trong túi cũng sẵn, trong miệng cũng ngậm, ghiền ô mai như trẻ con nhai kẹo chewing-gum.
Tôi mua nhiều lắm, mỗi thứ ô mai “Bắc Việt” mấy lạng, đem về Đức, để khi nhấm nháp thì nhớ ngược trở lại những ngày phiêu lưu, ôi tuyệt vời, bên Cali.
Nhưng thôi, đấy là một “thế giới nhớ” khác vẫn rất rất đậm nét (còn mới toanh), bây giờ tôi đang nhớ Tân Định, nhớ cái khu Tân Định của tôi cơ mà.
Tôi đang kể đến đâu nhỉ?
Gì nữa nhỉ?
À, cái quán điểm tâm cơm tấm bì gần bên trường dậy lái xe hơi của ông nghị sĩ Huyền, cũng vẫn trên đường Hiền Vương, không thể không góp phần vào “nghệ thuật ăn uống” của vùng Tân Định.
Cô Mỹ Trinh, cô láng giềng của quán này bây giờ lại góp phần vào nền kịch nghệ hải ngoại bên Mỹ nữa đâý.
Và nhắc đến tiệm hòm Tobia thì không ai là không biết. Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà thôi, tôi đã thấy bảng hiệu Tobia ở miền Nam Cali nữa cơ. Hình như bây giờ nằm trên đường Newland
street của thành phố Westminster, trước đó thì trên đường Edinger?
Không biết tiệm bán hòm này có liên hệ gì với vợ chồng Bùi và Cathy Tobia Tân Định, những người vẫn hay … ngồi cùng chiêú với vợ chồng tôi vào những ngày cuối tuần, hồi còn ở bên nhà?
Những “tai to mặt lớn” cũng không thiếu, khét tiếng nhất phải kể đến ngài “Th. đen” với chiếc xe Camaro độc nhất vô nhị, luých vô cùng, nhất xứ, vào những năm đầu 70.
Đối diện với tư dinh (bên trong cũng luých không kém, sau 75 trở thành trường Mẫu giáo) của ông vua điện lạnh này là tiệm Trinh shoes.
Một biệt danh lẫy lừng trong giới ăn mặc thời trang của Saigon: Hảo‘s Trinh shoes, giới trẻ “xịn” thời đó ai mà chẳng biết?
Sở dĩ nói vòng vo, nhắc nhở tùm lum là tại vì … nhớ quá đấy mà.
Chả là đêm qua nằm mơ, tôi thấy tôi đang đi chợ hoa, những ngày giáp Tết, ở bên nhà, ở Tân Định, ở trước cái cửa hàng Pharmacie nhà tôi.
Tự dưng thấy quặn ruột nhớ nhà, nhớ Tân Định, nhớ cái không khí tấp nập không có chỗ len chân trên những ngã đường xung quanh nhà thờ vào những đêm Noel, nhớ cái tíu tít rộn rịp mua sắm của những ngày sắp Tết, nhớ lung tung, nhớ đủ thứ, nhớ ơi là nhớ, nhớ quay nhớ quắt, nhớ như điên như dại, nhớ chín ruột chín gan, nhớ quá lắm …
Tân Định của tôi ơi !


Trong chuyến Mỹ du vừa mới đây, mấy tháng trước, tôi như tìm thấy lại được một phần nào cái hồn của quê hương tôi trên xứ người.
Đứng giữa khu Phước Lộc Thọ, bên tai nghe ríu rít đủ các thứ giọng của cả ba miền Trung Nam Bắc, trước mặt và xung quanh chỉ toàn những khuôn mặt của người cùng xứ sở, tôi thấy nỗi buồn tha hương vơi đi rất rất nhiêù.
Và dường như tôi hít thở được mùi vị của quê hương tôi đâu đây, trên những tấm bảng hiệu đề chữ Việt, qua những món ăn thức uống thuần túy của dân tộc tôi, và có đôi lúc tôi đã thoáng bắt gặp cái khu Tân Định ngày xưa của tôi, ẩn hiện, bàng bạc, ngay trong khu thương xá này, cách nửa vòng trái đất chứ không phải ở trong lòng nước Việt Nam.

… Ai về Tân Định xóm tôi
Cho tôi nhắn nhủ đôi lời nhớ thương
Xa rồi những sáng mù sương
Hoàng hôn nhạt nắng giáo đường thánh ca
Tôi quỳ hồn bỗng mưa sa …

             Bích Vân

Yêu, là đi vào ngõ nhỏ


Nếu việc đi vào con ngõ nhỏ vẫn còn quá chung, vậy hãy tưởng tượng, yêu, như là đi vào một căn phòng tắt đèn, tối và thứ người ta nhìn thấy chỉ có màu đen.
Yêu, giống như đi vào một con ngõ nhỏ, thật nhỏ.

 Một khi đã đâm vào, người ta chỉ có thể tiến lên trước mà không có chỗ để quay đầu xe đi ngược lại.
Yêu là tiến lên vào không ngoái đầu lại (còn nếu có người cứ cố đi lùi ra đằng sau, cái kiểu vừa đi vừa vặn cổ hơn chín mươi độ để nhìn đường đằng sau thì, bước đi, cậu chẳng biết cái gì về t/y cả).
Người ta chỉ có thể đi mà không biết mình đang ở đâu nhưng người ta không thể biết mình đang ở đâu nếu họ không đi.
Vì sao đôi khi, người ta vẫn nói yêu mù quáng. Nếu việc đi vào con ngõ nhỏ vẫn còn quá chung, vậy hãy tưởng tượng, yêu, như là đi vào một căn phòng tắt đèn, tối và thứ người ta nhìn thấy chỉ có màu đen.
Tình yêu bắt đầu, hai người cầm tay nhau cùng bước vào căn phòng.

 Tình yêu lớn dần, căn phòng cũng to ra.
 Còn yêu, người ta còn nắm tay nhau, còn đi mà không cần ánh sáng, cho dù không biết trước mặt là gì, và điều quan trọng là họ không cần biết, họ thấy hp và thấy cần tiếp tục nắm tay, cùng tiếp tục ở bên nhau.
Như vậy, yêu đúng là không cần đến đôi mắt, chỉ cần bàn tay, đôi chân và trái tim còn thổn thức.
Tình yêu phai mờ dần, người ta đã không còn nắm tay nhau, vẫn đi bên cạnh nhau.

 Hết yêu, một người sẽ cố đi nhanh hơn và gọi với ra đằng sau.
 Lâu dần, khoảng cách lớn dần, tiếng gọi nhỏ dần. Và tới một thời điểm nào đó, người ta chỉ còn đi trong im lang đi trong chính khoảng không gian mà tình yêu ngày nào tạo ra và cố tìm được công tắc đèn để nhìn thấy cửa ra.
Yêu, là đi vào ngõ nhỏ


Leap Year

Tại sao lại chạm ly khi uống rượu?

 
 
Trong các bữa tiệc, party , người ta đều thích chạm ly uống rượu để tăng thêm không khí vui mừng, long trọng, nhưng chúng ta có biết nghi thức của tập quán này bắt nguồn từ đâu?
Có người cho rằng tập quán chạm ly uống rượu bắt đầu có từ thời La Mã cổ đại.
 Khi đó, để coi trọng sức mạnh, người ta thường tổ chức những cuộc đấu võ.
Trước khi vào cuộc, các đấu sỹ thường uống rượu để tỏ lòng tôn trọng và khích lệ lẫn nhau.
 Nhưng để đề phòng những kẻ có lòng dạ bất chính cho thuốc độc vào rượu của đối phương, người ta nghĩ ra cách là trước khi vào đấu, hai đấu sĩ đều đổ ít rượu trong ly của mình vào ly của đối phương, để cho thấy rằng trong việc uống rượu không có sự gian trá.
Trong khi thực hiện động tác này, hai chén rượu tất nhiên phải chạm vào nhau. Về sau nghi thức này dần dần trở thành một nghi lễ trong các bữa tiệc.
Có quan điểm cho rằng tập quán chạm ly khi uống rượu có từ thời đại cổ Hy Lạp.
 Người Hy Lạp thời cổ đại vốn rất thích uống rượu.
Người ta nghĩ rằng trong khi uống rượu sẽ có rất nhiều bộ phận trong cơ thể con người có thể cùng tham gia hưởng thụ hoạt động thú vị này.
Mũi thì được ngửi mùi thơm của rượu, mắt thì được ngắm màu sắc của rượu, lưỡi có thể thưởng thức vị ngon của rượu.
   Nhưng chỉ hai tai là không được thưởng thức gì cả.
Vậy cho nên người ta đã bổ sung được sự thiếu sót này bằng cách: trước khi uống rượu ta cho ly chạm vào nhau, như thế tai sẽ được nghe thấy tiếng những ly rượu vang lên khi chạm vào nhau và cũng được hưởng cái thú vui khi uống rượu.
 Sau đó việc chạm ly khi uống rượu đã trở thành phong tục tập quán.

                     St
 

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Thơ Từ Kế Tường




Mưa buổi ấy
Mưa buổi ấy ngang đầu chẳng ướt
Tóc em xanh gói một đường mây
Tình mới đến biết sau hay trước
Cõi trăm năm đếm được mấy ngày?


Thả lá
Xuôi tay thả lá đầu sông
Thương em như nước xanh dòng còn trôi
Một mai mưa gió ngang trời
Cũng xin sợi tóc tơi bời nhớ nhau

Vẫy tay

Một mai tôi chẳng thể nào
Đuổi theo em được thôi chào vẫy tay
Cũng đành nghiêng phía trời mây
Cho mưa bão tới những ngày vắng không


              Từ Kế Tường


                     
  

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Cuối đường lẻ bóng


Không rõ lý do gì, dân gian vẫn khen những anh chàng đắt gái là “có số đào hoa” mà không hề biết, sao Đào Hoa là một sao cực kỳ xấu trong Tử vi. Nó mang tới điều tiếng thị phi, rắc rối trong làm ăn và tiền bạc thiếu phân minh, quan hệ đổ vỡ.
 Những phiền toái ấy lớn hơn nhiều so với những lợi lộc (nếu có) mà vận đào hoa có thể mang lại cho một người đàn ông.
 Bởi cái được thì mơ hồ, còn cái mất thì hiển nhiên thấy được.
Người Hoa còn kiêng trồng hoa đào trong vườn nhà. Họ chỉ trồng hoa đào trên núi, ở đất trống ven đường, hoặc chỉ trồng ở trại lính và cổng viện dưỡng lão, bởi theo quan niệm của họ, chỉ trại lính toàn đàn ông thèm tình, và viện dưỡng lão toàn người già ít bạn, mới có thể trồng hoa đào cho “cái vận hoa đào” nó mon men tới bên người. 
Còn người bình thường, bị gái (hay giai) tới tán tỉnh theo đuổi là bị phiền toái, bị quấy rối, bị mất thời gian, bị phân tán sự tập trung, hay ho gì đâu!
Thực sự, chỉ yêu một người, và được người ấy đáp lại, còn hạnh phúc gấp trăm lần được bao kẻ yêu mến hâm mộ nhưng không tìm ra một người thực sự làm mình hạnh phúc trong đám đông ấy. Bởi, mọi sự hời hợt chỉ có thời điểm. 
Khi ta trẻ, ta dứt khoát phải lấy gái trinh làm vợ, cô ấy phải xinh đẹp khéo léo, cô ấy không có quá khứ, cô ấy phải rất yêu ta.
 Khi ta trải đời hơn, có khi lại chết chìm trong tình yêu với một người đàn bà đã có con riêng, hoặc mọi tiêu chuẩn khác xa cái mẫu hình lý tưởng khi xưa, nhưng cô ấy lại biết cách làm cho ta hạnh phúc và yên tâm về bản thân.
Chân dung của đàn ông có thể vẽ bằng những cái nắm tay.
 Ở tuổi mười lăm, nắm tay bạn gái đầu đời chỉ có cảm xúc rung động nhưng không hề biết đường đời sau này dài lâu ra sao. Nên mọi lời hứa hẹn hoặc hy vọng chỉ là lời nói mà thôi. 
Ở tuổi hai lăm có mấy ai nắm tay được bạn gái đủ lâu.
 Khi chỉ buông bàn tay này ra, ta đã có bao nhiêu bàn tay xinh đẹp khác có thể nắm. Ta nghĩ ra quá nhiều lý do để buông tay nhau.
Bi kịch của đàn ông là ba mươi hay ba lăm tuổi mà vẫn chỉ nắm trong tay con chuột máy tính hay sợi dây buộc chó.
 Dắt chó đi dạo, chỉ chó là bạn trung thành, yêu chó tới mức cân nhắc xem nên cưới bạn gái hay nên chờ yêu được một cô khác cũng thích chó. 
Chó không có lỗi nếu đàn ông ế vợ. Bởi nếu không mê chó, đàn ông có thể ham chơi đủ thú vui nào khác, GYM phim phượt phở, những thú vui khiến đàn ông yêu thích và tự tin hơn hẳn là cô bạn gái đang giục cưới, giục sinh con, giục đi mua nồi cơm điện hộ cô ấy.
Bốn mươi tuổi, ta vẫn đầy gái tơ theo đuổi. Khốn nỗi, ta sẽ yêu một đứa đáng tuổi con gái mình? 
Ta sẽ vào ký túc xá chở nàng đi chơi, có mỗi mình ta vào được phòng nàng vì ký túc nữ quy định không cho con trai trường bên lọt vào, chỉ cho phụ huynh vào! 
Sau bốn mươi tuổi, khi thằng khác sang Mỹ thăm con du học thì mình bận bịu ngày ngày thay bỉm cho con, hay chở vợ con sữa tã bỉm vào viện khám vì con đi tướt.
Năm mươi hay sáu mươi, đàn ông nắm cổ chai bia hay nắm tay chai rượu? 
 Nhưng tôi nghĩ, người đàn ông về cuối đời, trong tay chỉ nắm cây gậy chống để đi qua tuổi già mới thực sự cô đơn.
 Bạn đã làm gì quá khứ của mình?
 Có phải lúc đó ta mới nhận ra, cái nắm tay cảm động nhất, là khi hớn hở được bố nắm tay dắt đi lúc tuổi mới lên ba, và cái nắm tay nhăn nheo của một bà già đi bên cạnh mình cuối đường đời, giá mà được giữ lại mãi mãi những khoảnh khắc đó?
Nhưng nếu không trân trọng tất cả những gì được nắm lấy trong tay, cứ nghĩ rằng buông bàn tay này ra là sẽ có bàn tay khác nắm, có khả năng, những gì chung thủy với bạn, ở lại trong tay bạn, như chai bia, như sợi dây dắt chó, như cây gậy chống lúc tuổi già, chỉ là những thứ vô tri.
Còn đàn bà, họ sẽ ra đi vì họ nhận ra họ đã nắm nhầm tay.

 Trang Hạ