Nhớ hồi 4, 5 tuổi, lúc ấy chỉ vừa đủ biết chạy, biết
nói cười, biết vui khi có đồ mới... chứ chẳng hiểu mô tê gì về cái từ "3
ngày Tết".
Trước Tết mười ngày, mẹ lấy ra cho bốn anh em bốn bộ quần
xanh áo trắng y hệt nhau, chỉ khác kích cỡ, mỗi người thay phiên nhau
ướm vào để mẹ ngắm nghía rồi xuýt xoa: "Bộ của thằng Nâu hơi rộng một
chút vì con trai mau lớn, thằng Đen cũng vậy... còn của Cu Ba và Bé Vàng
thì sít sao thật là đẹp".
Lời mẹ nói làm anh em chúng tôi ai nấy đều hớn hở. Rồi
mẹ dặn, để mẹ cất lại vào tủ cho sạch sẽ, đúng mười ngày sau mới được
mặc.
Thế là chờ, là đợi, cứ qua một đêm ngủ dậy là lẩm nhẩm, " mẹ ơi,
còn 9, 8, 7 ngày nữa là con được mặc áo mới phải không mẹ?" dù thật sự
lúc ấy chẳng hiểu vì sao lại được mặc áo mới.
Chỉ mang mán rằng, vào
khoảng thời gian đó thì ai ai cũng mang áo mới, nhà nhà mặc áo mới và
chẳng phải đi làm kiếm tiền như mọi khi.
Đợi dài cổ rồi cũng đến cái ngày đặc biệt ấy. Mẹ chưa
kịp gọi đã thấy nhỏ tôi dậy từ bao giờ, chuẩn mọi thứ đợi các cô chú đến
nhà chúc Tết (bố mẹ tôi đều là con trưởng).
Nhỏ tôi hớn hở lắm, mặc bộ
đồ vào rồi cứ giành lấy cái gương duy nhất trong nhà xoay qua xoay lại,
nghía trước nghía sau đến lúc nào mẹ gọi mới thôi.
Xong đâu đấy, cả bốn
anh em kéo qua xóm đối diện đi... lượm pháo.
Nào pháo trống, pháo
tiểu... xác pháo bay tứ tung, đỏ cả một khoảng trời.
Mấy anh em tranh
nhau lượm, ai lượm được quả nào là cứ hét toáng lên: "A, anh được quả
pháo trống còn nguyên xi, đẹp quá bé Vàng ơi". Nhỏ tôi chân ngắn, tay
nhỏ, béo ục ịch, chạy lệt bệt như một con cún suốt cả buổi mà chỉ được
chừng 2, 3 quả pháo tép, pháo hư. Đến lúc ra về, vừa níu áo hết anh cả
đến anh hai, anh ba vừa mếu máo: "Cho em bớt quả, cho em bớt quả đi".
Nhưng rốt cuộc, chả anh nào cho cả, còn bị la: "Em còn nhỏ, chơi pháo
nguy hiểm lắm".
Lớn hơn chút nữa, tôi đi học, đã hiểu thế nào là Tết
nhất, là xuân đang về thế nên cái sự háo hức và chờ đợi những ngày đặc
biệt nhất trong năm ấy càng dài, càng đằng đẵng, càng hồi hộp hơn gấp
bội.
Có khi, đang ngồi trong lớp cũng lẩm bẩm đếm ngày: " À, còn chừng 3
tháng, 2 tháng nữa là Tết rồi, sẽ được lì xì, được mang áo mới, được
tung tăng đi mua bong bóng bay...".
Khi chính thức kết thúc kỳ học,
thích nhất là cảm giác được cùng mẹ đi chợ sắm hạt dưa, mua nguyên liệu
về làm đồ mồi cho ba và khách khứa nhâm nhi vài ly rượu xuân. Đến chợ,
vào các gian hàng bánh kẹo, nào mứt bí đao, mứt cà rốt, mứt gừng... thôi
thì đủ cả, cứ xanh đỏ, đỏ xanh đẹp lung linh đến hoa cả mắt, nứt cả
mũi.
Chợ Tết đông đúc, mọi người chen lấn, la lối oang oang rộn cả phố
nhưng nhìn ánh mắt ai đó cũng toát ra một niềm hân hoan đến khó tả.
Trừ tôi ra, nhà chỉ có mẹ là phụ nữ nên hiếm khi mẹ
làm mứt bánh như hàng xóm nên sáng ngủ dậy, nghe phảng phất đâu đó hương
thơm từ các loại trái cây, bột vani, từ gừng... là trong lòng rộn ràng
như có lửa.
Chưa kịp ăn sáng đã chạy loanh quanh nhà này chút, nhà kia
chút xem người ta làm mứt. Các câu chuyện lui tới các chủ đề; sắm đồ mới
chưa, mấy bộ, nhà làm gì nhiều không, Tết hẹn nhau đi chơi nhé!
Giờ,
lớn cả rồi, đâu còn cảm giác thèm thuồng, mong ngóng ba ngày xuân để
diện "đồ đẹp" mà đi tung tảy với phố phường!
Nhắc Tết năm xưa, điều làm tôi nhớ và thèm nhiều nhất
đó là tiếng pháo vào đêm giao thừa. Còn gì vui hơn khi đến thời khắc
thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, tiếng pháo nổ vang một
khoảng sân phá tan bầu không khí tĩnh mịch của trời đêm.
Những quả báo
trống, pháo con cuộn trong lòng những nỗi buồn, những đắng đót, những
nước mắt của năm cũ rồi nổ tanh bành. Bao nhiêu nỗi niềm theo đó mà trôi
tuột đi, cho lòng người thảnh thơi, cho lòng người rộng mở đón chào một
năm mới nhiều ước vọng.
Từ dạo nhà nước cấm đốt pháo, giao thừa sao cứ lặng
lẽ, buồn buồn, tiếng pháo hoa xa tít mù khơi chẳng làm vơi đi được phần
nào nỗi khắc khoải.
Thấy nhớ quay quay hình ảnh người cha thân yêu bắc
chiếc ghế đẩu trước hiên nhà, treo dây pháo hồng lên cột trụ bằng sắt ở
phía góc phải, cúng giao thừa xong, cả nhà đứng quây quần bên nhau, đợi
cha châm lửa, tiếng pháo nổ bùm bùm, nghe sao phơi phới, rộn ràng, háo
hức đến thế...
Giao thừa những năm sau này, tiếng pháo giờ chỉ còn là dĩ
vãng. Tiếng pháo từ quá khứ vọng về, to, nhỏ, nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến
thành một nốt lặng. Không còn tiếng pháo, những cái Tết của phố phường
như mất đi cả một trời thương nhớ đậm đà.
Xã hội đổi mới, phải chẳng một phần vì thế mà hương vị
Tết bây giờ đã "mai một" ít nhiều. Người lớn quanh năm suốt tháng lo
làm ăn, đến những ngày cận Tết mới được nghỉ, có nơi còn làm đến tận đêm
giao thừa rồi lại đến sáng 2, mồng 3 đi mở hàng lấy hên đầu năm.
Nhiều
gia đình có cuộc sống sung túc, thường ngày thiếu thứ gì sắm thứ ấy, đâu
đợi đến Tết mới được thảnh thơi tân trang nhà cửa và sắm đồ đạc...
trang trí cho ba ngày xuân.
Niềm khát khao của con trẻ để được sở hữu một quả bong
bóng xanh đỏ cũng vơi dần. Tết, đợi mỏi con mắt cũng chẳng thấy đâu
hình ảnh từng đoàn, từng đoàn những em bé nhí nha nhí nhố nắm tay nhau
đi bộ trên đường cười nói líu lo.
Xưa nghèo, lấy đâu ra xe máy chạy bon
bon trên đường trải nhựa như bây giờ.
Chiều rảnh, dạo quanh xóm một vòng, không nghe được
mùi thơm quen thuộc, không thấy đâu hình ảnh những mẹt mứt đang phơi
khô, hỏi ra mới hay, ai ai đều mua mứt trữ sẵn tự bao giờ.
Bận công ăn
việc làm, thời gian đâu mà cắt cắt, gọt gọt, ngâm ngâm... phơi phơi cho
những miếng mứt bánh cây nhà lá vườn. Bỗng thấy hụt hẫng, một khoảng
trống trong lòng đang bị loang lổ, to dần, to dần ra...
"Xuân đang đến là xuân đang qua", câu hát tôi vẫn
thường nghe vang vọng đâu đó giữa phố phường.
Nhưng nay nghe sao nhạt
quá! Xuân đang ở đây, đang hiển hiện quanh tôi sao tìm mãi, chạy mãi,
chạy mỏi cả tâm hồn cũng chỉ bắt gặp được chút ít hơi thở của hương quê!
Tôi tìm gì ở cái Tết những ngày xưa, nhớ hương vị gì từ xuân năm cũ khi
cuộc sống đã bớt đi nhọc nhằn.
Ừ thì, Tết xưa là những kí ức ngọt ngào. Dẫu không có khói bếp, mà mắt vẫn thấy cay cay!
Cánh Đồng Hoa