Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Quando , tình gọi mong đợi bóng tối nụ cười


Khai sinh từ Brazil, làn sóng bossa nova từ đầu những năm 1960 lan tỏa ra khắp địa cầu. Trong suốt nửa thế kỷ, nhiều tác giả đồng loạt hưởng ứng qua việc sáng tác bài hát nguyên gốc hay cách tân làn điệu nhờ phiên bản phóng tác. Các bản nhạc Quando QuandoThe Shadow of Your Smile tiêu biểu cho phong trào soạn nhạc bossa nova tại các nước Âu Mỹ.
Bài hát Quando Quando do tác giả kiêm ca sĩ người Ý Tony Renis sáng tác vào năm 1962, năm ông 24 tuổi.
 Trong nguyên tác, lời bản nhạc là của tác giả Alberto Testa. Tựa đề lặp lại ba lần chữ Quando, vì nhân vật ở trong bài hát mong người yêu sớm trả lời cho câu hỏi : Chừng nào anh mới gặp lại em ?
 Bản nhạc này ban đầu được viết theo thể điệu bossa nova, nhưng khi vào phòng thu, nhịp điệu bài hát được chuyển đổi nhanh hơn, gần giống với điệu samba.
Tony Renis từng khai thác điều này khi chuyển thể bản nhạc Amor Amor của Mêhicô, từ tiếng Tây Ban Nha chuyển ngữ sang tiếng Ý, từ điệu bolero chuyển nhịp thành samba.
 Cách lặp lại ca từ để nhấn mạnh ý tưởng dựa vào khuôn thước của hai bản Amor AmorQuizás Quizás.
Tony Renis từ những năm 1980 trở đi chuyển qua sản xuất âm nhạc, sáng tác cho người khác. Ông từng được trao giải Quả cầu vàng và nhận đề cử Oscar cho bài The Prayer, do Andrea Bocelli song ca với Céline Dion.
 Sau khi thành công vào mùa hè năm 1962, bài hát Quando Quando đã được đặt thêm lời hay chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ, ăn khách nhất vẫn là phiên bản tiếng Anh với tiểu tựa là Tell Me When.
Rất nhiều nghệ sĩ ghi âm lại bài này, từ Pat Boone đến Cliff Richard, từ Connie Francis đến Engelbert Humperdinck.
 Nhạc sĩ Tito Rodriguez, người Puerto Rico cũng chuyển thể bài này thành Cuando Cuando, đánh theo thể điệu salsa, khiến cho nhiều người tưởng lầm rằng bản nhạc nguyên tác là một ca khúc tiếng Tây Ban Nha, chứ không phải là tiếng Ý.
Không chỉ riêng gì ở Ý, mà tại nhiều nước châu Âu khác trong đó có Pháp, giới nghệ sĩ tham gia phong trào viết nhạc bossa nova từ đầu những năm 1960. Người đầu tiên là nhạc sĩ Henri Salvador.
 Kế đến có tác giả trẻ tuổi Pierre Barouh, sau 7 năm sống tại Brazil, anh sáng tác khá nhiều ca khúc theo thể điệu bossa nova, một khi trở về Pháp.
Một trong những bản bossa nổi tiếng của anh là bài hát Samba Saravah (tạm dịch Samba thoáng buồn), và nhất là ca khúc Un Homme et Une Femme 
 (Câu chuyện một người đàn ông và một người đàn bà), ca khúc chủ đề bộ phim cùng tên của đạo diễn Claude Lelouch.

 Tác giả Francis Lai là người đã sáng tác ca khúc chủ đề này, sáu năm trước khi ông phá kỷ lục số bán với bài Love Story (1972). 
 Bản nhạc do Nicole Croisille song ca với Pierre Barouh, rất quen thuộc nhờ khúc hát dạo đầu chabada bada và đặc biệt nổi tiếng trên khắp thế giới sau khi bộ phim của Claude Lelouch đoạt Cành cọ vàng tại liên hoan Cannes vào năm 1966.
Về phần mình, tác giả quá cố George Moustaki từng chuyển dịch bài Águas de Março của Tom Jobim thành ca khúc Les Eaux de Mars (Nước mưa tháng Ba).
 Trong khi đó Claude Nougaro gợi hứng từ bossa nova để soạn lời thành nhiều ca khúc tiếng Pháp, trong đó có bản nhạc rất nổi tiếng Tu Verras (Rồi em sẽ thấy).
 Nguyên tác bài này là nhạc phẩm O Que Sera của ca sĩ kiêm tác giả Chico Buarque.
Tại Hoa Kỳ, một trong bản nhạc nổi tiếng chuyển thể sang điệu bossa là bài The Shadow of Your Smile (Bóng tối nụ cười), ca khúc chủ đề của bộ phim The Sandpiper, với cặp diễn viên trứ danh nhất thời bấy giờ là Elizabeth Taylor và Richard Burton đóng vai chính.
 Được phát hành lần đầu tiên vào năm 1965, bài hát do Johnny Mandel soạn nhạc, và do Paul Francis Webster đặt lời.
 Bản nguyên tác phát hành cho bộ phim được ghi âm dưới dạng hợp ca.
Đến khi đoạt giải Grammy cho ca khúc nhạc phim hay nhất, bản nhạc này lúc đó mới được nhiều ca sĩ nổi tiếng như Barbra Streisand, Tony Bennett, Sarah Vaughan hay Marvin Gaye ghi âm lại.
 Vào năm 1966, đến phiên ca sĩ Astrud Gilberto với sự hợp tác của tay kèn saxo tenor người Mỹ Stan Getz chuyển lối hòa âm phối khí sang nhịp điệu bossa nova.

Trong tiếng Tây Ban Nha, ca khúc này đã được dịch dưới tựa đề La Sombra de Tu Sonrisa.
 Còn trong tiếng Pháp, bài hát được tác giả Eddy Marnay chuyển thành Le Sourire de Mon Amour, và do Nàng thơ phố Saint Germain des Prés Juliette Gréco ghi âm lần đầu tiên vào năm 1966, cho dù vào lúc đó, cô không ưng ý cho lắm với bản nhạc này.
Dù thích hay không, các phiên bản ghi âm trong nhiều thứ tiếng khác nhau giúp cho dòng nhạc bossa nova phát triển mạnh trong vòng những thập niên liền.
 Rất nhiều nghệ sĩ lừng danh quốc tế, trong đó có Sting và George Michael đều cho rằng bossa nova đã thay đổi cách tiếp cận âm nhạc của họ.  
Hơn nửa thế kỷ sau ngày ra đời, dòng nhạc bossa vẫn chưa sợ năm tháng tuổi già, gieo cảm hứng cho bao tác giả lao vào hành trình khám phá, âm thanh kỳ diệu mới lạ.

                  PV Tuấn Thảo
                       


                                             
                                                                    

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

RFI : Nếu ca sĩ được coi là tác giả thứ hai như ông nói, đặt ví dụ như người ca sĩ đó nói rằng họ hiểu bài hát đó như vậy nên diễn đạt như họ hiểu thì ông thấy thế nào ?
Nếu mà họ lười thì tôi chỉ yêu cầu họ đừng có hát nữa – đừng hát bài đó nữa, tội nghiệp chú, thế thôi.
 Còn nếu họ tiếp tục hát như vậy thì nếu họ có khách, người nghe họ chắc cũng không « tử tế ». Có nhiều người chỉ cần biết là thần tượng của họ hát thôi, họ không biết đương hát bài gì nữa !
 Họ chỉ hoan hô sự có mặt của thần tượng của họ thôi - thì đó lại là vấn đề khác rồi.
RFI : Hình như là bây giờ có nhiều giá trị giả tạo quá phải không thưa nhạc sĩ ?
Đương nhiên là tôi thấy cũng có những giá trị ảo. Giá trị thật sự là giá trị tồn tại mãi với thời gian.
 Còn giá trị ảo chỉ trong một giây phút nào đó thôi, rồi sẽ đi vào quên lãng. Thì đó, tùy theo người ca sĩ. 
 Thời gian làm ngôi sao của họ rất ngắn, họ chỉ muốn rồi họ hưởng an nhàn, họ dư tiền dư bạc, họ về sống với nghề khác.
Còn những người nghệ sĩ thực thụ, tử tế, chẳng những sống với nghề mà họ còn yêu nghề của mình, coi đó là lẽ sống của đời họ. Họ đem tiếng hát phục vụ cho mọi người, nói lên tình cảm của mình.
 Đó là những người hát tử tế, những người ca sĩ biết yêu nghề của mình.
Và những người yêu nghề thì tôi nghĩ rằng vẫn còn đó, thành ra tôi không sợ những cái danh vọng ảo lấn lướt. Sự thật nó tồn tại mãi.
RFI :
 Có vẻ như làm ca sĩ bây giờ dễ hơn phải không ạ, trong khi thời trước mỗi ca sĩ đều có một phong cách rất riêng…
Đúng rồi. Tại vì hồi xưa thí dụ như Thái Thanh hát thì biết đó là giọng hát của Thái Thanh. Khánh Ly hay là Lệ Thu, Duy Trác, Tuấn Ngọc, Sĩ Phú…mỗi người đều có một giọng riêng của mình, nghe họ hát là biết ai hát ngay.
Còn bây giờ giới trẻ có nhiều người hát đóng khung vào một thứ, cũng cái kiểu hát đó, rồi hát không rõ lời.
 Người Việt Nam hát tiếng Việt mà giống như người ngoại quốc hát tiếng Việt vậy đó, mình hổng biết ai là ai hết.
 Có thể người này vắng, người kia thế cũng chẳng ai biết hết trơn.
 Thành ra không có dấu ấn cá nhân, mà đây chỉ là bắt chước với nhau tập thể thôi - tưởng người đó hát như thế là hay, bắt chước theo.
Trong nghệ thuật nếu mình bắt chước, tức nhiên là mình đã thua rồi, tại vì bản photocopy không bao giờ bằng bản gốc hết. Trong ca nhạc cũng vậy.
 Cứ đinh ninh là mình bắt chước « sao » thì sẽ được như « sao » – không phải vậy đâu !
Nhưng mà « sao » ở đây là « sao » thế nào ? Có những người tự nhận mình là ngôi sao.
 Có người được các cơ quan truyền thông báo chí tung hô lên, những người bầu sô tổ chức tự quảng cáo là sao này sao nọ, thét rồi họ tưởng họ là sao. 
Có những người hát hay thật, tuy không được tung hô, nhưng mà họ vẫn là sao.
 Sao trong lòng mọi người chứ không phải là sao trên sân khấu.
Tôi nghĩ mình hát không phải là mình kiếm cái « sao », mà mình hát cho tâm hồn mình, sống với cái nghề của mình - đem tiếng hát lời ca đến cho mọi người. Phải trân trọng, trau giồi, phải yêu nghề thì mới tiến triển trên con đường nghệ thuật.
 Và lúc nào cũng cố gắng rèn luyện mình, ngày mai phải hơn ngày hôm nay.
 Chứ nếu thành công xong mình đứng một chỗ rồi vênh vênh tự đắc, ngủ quên trên chiến thắng, thì đứng đó hoài thôi chứ không thể nào lên được nữa.
Nghệ thuật nó mênh mông lắm, không thể nào biết đâu là bờ bến, thì làm sao mình biết là mình đã đạt đỉnh cao của nghệ thuật được ? 
Đó là vô cùng khó, và cả một đời người chưa chắc đã đạt tới vinh quang của nghệ thuật.
RFI : Ông cũng có nhận xét là trước đây nhạc sĩ sáng tác vì cảm xúc, bây giờ thì không ít người viết theo đơn đặt hàng…
Nhiều khi mình cũng phải thông cảm như thế này. 
Nhạc sĩ xứ nào không biết, chứ ở Việt Nam mình nghèo lắm. Nhạc sĩ viết lên tâm tư mình thôi.
 Ngoài ra có những người viết theo đơn đặt hàng, tại vì họ cần sống chứ.
Rồi khi họ viết được một, hai bài thì thấy kiếm tiền sao dễ quá, đồng tiền làm cho họ quên đi cái bổn phận thiêng liêng của mình là sáng tác. 
 Bây giờ họ sáng tác không phải cho mọi người mà sáng tác cho một, hai người nào đó. Nếu vì cái chung thì luôn tốt hơn vì cái riêng, phải không ?
RFI : Trong thị trường ca nhạc hiện nay, dường như giọng hát của ca sĩ không còn là quan trọng nhất, mà phải có những yếu tố khác như có vũ đoàn phụ họa chẳng hạn ?
Bây giờ thì theo « thời trang », mốt bây giờ ca sĩ hát thì phải có múa phụ họa phía sau. Nhưng không nên lạm dụng quá.
 Bài nào cũng như vậy đâm ra không còn ý nghĩa của phần múa đệm cho bài hát đó mà thành một thứ bắt buộc, thì không còn hay nữa.
Cũng như nếu món nào cũng bỏ ớt nhiều, cay quá làm sao người ta ăn nổi ?
 Phải tùy theo bài hát, tùy theo phối âm, tùy theo sân khấu để rồi kết hợp hay là không kết hợp với màn múa cho hay hơn.
 Chứ không phải là không biết màn múa đằng sau là cái gì, chỉ biết múa qua múa lại thấy đẹp thì thôi, hết, không để lại ấn tượng gì.
Đó là sự lạm dụng, riết rồi tập cho người ta nếu ca sĩ ra hát mà không có ban múa thì không phải « sao ».
 Làm cho con mắt khán giả quen với mấy cái đó, tưởng là hát thì phải có múa, hổng có thì họ la ó.
Đó là một hình thức – xin lỗi nói cũng hơi quá – mình giáo dục cho quần chúng đi xem thế nào là nghệ thuật.
 Điều đó là quan trọng, mà ít người để ý tới. Đối với người ca sĩ cũng vậy. Ca sĩ kia hát có ban múa mà tôi không có, bộ tôi dở hơn mấy người kia, không « có thớ » bằng mấy người kia ? Đừng có định kiến sai lệch như thế.
RFI : Phải chăng có những ca sĩ ỷ lại vào giọng hát tốt nên không quan tâm lắm đến tình cảm, đến cái hồn của bài hát ?
Đối với tôi, những ca sĩ hát mà tôi tâm đắc là những người ca sĩ hát bài tôi đúng với tinh thần của nó, với những gì tôi viết ra. Tôi không quan niệm ca sĩ « lớn » hay « nhỏ ». Ví dụ cô Thái Thanh hay Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Thúy…chẳng hạn thì các ca sĩ ấy cứ hát, nhưng còn có những ca sĩ hạng B, hạng C…
Nói là hạng B, C chứ thật ra phân hạng thì kỳ lắm. Họ không có may mắn như những người hạng A thôi.
 Họ vẫn hát hay, nhưng họ chưa có môi trường, chưa có dịp để xuất hiện trước công chúng, và không có ai đưa họ ra ánh sáng hết.
Nếu may mắn có một cơ hội lọt ra ngoài ánh sáng thì họ sẽ tỏa sáng.
 Nhưng họ vẫn âm thầm hát trong những chỗ nhỏ nhoi, những phòng trà, những quán nho nhỏ.
 Họ hát vẫn hay như thường. Mà tôi thấy phần đông những ca sĩ hát ở những chỗ nhỏ như thế là những người hát có hồn nhất.

RFI : 
 Trong thời đại điện tử này, dù đã có kỹ thuật làm cho hay hơn nhưng có lẽ vẫn phải tôn trọng người sáng tác và khán giả ?
 Tôi nghĩ rằng không riêng ở Việt Nam mà tại các nước khác trên thế giới - dòng nhạc cũ, dòng nhạc hồi xưa, lúc mà chưa có những cái văn minh hiện đại như bây giờ - người ta hát hay hơn nhiều lắm.
 Vì sao ? Bây giờ những gì hay đều là nhờ máy móc sửa chữa lại hết. Hồi xưa ca sĩ hát thật, ban nhạc chơi thật, và người viết hòa âm cũng thật luôn.
Bây giờ toàn là thâu bài hát thì chỉ cần hát qua một lần rồi máy tự động sửa, cao thấp tùy ý, trong veo hay trầm bổng là máy móc làm hết. Thì họ đâm ra lười biếng, và không lao động nghệ thuật nữa.
Làm sao mà kiếm ra được những Yves Montant, làm sao kiếm được những giọng ca như Edith Piaf, Jacqueline François, hay là Charles Aznavour ? Không ! Mất hết rồi, không còn nữa ! Kỹ thuật nó giết chết tình cảm đi.
Kỹ thuật là con dao hai lưỡi. Nếu mình không biết sử dụng, thì nó giết đi tình cảm con người.
 Nhưng nếu biết sử dụng, thì vẫn hát một cách tình cảm, cố gắng hát cho tốt.
 Trừ lúc nào bịnh, yếu quá thì mình cứu vớt bằng kỹ thuật.
Chứ còn thét rồi người ca sĩ ỷ y, thôi, tôi hát không tới thì lên tông.
 Nhạc sĩ đánh cái tông này khó quá không được, thôi thì cũng đẩy lên một cái. Đâu còn hay nữa đâu. Mà càng hiện đại chừng nào thì tâm hồn càng mất mát.
                                                                   PV RFI 


Mộng Đời


Hoa và trái một đêm nào thức dậy,
Nghe mộng đời xao-xuyến giấc xuân xanh
Con đường đó một đêm nào trở lại
Cùng gío mưa phùn trên cánh tay anh

Hoa bỗng nở và trái sầu bỗng chín
Tim xa-xưa còn đó chút trông-chờ
Màu thơ dại vẫn tươi màu kỷ-niệm
Bóng cây nào ôm mãi mắt hư-vô

Tháng giêng đó, anh mỉm cười bước tới
Khi yêu em tay cũng mở như lòng
Môi Thần-Thánh biết gì đâu tội-lỗi
Lối đi nào ngây-ngất bước song-song ?

Anh sẽ nhắc trong những tàn phai ấy
Đêm hoàng-lan thơm đến ngọt vai mình
Ai sẽ biểu trong một lần trở lại
Hoàng-lan xưa còn nức-nở hồn anh

Tháng Giêng hết thôi giận hờn đã muộn
Khi xa em, vai mới biết đau buồn
Tơ gấm biếc nào nâng từng bước chậm
Trả giùm tôi về những dấu chân chim

Hoa và trái đêm nay đây thức dậy
Ôi mộng đời em hiểu chữ xuân-xanh
Con đường đó đêm này đây trở lại
Cùng gío mưa phùn buốt cánh tay anh 



             Trần Dạ Từ

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

TRẮNG - Trần Quảng Nam




Trắng như màu áo em thường khoe ngày nào, và trắng như thuở ấy khi mình biết yêu…
Màu nắng hay màu áo, ai nhớ được? 

Tình yêu vẽ nên cho mình những giấc mộng cuộc sống êm đềm…”

  (TRẮNG - Trần Quảng Nam)
 
Người nhạc sĩ dùng lời thơ, tiếng đàn, nốt nhạc để nhẹ nhàng phác ra một bức họa êm đềm, thơ mộng….
Người ca sĩ dùng hơi thở thổi thêm vào khung cảnh lãng mạn ấy chút gió, chút mây.

 Làm nhẹ tung tà áo… Làm hắt ra mùi hương nhẹ nhàng của thịt da, quyện với mùi hoa rừng, mùi cỏ dại của đất trời mông mênh…
Và người nghe là người thưởng ngoạn, ngắm nhìn, nâng niu.
 Là người có thể sẽ trịnh trọng kiếm một khỏang trống trên bức tường trắng phau trong tâm khảm của mình để treo bức tranh muôn sắc, muôn hương ấy lên …. Có thể là một bức tranh đẹp!
Có thể là một bức tranh lập thể không đẹp bằng trong ánh mắt…
Nhưng thiếu một trong 3 người, bức tranh này nhiều khi sẽ chẳng bao giờ hoàn tất…


Donho,blog


Lắng nghe bằng trái tim

 
Hai thiên thần đi chu du duới hình dạng của những người nghèo khó dừng chân ở một ngôi nhà khá giả.
 Hai thiên thần xin cho ở lại nhờ qua đêm nhưng gia đình đó rất khiếm nhã, tỏ vẻ khó chịu và bảo hai thiên thần vào nhà kho mà ở. Khi hai thiên thần dọn dẹp chỗ ngủ trên sàn lạnh, thiên thần lớn tuổi hơn trông thấy một lỗ trên sàn nhà và ra tay sửa lại nó. 
Thiên thần nhỏ hơn hỏi tại sao, thiên thần lớn trả lời: "Mọi việc không phải luôn luôn như chúng ta thấy!".
Đêm hôm sau, hai thiên thần lại dừng chân ở một gia đình nghèo và xin ở lại qua đêm.
 Hai vợ chồng bác nông dân túng thiếu về tài sản nhưng có thừa lòng hiếu khách nên đã mời hai thiên thần bữa ăn đạm bạc và mời họ ngủ trên giường..
Sáng sớm hôm sau, hai thiên thần thấy hai vợ chồng bác nông dân buồn rười rượi.
 Con bò duy nhất cung cấp sữa cho gia đình họ đã chết.
 Thiên thần nhỏ tuổi hết sức sửng sốt về việc đó và kết tội: "Gia đình thứ nhất rất giàu có thì người lại giúp họ. Gia đình này nghèo khó và hiếu khách thì ngài lại bắt con bò của họ phải chết".
"Mọi việc không phải luôn như chúng ta thấy" - Thiên thần lớn chỉ nói vậy.
Khi hai thiên thần lại tiếp tục lên đuờng, thiên thần lớn mới nói: "Khi chúng ta ở trong nhà kho của gia đình giàu có, ta để ý thấy có một kho vàng dưới cái lỗ ở nền nhà kho, nhưng chủ nhà lại thô lỗ và keo kiệt nên ta hàn cái lỗ đó lại, họ sẽ không bao giờ tìm đuợc vàng. Còn tối qua khi chúng ta đang ngủ trên giường nhà bác nông dân nghèo, thần chết đã tới và nói phải đem vợ bác nông dân đi.
 Ta đã đưa con bò của nhà bác nông dân ra thay thế, và may mắn là thần chết đã chấp nhận con bò. Mọi thứ không phải luôn như chúng ta thấy!".
Bạn thân mến, mọi chuyện nếu như nghe bằng tai và thấy bằng mắt chưa hẳn đã là sự thật.
- Hãy lắng nghe và nhìn bằng trái tim và lý trí như thế mới thấy rõ được sự thật đằng sau mỗi câu chuyện. 

                                                                          St

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Smooth Jazz



Khúc Tôi


Có thể là tôi trở thành kẻ lạ
trốn thoát khỏi lòng em, cố nhân
cơn mưa cũ xóa nhòa son trên má
em nhìn lơ như nhìn chỗ thinh không

Tôi ngẩn ngơ cô độc xứ người
năm mười tuổi cách ly miền thơ ấu
trong trí nhớ tôi ngày bò, trườn, lật, dậy
mù xa, mù xa, miền phương đông

Mẹ yêu dấu cũng trở về với đất
đất thì im lặng tiếng, mịt tăm
nên lời mẹ đã ngút ngàn phơ phất
bỏ mình tôi cùng đá cuội, lăn tăn

Cha thương nhớ cách xa như cổ tích
mệt nhoài tôi đứng lặng, thư phòng
nhìn quanh quất đâu dấu hài tịch mịch?
dấu hài em lặng mất giữa dòng

Còn lại chị, còn lại anh, đâu đó
không thấy ai hú gọi tôi về
còn lại con...con còn đang cất vó
hồng ân chưa cập bãi sông mê

Tôi còn lại em, mà em xa lắc
nên còn lại tôi, chỉ một tôi thôi
vì em, biển, và tôi, là cát biển
lũ dã tràng kia, xe, cũng lở, bồi.


Trần Yên Hòa

Tình thương trong đôi mắt

 

 Câu chuyện xảy ra cách đây nhiều năm vào một buổi tối trời giá lạnh tại miền bắc Virginia. Bộ râu của ông lão đã đông cứng lại bởi sương giá trong khi chờ đợi để được đi nhờ qua con sông chảy xiết trước mặt. Sự chờ đợi dường như là vô tận.
 Cả người ông lão đã tê cứng và lạnh cóng vì những cơn gió bắc giá buốt. 
Chợt ông lão nghe tiếng vó ngựa gõ từ xa vọng lại đều đặn, mỗi lúc một gần trên con đường đã đóng băng. 
Thoáng chút lo âu, ông đưa mắt nhìn những kỵ sĩ rạp người trên lưng ngựa đang rẽ qua khúc quanh. Ông thẫn thờ nhìn người kỵ sĩ thứ nhất lướt qua trước mắt mình.
 Người kỵ sĩ thứ hai lướt qua, và rồi lại thêm một người nữa. Khi đoàn kỵ sĩ lướt qua gần hết thì ông lão đã gần như là một bức tượng tuyết. Khi người cuối cùng đến gần, ông lão nhìn vào mắt anh ta và nói: "Anh có thể cho tôi đi nhờ qua con sông trước mặt được không? Dường như chẳng có một con đường nào mà một người đi bộ như tôi có thể qua được cả!".
Ghìm cương ngựa lại, người kỵ sĩ đáp: "Tất nhiên rồi. ông hãy lên đây!". Trông thấy ông lão đã gần như không thể nhấc nổi thân người đông cứng của mình, anh bước xuống ngựa và giúp ông trèo lên yên.
 Rồi người kỵ sĩ không chỉ đưa ông qua sông, mà còn đưa đến tận nhà ông cách đó chỉ vài dặm đường.
Khi cả hai gần đến căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng của ông lão, người kỵ sĩ tò mò hỏi: "Tôi thấy ông đã để rất nhiều kỵ sĩ khác đi qua mà không hỏi đi nhờ.
 Tôi thắc mắc không hiểu tại sao trong một đêm đông giá lạnh như thế này, ông lại chờ đợi đến người cuối cùng mới xin đi nhờ qua sông? Nếu tôi từ chối và để ông lại đó thì ông biết làm thế nào?".
Ông lão từ từ bước xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt chàng kỵ sĩ và trả lời: "Ta sống ở vùng này đã lâu, và ta nghĩ rằng ta cũng đã có thể hiểu được người khác chút nào đó".
 Ông lão nói tiếp: "Khi ta nhìn vào mắt những chàng kỵ sĩ khác, ta thấy họ không có chút quan tâm nào đến hoàn cảnh của ta cả. Thật vô ích khi đề nghị họ giúp đỡ.
 Nhưng khi nhìn vào mắt anh, ta thấy được sự tốt bụng và lòng nhân hậu hiển hiện rất rõ. Ngay lúc ấy ta biết rằng chính tâm hồn cao quý của anh mới có thể sẵn sàng giúp đỡ ta trong lúc khó khăn mà thôi". 
Những lời nói chân tình của ông lão khiến người kỵ sĩ xúc động sâu sắc. "Tôi thật lòng cảm ơn vì những gì ông vừa nói", anh nói với ông lão. "Tôi mong là mình sẽ không bao giờ vì quá bận rộn với công việc đến nỗi từ chối giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn bằng lòng nhân ái và trắc ẩn của mình". 
Với những lời nói ấy, Thomas Jefferson quay ngựa đi và bắt đầu con đường đi đến thành công và trở thành tổng thống thứ ba của Mỹ. 

                                                                               Mint

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Đó là khi…

 
Đó là khi người ấy lên xe hoa ngay sau khi quyết định chia tay tình yêu dài 5 năm…
Đó là khi bạn nghe một bản tình ca mà hai người thường nghe, trong khi cô ấy có thể đang vui vẻ bên chồng mới cưới.
Đó là khi cô đơn bạn lắng nghe một người bạn thao thao bất tuyệt về tình yêu của mình và nói rằng bạn gái của cậu ta mới mua tặng cho cậu ta thật nhiều quần áo đẹp, điều mà bạn từng trải qua trong quá khứ.
Đó là khi bạn thường xuyên về nhà muộn và mở cửa phòng trong thể trạng mệt mỏi sau một ngày bận rộn và gần như kiệt sức vì công việc.
Đó là khi vô cảm bạn khép cửa trái tim bạn sau những gì đã trải qua.
Và rồi, đó là khi con tim bạn lên tiếng…
Đó là khi bạn dành tình cảm cho một người đã có người yêu.
Đó là khi bạn đóng vai kẻ thế chân ấn tượng khi người ấy cô đơn hay không liên lạc được với tình yêu của mình và bỗng dưng nhớ tới bạn.
Đó là khi bạn mong muốn nhận được một sự quan tâm nhỏ nhoi của người ấy trong vô vọng.
Đó là khi bạn sẵn sàng làm tất cả vì một người, dẫu biết rằng người đó chưa bao giờ là của mình.
Đó là khi bạn biết rằng người ấy chẳng bao giờ nghe bản thu âm của bạn dẫu bạn đã dành hết cảm xúc và thời gian của mình cho bản thu đó.
Đó là khi bạn nói sẽ dành lời chúc phúc bằng tất cả sự chân thành cho người ấy.
Đó là khi chỉ duy nhất mình bạn mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ.
Đó là khi bạn cảm thấy cuộc sống thật lặng lẽ, khi chỉ có duy nhất bản thân tồn tại trên thế giới này
Đó là khi cuộc sống của nhiều người phụ thuộc vào thái độ của bạn.
Đó là khi bạn phải giấu những nỗi buồn vào góc khuất của trái tim để dành tặng cho mọi người nụ cười trong vắt.
Đó là khi bạn 30 tuổi và thường đến những bữa tiệc và đám cưới một mình.
Đó là khi bạn có cơ hội đóng vai chính và phải diễn thật hoàn hảo trong một vở kịch mà bạn cho rằng nó thật lãng xẹt.
Đó là khi bạn cần phải sống với cảm xúc chân thật của chính mình.
Đó là khi bạn biết rằng mình sẽ không bao bao giờ tuyệt vọng dù mọi chuyện tồi tệ nhất có thể đến với bạn, dù trái đất có ngừng quay.
Có rất nhiều những xúc cảm “Đó là khi…” mà cả tôi và bạn từng đi qua, có những xúc cảm ta không còn thay đổi được nữa bởi đó đã thuộc về miền ký ức, nhưng cũng có những khoảnh khắc của “Đó là khi…” mà cả tôi và bạn đều hiểu rằng mình đang lựa chọn điều đó dẫu biết rằng mình vẫn có thể làm nó khác đi, để rồi đôi khi ta có thể bật khóc dù giọt nước mắt chẳng hề rơi.
 Có phải đó là khi ta thấy mình yếu đuối nhất?

                                                                  Khả Anh

CHƠI ÁC




Mỗi người ca sĩ có những thói quen riêng khi đi diễn.
Những thói quen vui vui mang tính “tâm lý” nhiều hơn là khoa học. Giả tỉ như:
- Lynda Trang Đài trước khi sắp sửa hát là bỗng “bị”… đau bụng (cái này là do cô nàng đã tự khai ra chứ không phải mình chế).
-Don Hồ thì trước khi lên sân khấu là phải “ực” chai beer để lấy … can đảm (vì bình thường ku cậu này nhát sân khấu lắm).
-Nhiều người đã phải có hớp rượu để “nóng máy”.
-Ngồi thiền tí để tịnh tâm,
Hôm nay trước giờ diễn, thấy bên ngoài có bầy bán cho khách đi xem những bao đậu phọng da cá trong bao ny-lông thật đã mắt.
Thật lâu lắm rồi mới thấy lại món này, bỗng nhớ lại cái vị ngọt ngọt, bùi bùi của lớp bột bọc hạt đậu phụng, cắn vào dòn rụm kêu rột rột trong bụng mà thấy thèm.
Ca sĩ nhao nhao lên đòi ra mua, thế là ban tổ chức hào phóng đãi cho mọi người cả mấy bao luôn.
Cái tật của mình là phải ăn trước khi hát 2 hr hoặc ăn sau khi hát thôi, chứ còn trong lúc hát thì khỏi bỏ cái gì vào bụng đi, ngoại trừ lúc đói thật đói không còn chịu được nữa thì may ra…
Và hôm nay cũng không ngoại lệ, thèm lắm, nhưng chỉ cầm hạt đâu phọn
g lên, bỏ vào miệng ngậm ngậm xe cái vị nó có như mình đã nhớ trong đầu hay không thôi - không nhai - rồi nhả ra…
Trong lúc những người ca sĩ khác thì vồ vập bốc từng vốc một, mỗi lúc bỏ liền vào miệng 6, 7 hột ăn, nhai rào rạo ngon lành bởi vì giờ hát đúng ngay giờ ăn tối, ai cũng cảm thấy hơi tí đói bụng.
Vả lại những hạt đậu phọng da cá vàng lườm thật hấp dẫn quá đi mà…
Ai cũng ham mà quên mất một điều ăn đậu phụng, vỏ của nó hoặc ngay cả những mảnh đậu phụng không nhai kỹ có thể nằm lại ngay trên cần cổ làm cổ bị ngứa.
Khi hát thanh quản rung lên, làm cổ thêm khó chịu kết quả là giọng hát sẽ bị “ọ ẹ” hoặc người hát phải ho nhẹ nhiều lần cho những mảnh đậu phọng đó bật trở ra hoặc trôi đi mới xong…
Và dĩ nhiên là “chuyện bình thường trên huyện” mới ăn đậu phọng xong mà hát đã xảy ra:
Ra sân khấu, cả 3, 4 người ca sĩ “tham ăn” nhất đã bị … e é giọng. Ai nấy khổ sở nhăn nhó vì ngứa cổ, giọng hát sụt hẳn xuống…

 Khán giả thắc mắc sao hôm nay ca sĩ hát không được … hay như bình thường!
Mình thì có ăn miếng nào đâu thành thử “bình chân như vại”, giọng không bị tí trục trặc trong một đám đang ngứa cổ nên bỗng trở nên … hay trội hẳn hơn mọi người khác.
Được cổ vũ và hoan nghênh ..bis bis... bis... quá.

 Ôi thích thật đấy nha, thích lăn quay ra được luôn mà …
Hơ hơ, bởi thế ta nói … bạn nào mà có “thù hằn” với ca sĩ, muốn … chơi xấu thì cứ đợi trước khi hát mà nhử cho họ ăn đậu phọng da cá là sẽ được “toại nguyện” ngay.
Trừ ra có mỗi Don Hồ, vì không “dụ” được “nó” ăn trong lúc hát đâu!
Với Don Hồ thì không cần tới đậu phọng, chỉ cần cắt đi chai beer là ra sân khấu ku cậu sẽ … lọng cọng, luống cuống ngay, hà hà…
Ủa ủa, mà sao lại đi mách với mọi người như thế này?
Cái này có phải gọi là “vạch áo cho mọi người xem lưng” không ta?
Hmm… Tại sao mình lại làm thế nhỉ?…

                   Donho

          

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Khánh Ly và tôi




Trong giới nghệ sĩ, người tôi có nhiều kỷ niệm nhất, là ca sĩ Khánh Ly. Không phải vì chị hát nhạc của tôi, mà vì chị là người có khá nhiều kỷ niệm của thời tôi long đong. Tên tuổi của chị gắn liền với dòng sinh mệnh của thời cuộc Việt Nam trước 1975 và ngay đến bây giờ, Khánh Ly là tên tuổi người thương cũng lắm, mà kẻ ghét cũng nhiều. Năm 1983 lúc tôi từ Maryland mới về thủ đô tị nạn Bolsa, Cali để “hội nhập” vào dòng sinh hoạt âm nhạc ở đấy theo lời “dụ dỗ” của ca sĩ Duy Quang. 
Tôi với Duy Quang khá thân, anh để tôi tạm thời ngủ trong phòng của anh, (phòng ngủ ở Midway City là cái Garage) được trưng dụng làm phòng ngủ. 
Bạn có biết không. Duy Quang là người “phá trinh” ca khúc “đêm chôn dầu vượt biển” đấy. Anh ta là giọng hát thu âm đầu tiên ca khúc này.
 Vì gia đình nhạc sĩ Phạm Duy với tôi thân nhau, đến nỗi có người bảo tôi giống Duy Minh như hai anh em sinh đôi. 
Khi nhạc sĩ Phạm Duy dán hình tôi trên vách phòng ăn để ra phi trường Los Angeles đón tôi, thì cô con gái Thái Hiền đã nghi là “bố có con riêng, vì giống anh Minh quá!”. Làm bà Thái Hằng cũng nghi ngờ. (Tôi sẽ viết về chuyện này sau).
Trở lại chuyện Khánh Ly, khi tôi rời phòng trọ của Duy Quang về trú với Tùng Giang ở phòng thu âm Cerritos. 

Anh Tùng Giang ở “đầu đông, còn tôi ở đầu tây” hùng cứ trên căn gác lưu đày của phòng thu âm. Tôi gọi căn gác lưu đày vì nó nhỏ xíu, ngột ngạt. Bạn cứ tưởng tượng ra, nó chẳng phải là căn gác theo nghĩa thường, mà là nơi chứa đồ vật.
 Vì Tùng Giang không có nhà ở, nên dùng nơi làm việc làm chỗ ở luôn. Công việc của tôi được giao, vừa làm, vừa học. 
Việc thì chẳng có gì to lớn, chuẩn bị băng nhựa, microphone cho ca sĩ và ban nhạc đến thâu âm, bấm nút thâu âm, và dọn dẹp giấy tờ của các nhạc sĩ viết hòa âm sau khi thu âm vứt lung tung trong phòng vocal, phòng thâu tiếng. 
Nghĩ lại, cũng nhờ cái việc “nhặt rác” này đã cho tôi tự học cách viết hòa âm của nhạc sĩ Lê Văn Thiện và Tim Heinz khi tôi nhặt gom lại, tối đến trên căn gác lưu đày tôi tự học, tự tìm hiểu cách viết hòa âm, và à, thì ra thế! Cuối cùng tôi đã biết viết hòa âm. Tôi đã học được mà không phải đến trường.
Sinh hoạt ở phòng thu Tùng Giang có dịp gặp được vợ chồng anh chị Khánh Ly, Nguyễn Hoàng Đoan. Lúc bấy giờ chị đến thu âm. Lần đầu tiên gặp chị, dễ mến, thân thiện, và chị vẫn còn đẹp như ngày nào. 

Chị nói là đã biết tôi qua tạp chí Trắng Đen của ông Việt Định Phương. Sau đó, anh chị mời tôi đến nhà ăn cơm. Nhà chị Khánh Ly cũng gần đấy. 
Sau này, tôi qua lại thường xuyên với gia đình chị Khánh Ly, cơm trưa, cơm tối với dưa, cải, trứng luộc, nhất là cà pháo mắm tôm do chị làm bếp. 
Chị Khánh Ly là người công giáo như tôi, tuy không sùng đạo, nhưng sau nhà chị có tượng mẹ Maria đứng trên hòn non bộ, và nơi đấy tôi biết chị dâng lời nguyện với mẹ Maria thường xuyên với xâu chuỗi trên tay.
 Tôi xem anh chị như người thân trong gia đình, và ngược lại cũng thế, anh chị đối xử với tôi rất tình cảm. 
Có những chuyện riêng tư của anh chị, tôi cũng góp phần, như tôi nhớ lại đi San Diego để giải quyết vấn đề báo Hồn Việt, mà anh Nguyễn Hoàng Đoan một trong các người sáng lập.
Khánh Ly có một giọng hát không mệt mỏi theo thời gian, dù chị thuốc lá nhiều, thức khuya với bè bạn tụ tập ăn uống, đánh bài tứ sắc vui chơi, nhưng tiếng hát của chị vẫn thế, vẫn đậm đà, lôi cuốn và tâm tình, kể lể. Một điều đặc biệt là tuy phóng khoáng bè bạn, nhưng anh chị vẫn sắp xếp thì giờ lo cho con, lúc này hai cháu còn nhỏ. Biết đường hướng đi đến trong cách làm việc, tổ chức thu băng nhạc, đi trình diễn và cách phát hành băng nhạc.

 Phải nhìn nhận công này do anh Đoan phụ trách, với một lịch kín trình diễn, thu hình, thu nhạc của chị. Do vậy, chúng ta thấy Khánh Ly là tiếng hát thu âm nhiều nhất, đi show nhiều nhất, nhiều hơn bất cứ ca sĩ nào từ trong nước ra đến hải ngoại.
Rồi xảy ra có chuyện không vui, khi tôi về làm chủ bút tuần báo Đồng Nai của ca sĩ Diễm Chi. 

Có bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lúc này, làn sóng chống đối nhạc anh Sơn bùng nổ, và nhiều người nhập cuộc, có cả nhà văn, nhà thơ, nhà báo (tôi biết nhưng thôi không kể ra đây) để “đánh Trịnh Công Sơn”. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến Khánh Ly.
 Bài báo viết là tổng hợp ý của một số tên tuổi lớn của âm nhạc, nhà thơ, do tôi ghi lại, nhuận sửa và tờ Đồng Nai tiếp thị nhanh chóng bằng cách làm liền một chiến dịch trên mặt báo. Tôi biết Khánh Ly buồn, giận. 
Nhưng, tính chị có lòng nhân và tha thứ, anh chị vẫn xem tôi như người em trong gia đình. Sau đó, tôi giã từ tờ báo của ca sĩ Diễm Chi, trở lại với công việc kinh doanh thẩm mỹ và mở nhà in, bên cạnh đó, thì giờ còn lại viết nhạc và viết bài cho tuần báo Lính của ông cò Nguyễn Thừa Dzu, là một ông anh kết nghĩa của tôi. 
Làm báo ở Cali như lên võ đài. Một, không oánh nó. Hai, thì nó oánh mình. Mình thủ một chỗ, thì thủ được bao lâu? Coi chừng nó “nóc ao”.
 Quan niệm như thế ở một số tay viết. Và khi làm chủ tờ báo, cứ cho ta hùng cứ một phương, và Bolsa thời bấy giờ cũng như bây giờ luôn có tình trạng báo chí Việt ngữ “thập nhị sứ quân”. Mô hình này cũng lan vào trong giới ca sĩ, giới làm băng dĩa ca nhạc và cái gọi là “trung tâm” băng nhạc. Nắm quyền phát hành muốn đưa ai lên, muốn dìm ai xuống tha hồ tự tung tự tác, tạo thành phe nhóm bêu xấu lẫn nhau mà vẫn gặp nhau cười như không có gì mà ầm ĩ. Nghĩ cũng lạ! Bởi vì nếu “giết người đi thì ta ở với ai?”.
Tiếp đến, tôi viết 10 ca khúc với tâm trạng suy tưởng, về thân phận, về tình yêu và nỗi thương nhớ quê nhà. Mỗi khi có bài mới viết, Khánh Ly là người nghe tôi đàn hát đầu tiên, chị vừa nghe vừa làm “giám khảo”. Có bài Khánh Ly bảo “không được” và nói như ra lệnh “xé đi”.

 Chị kể anh Trịnh Công Sơn cũng thế, xé nhiều bài lắm, nhờ vậy mới còn lại bài hay, vì mình phải nghe ý kiến bên ngoài. Vâng, đúng thế chị ạ. Có những bài chị Khánh Ly ưng ý lấy ngay để thu băng khi tôi vừa làm xong, như bài “Sầu Khúc”. “Buồn nằm nghe tôi khóc, mái hiên mưa về, buồn mềm chăn gối, nhớ em yêu vội, hồn tôi sám hối, tháng năm sầu lo…” 
 Bài hát này chị là ca sĩ hát thu âm đầu tiên, kế đến là Ngọc Anh mới đây.
Khánh Ly có tai thẩm âm chính xác và biết bài hát nào sẽ đánh động tâm hồn người nghe. Chị viết bài hay lắm. Một số báo với nhan đề “bên đời hiu quạnh” nhiều người theo dõi đọc.

 Có nghi ngờ cho là chồng chị viết, nhưng điều này không chính xác, vì tôi là người ngồi thấy chị viết ở bàn ăn nhà bếp, chữ chị viết tôi còn nhớ to, tròn, láu, với chỉnh sửa gạch tung tóe trên trang giấy.
 Rồi tôi với chị bàn nhau thu âm hai giọng Khánh Ly và CDA. Vì thử nghiệm qua bài hát của tôi phổ thơ Mường Mán, bà con thích quá, bài hát Chăn vịt ở phương Nam. Chị còn tổ chức đêm Khánh Ly Châu Đình An ở phòng trà Làng Văn với tựa đề “Chôn dầu, chăn vịt”. 
Cái tựa này Khánh Ly đặt ra làm chiêu tiếp thị, khiến bà con ngẩn ngơ vì chôn dầu chăn vịt là cái giống gì? Một người như Khánh Ly, có tiếng hát bạn nghe phải ghiền với các ca khúc Trịnh Công Sơn thời tuổi trẻ trong chiến tranh ở các quán cà phê khắp Việt Nam, nơi nào mà không vang lên tiếng hát Khánh Ly? Nhưng không những ở ca khúc chống chiến tranh, mà chị còn hát Tango rất tới. 
Những CD Khánh Ly Tango được nồng nhiệt đón nhận, và nói đến Tango, ta nghĩ đến một người. Khánh Ly.
 Bên cạnh đó chị còn có lòng vị tha và tốt với bạn, vì tôi nhớ có lần chị chuẩn bị thâu cuốn Video ở Nhật, nội dung có bài hát “đêm chôn dầu vượt biển” của tôi. Mỗi tuần đến nhà chị ăn cơm, đàn tập cho chị hát. 
Một lần Thanh Tuyền ghé chơi, nghe bài hát này bèn xin thâu băng mà không biết Khánh Ly đang có kế hoạch thu hình bài hát này. Nhưng chị vui vẻ nói với Thanh Tuyền “mẹ mày lấy hát đi, tao hát sau cũng được”.
Tôi đưa cho Bill Kilpatrick soạn hòa âm cho 10 bài hát mới có sự góp ý của chị Khánh Ly. 

Có những bài với giọng buồn, khàn, đục của chị càng nghe càng buồn, như bài “Tình khúc cho loài sâu” của tôi viết có đoạn: “Phố xưa tôi về, bóng người in xuống. Có con sâu nhỏ, ngủ giấc mồ côi. Vầng trăng chợt lên, mây mù che kín. Thoáng tiếng hò ơi, nhặt khoan mấy hồi”
Hay là:
“Nắng mưa là mưa nắng. Kiếp người tựa tre măng. Tóc xanh rồi bạc trắng. Buồn quanh một chỗ nằm. Trong bàn tay định mệnh. Tuổi nào, phận lênh đênh. Mệnh nào thân bỏ xứ. Sao tiếng ca buồn tênh…”
 Ngày trong phòng thu, tôi là người ngồi bấm nút trên máy thu giọng hát của chị ca khúc “Tình khúc cho loài sâu” mở đầu. Nghe chị hát ca khúc của tôi, không hiểu sao xúc động quá, tôi rơi nước mắt nghĩ đến quê hương Việt Nam yêu dấu đang khổ đau. Vì bài hát này, tôi viết vào tháng bẩy năm 1979 trước một năm ra đi vượt biển. 
Tôi còn nhớ rõ, bài này viết ở Long An, nơi tôi trú thân làm ruộng một thời gian khốn khó. 
Buổi chiều, khi mặt trời khuất dần cuối chân trời, chống cây cuốc, nhìn áng mây cuối cùng lững thững trôi về phía trời Tây, tôi nghĩ đến thân phận tôi và bao người như con sâu, cái kiến. 
Thôn quê dần tối, không có ánh điện mà chỉ có ánh đèn dầu le lói, tôi khóc qua màn nước mắt nhạt nhòa nhìn thôn xóm với tâm trạng của loài sâu nhỏ mồ côi. Rồi tôi bước đi trong tưởng tượng ánh đèn dầu đang le lói như phố đêm.
 Tương lai của tuổi trẻ tôi và bao lứa như vầng trăng vừa ló dạng, đã bị bao phủ bởi mây mù chủ nghĩa và tiếng hò ơi vang vọng từ dưới con lạch, tiếng hò buồn bã làm sao. Ca khúc đã hình thành từ đó.
Khánh Ly hát hết một câu xong, chị hỏi tôi cho nghe lại rồi nheo mắt cười hỏi tôi qua cái microphone thu âm “sao, cu”. Người Bắc gọi “cu” là thương lắm, thân thích lắm, chị thích gọi tôi là “cu An”. 

Tôi ý kiến, ý ruồi, thế này, thế nọ, rồi bấm nút làm lại. Tùng Giang về đến, ngồi nghe xong nhìn tôi nói “đm. An viết nhạc hay ghê chứ, tôi thích lời bài hát, hôm nào chỉnh sửa lời mấy bài hát giùm tôi”. Sau đó băng nhạc được đặt tên “Bông bưởi chiều xưa” là bài thơ của bạn tôi Giang Hữu Tuyên do tôi soạn thành ca khúc.
 Lẽ ra tôi đặt tựa “Tình khúc cho loài sâu”.
 Nhưng vì bài thơ Bông bưởi chiều xưa của Giang Hữu Tuyên viết riêng cho ông Hoàng Cơ Minh, khi ông từ giã gia đình thân yêu về lập chiến khu kháng chiến. Tôi quý cả hai người, một vị tướng liêm khiết, trong sạch, hy sinh vì đại nghĩa. Một nhà thơ có tấm lòng với xứ sở long đong. Nên tôi chọn Bông Bưởi Chiều Xưa là thế đấy.
Khi tôi lập gia đình năm 1992, đám cưới vợ chồng tôi rất ít nghệ sĩ tham dự vì ai cũng bận đi show cuối tuần thứ bảy. Những người thân quen vắng mặt, trong đó có anh chị Khánh Ly Nguyễn Hoàng Đoan. 

Tôi giận từ đấy, không liên lạc với anh chị. Rồi sau khi lấy vợ, tôi dọn về ở Orlando Florida đến bây giờ đã 20 năm trôi qua. 
Nhưng trong hồn tôi lúc nào cũng nhớ đến kỷ niệm vui buồn trong buổi đầu tiên bước chân vào thế giới sinh hoạt nghệ sĩ 30 năm trời.
Mà bây giờ tôi biết chắc, cái thế giới đó không thể nào thích hợp với con người bản tính “mệnh vô chính diệu” của tôi.

                                         Châu Đình An