Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Những điều bình thường!


Bạn hỏi: sao đi Mỹ về im lặng thế, không thấy viết gì?
Thật ra từ đầu năm tới giờ hình như tôi chưa viết được gì ưng ý...
 Quá nhiều điều phải suy nghĩ, phải liên tưởng, phải hiểu, bạc tóc mà vẫn thấy mình ngơ ngác...
 Tôi đi Mỹ trong một tâm trạng nhạy cảm đến mức gần như căng thẳng.
 Nhờ vậy, tất cả những gì mắt thấy tai nghe tim cảm nhận đã làm rung lên trong tôi những cung bậc cảm xúc không dễ gì phai nhạt, tuy chỉ là những điều rất đỗi bình thường.Có lẽ những gì tôi muốn kể về nước Mỹ chính là những điều bình thường!
 Nước Mỹ đến với tôi đầu tiên từ những sân bay. Rộng lớn hiện đại an ninh chặt chẽ, nhưng vẫn mang lại cảm giác thân thiện, nghiêm ngắn và sự yên tâm. 
Chuyến bay quốc tế hay quốc nội thì thủ tục cũng như nhau, nhanh nhẹn và chu đáo; các nhân viên kiên nhẫn giải thích giải đáp những câu hỏi thắc mắc khiếu nại của hành khách với thái độ nhã nhặn và nghiêm túc mà không cần phải có “nụ cười thường trực trên môi” như phong trào văn minh công sở ở nước ta 
(Người Việt mình thích cười, ngay trong giao tiếp quan hệ làm việc cũng phải cười với nhau...
 Hình như trong giờ làm việc không thể có gương mặt bình thường nghiêm túc nhã nhặn được, khi không cười thì chỉ có sự cáu kỉnh lạnh nhạt khó ưa?).
 Trong chuyến bay từ DC về SF một vali hành lý của tôi bị kiểm tra mà tôi không hề biết.
 Hai ngày sau cần đến mới mở ra thì thấy khóa bị cắt, bên trong đồ đạc có dấu xáo trộn nhưng không mất gì cả (trong vali có iPad mini mua cho con gái, đồng hồ mua cho ông xã và một số mỹ phẩm làm quà cho bạn).
 Ngay trên đồ đạc là một tờ giấy in sẵn thông báo về việc kiểm tra hành lý, và cuối cùng xin lỗi đã làm phiền hành khách. 
Thật ra nếu bay nội địa thì chẳng ai khóa vali hành lý gửi cả, nhưng vì tôi bay về VN qua một chặng chuyển tiếp nên phải lấy của bạn một cái khóa khác để khóa vali.
Ra khỏi sân bay nước Mỹ đến với tôi bằng những con đường cao tốc 8 làn xe chạy vun vút. 
 Quanh những thành phố bao giờ cũng có làn đường dành cho xe chở 2 hoặc 3 người, khuyến khích đi chung xe, đỡ tắc đường giảm ô nhiễm môi trường.
 

 Vậy nhưng làn đường này ngay cả giờ cao điểm cũng không nhiều xe chạy.
 Người Mỹ thích độc lập tự do ngay cả trong việc sử dụng phương tiện giao thông, mặc dù ở nhiều thành phố có hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo.
Ðường tốt, xe nào chạy làn đường đó, giờ cao điểm chịu khó nhích từng chút.
 Có mệt mỏi thì nhìn ra hai bên đường: cây xanh, thảm cỏ, bụi hoa... đều là loại hoang dại nhưng được chăm chút cẩn thận mà trông vẫn tự nhiên.
 Những con đường bê tông dài hàng trăm ngàn cây số khắp nơi tôi qua gần như đều song hành với màu xanh của cây cỏ.
 Kể cả trên hoang mạc Nevada cũng dày đặc những bụi xương rồng trổ bông nhiều màu sắc, trên những ngọn đồi bát úp chồng lên nhau suốt vùng California đã phủ lớp cỏ đầu xuân mới nhú. Ðất đai rộng lớn, thiên nhiên hiện diện khắp nơi càng cho ta cảm giác mênh mông của trời của đất.
 Tầm mắt hun hút theo con đường, tầm mắt ngút ngàn hoang mạc, bờ biển, bình nguyên, trung du... 
Tự do phóng tầm mắt khắp nơi thấy mình to lớn hơn, tự do hơn, và tự chủ hơn.
Các thành phố Mỹ tôi đến mang lại ấn tượng về quy hoạch đô thị thật khoa học, chính vì vậy mà nó đẹp, cái đẹp của sự giản dị và hợp lý.
 Những con đường trong thành phố đều có bảng tên đường, bảng hướng dẫn làn đường treo ở độ cao phù hợp cho người ngồi trên xe hơi nhìn thấy, đủ lớn để từ xa đã đọc được, đủ khoảng cách để hướng dẫn xe quẹo phải trái hay quay đầu xe, ở các giao lộ đều có làn đường cho xe quẹo phải.
 Ðèn giao thông vẫn còn nhiều cái cổ lỗ, cột điện vẫn bằng gỗ với hàng dây điện đen chăng dọc suốt đường (ngay ở Mỹ cũng đâu đã “ngầm hóa” hết được đường điện). 
Nhưng tất cả sạch sẽ gọn gàng, dù cũ kỹ nhưng vẫn được chăm nom bảo quản.
 Lòng đường sạch sẽ, lề đường và những bức tường phủ kín hoa lá, cây xanh, cứ vài con đường lại thấy một công viên nhỏ hay vườn hoa, bãi cỏ, ngày nắng ấm luôn có những bà mẹ đẩy xe đưa con đến chơi, trẻ em ở trường học gần đấy mỗi khi tan học cũng được bố mẹ cho ra đây chạy nhảy vui chơi trước khi về nhà.
 Bộ mặt đô thị mang lại cảm giác cuộc sống nơi đây quá đỗi bình yên.
Có lẽ tôi thích nhất là những ngôi nhà trong thành phố.
 Ngoài New York là với vô vàn tòa nhà kính nhiều màu cao chọc trời, Las Vegas cả ngày lẫn đêm rực rỡ ánh đèn và sắc màu của những trò chơi đen đỏ...
 Các thành phố tôi qua dường như có một quy định ngầm: 


Ở mỗi khu vực kiến trúc nhà cửa thường cùng một kiểu: giống nhau cả hình dáng, chất liệu xây dựng và bố trí mặt tiền.
 Mới nhìn cảnh quan khu phố có vẻ đơn điệu vì hầu hết các kiểu nhà hình thức và quy mô trông khiêm tốn, một trệt một lầu hoặc có thêm tầng lửng. Nhà nào cũng có vườn trồng hoa, vài cây cao, đặt ghế xích đu hoặc trồng cột chơi bóng rổ cho trẻ em.
 Không nhà nào bề ngoài trông nổi bật hơn so với xung quanh, dù có thể nội thất sang trọng. Nhìn những ngôi nhà này đã thấy sự bình đẳng trong cộng đồng và tôn trọng con người.
 Trong những ngôi nhà tôi có dịp đến, khác với cấu trúc nhà ở Việt Nam, nhà Mỹ thường nhỏ so với diện tích đất, trong nhà phòng khách lớn nhất vì còn là nơi sinh hoạt của gia đình, kế đến bếp đồng thời là phòng ăn, các phòng ngủ nhỏ, nhà vệ sinh cũng nhỏ vừa đủ dùng.
 Tính thực tế của người Mỹ khá rõ, không phô trương ở những nơi không cần thiết. Mỗi ngôi nhà tính theo số phòng ngủ để biết lớn hay nhỏ, có thể định giá trị ngôi nhà. Tất nhiên, những khu nhà của các triệu phú tỷ phú Mỹ thì khác, rất khác.
 Khác thế nào thì tôi... không thể nói được, vì chưa tận mắt nhìn thấy chưa bước vào, ngoài việc nhìn thấy trên phim ảnh, như nhiều người khác.
Boston là thành phố tôi thích nhất. Cảnh quan như một thành phố Tây Âu thời cận đại, những khối nhà vuông vắn gạch đỏ đằm thắm, những ngôi nhà 1, 2 lầu với bậc tam cấp bên cạnh những khung cửa sổ sơn trắng êm đềm. Hoa mùa xuân nở khắp nơi, sắc hồng thắm trắng tinh khôi giữa xanh ngát lá.
 Boston còn là một thành phố trẻ bởi hàng trăm ngàn sinh viên của nhiều quốc gia đang học ở đây. Bước chân ra đường là cảm nhận được sức sống mới mỗi ngày từ những bước chân sinh viên nối nhau trên đường, trên xe bus, trong metro...
 Ngày tôi đến Boston đang chuẩn bị cho dịp lễ tốt nghiệp của các trường đại học nổi tiếng ở đây.
 Hàng chục ngàn phụ huynh sẽ đến đây tham dự buổi lễ long trọng này.
Ở nước Mỹ có thể nhìn thấy người xếp hàng khắp nơi: đi taxi, mua hàng, lên xe bus, làm thủ tục sân bay, đi ăn trưa ăn chiều ăn tối xếp hàng chờ có chỗ trống, mua cà phê và đồ ăn nhanh“to go,” kể cả đi vệ sinh nếu quá “bức xúc” cũng đừng mong chen ngang.
 Ai bảo chỉ có xã hội chủ nghĩa mới Xếp Hàng Cả Ngày?
 Qua nước Mỹ bạn phải làm quen và “chịu đựng” việc xếp hàng trật tự thôi, vì chỉ cần bạn chen ngang là lập tức có người nhắc nhở bạn ngay.
 Nếu bạn không biết đọc tiếng Anh thì đã có ký hiệu chỉ dẫn rõ ràng.
 Bạn không tuân thủ thì ý thức bạn quá kém, và như vậy bạn không xứng đáng nhận được ánh mắt tôn trọng của mọi người.
 Ai cũng có công việc cần, quỹ thời gian ai cũng như ai, xếp hàng là tôn trọng mình và tôn trọng người khác, đơn giản là như vậy.
Khi tôi đến nước Mỹ vào xuân. Phía Tây đã có những ngày nắng nóng. Mọi người trút bỏ quần áo mùa đông để khoác lên mình trang phục mùa hè, giản đơn, tiện dụng.
 Ngoài phố các cô gái khoe chân trần vai trần phơi nắng ấm. Dép kẹp, giày thể thao là hai loại phổ biến. 
Trang phục đơn giản có vẻ “bụi” và thực dụng. Trong các trường đại học cũng vậy, sinh viên ăn mặc nghiêm túc có, “bụi đời” cũng có luôn. Nhưng phong thái ai cũng tự tin, thoải mái. Giống như Sài Gòn, ít ai để ý đến quần áo của bạn nhưng ngày thường đi trên phố không khéo thì mớ quần áo giày dép đắt tiền sẽ làm cho bạn mất đi sự tự tin vì sự “chỉn chu” của mình.
Các thành phố Mỹ cũng gặp vấn nạn về nơi đậu xe, tuy không quá khó khăn nhưng vào giờ cao điểm hay ở những nơi công cộng, trung tâm mua sắm vào ngày cuối tuần thì tìm được một chỗ đậu xe thật sự là một kỳ công. 
Nhưng không một người bình thường nào đậu xe vào chỗ dành cho người khuyết tật, dù chỗ đó để trống rất lâu, dù phải đi vòng vèo mấy tầng hầm cũng chưa tìm được chỗ.
 Những cách hành xử theo quy tắc chung của xã hội, của cộng đồng như vậy được duy trì như là đạo đức, vì được củng cố bằng luật pháp, quy định và xử phạt nghiêm minh.
 Việc bị cảnh sát phạt cũng... bình thường, không phải bình thường vì vi phạm thường xuyên mà ai cũng hiểu mình đã phạm luật thì bị phạt là đương nhiên, mất tiền, mất thời gian đi nộp phạt... để lần sau nhớ đừng tái phạm. Không thấy ai tức tối hay ấm ức vì bị phạt 
(Ở mình, bị phạt nhiều khi ấm ức tức tối vì sĩ diện, vì mất tiền cho người phạt, chứ không phải vì bị oan). 
Lại nói, ngoài đường, nơi công cộng hầu như ít thấy bóng dáng cảnh sát, nhưng có việc gì bất thường xảy ra là thấy mấy ảnh xuất hiện liền, giải quyết một cách tự tin, nhanh chóng và chuyên nghiệp.
 Mỗi người là một cá nhân nhưng cũng là một phần hữu cơ của xã hội.
 Luật pháp và những quy tắc dành cho tất cả nhưng cũng vì một con người cụ thể. Do đó mọi người đều yên tâm và tin rằng, khi cần mình sẽ nhận được giúp đỡ tận tâm của người có chức trách và sự chia sẻ của cộng đồng.
Hai tháng đã qua từ ngày tôi đặt chân xuống phi trường LAX, nước Mỹ vốn rất xa lạ với tôi trở nên gần gũi hơn chỉ sau ba tuần vội vã lướt qua.
 Và cái gì còn lại trong tôi nhiều nhất? Không phải là những sôi động hiện đại làm choáng ngợp của một nước Mỹ giàu có mà là cuộc sống bình yên từ tất cả những điều bình thường và giản dị.
 Nhưng khi đi trên đường phố Boston nơi đã xảy ra vụ đánh bom khủng khiếp một tháng trước, tôi không thể không tự hỏi, tại sao nước Mỹ vẫn xảy ra những vụ xả súng đánh bom điên cuồng vào những người vô tội?Vì sao phim Mỹ hay miêu tả những tội ác khủng khiếp, thảm họa khôn lường?
 Vẫn biết ở các thành phố lớn đằng sau những tòa nhà chọc trời, đằng sau sang trọng xa hoa, đằng sau cuộc sống bình thản đang diễn ra trước mắt... luôn là những khu ổ chuột, xóm“nhà lá,” những đường phố tệ nạn và tội ác diễn ra hàng ngày. 
Sự phân hóa xã hội như một quy luật bù trừ, khoảng cách giàu nghèo ở nước Mỹ nằm ở hai cực cách xa nhau, chúng ta chỉ mới nhìn thấy một phần nhỏ của khoảng giữa.
 Còn có nhiều“cuộc sống” khác nữa của nước Mỹ mà người chỉ “đi qua”như tôi khó có thể biết hết.Tôi không biết “khen-chê” nước Mỹ như nhiều người (lần đầu đi Mỹ về) đã viết, bởi vì ở đâu chẳng có điều tốt và cái xấu.
 Tất cả những gì làm tôi có cái nhìn mới hơn, khác hơn về nước Mỹ là từ những điều bình dị hàng ngày.
  Như những ngôi nhà có hàng rào thấp sơn trắng mà tôi đã nhìn thấy khắp nơi, như góc phố hiên nhà đầy hoa lá, như con đường chạy giữa hai hàng cây xanh phía trên là bầu trời xanh thắm, giữa ruộng nho bạt ngàn lấp lánh ánh mặt trời buổi bình minh hay giữa hoang mạc trong mặt trời đỏ ối buổi chiều tà...
 Cuộc sống mà tôi thấy ở nước Mỹ là gương mặt bình yên trong muôn mặt đời thường ở xứ sở mà nhiều người đã ước mơ một lần được đến, được sống, như ước mơ di trú đến chốn Thiên đường sau ngày giã từ cõi tạm.
Nhưng ngay cả Thiên đường cũng luôn có Ðịa ngục song hành; nếu không, mấy ai biết giá trị của hạnh phúc nơi Thiên đường?

Sài Gòn,2 tháng sau ngày đến nước Mỹ
  07/2013
 Nguyễn Thị Hậu
 --- thx chị Hậu , em đồng ý với những nhận xét & cảm xúc của chị dành cho chuyến du lịch 2 tháng trên xứ Cờ hoa , riêng em cũng vốn yêu thích những khu phố cổ kính yên bình mang phong cách gothic châu Âu của Boston ,khuôn viên Havard , hay MIT , thư viện ,công viên ... đem lại cảm giác bình yên sau những bon chen náo nhiệt của đời thường chị nhỉ !Ước gì 2 chị em ta lại có dịp cà phê ngắm cảnh bên nhau nữa chị ơi...!

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Cho xin một vé về với tuổi thơ




 Sắp tới Trung thu 2013 rồi ( 09/19/ 2013) ,bỗng dưng PT  nhớ về những mùa Trung thu ngày xưa ,PT  mượn tựa tác phẩm :"Cho tôi một vé đi tuổi thơ " của nhà văn kiêm nhà giáo Nguyễn Nhật Ánh ( nghe kể quán ăn chuyên món xứ Quảng Đo Đo của ông ở Bình Thạnh đông độc giả Sgon ủng hộ )
Ngày  PT còn nhỏ cỡ lớp 1- lớp 5, đám bạn cùng trường và bạn cùng xóm PT  ,hầu hết lứa tuổi thiếu nhi đều thích trò chơi mới lạ ,con gái thì chơi đồ hàng như nấu ăn với nồi niêu , chảo bằng inox hay bằng nhựa , con trai thì trái banh , súng , kiếm ,xe  tăng này kia ...
Nhưng cứ dịp Trung thu là đứa nào cũng dặn  cha mẹ mua lồng đèn và đèn cầy ,bánh phải là bánh trung thu con heo để hùn nhau tới Trung thu   đi rước đèn quanh xóm xong , ăn bánh trung thu hay uống si-rô chanh ,hay nước ngọt Tribeco ( thập niên cuối 70 ,80 chưa có Cocacola hay 7up ,Pepsi ..)
Không khí trước Trung thu cũng nhộn nhịp ,tuy không  vui bằng Giáng Sinh hay Tết ,nhưng phố phường cũng đông vui  ,nhất là khu phố chuyên bán lồng đèn ở q/1.q.3 ,q.5 .q11 

 Nếu ta  khéo tay mua giấy màu về xếp lồng đèn bằng giấy ,hay sử dụng lon bia ,lon nước ngọt làm lồng đèn cũng đẹp và không sợ đụng hàng với ai
Thường thì lồng đèn chỉ quanh đi quản lại những mẫu quen thuộc như con bướm ,cá vàng ,con gà ,con thỏ , ông sao ...

 Dạo sau này nhập thêm lồng đèn của Hongkong hay Trung quốc
  Tuy rằng Trung thu chỉ vỏn vẹn có 1 ngày ,nhưng tâm lý chung trẻ con bao giờ cũng mong ngóng ,trông đợi ,háo hức , PT  còn ngồi đếm từng ngày , &  rước đèn trung thu với bạn bè
   Tuổi thơ ngày xưa thật hồn nhiên ,vô tư ,vô lo biết bao bạn nhỉ ?
Hình như có năm mấy chị em PT  được bác tổ trưởng dân phố nhắc nhở lên nhà văn hóa phường lảnh bánh trung thu nữa , in là cái bánh nho nhỏ xinh xinh cỡ 15-20gam ,chứ không bánh size lớn bán trong tiệm ( Tân Tân , Kinh đô ,Đông hưng Viên ..)



Rằm tháng 8 Trung thu trăng tròn vành vạnh ,chiếu ánh sáng lung linh ,xa xa ngắm trong óc tưởng tượng của trẻ thơ vẫn thấp thoáng bóng chị Hằng và chú Cuội như lời kể của bà ngoại về câu chuyện cổ tích năm xưa
Phải kể thêm là có những mùa Trung thu ,trong khu phố 4  ,PT vẫn có những gia đình lối xóm quen biết lâu năm ,các phụ huynh tự bàn với nhau ,đứng ra tổ chức lễ hội trung thu cho thiếu nhi trong xóm ( bao gồm cả con lẫn cháu của mọi gia đình trong khu xóm ấy )

 Nhà nào có vườn cây rộng ,chủ nhà vui vẻ cho mượn cả bàn ghế ,hay mỗi nhà tự đem tới đóng góp thêm trái cây như cam ,quýt ,bưởi , thanh long ,và ngoài bánh trung thu còn có cả kẹo đậu phộng ,kẹo chuối ...vốn  trẻ nhỏ nào mà chẳng ưa ngọt đâu chứ ?
Rước đèn quanh sân vườn , xong tới ca hát :

Tết trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Tùng dinh dinh tắc tùng dinh dinh
Đèn ông sao với đèn cá chép
.......
Ôi tuổi thơ ngọt ngào và tuyệt vời , nay PT  chỉ tìm lại trong ngăn kéo kỷ niệm mà thôi , PT ước chi có ông bụt hay bà tiên hiện ra cho ta điều ước .

PT  chỉ xin một ước nguyện duy nhất là cho 1 vé trở về với tuổi thơ hồn nhiên ,vô tư ngày xưa ,chỉ thế thôi ...!

  PT
Trung thu 2013

Hỏi Hay Ngã ?


Những ai trong chúng ta hiện đang đi trên đại lộ me mé bên cạnh hoàng hôn của cuộc đời, tức là gần cuối con đường số 5, nghĩa là đã sống hơn ½ cái kiếp người, chắc thế nào cũng còn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên khăn gói lều chõng lên đường ứng thí kỳ thi mở màn cho sự nghiệp đèn sách của mình.
 Tôi muốn nhắc đến kỳ thi Tiểu Học, kỳ thi mà chúng ta thường gọi là “Ri-Me” (để tỏ ra là chúng ta cũng biết nói tiếng Tây, tuy chỉ là thứ tiếng Tây thuộc loại:
Tiếng Tây tôi để trong mo,
đến khi Tây hỏi, tôi mò không ra
Trong kỳ thi này có một bài Chính tả mà có người còn gọi là Ám tả, có lẽ vì bài viết này quá u ám đối với các sĩ tử tí hon như chúng ta thời đó chăng? Bài chính tả được chấm 10 điểm, nếu chúng ta không viết sai lỗi nào. 

Và cứ mỗi lỗi là bị trừ mất một điểm. Các lỗi HỎI và NGÃ vì không quan trọng nên chỉ bị trừ ½ điểm.
Tôi là dân Huế chính gốc 100% tức là dân Huế “chay”, Huế rất chi là Huế, Huế từ đầu đến chân, Huế từ trong ra ngoài nên phát âm các chữ có dấu HỎI-NGÃ rất tùy tiện, phóng túng, hoàn toàn không giống người dân ở miền Bắc của Cố Đô Thăng Long, mặc dù Huế của chúng tôi cũng là Cố Đô Ngàn Năm Văn Vật.
Do đó dân Huế chúng tôi sợ nhất là những chữ có dấu HỎI-NGÃ lúc viết bài thi chính tả, dù đã học thật kỹ cuốn sách viết về luật HỎI, NGÃ của Thầy Lê Hiếu Kính.
Tôi thường nghĩ thầm là: HỎI hay NGÃ thì cũng “mắm sốt”. Đọc lên dù phát âm đúng hay sai, người dân Việt Nam vẫn hiểu được như thường, vậy thì hơi đâu mà phải bận tâm...
Ví dụ như: 


Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Dù ta có viết chữ “hỡi” với dấu HỎI thì ai mà lại chẳng biết chữ “hởi” có nghĩa là “ơi” là “ới” là “này”. Thế thì chữ “hỡi” viết đúng hay sai cũng không có gì là quan trọng.
Chẳng lẽ viết đúng thì có tính cách thân mật hơn, lịch sự hơn, âu yếm hơn, dễ thương hơn là viết sai hay sao?
Cũng như chữ “đổ”, nếu có viết sai với dấu NGÃ thì cũng không ai lại nghĩ lầm là hạt «đậu» được.
Luận điệu này của tôi đã bị người yêu của tôi chê sát ván và bảo tôi là gàn bướng quá thể (?). Nàng răn đe, phụng phiụ:
- «Cái kho tàng chữ nghĩa tuyệt vời của tiếng Việt sẽ bị những người ngoan cố như anh làm thui chột mất thôi. Viết mà đúng thì thứ nhất, chẳng ai bắt bẻ gì được mình.

 Nêú không á hả, có khi lại còn bị người ta cười là mình dốt nữa đâý. Thứ nhì, mỗi chữ có cái nghĩa riêng của nó, xập xí xập ngâù thế nào được.
Này nhé, em BỎ công ra (dâú HỎI đây nhé) lý luận, dẫn giải lung tung như thế này, mệt lử cò bợ chứ có phải đùa đâu, thế mà anh chẳng chịu hiểu cho, vẫn cứ khăng khăng cho là mình có lý. 

Thật là chả BÕ cái công (dâú NGÃ đây nhé) em nói ra rả bâý lâu. Vậy thì... em BỎ anh ?
 Anh í à, chẳng BÕ để.. em.. để em.. gì nhỉ..?
- Đâý, anh thâý chưa, anh đã thâý tiếng Việt của mình phong phú, biến hóa tài tình như thế nào chưa?
 Thế mà anh nỡ lòng nào nói cùng một giọng, viết cùng một kiểu, thế thì hỏng bét !
 Giời ơi là giời !! Anh gàn lắm !! Anh cãi châỳ cãi cối !! Anh...bướng !!...v..v... «.
Các bạn có biết những cái v(ân) v(ân) chấm chấm đó, hồi mới quen Nàng, tôi đã nhặt không kịp, tôi đã hẩy đi không kịp sau những lá thư tỏ tình với Nàng không?
Người tôi yêu là dân Bắc Kỳ rau muống, các bạn ạ, chính hiệu con nai vàng. Nàng rất chi ly khi viết tiếng Việt Nam, cũng chi ly như lúc ăn bún riêu nấu với cua đồng, mà dân Huế chúng tôi gọi là con «rạm».

 Cọng rau muống dù nhỏ bé đến đâu cũng bị Nàng chẻ ra làm tư.Vì thế mỗi lần viết thư cho Nàng, tôi phải dùng từ điển Việt-Pháp của cụ Đào đăng Vỹ để tra cứu các dấu HỎI-NGÃ, mà nếu có ai nhìn thấy tôi dùng từ điển Việt Pháp để viết thư chắc lại nghĩ là tôi đang viết thư cho một cô đầm nào đó, và chắc là phải phục tài ngoại ngữ của tôi ghê lắm.
 Kể ra thì đó cũng là một cái lợi khi bị hiểu lầm như thế. Nhưng lại là một nỗi khổ cho riêng tôi.
Đã qua được kỳ thi “Ri-Me” đầu đời rồi mà vẫn phải học lại cách viết chính tả với dấu HỎI-NGÃ nhiêu khê phiền toái. Muốn tránh nỗi khổ này, tôi thường tránh né dùng những chữ có dấu HỎI-NGÃ và tìm những chữ đồng nghĩa thay thế vào.
Ví dụ, thay vì viết: «Anh nhớ Em kinh khủng» thì tôi viết «Anh nhớ Em ghê gớm».
Nàng có chê là tôi viết không văn chương chữ nghĩa thì tôi cũng đành chịu và Nàng cũng ráng chịu, cho bõ ghét cái thói chi ly ưa vạch lá tìm sâu, sửa chữa những lỗi lầm HỎI-NGÃ.
Thật ra thì tôi cũng phải cảm ơn Nàng, vì nhờ Nàng mà tôi biết viết đúng rất nhiều chữ có dấu HỎI-NGÃ (tuy là vẫn còn sai khá nhiều)...

 Nhưng nếu bây giờ mà cho tôi đi thi lại Ri-Me thì bài chính tả của tôi chắc chắn là xuýt nữa thì được 10 điểm, nhờ có người yêu là dân Bắc Kỳ đâý (biết rôi, khổ lắm, khoe mãi!).
Lại nữa, nhờ chịu khó tìm kiếm những chữ đồng nghĩa không có dấu HỎI-NGÃ mà tôi đâm ra hoạt bát hẳn lên và rất giâù ngữ vựng.
Chẳng hạn như câu ca dao dẫn chứng trên kia tôi có thể viết như thế này:
Cô kia tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng quăng đi.
Hay là:
Này cô tát nước bên đàng
Răng cô múc ánh trăng vàng dzụt đi Các bạn có thấy tôi biết dùng cả chữ Huế và chữ miền Nam không?

 Như thế này thì người yêu của tôi làm sao mà có thể chỉ trích tôi viết sai HỎI-NGÃ được nữa chứ, hử?
Bây giờ nhé, các bạn thử xem tài biến chế của tôi để tránh dấu HỎI-NGÃ, khỏi phải sợ người yêu bắt bẻ. Thì đây, thay vì viết:
« Ngủ dậy nửa đêm, lặng lẽ, mò mẫm, mở tủ lạnh, kiếm hũ sữa bò, tìm một cái ly mủ, đổ vào lưng lửng ly, hỉ hả ngủm từng giọt nhỏ, không có gì khỏe bằng... «
Các bạn có thấy cái câu này gồm không biết bao nhiêu là dấu HỎI-NGÃ làm điên đầu những người dân miền Trung và miền Nam không? Nếu không tin tôi, các bạn (tôi không thách đố dân Bắc kỳ như người yêu của tôi) thử viết mà không được dùng từ điển như tôi, xem thử các bạn viết đúng được bao nhiêu chữ.
Nhưng đừng lo, dễ lắm! Hãy bắt chước tôi tránh né:
« Thức giấc lúc 12 giờ khuya, nhẹ nhàng, rờ mò cạy frigidaire, kiếm lon nước vắt từ vú con bò cái, tìm cái ly nhựa rót vào lưng chừng ly, cười một mình, uống từng ngụm in ít một, không có gì khoái chí bằng... «
Sao, các bạn có thâý tôi tránh né thần tình chưa? Đọc lên, nghe cũng xuôi tai lắm chứ bộ? Nhưng cũng chả xong với cái tính chi ly ưa bắt bẻ của người tôi yêu, các bạn ạ.
Mỗi chữ mà tôi viết sai, Nàng thâý liền tức khắc. «Nom ngứa mắt lắm!», Nàng nói rứa.
Thế là có ngay một màn giảng nghĩa a, dẫn chứng a, lôi các câu của những danh nhân kim cổ ra mà kể lể a, tranh luận a.... thôi thì đủ điêù, đủ kiểu.
Nàng có cái esprit critique mà ly., tôi đã bảo. Mà không những thế, lại kiêm luôn cái esprit analytique nữa, giời ạ, thế thì có khổ cho cái thân tôi không cơ chứ !
Nàng thường thỏ thẻ (nguyên văn): 

 - «Anh cứ thử tưởng tượng như thế này này, trước khi viết. Cứ thử tưởng tượng xem em sẽ nói cái chữ đó với cái giọng như thế nào, lên giọng hay xuống giọng, là anh biết sẽ phải viết với HỎI hay NGÃ ngay thôi.
Ví dụ cụ thể đây nhé, cho mà thích mê tơi nhé, cho mà nhớ đời nhé, nghe đây này: anh cởi..., xuống giọng (vì nằm xuống?) dâú HỎI, đã nhớ chưa? Và rồi thì... em cỡi..., lên giọng (vì leo lên?) dâú NGÃ, nhớ chưa nào? «
Gì chứ, ma bùn như tôi, cái ví dụ này là tôi khoái nhất, nhớ nhất, nhớ chết đi được, nhớ đời !
Giọng nói của Nàng, ôi sao mà nó ỏn thót đến thế không biết, du dương mê ly lắm cơ, nghe mà cứ chết lịm cả người đi mất thôi, đứ đừ đừ (Dạ Lan của đài Tiếng Nói Quân Đội ngày xưa mà lỡ có dại dột đòi so tài «rù rì, dú dí» với Nàng là thua bét tỹ ngay), thế thì bảo sao mà tôi không tăm tắp tuân theo lời dạy bảo của Nàng cho được?
Và kỳ lạ chưa, sao dạo này tôi không thâý Nàng đả động gì tới hai cái dâú quái ác HỎI và NGÃ nữa thế nhỉ?
Đã lâu lắm rồi nên tôi cũng quên mất cái cảm giác «ngẩn tò te» mỗi lần gửi thư cho Nàng xong, mong mong ngóng ngóng sốt cả ruột cú phone của Nàng, để chắc mẩm sẽ được nghe những lời lẽ cứ gọi là mềm nhũn ra vì vừa thấm đẫm những tình tự tôi trao.

 Nhưng không các bạn ạ, giời ạ, thay vào đó, tôi chỉ nghe những nào là:
- «Chết chửa, cái chữ «xxxx» này mỗi ngày nghe cả chục lần, nói cả trăm lần, đọc cả nghìn lần, thông thường như vậy mà anh cũng viết sai cho được thì... phục anh thật cơ !
Lại còn chữ «yyyy» nữa, anh viết như thế này thì em hiểu thế nào bây giờ đây, hở giời? Viết cái gì mà chữ nghĩa ý tứ lộn cứ tùng phèo hết cả, em chả hiểu gì sất !!!...»
Tôi ngẩn tò te là phải. Đực người ra là phải.
Nhưng may quá, đó là cái lúc ban đâù thôi, cái thuở ban đâù lưu luyến âý mà.

 Qua lâu rồi.
Cái thuở mà tôi, vì ngẩn tò te nhiêù quá nên đâm ra tức khí, bèn lôi một lô mâý bộ từ điển (vẫn nằm mốc meo ở ngăn tít cao trên cùng của kệ sách) để tra tra cứu cứu mỗi khi gặp phải một chữ oái oăm nào đó.
Nêú có tả oán cái nỗi khổ cực của tôi vì phải đánh vật với mâý quyển từ điển những lúc viết thư tình cho Nàng, chỉ nghe Nàng phì cười, khuyến khích:
- «Càng giỏi chứ sao. Người Việt mà không viết rành tiếng Việt, xâú hổ lắm, nhé «.
Có rất nhiêù lần, sau khi xem xong thư của tôi, Nàng gọi, chỉ để bảo:
-»Anh viết chữ «zzzz» này sai rồi nhé. Dâú HỎI (hay NGÃ) đâý, chứ không phải dâú NGÃ (hay HỎI) đâu. Nhé, anh nhé.»
Tôi cãi, hùng hồn cãi, vì chữ này thông thường quá mà, dễ ợt, nên tôi nhất định cho rằng tôi viết như thế là đúng rồi, đúng quá xá đúng rồi, phải là dâú NGÃ (hay HỎI) chứ, chắc chắn một triệu phần trăm.
Nàng cười xòa, tự tin, rồi thách tôi tra hai cuốn từ điển khác nhau để kiểm chứng lại. Chục lần như một, chỉ vài phút sau, tiếng tôi dzọ dzẹ hẳn, âu yếm:

  Em là quyển từ điển vivant của anh. Anh viết nhầm thật.
 Phục thâỳ, «chịu» thâỳ..quá..a..á!
Tôi «thâý», bên kia đâù dây, Nàng cười tủm tỉm, mắt long lanh, sung sướng.... và hình như mát (lắm) cái ruột nữa thì phải....
.... Gần đèn thì sáng, các bạn ạ.

 Nhờ quen với Nàng, nhờ sự chăn dắt của Nàng, tôi sắp có thể trở thành văn sĩ đến nơi.
Một điêù tất nhiên thôi. Viết nhiêù, viết lắm như thế này, để ca tụng nàng í mà, thì rồi một ngày đẹp trời nào đó cũng sẽ... bất đắc dĩ trở thành văn sĩ nổi tiếng chứ chả chơi đâu, nhỉ?
Thế đâý, cái mối tình văn chương chữ nghĩa của tôi với Nàng, kết chằng kết chịt bằng những dâú HỎI + NGÃ. Và rồi khó gỡ.
Nàng đã nhập hẳn vào tim, vào óc, vào... người tôi. Nàng ám ảnh tôi cả ngày lẫn đêm.
Tôi đang dần dần biến thành Bắc kỳ giống Nàng.

 Chắc có lẽ giống y hệt rồi, giời ơi là giời, thế này thì có «sướng» cho cái thân tôi không cưa chứ

Bà Già Trâù bắc kỳ nho nhỏ của tui ơi,
Rứa chừ em ở chỗ mô?
Răng anh không thâý em mò vô meo?
Nhớ em, héo úa eo xèo
Lỡ thương nên quyết đèo queo trọn đời
Tụi mình xa cách biển trời
Ngày mô cũng viết ít lời thăm nhau
Khi mô Trời khiến đụng đâù
Mời em xơi một miếng trâù cho vui
Bữa tê trời nắng ui ui
Nhớ em chi lạ, anh ngồi buồn xo
Thương nhau em cứ đắn đo

Bực mình em thiệt, em lo lo hoài
Nhiêù khi anh cũng muốn đoài
Hun em một miếng bên ngoài mà thôi
Giỡn chơi một tí đừng cười
Mà anh ốt dzột suốt đời em ơi !
Thương em, anh cứ câù Trời
Xin cho anh gặp được Người anh mê
Ngày dài tháng lụn lê thê
Biết chừng mô đó mình kề bên nhau
Mình ngồi hai đứa chụm đâù
Cầm lòng không đậu, hun đâù em thương...

Bích Vân

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Ly cocktail trong cuộc sống


Cuộc sống chung' ta như một ly kem cocktail vậy. Dĩ nhiên là khi bạn biết pha chế và thưởng thức nó.
 Mỗi người chỉ có một cơ thể của riêng mình, bạn có thể làm gì tùy thích với nó, nhưng nên nhớ rằng nó là thứ duy nhất thực sự của bạn và ở bên bạn cho đến cuối đời.
Không có điều gì trong cuộc sống mà không hàm chứa trong đó những bài học.

Có lúc bạn sẽ vô cùng thích thú, nhưng cũng có lúc bạn sẽ thấy chán phèo và có những bài học đã khiến bạn đau. Nhưng hãy hiểu rằng:
 Điều quan trọng là bạn rút được gì sau những bài học đó.
“Kia” không bao giờ tốt bằng “Đây”.

 Khi những cái “Kia” trở thành cái “Đây” của bạn, bạn sẽ dễ dàng để mắt tới những cái “Kia” khác vì nghĩ rằng nó sẽ tốt hơn cái
“Đây” bạn đang có.



“Đây” bạn đang có. 

Nên học cách bằng lòng với chính mình vì đôi khi thực chất những cái “Kia” không thể bằng những cái “Đây” được.
Tự bạn sẽ quyết định cuộc sống của mình.

 Bạn sẽ có những công cụ và nguyên liệu cần thiết, nhưng pha chế nó như thế nào là nhờ chính đôi tay, trái tim và khối óc của bạn.
 Vì vậy, đừng trông chờ vào may mắn mà hãy chú ý đến bản thân mình đi.
Bạn sẽ quên tất cả những điều tôi nói ở trên. Thật đấy, vì cũng không cần thiết phải nhớ quá nhiều như vậy.

  Hãy cứ nhìn đời như một ly cocktail đủ mọi hương vị và màu sắc.
 Chua vẫn có thể làm cho ngọt, ngọt vẫn có thể làm cho đằm, vì không một bartender nào có thể pha một ly cocktail thật tuyệt ngay từ lần đầu tiên.
  Và chắc chắn là bạn sẽ luôn có đủ nghị lực, niềm tin và lạc quan để pha ly cocktail cho cuộc đời mình!

theo Lê Bảo Sơn


Xe Miền Tây -Nguyễn Ngọc Tư



Người ta mở một đườn g bay từ Sài Gòn về Cà Mau. Mỗi khi có dịp đi khỏi nhà, mình lại có thêm một lựa chọn hoặc níu cánh máy bay vượt dặm dài hoặc leo lên xe đò đi túc tắc
Hoặc loay hoay ngồi chưa ấm chỗ đã vụt đến nhà hoặc rị mọ tám giờ đồng hồ ê ẩm mông, đau nhừ lưng, đờ cả cổ.

 Và mình thường chọn cách thứ hai.
Mình gọi đó là “liệu pháp đường xa” mỗi khi cần phải chống sốc vì phải đi về giữa hai môi trường sống, hai thế giới khác biệt.
Quả thật thần kinh mình hơi… mỏng.
Nên hoang mang gửi lại ngã ba Trung Lương. Đãi bôi bỏ bên cầu Mỹ Thuận.
Ấm lạnh người đời mình thả xuống bắc Cần Thơ. Hội hè miên man bỏ lại ở quán ăn bên đường, cùng với được mất đắng cay sau những ngày rời tổ.
Có quá nhiều thứ phải bỏ lại, và mình cần có thời gian.
Cũng may đường rất dài mà xe chạy thì chậm rãi, nhà cũng xa vừa vặn để mình trở lại là mình (hoặc gần giống mình).
Cũng có khi đi xa tới vùng đất nào đó rất xa, nhớ miền Tây quá lúc quay về mình dứt khoát leo xe đò.
Vì ở đó có ít nhất ba thứ đặc miền Tây mà hầu như trên chuyến xe miền Tây nào cũng có : nhạc bolero (hoặc vọng cổ), dầu gió, và… người miền Tây (thí dụ như mình).
Thứ nào mình cũng chịu được, nhất là chịu được cả mùi dầu gió Kim, Nhị Thiên Đường, Trường Sơn… nồng nặc trên một chiếc xe kín mít rù rì máy lạnh. Người miền khác ưa không vô.
Có lần ngồi cạnh một anh cứ phe phẩy tay trước mũi chê hôi, mình muốn… nhéo anh ta bầm dập để anh thuộc cho rành cái câu nhập gia tùy tục.
Thưa anh xứ này người ta bôi dầu gió lên mũi cho ấm, chà xát lên lưng trừ cảm cúm thông thường, uống cả dầu gió những khi đau bụng, hôi gì mà hôi.
Tôi đây nè, mới chui ra khỏi bụng mẹ đã được tẩm dầu khuynh diệp, chưa đầy tuổi đã ngủ cùng bà ngoại, nghiện mùi cốt trầu, dầu gió đến nỗi không ngủ được lúc bà đi đâu vắng.
Mình không quen chủ doanh nghiệp nào bán dầu gió để hỏi coi miền Tây hoang dại này mua của anh (chị) nhiều bao nhiêu, nhưng rõ ràng là miền Tây vẫn còn ăn dầu gió thở dầu gió.
Ngồi xe đò thì thấy rõ, có nhiều thím bị say xe cứ như tưới tắm bằng dầu.
Mình vài ba năm trước cũng hay say, trước khi đi chuẩn bị nào gừng nào củ sắn nào dầu gió xanh… trước khi lên xe còn lượm cục đá bỏ vô giỏ.Nghĩa là vài ba năm trước mình còn… hôi, theo như cách nghĩ của anh
bạn đường đến từ xứ khác, xa xôi.
Dù vậy, mình cũng thòm thèm xoắn áo động tay, vì chê bai dầu gió chán anh lại than vãn mấy cái bài bolero đang ca trong xe văng vẳng.
Bài “Gió thổi bên sông” quặn lòng là vậy, mà anh ta phì cười đã thấy giận rồi, chuyển qua “Đồi thông hai mộ”,
“Chuyến đò không em” cảm động gần chết, mà anh nhăn nhó vậy có phải khó coi, ứa gan không ?
Nếu vậy thì “anh tài xế ơi, có nhạc nào mùi hơn nữa thì mở lớn lớn nghe chơi.

 Hương Lan, Thanh Thúy hay Cẩm Ly… cũng được”, mình chọc tức anh chơi mà cả xe nhao nhao góp lời,
“Ừa, được đó”.
 

Thôi anh chịu khó, xe đò miền Tây nó vậy, bolero cũng như dầu gió, không có sao thành… miền Tây.
Nếu anh đừng nôn nóng, đừng phủi như phủi bụi ngay từ đầu, anh sẽ thấy trong mỗi bài ca có một vài câu được lắm, ngọc nằm trong đá chớ đâu.
Đây Phố đêm “đèn mờ giăng giăng/ Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên…”; đây

 Đường xưa lối cũ “có em tôi tóc xanh bay mơ màng/ Đường chiều dịu nắng, bóng em đi áo nâu in đường trăng”; đây Dòng đời “ngược xuôi bèo mây tan tác…”; đây
Thói đời ‘cười ra nước mắt khi trắng tay gọi tên bằng hữu giờ giàu sang quên kẻ thâm giao…”.
Mình thiệt tình không dám chắc là chúng hay, nhưng biết đâu anh bạn cũng có mối tình dở dang như vầy, từng buồn như vầy, từng than thở như vầy, rằng “nếu không dang dở làm sao trọn đời nhớ em…”.
Năm ba bữa nữa anh còn ở lại miền Tây là còn gặp bolero dài dài, ở quán ăn, chiếu nhậu, ở những chiếc xe bán nước giải khát rong ngoài đường.
Nếu may (tôi nhấn mạnh là may), anh sẽ nhận ra vẻ đẹp của bolero vào một chiều tắt ngồi bên dòng sông mênh mang, ngó lục bình trôi dưới trời mưa mỏng
Hay một buổi trưa hoang hoải ngó những cây thốt nốt trầm ngâm, kiêu hãnh cô độc đứng trên đồng; hay chút nữa đây xe sẽ trôi vào đêm tối, khung cảnh ngoài kia chìm trong mụ mị,
Anh nghe cuốc kêu bên trời “ta gối lá ngắm trăng lên, hoa bần rơi trắng đôi bờ kinh…”
, Biết đâu anh không còn bĩu môi chê nhạc gì mà sến chảy nước, tới bán bia ôm, đi xe đò cũng viết thành bài hát nữa là sao ?
Nhưng không bolero thì lấy đâu ra những bài hát cho những người thân phận mỏng, anh ?
Mình thu nắm đấm (tưởng tượng) lại, thôi kệ anh cứ ghét đi, ghét cũng là nhớ, nhiều khi còn nhớ hơn thương, chớ giỡn. Cũng có thể anh đúng, biết đâu… 

Có thể mình giảy nảy lên vì mình ham miền Tây đến mù quáng mất rồi.
Ví dụ như xe đò miền Tây này đâu có gì hay, ngồi mòn mỏi mất thời gian, phải ngồi máy bay thì đã tới nhà từ lâu lắm, ngủ một giấc đã đời, bồng trẻ con đi chơi.
Nhưng mình vẫn chọn xe đò, lý do gì thì mình đã kể ở đây, ở những trang viết khác.
Mình thấy không có gì là phiền phức nếu chị nọ ngủ say cứ tựa đầu vào vai mình, hay cái cách rút chân lên ngồi chồm hổm trên ghế của anh kia.
Hay cái ông ngồi đằng sau chuông điện thoại cứ gióng lên câu vọng cổ “Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ…”, mà bao giờ chờ xuống xề ông mới chịu bắt máy trả lời.
Kiểu nói chuyện điện thoại mình thường gặp trên xe, giọng oang oang, đầu thì gật lắc, tay xua xua, hấp háy mắt, như thể người bên đầu dây kia đang ngồi trước mặt.
Thôi thì chân chất, ừ thì quê mùa… miền Tây mà, vẫn nghèo vẫn xa xôi.

 Đây không phải Sài Gòn Hà Nội, đây là một thế giới khác rồi.
Thế giới mà người ta vẫn còn mua bắp luộc, bánh mì ở bến xe đem về xứ làm quà, trẻ con vẫn reo mừng tở mở.
Xe ghé quán ăn dọc đường, nhiều người ngồi chồm hổm chờ ngoài sân không dám ghé mông ngồi vào ghế, sợ thức ăn đắt đỏ.
Đi qua quầy trái cây mình thấy có người đứng đằng xa ngó, tay nắn hai túi áo bà ba mỏng, trên miệng túi cài cái kim tây.
Có lần mình ngồi cạnh một bà già, cứ ngồi lận lấy mấy hạt lúa từ trong nẹp vạt áo, cắn lóc cóc.
  Những người miền Tây quăn queo lam lũ thật thà này, bolero này, dầu gió này mình không bao giờ gặp trên những chuyến bay.
Lý do có vẻ ngớ ngẩn, nên thấy mình ham xe đò có bạn bè cười, mình chống chế bằng một câu danh ngôn nổi tiếng, những gì thuộc về con người thì không xa lạ với tôi.
Nhưng trong bụng nghĩ, thôi bà sến thì nói đại là sến cho rồi, có sao đâu…...

Nguyễn Ngọc Tư

Bún Ôc Anh Bảo Phú Nhuận

Người ta đồn anh Bảo bán bún ốc chợ Nhỏ, Phú Nhuận pê-đê.Lời đồn ấy, có dễ, làm gánh bún của anh thêm phần hấp dẫn.
 Đàn bà con gái quây quanh anh mỗi sáng đã đành, đàn ông con trai cũng nườm nượp chen nhau vào ăn, không hôm nào không phải chờ ghế.
Miếng ăn là miếng tồi tàn, chuyện giành ghế giựt chỗ xảy ra coi như đương nhiên, anh Bảo chẳng buồn can thiệp nữa.

 Quyết liệt nhất là những hôm mưa to gió lớn, đói bụng hơn, thèm ấm hơn nên hung dữ hơn, chỉ vì một tô bún, người ta văng tục hay đục nhau sặc cạch như không.
Gánh bún của anh Bảo nhỏ thôi. Một góc hàng hiên ngồi nhờ nhà bán than đầu ngõ chợ. Một manh bạt nhựa che mưa chắn nắng, năm này qua tháng nọ, chưa kịp ráo khô với ẩm ướt cũ đã oằn lòng hứng đầm đìa mới, phạc phờ thâm kim.
Một chiếc bàn dài phủ miếng ny-lông bông xanh bông tím là bông, ơi là bông.

 «Giấy rách phải giữ lấy lề, có tấm khăn giải cho nó lịch sự», anh Bảo, có lần không hiểu vì duyên do gì, đã thở ra một câu như thế.
 Một lon ghi-gô dùng làm ống đũa, đũa tre đũa gỗ chung đụng nhau, trắng có, đen có, nâu có, vàng có, trơn có, chạm có, vẽ có, sơn có, lổn ngổn ngắn dài, khách ăn phải tự so lấy, và, vẻ như, ấy là một cái thú, một bổn phận, một đóng góp trong lúc chờ đợi Người Chủ Lễ Bún soạn sửa những lệ bộ khác...
Cạnh ống đũa: một thau ớt xào. Anh Bảo xào ớt khéo lạ lùng, cay đậm và thơm sâu chứ không khét dầu, càng «không hời hợt thứ cay hỗn, cay giả mạo, phù phiếm!» 

Lời anh nói về ớt anh như thế, vừa tự hào vừa ra chiều... cay đắng (?).
Nhiều người bảo mê bún anh chỉ vì khoản ớt này.

 Nhưng đừng có dại đi hỏi anh xào làm sao, gặp lúc ươn người, anh mắng cho không kịp vuốt mặt, đại khái «đồ con nhà táo tợn vô duyên, hết chuyện hỏi rồi hay sao mà đi hỏi cái chuyện thầm kín thâm sâu của người ta (!)», còn như may mắn, thì sẽ được anh lịch sà lịch sự nhỏ nha nhỏ nhẻ: «A, cái đấy là bí mật gia truyền».
Ngoài ớt, anh còn bày hũ gia keo đựng nước mắm pha gừng già đâm nhuyễn, lọ mắm tôm quấy sệt, bọt bung trắng xóa bãi bờ, và thố sành sóng sánh nước me dầm.

 Thố sành này bị lở một bên quai. Cũng như mấy cái bát chiết yêu của anh, sứt môi nẻ miệng lung tung mà anh không thèm thay bát mới.
 Chẳng ai thắc mắc, người ta cứ và, cứ húp, cứ xì xà xì xụp vô tư.
 Trừ lần kia, có cô tiểu thư ra dáng con nhà gia giáo nhăn nhăn cái mặt phàn nàn chuyện bát mẻ khiến anh Bảo tự ái, xua tay hờn: «Hàng tôi có thế thôi, cô ăn giúp». 
Cô gái thấy quần chúng nhân dân nhòm ngó mình dữ quá, đâm thẹn, bưng bát lên, lua đại lua đến. Tội nghiệp!
Chiếm nhiều chỗ trên bàn nhất là cái nia tròn to cỡ khuỷnh tay ôm, ngun ngút xanh um những rau muống chẻ, lá quế, húng chó, kinh giới, giá đỗ, bẹ chuối bào và xà lách thái sợi thuốc lào nhập nhằng độn lận.

 Bên Tây này, mỗi lần nấu nồi bún, khổ tâm nhất chính là khoản rau.
 Phiên phiến đi thì cũng được thôi, như cuộc đời vậy, bao nhiêu mơ ước để cho đời đáng sống, mà không được thì cũng đành thôi, biết sao.
Thì cũng đành thôi, chỉ xà lách với lá menthe, thay vì. Nhưng như thế là chắt bóp con mắt, là cụp hứng cái lưỡi, là nản chí cái răng, là hãm phanh cái bụng. 

Con mắt không hưng phấn, bao tử tất nhiên rụng rơi ham muốn.
 Mà, cứ nhất định đa mang thì mất toi như chơi cả nửa ngày rong ruổi từ Paris Store qua Tang Frères, từ Thanh Bình qua Chợ Lớn, gom góp cho đủ các loại rau thơm, của phải tội, rẻ gì cho cam.
Quanh bàn, anh Bảo đặt độ mươi ghế đẩu thâm thấp đóng bằng gỗ tạp, xinh vừa mông con gái mới lớn. 

(Lắm bà mâm đã năm bảy lửa, ngồi ụp lên, chẳng còn thấy cái ghế đâu nữa!)
Anh Bảo ngồi đằng sau bàn lễ, uy nghi đường bệ trên chiếc ghế có lưng tựa, tay vịn, trông như ngai vua. 

Bên phải anh là thùng nước lèo mưa nắng hai mùa đều nóng bỏng.
Anh châm lửa luôn. Dáng anh cúi xuống trông lò, khi đẩy thêm khúc củi, khi cời than giữ lửa, cung cúc, tận tụy như bà mẹ kỹ tính chải chuốt cho cô con gái nhỏ.

 Bếp anh kê bằng mấy hòn gạch ống, đun củi khô nên nỏ lửa vô cùng. Ngày mưa, ghé hàng anh, vớ được cái ghế rồi chỉ muốn ngồi mãi để hít, để hơ, hưởng hơi ấm từ bếp lên nồi, từ nồi qua tô, từ tô vào miệng, xuống bụng, chan hoà lòng dạ.
  Nhưng vào mùa nóng, trông anh Bảo đến khổ. Mồ hôi mẹ mồ hôi con cứ là rưng rưng. Anh ưa mặc áo thun ba lỗ, nước mặn anh lăn tới đâu, tôi dò theo tới đó, canh chừng xem cái dòng sống động kia liệu có chảy quá đà, anh ngăn không kịp, rơi tòm ngay vào tô bún của tôi hay không...
Ấy là cứ khéo lo con bò trắng răng, chứ anh Bảo tỏ vẻ ý thức rất cao về thân thể mình. Việc chặm quẹt mồ hôi đối với anh cũng giống như nàng thiếu nữ mới lớn vén tóc làm duyên. Bàn tay anh tuy đen đủi nhưng nhu mì, lúc vội vàng quẹt ngang hay khi thong thả rút chiếc khăn mùi soa bằng vải cô-tông xanh lơ kẻ sọc đậm từ trong túi quần ra chặm chặm, mấy ngón tay đều cong vênh khả ái.

 Cử chỉ mềm dịu ấy, có dễ, là một trong những dấu hiệu khiến người ta tủm tỉm cười hay nháy mắt với nhau, để củng cố cái tin đồn.
 Anh Bảo bán bún ốc chợ Nhỏ, Phú Nhuận bóng lại cái: là thật.
Bàn tay năm ngón linh hoạt, thoắt gạt ngang dòng mồ hôi ưỡn ẹo trên thái dương bên phải lại thoắt thò qua thúng bún tươi rỡ bên hông trái.

 Cái thúng rộng lòng, đan bằng nan tre, đáy cùng lưng lót lá chuối xanh mướt. Bún trắng nuột, quấn thành con tròn lẳn, vừa hai bàn tay bụm. 
Anh Bảo chỉ bằng một bàn tay, vừa xé vừa xơi vừa bốc vừa vén. Bún vào bát gọn gàng, chính xác. Đôi mắt là bàn cân, anh thêm vô một lọn, bớt ra một dúm, sao cho tô nào cũng như tô nấy, lưng lưng vừa để khi chan nước dùng vào, tô bún không lõng bõng cũng không đặc cạn.
Đơm bún xong, anh khẩy vài con ốc bưu, đã được lẩy sẵn ra cái xô nhựa (cũng) gãy quai cho lên trên mặt bún. 

Hàng anh là như vậy, đồ nghề sứt càng gãy gọng hết trơn mà anh cứ tỉnh bơ, nhất định không sửa, đổi gì.
 Cái chảnh nó nằm ở chỗ đó, cái duyên nó cũng nằm ở chỗ đó, tui vậy đó, chịu chịu hổng chịu... ráng chịu.
Cái xô chứa ốc này được kẹp ở một vị trí tế nhị: giữa hai đùi anh Bảo. Chẳng hiểu để thế nó tiện tay tiện chân hay chỗ đó gần trung ương, dễ kiểm soát, không sợ bị gắp trộm vì ốc là thức ai cũng ưa chuộng mà lại đắt vốn nhất cho anh Bảo.

 Mỗi lần nhìn vào vị trí trớ trêu của xô ốc, tôi lại liên tưởng xe gỏi Gia Long, chuyện kể của mẹ tôi. 
Thời mẹ còn là nữ sinh Gia Long, cũng như bao cô bạn cùng trường, bà mê xe gỏi đu đủ khô bò trước cổng trường.
 Cứ tan học, các cô lại vây quanh xe gỏi thưởng thức trước tiên bằng mắt đôi bàn tay thông thạo của bác hàng gỏi bốc đu đủ bào nhuyễn cho vào cái đĩa nhôm trẹt, xong nhắp cây kéo sắt khổng lồ cắt vài miếng khô bò nâu nâu óng ả, rải lên trên nhúm húng quế xanh tươi, nhúm đậu phọng rang vàng đâm nhỏ, xịt tí tương đen, dấm đỏ, tí nước ớt...
  Gỏi trao tay rồi, môi lưỡi chỉ có nước quýnh quáng đón lấy để lập tức xuýt xoa vì ngọt bùi chua cay pha lẫn.

 Xe gỏi ấy sẽ mãi là kỷ niệm hoa niên «trong sạch» cho mẹ tôi và các bạn bà nếu không có một hôm số trời run rủi ...
Hôm ấy, bác hàng gỏi quá đông khách. 

Chờ mãi chẳng thấy bác rảnh tay đáp lại lời yêu cầu «Xin thêm chút dấm» của mình, cô bạn mẹ tôi bèn nhanh nhảu vòng ra hậu trường, định thộp lấy chai dấm, self service luôn.
 Dấm đâu không thấy, chỉ thấy cô tung hê cả đĩa, đũa, lẫn cặp táp, vắt giò lên cổ, vừa chạy vừa trợn mắt ú ớ.
Các cô khác, tuy chưa hiểu ất giáp gì, thấy bạn hoảng sợ như thế, cũng túa cả ra. Chừng kể lại, thì là, bác hàng gỏi, nhân bầy con gái lao xao ...

 Từ đó, cổng trường vẫn ở đó, qua đường không ai hay, xe gỏi thời gắn bó, đành không cánh mà bay...
  Khách ăn bún anh Bảo không biết có mấy người miên man nối kết như tôi...

 Ý hại thân, cứ nhắm mắt ăn bừa đi, đừng nghĩ ngợi này kia thì mới thấy ngon.
 Sợ bẩn, sợ bệnh thì bao nhiêu hàng quán ra đấy, còn ai ăn ai bán.
Thao tác chan nước dùng của anh Bảo cũng thật là điệu nghệ. Trước khi chan, bao giờ anh cũng ngắm nghía xem tô bún đã cân bằng bún, ốc đàng hoàng chưa.

 Miệng nhắc thằng nhỏ phụ việc: «Đã có rau cho khách chưa, khách muốn rau trụng hay rau sống... »
Tay vung cao cái muôi như dũng tướng vung đường gươm sát. Anh múc một muôi nước dùng đầy chan ngập tô, rồi anh dùng lưng muôi chận phần bún, ốc bên trong, nghiêng tô cho nước trần chảy từ từ ngược lại vào nồi. Ấy là dạo trước, là làm ấm.
Ấy là dạo trước, là làm ấm. Sau đó tới bước chan nhấp.

 Anh dội ít một từng hớp nước dùng vào khắp các góc tô, thật đều, cẩn thận, công bằng, không để phần bún nào chịu nguội lạnh kém phần bún nào. Độ bốn năm hớp thì vừa đầy, thì mới rải hành ngò, thì trao được cho khách với lòng an tâm.
Khách nào anh cưng thì anh nhắc: «Có nước mắm gừng đấy em ơi, nêm mắm tôm giùm anh, bỏ ớt chưa, anh bỏ cho nhé... » 

Tôi có lần được anh cưng như thế, sướng mê ly, dù chẳng hiểu thằng cha đồng bóng này sao tự dưng lại ưu ái mình thế. Cái sướng nhân đôi, khi chỉ ngay sau đấy, chính mắt tôi chứng kiến anh hắt hủi một người khách khác, mà cũng chẳng hiểu tại sao anh khó chịu với người ta như thế!
Khách nào anh thấy ghét, kiểu như cô tiểu thư bày đặt thắc mắc cái tô mẻ thì anh nguýt anh ngoáy, anh nói mát, nói hờn, ôi thôi đủ bộ điệu.

 Đôi khi, có mấy chàng thanh niên vui tính, thích đùa nghịch, cố tình trêu chọc cho anh giận để anh liếc, anh bĩu mà cười với nhau. Cũng có mấy chị, mấy bà gặp hôm anh trái tính dấm da dấm dẳn, làm cho đến phật lòng, ra khỏi hàng anh, thề từ giờ trở đi không thèm ghé nữa.
 Mấy ai giữ được lời thề?
 Anh Bảo cười nhạt, kiểu chấp đấy, dăm bảy bữa nữa rồi xem, mà có không trở lại thì đây cũng cóc cần!
Khổ nỗi, anh có khuynh hướng cưng chiều khách nam nhi hơn nữ giới. 

Những bà bị anh xử tệ, bới cho toàn ốc nát hay dạo bún qua loa nguội lạnh vào chợ kháo ầm lên rằng anh thấy đàn ông bô trai thì sóng mắt long lanh, hông eo lắc lẻo, đít đẩy mông đưa.
Một hôm trước khi đi Tây, tôi có tìm đến hàng anh ăn gỡ. Hôm đó nhằm ngày rằm, nên trời cũng trưa rồi mà anh còn ngồi đó.

 Hàng họ vắng vẻ, múc cho tôi tô bún tươm tất, có phần hậu hĩnh xong, anh co một chân lên gác trên mép ghế. 
Trời bỗng không tối đi, mây ở đâu ù ù bâu lại, mưa đổ như chỉ đổ xuống hàng bún.
Anh Bảo đẩy xô ốc qua một bên. Âu cũng lạ, lần cuối cùng ra ăn hàng anh sau mười mấy năm tri kỷ tình bún ốc cũng là lần đầu tiên tôi
thấy anh hờ hững xa rời xô ốc quý. Rồi tôi thấy anh vấn thuốc.

 Anh trải, anh cuốn, anh vê, anh liếm, anh đốt, anh rít, anh lim dim, sướng sướng, buồn buồn, anh mơ màng, đăm chiêu heo hút. Tôi nhớ đã bỏ tô bún xuống. Cơn mưa lạ lẫm. Anh Bảo lạ lẫm.
Bên gánh bún chợ vãn đã nghiêng nồi trên củi than tàn lụi, anh Bảo ngồi lơ chơ, tóc bạc như chợt hiện giữa đầu, thốt nhiên, cùng khắp. Đầu thuốc rựng đỏ từng chặp một, đôi mắt đã băng vào trong mưa. Tự nhiên tôi có cảm tưởng anh sắp ca vọng cổ. 

Tự nhiên tôi thấy anh đẹp não nùng. Còn tôi, sao tự nhiên muốn khóc. Từ là từ phu tướng... bảo kiếm sắc phán lên đàng...
Nhưng tôi không truy tìm để thấu hiểu nguyên do phút xuất thần độc đáo của anh, lại xảy ra, trùng hợp, như duyên, trước ngày tôi rời xa góc hàng hiên đầu ngõ chợ nghèo nàn thân thuộc.

 Trong đời có những điều, đôi khi tầm phào thôi, ta không hiểu, mà vì một lý do nào đó, hay chẳng vì sao cả, ta cho qua dễ dãi đến không ngờ, để về sau cứ mãi Tại sao...?...Lần về thăm nhà đầu tiên sau mấy năm đi xa, tôi vội vã tìm ra chợ Nhỏ. Lặng người.
 Góc hàng hiên khi trước anh Bảo ngồi bây giờ vắng ngắt. 
Cánh cửa nhà bán than đóng im, đen ám. Thấy tôi hỏi thăm với vẻ hoang mang, mấy bà bán cá khô đầu chợ vui vẻ mách: «Muốn ăn bún ốc hả, quẹo qua ngã tư một chút tới liền.»
Tôi quẹo qua ngã tư, tìm... A, bàn ghế! A, nồi bếp! A, bát đũa! Thế là chân giục cẳng mau mau bước vào.

 Nhưng, anh Bảo đâu? Ngai không vua! Ghế chủ lễ trống! 
Tim tôi trượt vỏ chuối té nhào, sợ, không biết sợ gì, nhưng sợ... , điều chỉnh, tự trấn an, hượm đã nào... Chắc anh đi vào nhà trong lấy ốc... Nghĩ vậy, chân lại mau mau bước.
Nơi đây hẳn hòi là một quán ăn. Có lẽ mấy năm làm ăn khấm khá, anh Bảo đã thuê hẳn mặt bằng này để khuếch trương hàng họ, nâng cấp bún ốc. Đưa mắt quan sát một vòng, tôi nhận ra những cái mới.

 Khách đến ăn bún bây giờ được kê bàn kê ghế cao ráo riêng biệt chứ không lê lết quây quần như xưa.
 Chồng tô kê trên bàn lễ trắng muốt men sứ, nạm dát hoa lá kiểu cọ sang trọng. Bỗng thấy khó chịu, thấy nhớ mấy cái bát chiết yêu bằng đất nung vẽ con gà chổng đuôi đơn sơ ngày trước.
Một thằng nhỏ bước ra chào và đem cho tôi cái khăn gì như khăn lông loại mỏng, cắt nhỏ cỡ bằng cái khăn mặt, ướp lạnh, có tẩm mùi nước hoa nồng sặc.

 Nó so cho tôi đôi đũa. Bảo là so chứ thật ra mớ đũa nhựa giả ngà trong ống có chiều cao ngang bằng nhau cả, nó chỉ việc rút ra một đôi đặt trước mặt tôi, ra cái chiều o khách. Rồi nó hỏi tôi: «Cô ăn gì?» 
Tôi cười, thầm nghĩ thằng bé này giễu dở, người ta đã bước vào hàng bún ốc lại còn vẻ vời hỏi ăn gì!
May quá, tôi nghe tiếng chân nằng nặng bước tới từ đằng sau. Chưa thấy mặt đã nghe lời. Anh chào hỏi tôi thật niềm nở: «Cô ghé quán, cô mạnh giỏi?»
Giọng anh là lạ. Tôi chưa kịp ngoái lại đã rỉa anh: «Anh bây giờ hết chuyên nghiệp rồi! Sao mà nấu nướng nhiêu khê thế này?»
Rồi tôi im lặng. Cho đến khi rời quán, tôi chỉ mở miệng nói hai câu:
- Một tô bún ốc. (Khi anh hỏi tôi ăn gì)
- Lịch sự lắm. (Khi anh hỏi tôi thấy quán thế nào)
Trong giấc ngủ ngật ngưỡng trên máy bay trở về Paris chuyến đi ấy, tôi mơ thấy anh Minh, người đàn ông trắng trẻo, phốp pháp, nhễu nhão như một thớt bột rớt. 

Minh kể tôi nghe chuyện Bảo... Miệng Minh trơn tru, tay khuấy khua loạn xị.
 Minh «trị» nước dùng bắng nhắng như đảo rau rang đậu, khiến nước đục ngầu ngầu, mấy miếng cà chua chín bầm dập trôi nổi lều phều trên một dòng suối máu.
Giọng Minh the thé: «Dã, xin lỗi cô, tôi là Minh, anh họ của Bảo, chứ hổng phải Bảo... Bảo nó đi Pháp rồi cô à... 

Thằng Bảo, tưởng qua Tây sướng, hóa ra lại cực. Trước cũng nồi niêu, nhưng làm chủ, tha hồ chảnh chọe. 
Giờ cũng nồi niêu, mà đi nấu cho người ta. Cày thuê cuốc mướn, bảo sao nghe vậy, cô ơi. Tui sang lại của nó cái hàng này.
 Nấu y chang hồi xưa à, cô thấy hông? Chiều khách còn hơn nó nữa á... ».
Thầm điểm các tiệm ăn có món bún ốc ở Paris, tôi băn khoăn.

 Anh Bảo ở Pháp, nhưng có ở Paris không?
 Anh đứng bếp cho nhà hàng nào?
 Bún ốc, anh có vẫn say sưa hay chỉ còn là niềm nhung nhớ...

MạchNha

Ðà Lạt, quán và người


Theo con dốc xuôi từ khu trung tâm Hòa Bình đến Hồ Xuân Hương là một phố café có một không hai của thành phố này.
Những ngôi nhà trệt một mái cùng một kiến trúc như nhau chạy dài như những quân cờ Domino, đối diện là hàng cây anh đào xanh biếc vào mùa mưa, rực rỡ sắc hồng vào Mùa Xuân, trong ống kính thì đây là một khuôn hình cực đẹp, ôm trọn hết cả mặt hồ phía bên dưới. 
Ðà Lạt quán 
Những quán café mang phong cách Pháp này đã tồn tại từ trước năm 1975, đa số đều do những chính chủ của nó kinh doanh.
 Ban đầu chỉ là những quán bình dân nhưng dần dần đã được nâng thành những quán sang trọng phục vụ cho từng loại khách có gu âm nhạc khác nhau.Có quán chỉ dành cho giới trẻ, có quán dành cho những người già trung niên, có quán dành cho cả hai thành phần không phân biệt ranh giới.Ðà Lạt xưa kia có nhiều quán đã trở thành “Art” nghệ thuật vì nó gắn bó với nhiều tên tuổi đã thành danh trong văn chương nghệ thuật như Café Tùng của Trịnh công Sơn, Khánh Ly, Ðinh Cường, Trịnh Cung, Café Văn của nhóm kịch Thụ Nhân Ðại Học Dalat cũ, Café Teria của các văn nhân tài tử khác ở Sài Gòn xưa lên lánh nạn chiến cuộc.

Cho đến hôm nay Café Ðà Lạt vẫn luôn là những hoài niệm xưa cũ mỗi khi người ta đặt chân đến và “Ði Café chứ” vẫn là câu cửa miệng khi những cơn mưa vừa tàn, khi màn đêm vừa buông xuống khi buổi sớm vừa dâng sương.
Café Ðà Lạt có ngon không?
 Ðiều này thì không mấy ai quan tâm vì đối với họ chỗ ngồi để ngắm cảnh mới là quan trọng, nhưng để trả lời câu hỏi này thì cũng không khó, vì café ở đây luôn luôn là café thật, không có chuyện pha bắp rang hay đậu nành như ở Sài Gòn.Nhưng để nhấm nháp chuyên nghiệp như một dân “nghiện” café thì chắc không ngon, do cách pha chế, nhưng chắc chắn cũng không đến nỗi nào vì hương vị café nguyên thủy của nó cũng vậy không mất về đâu...
Một chỗ ngồi với sương bay mưa rắc, một buổi chiều hay một sớm mai hay trong đêm lạnh, hẳn bạn sẽ không thể nào quên bởi những kỉ niệm đã nằm im đâu đó bỗng ùa về.
Có nhiều du khách đã chọn cách ngồi với hàng hiên quán mặc cho những hạt mưa liếm vào mặt, mặc cho gió ùa về cho tay co ro trong áo ấm, café chỉ là một cái cớ để có thể mua một chỗ ngồi, giá không đắt cũng không rẻ, bình quân hai ba chục ngàn đồng là có thể mua được một chỗ ngồi.
Ở đây bạn có thể ăn thêm một chút gì đó nếu lười đi xuống chợ đêm (chợ Âm Phủ cách đó chừng 100m) với một món ấm nóng từ mì gói cho đến Hambuger hoặc mì Sageetty cũng chỉ trên dưới ba mươi ngàn.
Ban đầu chỉ là café thôi, đến khi nào chán thì tà tà xuống chợ đêm kiếm vài xị lai rai cùng bún bò hay ốc nóng, thịt nướng với rượu cần, đi càng đông càng vui khi đêm đang đổ về khuya cùng với sương mù dày đặc, đâu đó bạn sẽ nghe tiếng guitar của một nhóm bạn trẻ nào đó đang vang lên trong đêm cùng với những tiếng ca vất vưởng.
Và người 
Thời gian đã biến khí hậu phong cảnh Ðà Lạt trở nên khó tính gắt gỏng khi một lượng lớn dân di cư tự do từ Bắc tràn vào Nam sau biến cố 75.
 Những cánh rừng xanh um nguyên sơ dày đặc ngày nào che chắn quanh Ðà Lạt đã bị tàn phá để thành những huyện lỵ kinh tế mới như Nam Ban, Lâm Hà, Lộc Hà...

 Những chữ Hà đây là “Hà Nội” có nghĩa là vùng đất của người người từ “Hà Nội” vào. Khi những làng phố này hình thành thì cũng bắt đầu những hệ lụy của văn hóa XHCN, từ nơi đây những lối sống “thực dụng” đến bạo tàn được du nhập vào hình thành nên những cuộc sống không giống ai của những kẻ thắng cuộc.
Ðể có thể chống chọi lại những cơn bão ố tạp này người Ðà Lạt vốn hiền lành nay trở thành co cụm sợ hãi nhiều hơn một khi phải ra đường và tiếp xúc với những vị khách đang nắm quyền sinh sát.
Họ đã cố gắng giữ gìn những gì có thể nhất của văn hóa của con người Ðà Lạt còn sót lại, đặc biệt trong thú ẩm thực ăn uống đi đứng ứng xử, họ đã làm hết mức có thể để không bị lối sống tem phiếu đói khổ từ miền Bắc tràn vào.
 Quán xá của Ðà Lạt là một ví dụ điển hình của sự đề kháng lịch sự trước sự xâm lăng tục tĩu đó, họ không làm gì hết ngoài cái quyền được không nghe những cái gì của những vị khách phương xa kia mong muốn.
Âm nhạc là một ví dụ, người Ðà Lạt không thích nghe nhạc “đỏ” nên những chủ quán chỉ mở những băng đĩa nhạc xưa cũ trước 75, điều nÀy đã hình thành một một nét văn hóa - không thể bàn luận - nên những dòng nhạc riêng cho từng quán
.Nếu bạn muốn nghe nhạc Tiền chiến, Trịnh công Sơn, Phạm Duy, Cung Tiến, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng... thì hãy đến Café Tùng, nếu muốn nghe một chút Vũ Thành An, Lam Phương, Thúy Nga By Night và những ca khúc bất hủ của phương Tây thì hãy đến ngay artitar Nghệ Sĩ, muốn nghe nhạc Trẻ thời thượng hãy đến Gia Nguyễn..
Nói chung Ðà Lạt có thể bị ‘giải phóng’ nhưng người Ðà Lạt chưa bao giờ bị ‘giải phóng’ về văn hóa nghe nhìn, cho dù hàng ngày họ vẫn phải sống chung với những chiếc loa đang giăng mắc trên cột đèn hay radio, TV của nhà nước.
Ngay cả ăn uống thời trang cũng vậy, người Ðà Lạt cũng vẫn là người Ðà Lạt không bao giờ thay đổi.
Nhưng thời gian rồi đất cũng biến cải nên đồng, con người thì cũng không thể nào cứ mãi sống với hoang vu tầm thường mãi, cho dù mấy ông cộng sản có cố tình “nhồi nhét” vô một nền “văn hóa mới” thì cũng không thể nào thay đổi được một nền văn hóa thứ thiệt đã cắm sâu vào mảnh đất này.
 Không riêng gì người Hà Nội di cư đến nơi đây, người ở nhiều vùng miền khác vẫn đang đổ về vùng đất không còn lành lặn nữa, nhưng vẫn còn nhiều chỗ cho chim đậu.
Một lớp người khác đang lớn lên và cũng đang tự nhận mình là người “sinh” ra và sống ở Ðà Lạt, họ cũng đang kế thừa những gì mà Ðà Lạt đã hun đúc nên từ hàng mấy trăm năm nay.
Khi được hỏi họ có nhớ gì vùng quê Bắc bộ, họ trả lời “Chúng tôi sinh ra ở đây lớn lên ở đây, chúng tôi là người Ðà Lạt...
”Cha mẹ họ có thể hung dữ nhưng họ lại quá dịu dàng, bởi vì họ đã bị đồng hóa với những lối sống an nhiên không oán thù của người Ðà Lạt cho dù cha ông họ đã tàn phá không thương tiếc những cánh rừng để làm giàu và thay vào đó bằng những nông trại vườn café trĩu quá...
Họ biết họ đang sống ở một nơi mà chỉ có thể là những “con người” mới có thể sống được nếu biết yêu thiên nhiên cộng với sự thấu hiểu với những kiếp người đã đi qua bởi chiến tranh bởi những khép nép luôn trốn chạy dưới sự cai trị khắc nghiệt độc địa của chế độ đương thời.Người Ðà Lạt cho đến hôm nay giữa những cánh rừng đang bị tan hoang, giữa những khuôn mặt người vật đang u uất, người Ðà Lạt vẫn là người Ðà Lạt cho dù đã ly tán khắp nơi, cho dù họ đang phải quyết liệt từng ngày cầu nguyện cho sương mù quay trở về.
Nhiều tiếng kêu phẫn nộ đã vang lên khắp nơi khi Ðà Lạt từng ngày bị “bê tông” hóa, ngay cả những kẻ đang cầm quyền cũng phải kêu lên như một chút hối hận của những kẻ đã no kềnh giàu xổi lên nhờ rừng...
Mặc cho sự chia cắt chiếm hữu, mặc cho sự dày vò của những kẻ cướp, của những tên sát nhân sự sống đang hủy diệt môi trường bằng những quyết định vô hồn,
 Ðà Lạt vẫn tồn tại như thách thức với đổi thay của thời cuộc.
Dường như nó đang chờ đợi một sự “thay đổi” một sự tự hồi sinh - một sự về nguồn nào đó như những giai điệu âm nhạc vẫn vang lên hàng đêm trong quán xá, như một sự kết nối vô hình với núi đồi và những hoài vọng về một thiên nhiên đang dần dần bị đánh cắp.
Ðà Lạt như một hang ổ cuối cùng cho những loài thú cô đơn đang dần dần bị tuyệt chủng, Ðà Lạt như một ngôi nhà của những ai không muốn biết, hoặc muốn thấy ít đi những nỗi buồn của đất nước.
 Ðà Lạt như một nơi trú ngụ không ở đâu có thể có được ở trong đất nước ngột ngạt buồn thảm này.
                                                            Nguyễn Tấn Cứ 
             ---Thx t/g, !