Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Bún Ôc Anh Bảo Phú Nhuận

Người ta đồn anh Bảo bán bún ốc chợ Nhỏ, Phú Nhuận pê-đê.Lời đồn ấy, có dễ, làm gánh bún của anh thêm phần hấp dẫn.
 Đàn bà con gái quây quanh anh mỗi sáng đã đành, đàn ông con trai cũng nườm nượp chen nhau vào ăn, không hôm nào không phải chờ ghế.
Miếng ăn là miếng tồi tàn, chuyện giành ghế giựt chỗ xảy ra coi như đương nhiên, anh Bảo chẳng buồn can thiệp nữa.

 Quyết liệt nhất là những hôm mưa to gió lớn, đói bụng hơn, thèm ấm hơn nên hung dữ hơn, chỉ vì một tô bún, người ta văng tục hay đục nhau sặc cạch như không.
Gánh bún của anh Bảo nhỏ thôi. Một góc hàng hiên ngồi nhờ nhà bán than đầu ngõ chợ. Một manh bạt nhựa che mưa chắn nắng, năm này qua tháng nọ, chưa kịp ráo khô với ẩm ướt cũ đã oằn lòng hứng đầm đìa mới, phạc phờ thâm kim.
Một chiếc bàn dài phủ miếng ny-lông bông xanh bông tím là bông, ơi là bông.

 «Giấy rách phải giữ lấy lề, có tấm khăn giải cho nó lịch sự», anh Bảo, có lần không hiểu vì duyên do gì, đã thở ra một câu như thế.
 Một lon ghi-gô dùng làm ống đũa, đũa tre đũa gỗ chung đụng nhau, trắng có, đen có, nâu có, vàng có, trơn có, chạm có, vẽ có, sơn có, lổn ngổn ngắn dài, khách ăn phải tự so lấy, và, vẻ như, ấy là một cái thú, một bổn phận, một đóng góp trong lúc chờ đợi Người Chủ Lễ Bún soạn sửa những lệ bộ khác...
Cạnh ống đũa: một thau ớt xào. Anh Bảo xào ớt khéo lạ lùng, cay đậm và thơm sâu chứ không khét dầu, càng «không hời hợt thứ cay hỗn, cay giả mạo, phù phiếm!» 

Lời anh nói về ớt anh như thế, vừa tự hào vừa ra chiều... cay đắng (?).
Nhiều người bảo mê bún anh chỉ vì khoản ớt này.

 Nhưng đừng có dại đi hỏi anh xào làm sao, gặp lúc ươn người, anh mắng cho không kịp vuốt mặt, đại khái «đồ con nhà táo tợn vô duyên, hết chuyện hỏi rồi hay sao mà đi hỏi cái chuyện thầm kín thâm sâu của người ta (!)», còn như may mắn, thì sẽ được anh lịch sà lịch sự nhỏ nha nhỏ nhẻ: «A, cái đấy là bí mật gia truyền».
Ngoài ớt, anh còn bày hũ gia keo đựng nước mắm pha gừng già đâm nhuyễn, lọ mắm tôm quấy sệt, bọt bung trắng xóa bãi bờ, và thố sành sóng sánh nước me dầm.

 Thố sành này bị lở một bên quai. Cũng như mấy cái bát chiết yêu của anh, sứt môi nẻ miệng lung tung mà anh không thèm thay bát mới.
 Chẳng ai thắc mắc, người ta cứ và, cứ húp, cứ xì xà xì xụp vô tư.
 Trừ lần kia, có cô tiểu thư ra dáng con nhà gia giáo nhăn nhăn cái mặt phàn nàn chuyện bát mẻ khiến anh Bảo tự ái, xua tay hờn: «Hàng tôi có thế thôi, cô ăn giúp». 
Cô gái thấy quần chúng nhân dân nhòm ngó mình dữ quá, đâm thẹn, bưng bát lên, lua đại lua đến. Tội nghiệp!
Chiếm nhiều chỗ trên bàn nhất là cái nia tròn to cỡ khuỷnh tay ôm, ngun ngút xanh um những rau muống chẻ, lá quế, húng chó, kinh giới, giá đỗ, bẹ chuối bào và xà lách thái sợi thuốc lào nhập nhằng độn lận.

 Bên Tây này, mỗi lần nấu nồi bún, khổ tâm nhất chính là khoản rau.
 Phiên phiến đi thì cũng được thôi, như cuộc đời vậy, bao nhiêu mơ ước để cho đời đáng sống, mà không được thì cũng đành thôi, biết sao.
Thì cũng đành thôi, chỉ xà lách với lá menthe, thay vì. Nhưng như thế là chắt bóp con mắt, là cụp hứng cái lưỡi, là nản chí cái răng, là hãm phanh cái bụng. 

Con mắt không hưng phấn, bao tử tất nhiên rụng rơi ham muốn.
 Mà, cứ nhất định đa mang thì mất toi như chơi cả nửa ngày rong ruổi từ Paris Store qua Tang Frères, từ Thanh Bình qua Chợ Lớn, gom góp cho đủ các loại rau thơm, của phải tội, rẻ gì cho cam.
Quanh bàn, anh Bảo đặt độ mươi ghế đẩu thâm thấp đóng bằng gỗ tạp, xinh vừa mông con gái mới lớn. 

(Lắm bà mâm đã năm bảy lửa, ngồi ụp lên, chẳng còn thấy cái ghế đâu nữa!)
Anh Bảo ngồi đằng sau bàn lễ, uy nghi đường bệ trên chiếc ghế có lưng tựa, tay vịn, trông như ngai vua. 

Bên phải anh là thùng nước lèo mưa nắng hai mùa đều nóng bỏng.
Anh châm lửa luôn. Dáng anh cúi xuống trông lò, khi đẩy thêm khúc củi, khi cời than giữ lửa, cung cúc, tận tụy như bà mẹ kỹ tính chải chuốt cho cô con gái nhỏ.

 Bếp anh kê bằng mấy hòn gạch ống, đun củi khô nên nỏ lửa vô cùng. Ngày mưa, ghé hàng anh, vớ được cái ghế rồi chỉ muốn ngồi mãi để hít, để hơ, hưởng hơi ấm từ bếp lên nồi, từ nồi qua tô, từ tô vào miệng, xuống bụng, chan hoà lòng dạ.
  Nhưng vào mùa nóng, trông anh Bảo đến khổ. Mồ hôi mẹ mồ hôi con cứ là rưng rưng. Anh ưa mặc áo thun ba lỗ, nước mặn anh lăn tới đâu, tôi dò theo tới đó, canh chừng xem cái dòng sống động kia liệu có chảy quá đà, anh ngăn không kịp, rơi tòm ngay vào tô bún của tôi hay không...
Ấy là cứ khéo lo con bò trắng răng, chứ anh Bảo tỏ vẻ ý thức rất cao về thân thể mình. Việc chặm quẹt mồ hôi đối với anh cũng giống như nàng thiếu nữ mới lớn vén tóc làm duyên. Bàn tay anh tuy đen đủi nhưng nhu mì, lúc vội vàng quẹt ngang hay khi thong thả rút chiếc khăn mùi soa bằng vải cô-tông xanh lơ kẻ sọc đậm từ trong túi quần ra chặm chặm, mấy ngón tay đều cong vênh khả ái.

 Cử chỉ mềm dịu ấy, có dễ, là một trong những dấu hiệu khiến người ta tủm tỉm cười hay nháy mắt với nhau, để củng cố cái tin đồn.
 Anh Bảo bán bún ốc chợ Nhỏ, Phú Nhuận bóng lại cái: là thật.
Bàn tay năm ngón linh hoạt, thoắt gạt ngang dòng mồ hôi ưỡn ẹo trên thái dương bên phải lại thoắt thò qua thúng bún tươi rỡ bên hông trái.

 Cái thúng rộng lòng, đan bằng nan tre, đáy cùng lưng lót lá chuối xanh mướt. Bún trắng nuột, quấn thành con tròn lẳn, vừa hai bàn tay bụm. 
Anh Bảo chỉ bằng một bàn tay, vừa xé vừa xơi vừa bốc vừa vén. Bún vào bát gọn gàng, chính xác. Đôi mắt là bàn cân, anh thêm vô một lọn, bớt ra một dúm, sao cho tô nào cũng như tô nấy, lưng lưng vừa để khi chan nước dùng vào, tô bún không lõng bõng cũng không đặc cạn.
Đơm bún xong, anh khẩy vài con ốc bưu, đã được lẩy sẵn ra cái xô nhựa (cũng) gãy quai cho lên trên mặt bún. 

Hàng anh là như vậy, đồ nghề sứt càng gãy gọng hết trơn mà anh cứ tỉnh bơ, nhất định không sửa, đổi gì.
 Cái chảnh nó nằm ở chỗ đó, cái duyên nó cũng nằm ở chỗ đó, tui vậy đó, chịu chịu hổng chịu... ráng chịu.
Cái xô chứa ốc này được kẹp ở một vị trí tế nhị: giữa hai đùi anh Bảo. Chẳng hiểu để thế nó tiện tay tiện chân hay chỗ đó gần trung ương, dễ kiểm soát, không sợ bị gắp trộm vì ốc là thức ai cũng ưa chuộng mà lại đắt vốn nhất cho anh Bảo.

 Mỗi lần nhìn vào vị trí trớ trêu của xô ốc, tôi lại liên tưởng xe gỏi Gia Long, chuyện kể của mẹ tôi. 
Thời mẹ còn là nữ sinh Gia Long, cũng như bao cô bạn cùng trường, bà mê xe gỏi đu đủ khô bò trước cổng trường.
 Cứ tan học, các cô lại vây quanh xe gỏi thưởng thức trước tiên bằng mắt đôi bàn tay thông thạo của bác hàng gỏi bốc đu đủ bào nhuyễn cho vào cái đĩa nhôm trẹt, xong nhắp cây kéo sắt khổng lồ cắt vài miếng khô bò nâu nâu óng ả, rải lên trên nhúm húng quế xanh tươi, nhúm đậu phọng rang vàng đâm nhỏ, xịt tí tương đen, dấm đỏ, tí nước ớt...
  Gỏi trao tay rồi, môi lưỡi chỉ có nước quýnh quáng đón lấy để lập tức xuýt xoa vì ngọt bùi chua cay pha lẫn.

 Xe gỏi ấy sẽ mãi là kỷ niệm hoa niên «trong sạch» cho mẹ tôi và các bạn bà nếu không có một hôm số trời run rủi ...
Hôm ấy, bác hàng gỏi quá đông khách. 

Chờ mãi chẳng thấy bác rảnh tay đáp lại lời yêu cầu «Xin thêm chút dấm» của mình, cô bạn mẹ tôi bèn nhanh nhảu vòng ra hậu trường, định thộp lấy chai dấm, self service luôn.
 Dấm đâu không thấy, chỉ thấy cô tung hê cả đĩa, đũa, lẫn cặp táp, vắt giò lên cổ, vừa chạy vừa trợn mắt ú ớ.
Các cô khác, tuy chưa hiểu ất giáp gì, thấy bạn hoảng sợ như thế, cũng túa cả ra. Chừng kể lại, thì là, bác hàng gỏi, nhân bầy con gái lao xao ...

 Từ đó, cổng trường vẫn ở đó, qua đường không ai hay, xe gỏi thời gắn bó, đành không cánh mà bay...
  Khách ăn bún anh Bảo không biết có mấy người miên man nối kết như tôi...

 Ý hại thân, cứ nhắm mắt ăn bừa đi, đừng nghĩ ngợi này kia thì mới thấy ngon.
 Sợ bẩn, sợ bệnh thì bao nhiêu hàng quán ra đấy, còn ai ăn ai bán.
Thao tác chan nước dùng của anh Bảo cũng thật là điệu nghệ. Trước khi chan, bao giờ anh cũng ngắm nghía xem tô bún đã cân bằng bún, ốc đàng hoàng chưa.

 Miệng nhắc thằng nhỏ phụ việc: «Đã có rau cho khách chưa, khách muốn rau trụng hay rau sống... »
Tay vung cao cái muôi như dũng tướng vung đường gươm sát. Anh múc một muôi nước dùng đầy chan ngập tô, rồi anh dùng lưng muôi chận phần bún, ốc bên trong, nghiêng tô cho nước trần chảy từ từ ngược lại vào nồi. Ấy là dạo trước, là làm ấm.
Ấy là dạo trước, là làm ấm. Sau đó tới bước chan nhấp.

 Anh dội ít một từng hớp nước dùng vào khắp các góc tô, thật đều, cẩn thận, công bằng, không để phần bún nào chịu nguội lạnh kém phần bún nào. Độ bốn năm hớp thì vừa đầy, thì mới rải hành ngò, thì trao được cho khách với lòng an tâm.
Khách nào anh cưng thì anh nhắc: «Có nước mắm gừng đấy em ơi, nêm mắm tôm giùm anh, bỏ ớt chưa, anh bỏ cho nhé... » 

Tôi có lần được anh cưng như thế, sướng mê ly, dù chẳng hiểu thằng cha đồng bóng này sao tự dưng lại ưu ái mình thế. Cái sướng nhân đôi, khi chỉ ngay sau đấy, chính mắt tôi chứng kiến anh hắt hủi một người khách khác, mà cũng chẳng hiểu tại sao anh khó chịu với người ta như thế!
Khách nào anh thấy ghét, kiểu như cô tiểu thư bày đặt thắc mắc cái tô mẻ thì anh nguýt anh ngoáy, anh nói mát, nói hờn, ôi thôi đủ bộ điệu.

 Đôi khi, có mấy chàng thanh niên vui tính, thích đùa nghịch, cố tình trêu chọc cho anh giận để anh liếc, anh bĩu mà cười với nhau. Cũng có mấy chị, mấy bà gặp hôm anh trái tính dấm da dấm dẳn, làm cho đến phật lòng, ra khỏi hàng anh, thề từ giờ trở đi không thèm ghé nữa.
 Mấy ai giữ được lời thề?
 Anh Bảo cười nhạt, kiểu chấp đấy, dăm bảy bữa nữa rồi xem, mà có không trở lại thì đây cũng cóc cần!
Khổ nỗi, anh có khuynh hướng cưng chiều khách nam nhi hơn nữ giới. 

Những bà bị anh xử tệ, bới cho toàn ốc nát hay dạo bún qua loa nguội lạnh vào chợ kháo ầm lên rằng anh thấy đàn ông bô trai thì sóng mắt long lanh, hông eo lắc lẻo, đít đẩy mông đưa.
Một hôm trước khi đi Tây, tôi có tìm đến hàng anh ăn gỡ. Hôm đó nhằm ngày rằm, nên trời cũng trưa rồi mà anh còn ngồi đó.

 Hàng họ vắng vẻ, múc cho tôi tô bún tươm tất, có phần hậu hĩnh xong, anh co một chân lên gác trên mép ghế. 
Trời bỗng không tối đi, mây ở đâu ù ù bâu lại, mưa đổ như chỉ đổ xuống hàng bún.
Anh Bảo đẩy xô ốc qua một bên. Âu cũng lạ, lần cuối cùng ra ăn hàng anh sau mười mấy năm tri kỷ tình bún ốc cũng là lần đầu tiên tôi
thấy anh hờ hững xa rời xô ốc quý. Rồi tôi thấy anh vấn thuốc.

 Anh trải, anh cuốn, anh vê, anh liếm, anh đốt, anh rít, anh lim dim, sướng sướng, buồn buồn, anh mơ màng, đăm chiêu heo hút. Tôi nhớ đã bỏ tô bún xuống. Cơn mưa lạ lẫm. Anh Bảo lạ lẫm.
Bên gánh bún chợ vãn đã nghiêng nồi trên củi than tàn lụi, anh Bảo ngồi lơ chơ, tóc bạc như chợt hiện giữa đầu, thốt nhiên, cùng khắp. Đầu thuốc rựng đỏ từng chặp một, đôi mắt đã băng vào trong mưa. Tự nhiên tôi có cảm tưởng anh sắp ca vọng cổ. 

Tự nhiên tôi thấy anh đẹp não nùng. Còn tôi, sao tự nhiên muốn khóc. Từ là từ phu tướng... bảo kiếm sắc phán lên đàng...
Nhưng tôi không truy tìm để thấu hiểu nguyên do phút xuất thần độc đáo của anh, lại xảy ra, trùng hợp, như duyên, trước ngày tôi rời xa góc hàng hiên đầu ngõ chợ nghèo nàn thân thuộc.

 Trong đời có những điều, đôi khi tầm phào thôi, ta không hiểu, mà vì một lý do nào đó, hay chẳng vì sao cả, ta cho qua dễ dãi đến không ngờ, để về sau cứ mãi Tại sao...?...Lần về thăm nhà đầu tiên sau mấy năm đi xa, tôi vội vã tìm ra chợ Nhỏ. Lặng người.
 Góc hàng hiên khi trước anh Bảo ngồi bây giờ vắng ngắt. 
Cánh cửa nhà bán than đóng im, đen ám. Thấy tôi hỏi thăm với vẻ hoang mang, mấy bà bán cá khô đầu chợ vui vẻ mách: «Muốn ăn bún ốc hả, quẹo qua ngã tư một chút tới liền.»
Tôi quẹo qua ngã tư, tìm... A, bàn ghế! A, nồi bếp! A, bát đũa! Thế là chân giục cẳng mau mau bước vào.

 Nhưng, anh Bảo đâu? Ngai không vua! Ghế chủ lễ trống! 
Tim tôi trượt vỏ chuối té nhào, sợ, không biết sợ gì, nhưng sợ... , điều chỉnh, tự trấn an, hượm đã nào... Chắc anh đi vào nhà trong lấy ốc... Nghĩ vậy, chân lại mau mau bước.
Nơi đây hẳn hòi là một quán ăn. Có lẽ mấy năm làm ăn khấm khá, anh Bảo đã thuê hẳn mặt bằng này để khuếch trương hàng họ, nâng cấp bún ốc. Đưa mắt quan sát một vòng, tôi nhận ra những cái mới.

 Khách đến ăn bún bây giờ được kê bàn kê ghế cao ráo riêng biệt chứ không lê lết quây quần như xưa.
 Chồng tô kê trên bàn lễ trắng muốt men sứ, nạm dát hoa lá kiểu cọ sang trọng. Bỗng thấy khó chịu, thấy nhớ mấy cái bát chiết yêu bằng đất nung vẽ con gà chổng đuôi đơn sơ ngày trước.
Một thằng nhỏ bước ra chào và đem cho tôi cái khăn gì như khăn lông loại mỏng, cắt nhỏ cỡ bằng cái khăn mặt, ướp lạnh, có tẩm mùi nước hoa nồng sặc.

 Nó so cho tôi đôi đũa. Bảo là so chứ thật ra mớ đũa nhựa giả ngà trong ống có chiều cao ngang bằng nhau cả, nó chỉ việc rút ra một đôi đặt trước mặt tôi, ra cái chiều o khách. Rồi nó hỏi tôi: «Cô ăn gì?» 
Tôi cười, thầm nghĩ thằng bé này giễu dở, người ta đã bước vào hàng bún ốc lại còn vẻ vời hỏi ăn gì!
May quá, tôi nghe tiếng chân nằng nặng bước tới từ đằng sau. Chưa thấy mặt đã nghe lời. Anh chào hỏi tôi thật niềm nở: «Cô ghé quán, cô mạnh giỏi?»
Giọng anh là lạ. Tôi chưa kịp ngoái lại đã rỉa anh: «Anh bây giờ hết chuyên nghiệp rồi! Sao mà nấu nướng nhiêu khê thế này?»
Rồi tôi im lặng. Cho đến khi rời quán, tôi chỉ mở miệng nói hai câu:
- Một tô bún ốc. (Khi anh hỏi tôi ăn gì)
- Lịch sự lắm. (Khi anh hỏi tôi thấy quán thế nào)
Trong giấc ngủ ngật ngưỡng trên máy bay trở về Paris chuyến đi ấy, tôi mơ thấy anh Minh, người đàn ông trắng trẻo, phốp pháp, nhễu nhão như một thớt bột rớt. 

Minh kể tôi nghe chuyện Bảo... Miệng Minh trơn tru, tay khuấy khua loạn xị.
 Minh «trị» nước dùng bắng nhắng như đảo rau rang đậu, khiến nước đục ngầu ngầu, mấy miếng cà chua chín bầm dập trôi nổi lều phều trên một dòng suối máu.
Giọng Minh the thé: «Dã, xin lỗi cô, tôi là Minh, anh họ của Bảo, chứ hổng phải Bảo... Bảo nó đi Pháp rồi cô à... 

Thằng Bảo, tưởng qua Tây sướng, hóa ra lại cực. Trước cũng nồi niêu, nhưng làm chủ, tha hồ chảnh chọe. 
Giờ cũng nồi niêu, mà đi nấu cho người ta. Cày thuê cuốc mướn, bảo sao nghe vậy, cô ơi. Tui sang lại của nó cái hàng này.
 Nấu y chang hồi xưa à, cô thấy hông? Chiều khách còn hơn nó nữa á... ».
Thầm điểm các tiệm ăn có món bún ốc ở Paris, tôi băn khoăn.

 Anh Bảo ở Pháp, nhưng có ở Paris không?
 Anh đứng bếp cho nhà hàng nào?
 Bún ốc, anh có vẫn say sưa hay chỉ còn là niềm nhung nhớ...

MạchNha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét