Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
Xin mượn hai câu trong bài hát “Còn chút gì để nhớ” của nhạc sỹ Phạm Duy để mở đầu cho bài viết này!
Vâng! Với Pleime, tôi là người khách lạ. Tôi biết đến Pleime- Trường Nữ Trung học - khi còn ngồi trên ghế giảng đường ở …Huế.
Những chiều bên giòng Hương Giang, anh bạn cùng lớp với tôi thường kể về ngôi trường nhỏ, nép mình dưới hàng cây cao vút, giữa lòng một thị xã vùng Cao nguyên miền Trung.
Anh ấy đã có một thời ở thị xã vùng cao này với mối tình học trò dễ thương và thánh thiện.
Trong tôi, ngày ấy, Pleime vừa xa lại vừa gần. Tôi thường hình dung một thị xã mù sương “ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”, ngôi trường nhỏ, thấp thoáng những tà áo trắng, những tiếng cười dòn tan vỡ òa ra trong không gian tĩnh lặng.
Số trời run rủi, nhiệm sở của tôi sau khi ra trường lại là Pleiku. Theo chuyến xe chạy than đầy bụi và khói, ì ạch leo từng ki lô mét đường, tôi đến Pleiku vào một buổi chiều mùa đông lạnh giá.
Theo thư giới thiệu của anh bạn, trong những ngày đầu ở Pleiku tôi trọ ở nhà em! “Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi”, Vâng! cô bé “của tôi” là như thế, dáng người mãnh khảnh, bờ vai gầy, mái tóc huyền dài ngang lưng. Đó là cô bé nữ sinh Pleime ngày xưa. Một lần nữa tôi lại có “duyên phận” với Pleime thân yêu. Nhà em ở đầu con dốc dài giữa phố. Đó là ngôi nhà bằng gỗ, nhỏ thôi, nhưng ở giữa một vườn cây rộng.
Tôi còn nhớ cái giếng nhỏ, mỗi sáng em ra lấy nước, giếng có gàu, có ròng rọc nhưng không có tay quay. Em bảo “sợ tay quay ngược đánh phải tay” . Hồi ấy những lúc không đi làm tôi thường quanh quẩn bên em.
Nhớ căn bếp rộng hơi bừa bộn vì củi, thùng tưới và các đồ làm bếp, căn bếp đầy những chữ “Chuột” viết vội bằng phấn. Em bảo nơi nào thấy chuột là em viết chữ “Chuột” vào đó để nhớ và tránh xa.
Chao ơi là ngây ngô và dễ thương!. Em và tôi có đi thăm trường Pleime một lần, đó là lần đầu tôi đi họp nghe phân công nhiệm sở.
Vì trể giờ nên ba em bảo lấy xe chở tôi đi, “tiếc” thay, xe hỏng mất yên sau, nhưng may là xe sườn ngang (kiểu xe nam) nên hai đưa tôi cũng chở nhau đi được.
Em ngồi truớc, hai chân xếp một phía, tôi vòng tay sang hai bên, cầm ghi đông, đạp xe trên những dốc dài.
Chiều hôm đó tôi chở em ngang trường Pleime, rồi đi về phía Biển hồ.
Quá trường Phạm Hồng Thái, bên phải là một thung lũng nhỏ, em bảo đó là “Thung lũng Tình yêu”.
Sau này mới biết, mọi người gọi đó là thung lũng Phạm Hồng Thái, nhưng… với tôi, đó là “Thung lũng Tình yêu” mãi mãi.
Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác của buổi chiều hôm ấy, tóc em bay bay vươn vào mắt tôi, chỉ chừng ấy thôi, sao mãi vẫn không quên?! Khí hậu Pleiku ngày đó rất đẹp và lạ lẫm. Ngày có 4 mùa, buổi sáng, lúc tôi đi bộ theo những con dốc dài đến nơi làm việc, sương mù giăng kín trời, một lát sau, nắng lên, ấm và sáng như những ngày Xuân ở Huế.
Đến trưa, trời cũng chói và nắng như những ngày Hè. Chiều về, gió lành lạnh, là vàng rơi, “đã nghe rét mướt luồn trong gió” như Xuân Diệu viết trong bài thơ “Đây Mùa Thu tới”.
Nhưng ấn tượng với tôi nhất là những đêm mùa Đông, sấm ầm ì, chớp giật và mưa như trút nước, tất cả như muốn tỏ rõ sự uy nghi của núi rừng.
Những đêm mưa như thế tôi và em đều không ngủ được, em quấn mềm ngồi nép một góc giường, ôm cây đàn ghi ta vừa đàn vừa hát, bao giờ cũng chỉ một bài:
Ôm lòng đêm
nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du….
(Phôi pha- Trinh Công Sơn)
và tôi! tôi cũng hát, hát cho em và cho cả tôi nghe, cũng chỉ một bài:
Sợi buồn con nhện giăng tơ.
Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây
Lòng anh mơ với quạt này
trăm con chim mộng
về bay đầu giường ... Những lúc như thế tôi thấy như …không hiểu được lòng mình!.
Những buổi chiều tà tôi thường đứng ở cửa ngõ nhà em, nhìn xuôi về phố chợ và nhớ Huế quê hương, nhớ giòng Hương Giang da diết.
Không
hiểu sao trong nỗi nhớ của tôi lại có bóng dáng của trường Pleime, với
những tà áo dài trắng tinh khôi. Pleime ơi! ngày xưa – khi còn ở Huế -
Pleime thật xa, bây giờ thì Pleime lại thật gần, thật gần nhưng sao thấy
như trong ảo ảnh?!
Tôi vẫn tiếp tục đi theo con đường cũ, không dám đổi thay.
Tôi vẫn tiếp tục đi theo con đường cũ, không dám đổi thay.
Còn
em! em đi đến một chân trời khác, gần 30 năm rồi tôi không gặp và cũng
không biết tin em.
Năm trước - lúc bước vào tuổi 54 - một lần nữa, tôi lại có “duyên phận” với Pleime: tôi chuyển nhà về cạnh trường.
Năm trước - lúc bước vào tuổi 54 - một lần nữa, tôi lại có “duyên phận” với Pleime: tôi chuyển nhà về cạnh trường.
Nghe qua thì lạ, đó
mà là “duyên phận” ư? Nhưng với tôi, điều đó làm tôi yêu Pleime hơn,
bởi lẽ mỗi sáng thức dậy, nhìn qua cửa sổ, tôi lại thấy trường Pleime,
sân trường vắng ngắt, hàng cổ thụ chìm trong sương.
Ngôi trường mới
nhưng sân trường và dãy nhà bên phải vẫn như những ngày xưa.
Một chốc
sau, đường đến trường đông nghịt, tiếng trẻ con cười đùa gọi nhau ơi
ới. Rồi chiều về, sau giờ tan học, hay vào các ngày nghỉ, ngôi trường
vắng lặng, trầm buồn và lòng tôi lại rưng rưng về một Pleime ngày ấy.
Huỳnh Công Toàn
Huỳnh Công Toàn