Ngày còn nhỏ, tôi đã nhủ thầm mình sẽ không bao giờ theo nghề giáo.
Cái nghề gì mà nghèo rớt mùng tơi. Đã vậy, nhà tôi cả ba má đều theo nghề giáo nên sống vô cùng chật vật
-Chả vậy mà ai cũng có “nghề tay trái”
Mà nếu có đất làm rẫy còn đỡ, đằng này nhà tôi chỉ có căn nhà nhỏ xíu, thêm khu vườn cũng bé tí ti cắm được vài cây dừa và ít rau là hết.
Thế nên ba má tôi thường phải xoay sở đủ việc để nuôi 4 đứa con ăn học.
Được làm con cô giáo thì cũng “oách”, nhưng những khi cô giáo trở thành bà bán khoai mì thì tôi cứ thấy ngượng và tủi làm sao
Cảm tưởng như bạn bè, học trò của ba má tôi đều xem thường gia đình tôi vì cái nghèo đeo đẳng.
Từ đó tôi đâm ghét nghề giáo, ghét luôn thau khoai mì má tôi vẫn dày công làm thật ngon bán cho khách qua đường ngay trước cửa nhà.
Được cái, quê tôi không có đường ngang ngõ tắt. Chỉ một con đường cái chạy suốt đầu xã đến cuối xã nên nhà tôi cũng là “nhà mặt tiền” như ai.
Ngoài giờ dạy, ba tôi đi làm rẫy thuê, tiền công được trả một phần bằng chính những củ khoai mì vừa thu hoạch.
Má tôi khéo léo chế biến thành rất nhiều món ăn vặt ngon, đem ra trước cửa bán.
Khoai mì của má lúc nào cũng đắt khách, vì má tôi có nhiều món lạ từ khoai mì. Không phải khoai luộc hay hấp rồi rắc muối mè, dừa nạo lên trên. Cái đó thường quá!
Má tôi biết cách chọn khoai dẻo hay bở mà chế biến những món khác nhau.
Trong ký ức của tôi vẫn còn hình ảnh ba ngồi trên chiếc phản gỗ, dưới chân phản là cái thau đựng dừa nạo, cây nạo dừa chìa hẳn ra ngoài, ba tôi cầm nửa quả dừa thoăn thoắt nạo.
Những sợi dừa mảnh trắng phau cứ rơi từng lớp xuống chiếc thau nhôm phía dưới. đến dường nào.
Món bánh khoai mì nướng, má tôi cũng có 2 “phiên bản”. Khoai mì mài ra cho nhuyễn rồi trộn thêm đường, dừa nạo, sữa đặc, cho vào khuôn tròn kín rồi nướng trên bếp than.
Bánh làm kiểu này phải chọn khoai dẻo mới ngon.
Tôi thích nhất những mép bánh rám vàng, miếng bánh cắn vào dẻo mềm mà không dính răng, lại rất béo nhờ dừa và sữa đặc.
Cũng nguyên liệu y chang nhưng thay vì cho vào khuôn, má tôi vo viên, ép dẹp rồi đặt lên vỉ, nướng trực tiếp trên than hoa lại thành một món bánh khác, cũng ngon không kém.
Thỉnh thoảng, má tôi “đổi món” cho khách bằng chè khoai mì.
Cũng những nguyên liệu đó thôi nhưng cách nấu khác là đủ thu hút khách rồi.
Vẫn là khoai mì mài nhuyễn, vắt thật ráo nước rồi chia làm đôi, một nửa để nguyên, một nửa trộn thêm với nước cốt lá dứa cho có màu xanh xanh rồi vo viên tất cả, luộc chín.
Nước dảo dừa nấu sôi với đường, thêm vài cọng lá dứa cho thơm rồi cho những viên khoai mì đã luộc vào nấu cho thấm đường, trước khi nhấc xuống mới cho nước cốt dừa vào.
Chén chè khoai mì thoang thoảng mùi lá dứa, viên màu trắng ngà, viên màu xanh lá, ăn vừa nghe vị dẻo của khoai mì, vừa có vị béo của nước cốt dừa, rắc thêm trên mặt ít muối mè nữa là tuyệt hảo.
Tuổi thơ tôi gắn liền với những món làm từ khoai mì, đến nỗi tôi ghét khoai mì, ghét món canh khoai mì nấu với tép khô rất ngọt thường có trên mâm cơm nhà tôi những khi thiếu thức ăn.
Tôi xấu hổ khi ba tôi phải đi làm rẫy thuê như một người nông dân không đất bình thường, và má tôi cũng chẳng khác gì người buôn gánh bán bưng. Nhưng càng lớn, tôi càng thay đổi suy nghĩ.
Té ra chỉ có tôi tệ với bố má và tự mặc cảm. Học trò của ba má tôi bao nhiêu lớp người vẫn không vì những bươn chải của thầy cô mà xem thường hay vô lễ.
Đây là phần việc nặng nhọc nên ba tôi luôn tranh thủ thời gian làm cho má tôi. Những lúc đó, má con tôi ngồi lột mì, tay nhăn nheo vì ngâm nước.
Lột khoai mì là một việc thú vị. Tưởng dễ mà khó, vì không như những loại củ quả thông thường chỉ cần gọt vỏ, khoai mì có cách riêng để bỏ lớp vỏ bên ngoài.
Cầm con dao khứa một lớp sâu khoảng 1 ly trên vỏ, chạy thành đường xéo xoắn ốc suốt củ khoai mì.Khoảng cách phải vừa đủ không quá to quá nhỏ, rồi đem khoai đi ngâm nước, sau khoảng 1 tiếng thì lớp vỏ có thể lột ra dễ dàng, để lộ phần thịt trắng nõn bên trong.
Khoai sau đó còn phải ngâm xả nước nhiều lần cho hết nhựa độc. Trong các món má tôi thường làm thì khoai mì luộc với nước cốt dừa là đơn giản, dễ làm nhất.
Dừa nạo xong gạn nước cốt để riêng, nước dảo cho vào luộc với khoai mì cắt khúc, nhớ thêm chút xíu đường để khoai có vị ngọt.
Khi khoai chín mới cho nước cốt dừa hòa tí tẹo bột năng vào, đảo đều.Món khoai làm kiểu này béo, ngọt, không bị khô như khoai luộc hay hấp thông thường nên ăn ngon hơn hẳn một bực.
Lại còn khoai quết. Món này thì phải lựa một phần khoai dẻo, một phần khoai bở, hấp chín rồi bóp cho tơi.
Sau đó má tôi chia ra làm hai, một phần trộn với chút xíu đường, thật nhiều dừa nạo, một phần trộn với chút xíu muối, rồi tất cả đều vo thành viên tròn.
Khi có khách mua, tùy theo thích ăn món mặn hay ngọt mà má tôi sẽ rưới mỡ hành hay rắc thêm trên mặt khoai ít muối mè.
Đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc nhớ món khoai mì quết của “cô Na”, thế cũng đủ hiểu món khoai của má tôi ngon ấn tượng.
Những ngày 20/11 hàng năm, ba má tôi vẫn nhận được những tình cảm thắm thiết từ học trò, cả những người đã đi xa lập nghiệp.
Tôi dần trở nên yêu quý nghề giáo từ lúc nào không hay, và chọn ngành sư phạm như một điều đương nhiên.
Lên Sài Gòn học, có khi tôi nhớ da diết món khoai mì má làm. Ờ thì ở đây cũng có bánh khoai mì nướng “2 phiên bản”, cũng có khoai mì nấu nước cốt dừa,
Nhưng sao không ngon, không đậm đà bằng những món má tôi làm, cho dù bán trong những cửa hàng có tên tuổi.
Và món khoai mì quết, chè khoai mì thì “bói” không ra ở giữa chốn phồn hoa này.
Tôi lại nhớ chiếc thau nhôm mòn vẹt, sáng bóng trước cửa nhà tôi và dáng má ngồi còm cõi mỗi khi hết giờ lên lớp.
Thùy Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét