Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Sống phải yêu thương và giận hờn

 
Không ai trong chúng ta có thể lớn lên mà không có tình yêu thương. Tình yêu là điều quý giá nhất trên đời. Đã sống thì ai cũng có yêu thương và giận hờn. Kẻ bất hạnh nhất là kẻ có trái tim không biết yêu.
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào” - Xuân Diệu
Có những người gây cho ta những vết thương lòng suốt cuộc đời. Nếu ta cố tình làm tổn thương người khác, ta sẽ bị tổn thương gấp bội, sẽ sống trong dằn vặt và đau khổ. Khi đã làm sai một điều gì thì lương tâm của ta không thể nào thanh thản được.
 Khi hiểu đời, ta mới thương cho số phận từng con người.
Cho lời khuyên đúng đắn là một trong những cách cho vĩ đại nhất. Ta sẽ đi sâu vào lòng người khác khi có những câu nói và hành động trúng vào tim đen của người đó. Mỗi lần vấp ngã là một cơ hội để ta rút kinh nghiệm và trưởng thành.
 Cuộc sống sẽ có những cuộc chiến. Phải chấp nhận hy sinh trong cuộc chiến nhỏ để có được thắng lợi trong cuộc chiến lớn hơn.
Con người có yêu quý nhau hay không là ở hai chữ tình cảm.
 Càng lớn thì con người ta sẽ càng khổ và càng có thêm kinh nghiệm sống. Sự bồng bột của tuổi trẻ khiến ta phải hối hận nhiều.
 Khi cười thì phải cười trong tâm hồn, cười trong tim chứ đừng cười trên nỗi đau của người khác. Bất kỳ ai cũng có những nỗi đau lòng riêng và không ai giống ai cả.
Hãy cảm nhận và biết ơn những điều may mắn bạn đang có, hãy yêu thương thật nhiều.
                                                                  
Nguyễn Hữu Hiếu.

Chuyện lạ thế giới




Gà mái hóa thành gà trống

Tháng 6/2008, bà Gill Whiteley sống tại Treales, Preston (Anh) đã vô cùng kinh ngạc khi chú gà mái Honor của mình đột ự chuyển giới thành gà trống.
 Bà Gill không thể tin vào tai mình khi Honor cất tiếng gáy dõng dạc và vô cùng sửng sốt khi trên đầu của chú gà mái quen thuộc là chiếc mào đang mọc to hơn, yếm thịt dưới cổ cũng dài hơn nhanh chóng.
Sau khi lên mạng tìm hiểu hiện tượng này, bà Gill mới biết được rằng hiện tượng thay đổi giới tính này ở gà chỉ xảy ra xác suất 1/10.000 và diễn ra khi chú gà mái có buồng trứng bị tổn hại, hàm lượng testosterone tăng lên, làm biến đổi hình dáng và tập quán sống của con gà từ cái sang đực.

2. Gã say may mắn nhất hành tinh-Shane White được mệnh danh là gã say may mắn nhất hành tinh khi anh đã thoát chết ngoạn mục nhờ sự trùng hợp xác suất khó tin.

 Đó là khi Shane say xỉn nghịch ngợm trèo cao đu người lên dây điện cao áp 25.000 volts vào đúng ngày trạm điện nơi này mất điện.
 Theo như giới thiệu của người dân địa phương thì khu vực này chỉ bị cắt điện trong đúng 7 phút mà Shane táy máy và đó là lần mất điện đầu tiên trong vòng 1 năm 3 tháng trở lại đây.

3. Dự đoán chính xác 100% kết quả xổ số-

Tháng 9/2009, ảo thuật gia người Anh 39 tuổi Darren Brown thực hiện màn dự đoán tường thuật trực tiếp trên truyền hình kết quả xổ số.
 Điều đáng kinh ngạc là anh đã đoán trúng 100% 6 con số trúng giải và dành được số tiền thưởng 2 triệu 400 nghìn bảng Anh.
4. Quả táo "Bạch tuyết"Một quả táo 2 nửa xanh đỏ rõ rệt như thể có ai đó nhuộm mầu lên khiến tất cả mọi người dường như không thể tin vào mắt mình và cho rằng nó được tạo giả. 
Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là trò đùa vui tính mà quả táo trong truyện cổ tích Bạch Tuyết đã xuất hiện trong vườn táo của ông Ken Morrish sống tại vùng Colaton Raleigh gần Sidmouth thuộc thành phố Devon (Anh). Theo các chuyện gia cho hay, xác suất xuất hiện trường hợp này là 1/1 triệu.
5. - 6 quả trứng, 12 lòng đỏ-Tháng 2/2010 cô Fiona Exon mở hộp trứng mua từ siêu thị Morrisons gần nơi đang cư trú Cumbria (Anh Quốc) và vô cùng sửng sốt khi đập số trứng này ra để chế biến thì liên tiếp thấy 6 quả trứng đều có 2 lòng đỏ.
 Đại diện của dịch vụ cung cấp thông tin về trứng của Anh (BEIS), ông Kevin Coles cho hay tỷ lệ 1 quả trứng có 2 lòng đỏ trong 1 hộp trứng là 1/1.000 và tỷ lệ 6 quả trứng 2 lòng đỏ là 1/1 nghìn tỷ.

6. Chim sẻ ‘bạch tạng’Một nhà nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã chụp được tấm hình chú chim sẻ toàn thân trắng muốt vào tháng 11/2008.

 Theo chuyên gia cho biết, tỷ lệ xuất hiện trường hợp này là 1/1 triệu, có khả năng được tạo nên bởi sự đột biến gen.
7.Em bé "vượt không gian thời gian"
John Rowland từ năm 14 tuổi đã được trẩn đoán mắc bệnh nặng ảnh hưởng tới khả năng sinh dục. Năm 1988, khi John 15 tuổi, gia đình đã quyết định lấy và bảo vệ tinh trùng của em trong môi trường đông lạnh trước khi tiến hành các loại hình phẫu thuật và trị liệu.
Thông thường, tuổi thọ của tinh trùng đông lạnh chỉ vào khoảng 7 năm nhưng cho tới tháng 7/2009, John 36 tuổi sau khi kết hôn đã sử dụng "của để dành" thành công. 

Vào tháng 6/2010, vợ anh đã sinh hạ được 1 em bé khỏe mạnh bụ bẫm trong niềm hạnh phúc hân hoan của gia đình.

8. 3 đời cha con, ông nội sinh cùng 1 ngày-Tỷ lệ được xác nhận là 1/272910 này xảy ra tại gia đình đang sống tại thành phố Romford, Essex (Anh).

 Cháu đích tôn Ben Fox ra đời vào đúng ngày sinh nhật ông nội Harry Fox 61 tuổi và cha ruột Lee Fox.
9. Sinh đôi 1 da đen 1 da trắng-Tháng 7/2010, khi Carol Fraser (42 tuổi) biết rằng mình đang mang bầu sinh đôi cô đã có 1 dự cảm hết sức đặc biệt.
 Và cho tới khi 2 đứa bé 1 trắng 1 đen ra đời thì vợ chồng cô mới thực sự tin vào điều kỳ diệu trong cuộc sống.
 St

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Gửi Mùa Đông Biếc


Đà Lạt đứng bên kia nỗi nhớ
Anh như mây qua núi chẳng kịp về
Mùa dã quỳ vàng theo chân ngọn gió
Tiếng chim đèo run giọng hót se se

Hơn mười năm dòng thác vẫn bạc phơ
Chồi thông biếc cắm vào lòng đất cũ
Ta chia tay đủ bao mùa bão tố
Lòng hanh hao vạt nắng xuống bên hồ

Tháng mười hai đâu hẹn để em chờ
Ngôi nhà trắng đứng bên triền dốc mỏi
Mimosa nở hay lời ai nói
Cả một trời im vắng dưới sương bay

Ai xui mùa đông biếc trở về đây
Cốc cà phê lạnh mùi hương xa biệt
Nhớ vạt tóc ngàn trùng - ơi tưởng tiếc
Vọng đáy hồ lồng lộng áo vàng xưa

Ngồi bên cầu nghe nát khúc đàn xưa
Người xa vắng hoa đào không nở nữa
Hàng cây cũ rụng vàng bao thảm lá
Dấu chân em in lại chút rêu mờ

Anh như chim khản giọng khóc gọi mùa
Hồn thăm thẳm một chiều sương Đà Lạt
Đường cỏ lau trắng chân người phiêu bạt
Mai lại xa theo ngựa hí qua đèo.

  Tử Kế Tường


Life + Style với Thuỳ Dương


Istanbul, giữa 2 bờ Âu - Á


Mặc dù trong hai thập niên vừa qua tôi đã đến nhiều nước, đến Phi Châu tôi cũng đã đi từ Bắc xuống Nam nhưng Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ thì tôi lại chưa bao giờ ghé qua. Mặc dù tôi cũng biết Istanbul, hay trước đây được gọi là Constantinople, là một trong những thành phố huy hoàng và tráng lệ nhất thời cổ đại.
Không những nó được chọn làm thủ đô của đế chế Đông Roman trước đây mà sau này trong suốt mười mấy thế kỷ qua, lúc nào nó cũng được chọn làm thủ đô của các đế chế như Byzantine thời trung cổ và sau này là triều đại Ottoman lấy Hồi Giáo làm quốc giáo.
Cũng vì vậy mà cảm nhận đầu tiên và ấn tượng nhất khi tôi đặt chân đến thành phố này là tiếng cầu kinh (prayer call) vang vọng, phủ trùm mọi đầu đường, góc hẻm mỗi khi đến giờ cầu nguyện. Từ những nóc đền thờ Mosque nằm ở những vị trí đẹp nhất, quan trọng nhất của thành phố, tiếng kinh cầu được phát ra, hay nói chính xác hơn là được ngân lên và phát “live”, khi nhỏ, khi to, lúc dồn dập, sau lại nỉ non, kêu gọi mọi người thành tâm xá lễ và cầu nguyện trước đấng Allah.
Thành thật mà nói mặc dù không hiểu gì nhưng chính tôi đây lúc ấy cũng cảm thấy bỗng nhiên cả thành phố trông có vẻ như chậm lại, mọi người có vẻ như trầm tư hơn, riêng tôi thì lại có thêm cảm giác ngờ ngợ là hình như mình đang được xem một cuộn phim sống mà chính mình đây cũng đang được sống trong phim.
Hay cũng có thể là tôi đang nằm mơ và được quay về quá khứ, về một thời vàng son với những lâu đài tráng lệ, những vườn thượng uyển mà trước đây tôi chỉ được đọc qua sách báo như quyển truyện Một nghìn lẻ một đêm tôi hằng mê mẩn đọc hồi nhỏ.
-À. Thì ra đây là giòng sông thần thoại, eo biển phân chia Âu và Á. Đến giờ nó vẫn nằm đây, vẫn phân chia Istanbul ra hai bờ Âu, Á khác biệt.

 Bờ Đông vẫn cổ kính với những hẻm phố chật hẹp đặc tính chất Châu Á. Và bên bờ Tây vẫn là nơi giao dịch, mua bán đầy phát triển như nhiều thành phố ở Châu Âu.
Sẽ có ít nơi trên thế giới mà bạn có thể thấy được sự khác biệt rất rõ nét giữa Âu và Á, ngay trong lòng thành phố, như ở nơi này. Sự khác biệt đó hiện rõ ở từng ngôi đền, kể cả đền thờ cổ nhất, lớn nhất thế giới trước khi nhà thờ chính toà St Peters ở Rome được xây dựng, trước tiên là để làm nhà thờ Thiên Chúa Giáo chính toà của thủ đô.
 Nhưng đến khi thủ đô đổi chủ thì nhà thờ lại được cải biến thành Mosque chỉ tôn thờ đấng Allah bên Hồi giáo.
Vì vậy bước vào ngôi đền này tôi có cảm giác như mình vừa được đi vào lịch sử!

 Từng viên gạch, từng nét chạm trổ, kể cả bàn thờ trước mặt nói lên sự hưng vong của một thời, những va chạm giữa các văn hoá, vùng miền khác nhau. 
Giữa các triều đại với từng ấy tiền tài, nhân lực nhưng cuối cùng chẳng có gì là mãi mãi. Thấy đó rồi mất đó. 
Điều mà mình cho là linh thiêng nhất chưa hẳn người khác đã tin.
Ngược lại những tranh chấp, được hay mất, đúng hay sai, cuối cùng chẳng một ai có thể phán quyết.
Nếu bạn là một người thích lịch sử, thích tìm đến những gì mình không cảm thấy quen thuộc, thích khám phá hơn là hưởng thụ mỗi khi có dịp đi holiday thì nhất định bạn phải đến nơi này. Ngoài thời tiết mát mẻ không giống như ở Dubai mặc dù giữa mùa hè, Istanbul còn là nơi bạn có thể từ đó đi đến những vùng đất mà người Việt Nam ít có dịp đặt chân đến.

 Như Iraq, Bulgaria và những hoang đảo đẹp nhất của vùng biển Địa Trung Hải mà chúng ta thường gọi là Greek Isles.
Rất tiếc là lần này tôi đi vì công việc nên tôi đã không thể ở lâu hơn.

 Để tìm hiểu thêm về thế giới huyền bí của những đại đế Ottoman và tiếp cận những gì được cho là thiêng liêng, vĩnh cữu nhất của thời cổ đại. Vì biết đâu khi đi ngược về quá khứ, chúng ta sẽ tìm được giải pháp cho tương lai?

               Trịnh Hội 

                    
                                                                  

Yêu một người nội tâm


Một trong những lý do khiến đàn ông hoặc phụ nữ sâu sắc kết hôn muộn là bởi vì họ đã cô đơn quá lâu. Họ không yêu để lấp khoảng trống. Họ chỉ yêu khi gặp đúng đối tượng mình cần. Và một khi đã yêu, tình yêu với họ vô cùng muôn màu và thiêng liêng.
 Họ thà sống một mình còn hơn bắt cặp với người họ không thích. Sự cô đơn kéo dài vô tình cũng trở thành thói quen, biến thành một bức tường ngăn cách họ kết nối với thế giới bên ngoài.
 Cô đơn, rụt mình vào thế giới của riêng mình là phản ứng tự vệ an toàn, giúp họ tránh khỏi những va vấp, khổ đau từ những đỗ vỡ của các quan hệ mới, cũ đem lại hay những điều quá nhạt nhẽo so với tâm hồn họ.
 Đừng trách móc hay buồn phiền khi bạn gởi một thông điệp nào đó đến họ mà không được đáp trả. Lặng im là bản tính của những người sâu sắc nội tâm.
 Nhưng vẫn hãy cứ tin đi, rằng họ luôn ghi nhớ bất cứ sự quan tâm nào từ bạn. Cuộc sống cô đơn của họ sẽ thực sự thay đổi khi có sự tác động mạnh tích cực và bền bỉ từ bên ngoài. 
Không hẳn từ họ mà từ chính bạn.
Nếu bạn nhận được tín hiệu phản hồi tốt từ họ, hãy nhẹ nhàng ở bên và bước vào cuộc đời họ một cách chậm rãi nhưng hãy luôn nhớ rằng, dù họ có thoải mái với bạn bao nhiêu đi nữa, cũng đừng cố lôi kéo họ bước vào thế giới chung của bạn. Đó là điều cấm kỵ.
 Bởi ban đầu, có thể vì vui vẻ họ sẵn lòng làm điều bạn muốn nhưng không lâu sau đó, họ sẽ nhanh chóng tìm cách thoát ra để trở về "ốc đảo" của riêng mình. Ốc đảo riêng - là nơi nương náu tâm hồn họ.
 Họ sẽ không sống được nếu thiếu đi ốc đảo ấy. Đó là lý do giải thích tại sao mặc dù yêu bạn nhưng sẽ có nhiều khoảng thời gian họ không “cần” bạn.
 Những cá thể nội tâm sâu sắc rất ít khi giận, ghét người khác. Nên nếu bạn cảm nhận sự lơ là từ họ cũng khoan vội cho rằng họ giận, ghét bạn. Chỉ đơn giản là họ muốn được một mình. Đừng vì thế mà giận hờn, trách móc hay muộn phiền.
 Họ không bao giờ muốn trở thành gánh nặng cho người khác, không muốn cách sống của họ ảnh hưởng đến bạn. Nếu bạn không hiểu điều này và tiếp tục buồn phiền, lo lắng thì cách tốt nhất họ sẽ làm là... rời xa bạn. Rời xa bạn, không có nghĩa là không còn yêu, hết yêu. Đấy là một trong những đặc điểm tiêu biểu nhất của những người sâu sắc và sống nội tâm.
Nếu bạn yêu một người như thế và muốn có họ mãi mãi, đừng cố phá bỏ ốc đảo của họ. Hãy học cách chấp nhận thế giới riêng ấy.
 Chấp nhận, thậm chí ngay cả những lúc bạn cô đơn và cần họ nhất. Dù hay tỏ ra lạnh lùng khi đón nhận tình cảm của bạn nhưng đừng vội vàng, tự ái, sĩ diện và từ bỏ. Hãy nhớ rằng, trái tim của họ cũng làm từ máu thịt, họ cũng có tâm hồn.
 Thế nên, họ vô cùng hạnh phúc khi nhận được tình yêu từ bạn.
Dù có vẻ khô khan, lạnh lùng và ít thể hiện tình cảm nhưng bù lại, một khi họ thể hiện tình cảm thì không ai hết, chính bạn là người sẽ cảm nhận được rằng, bạn là người hạnh phúc nhất thế gian này.
 Không kể tình cảm, sự ngưỡng mộ, lòng yêu quý mà họ dành cho con người nói chung, họ hầu như không quan tâm ai đặc biệt, ngoài người họ yêu. Họ, những con người sâu sắc nội tâm, lạnh lùng nhất, khô khan nhất cũng lại là người giàu tình cảm nhất, đa tình nhất và thủy chung nhất.
Nếu không hiểu họ, yêu họ bạn sẽ thấy mình là người khổ đau nhất thế gian. Ngược lại, nếu hiểu họ, bạn sẽ là người hạnh phúc nhất trần thế. Rất nhiều người yêu họ nhưng sẽ có rất ít người có thể khiến họ yêu. Đó chắc hẳn cũng phải là một người sâu sắc nhưng quan trọng hơn cả để mối quan hệ tồn tại lâu bền, người đó cần phải có một tấm lòng kiên nhẫn, bao dung và giỏi giả lơ.
 Kiên nhẫn, để đợi chờ. Bao dung, để hy sinh, chịu đựng và giả lơ để chấp nhận cả những lúc họ “thiên thần” nhất và cả “ác quỷ” nhất. Người sâu sắc nội tâm, là một cá thể huyền bí đầy mâu thuẫn.
Nếu bạn đã thể hiện tình cảm của mình với họ nhưng không nhận được sự quan tâm, đừng cố gắng tiến sâu hơn.
 Họ dễ mủi lòng với tình đời, tình người, nhưng lại khá cứng cỏi và lí trí trong việc từ chối một người họ không yêu.
Có thể bạn sẽ thấy biết ơn khi yêu họ và cũng có thể ân hận vì điều đó nhưng chắc chắn một điều, nếu họ từng đến trong đời bạn thì đó mãi mãi là một dấu ấn đặc biệt không thể nào quên.

                                                                  Hồ Tịnh Thủy. 
                         

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Đợi Chờ


Khoảng trống mênh mông, khoảng trống buồn
Cuộc đời chữ nhật, tròn hay vuông
Mà khi trời lặn và đêm xuống
Chỉ thấy quanh ta bốn bức tường

Trắng ngã đôi tay, sầu đượm sầu
Chiếc thuyền cô độc ghé về đâu
Ðã hay định mệnh thường dâu bể
Mà nghĩa ân tình cũng nhạt mau

Giọt dài, giọt ngắn, giọt nào vương
Ðêm vắng mình ta, ai có thương?
Từng giọt mềm môi nghe mặn đắng
Tình xa, tình đợi, bến sông Tương

Giọt lệ lạc loài, giọt lệ rơi
Ai thương, ai tiếc cánh hoa đời
Sầu giăng khung cửa, sầu vương mắt
Vẫn đợi, vẫn chờ một bóng thôi!

QHuong

Truyện Ngắn Cảm Động

Khóc dùm

Cô bé đi học về muộn, ba mẹ rất lo.
Khi thấy cô về, ba mẹ hỏi xem con đã đi đâu và làm gì?
- Con dừng lại giúp bạn con ạ. Xe đạp của bạn ấy bị hỏng.
- Nhưng con đâu có biết sửa xe?
- Đúng ạ, nhưng con dừng lại để giúp bạn ấy khóc.
Cũng như cô bé đó, không phải ai trong chúng ta cũng biết sửa xe đạp.

 Nhưng chúng ta biết chia sẻ những nỗi lo âu và sợ hãi.
 Cuộc sống là một con đường rất dài, sẽ còn nhiều lần gặp cảnh "hỏng xe" lắm. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và an ủi 

 Sống ở đời (Phạm Quốc)


Từ hồi còn học trung học, cha tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi vào đại học, ra trường, đi tìm việc làm, lập gia đình... cha tôi vẫn giữ thói quen như thế. Cha dạy tôi: "Phải luôn tôn trọng giờ giấc, và đừng để ai khó chịu vì mình chậm trể con ạ".

Năm ngoái được thăng chức giám đốc, cha thay đổi thói quen đột ngột: cha vặn đồng cho chạy chậm năm phút. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, cha trả lời: "Phải nghiêm khắc với chính mình nhưng lại dễ dàng với người khác con ạ!"


 Bi kịch (Huỳnh Thanh Vân)


Sạp anh chị ít khách vãng lai. ế ẩm, vốn cạn dần, nợ nần chồng chất. Anh mượn rượu giải sầu, sanh tật đánh vợ. Chịu đòn không thấu, chị làm đơn ly hôn.

 Bạn bè giải hoà, góp tiền cho chị mượn vốn không lãi. Chị bỏ hàng, chia giá sỉ cho người bán lẻ đầu chợ, nhờ vậy đắt khách. 
Anh bỏ rượu, giúp vợ tần tảo năm, sáu năm dài, nợ trả xong, nhà có đồng ra đồng vào, con cái học giỏi. Chị vui chưa kịp nở nụ cười, cơn đau ập đến... 
Cầm đơn thuốc trong tay chị ước gì mình dốt, không biết đọc hai chữ: ung thư. 

 Đôi mắt ( st)


Có một cô gái không may bị mù, quen biết một chàng trai, 2 người cùng yêu nhau, đến một ngày cô gái nói với chàng trai: "Khi nào em nhìn thấy được thế giới, em sẽ lấy anh". Rồi đến một ngày kia cô gái được phẩu thuật mắt và cô đã nhìn thấy được ánh sáng. Chàng trai hỏi: "Bây giờ em đã thấy được cả thế giới, em sẽ lấy anh chứ?"
Cô gái bị ngẩn ngơ choáng váng khi thấy chàng trai cũng bị mù như mình. Cô ta từ chối anh. Chàng trai ra đi trong nước mắt và nhắn lại rằng: "Hãy giữ gìn cẩn thận đôi mắt của mình em nhé, vì đó là món quà cuối cùng anh có thể tặng em". 
 

 Chung riêng (Nga Miên)

Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên...

Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta...


 Tình già (Nguyễn Thái Sơn)

Đêm tối đen.Tiếng con chim cú kêu đâu đó ngoài cây bàng. Ông khó ở trong mìnhđã mấy hôm. Bà lọ mọ tìm cây são rồi đẩy đưa bâng quơ trong vòm lá. Con chim cú vỗ cánh bay. Một hạt bụi sa vào mắt bà...
Ông trách: "Nó kêu mỏi miệng rồi nó đi, bà đuổi làm gì cho khổ con mắt vậy?".
 Hạt bụi cộm lắm nhưng bà không thấy đau; móm mém cười, bà đáp: "Lỡ ông bỏ tôi lại thì sao?".

  Điện thoại (Võ Thành An)


Nhà không có điện thoại, anh Hai đi làm xa muốn thăm Mẹ phải gọi nhờ nhà hàng xóm. Người hàng xóm không vui lòng nhưng chẳng nói ra. Anh Hai ngại nên những cuộc gọi về cứ thưa dần.
Mẹ dành dụm tiền, nhà mắc được điện thoại.

 Cũng có khi do bận việc nên cả tuần anh Hai mới gọi về một lần. Từ ngày nhà có điện thoại Mẹ ít đi đâu, làm gì cũng loay hoay bên chiếc máy. 
Có người hỏi lý do, Mẹ nói: "Sợ thằng Hai gọi về mà không gặp được". 
    St

Cà phê mặn


"Đôi khi chúng ta nghĩ mình hiểu rõ về một người hơn bất kỳ ai...nhưng sự thật lại không phải thế. Vì vậy, hãy yêu thương nhiều hơn và bớt ghét bỏ, bởi đôi khi vị mặn lại ngon hơn vị ngọt!"
 Anh gặp cô ở một bữa tiệc, cô rất nổi bật, nhiều chàng trai săn đón cô.
Trong khi anh thật bình thường, không ai thèm để ý đến anh. Vào cuối buổi tiệc, anh mời cô đi uống cà phê với anh.
 Cô ngạc nhiên lắm nhưng vì anh rất lịch sự nên cô đồng ý. Họ ngồi trong một tiệm cà phê thật xinh xắn. Anh quá bối rối nên chẳng nói được gì. Cô cảm thấy không thoải mái, cô nghĩ thầm "Trời ơi, cho tôi về nhà đi".
Đột nhiên, anh hỏi người phục vụ "Cho tôi xin chút muối. Tôi muốn thêm muối vào ly cà phê của mình".

 Mọi người nhìn anh, thật là kỳ lạ. Mặt anh đỏ lên, nhưng anh vẫn cho muối vào ly cà phê rồi uống. Cô tò mò hỏi anh "Sao anh lại có sở thích này?".
 Anh đáp "Khi còn bé tôi sống gần biển. Tôi thích chơi trên biển, tôi có thể cảm nhận được hương vị của biển, mặn mà và sâu lắng, giống như vị của cà phê mặn.
 Giờ đây, cứ mội lần uống cà phê mặn là tôi lại nhớ đến tuổi thơ của mình, nhớ đến quê tôi. Tôi nhớ quê tôi lắm. Tôi nhớ cha mẹ tôi đang sống ở quê".
 Và những dòng lệ cứ tuôn trào từ mắt anh khi anh nói .
 Cô thực sự cảm động. Đó là cảm xúc thật của anh, từ đáy lòng anh. Một người đàn ông có thể thốt ra miệng về việc nhớ nhà của mình chắc chắn là một người yêu gia đình, biết chăm sóc gia đình và có trách nhiệm với gia đình. Rồi cô bắt đầu nói chuyện, nói về làng quê xa xôi của mình, về tuổi thơ, về gia đình của cô. Họ đã có một buổi nói chuyện thật thú vị, mở đầu ngọt ngào cho câu chuyện về họ. Họ tiếp tục hẹn hò. Cô thấy anh là người đàn ông có tất cả những đức tính mà cô mong muốn: anh có lòng bao dung, tử tế, ấm áp, cẩn thận...
Anh là một người tốt mà cô đã suýt bỏ qua. Nhờ ly cà phê mặn của anh.

 Rồi câu chuyện giống như những câu chuyện tình đẹp khác: công chúa lấy hoàng tử, họ sống một cuộc đời hạnh phúc...
 Và, cứ mỗi lần cô pha cà phê cho anh, cô cho vào đó một chút muối, bởi cô biết đó là cách mà anh thích.
40 năm sau anh qua đời, để lại cho cô một bức thư. 

Thư viết: "Em thương yêu nhất của anh. Xin hãy tha thứ cho anh, tha thứ cho anh vì một lời nói dối.
 Đây là lời nói dối duy nhất mà anh đã nói với em - cà phê mặn. Em có nhớ lần đầu tiên chúng ta hẹn hò nhau không? Lúc đó anh quá bối rối, thật ra anh muốn xin thêm một ít đường, nhưng lại nói là muối.
Thật khó mà thay đổi nên anh tiếp tục. Anh không bao giờ nghĩ rằng điều đó là sự khởi đầu cho sự liên lạc của chúng ta. Đã nhiều lần trong đời, anh cố nói sự thật cho em nghe, nhưng anh sợ phải làm điều đó, bởi anh đã hứa sẽ không bao giờ dối em.

 Giờ anh đang hấp hối, anh không còn sợ gì nữa nên anh nói với em sự thật: anh không thích cà phê mặn, cái vị của nó thật là ghê.
 Nhưng anh đã uống cà phê mặn suốt cả cuộc đời mình từ khi anh biết em, anh không bao giờ hối tiếc về những gì anh đã làm cho em.
 Có em bên đời là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời anh.
 Nếu anh còn có thể sống thêm lần nữa, anh vẫn muốn biết em và có em trong cả cuộc đời mình, dù cho anh phải uống cà phê mặn nữa".
 Nước mắt cô ướt nhòe lá thư.
 Một ngày nọ , có người hỏi cô "Cà phê mặn thế nào?". Cô đáp "Ngọt ngào lắm".
Đôi khi chúng ta nghĩ mình hiểu rõ về một người hơn bất kỳ ai...nhưng sự thật lại không phải thế.

 Vì vậy, hãy yêu thương nhiều hơn và bớt ghét bỏ, bởi đôi khi vị mặn lại ngon hơn vị ngọt.

 Unknow author 


                                                                     

Thinking ...


There is room in the halls of pleasure
For a large and lordly train,
But one by one we must all file on
Through the narrow aisles of pain.

 Tại đây trong căn phòng ngập tràn niềm vui Trong một chuyến tàu rộng lớn và oai vệ
Nhưng chúng ta phải tự xếp hàng rồi vượt qua con đường hẹp dài của nỗi đau.
Hết người này đến người khác, một mình, chậm rãi lướt đi…

Solitude -Ella Wheller Wilcox

Nếu ta được sống thêm lần nữa


Một ngày, khi được hỏi rằng: “Nếu được sống thêm lần nữa, cô có muốn thay đổi điều gì không?”, tôi đã trả lời: “Không”. Nhưng sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ.
Nếu có thêm một cuộc đời khác:
- Tôi sẽ nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn.
- Tôi sẽ mời bạn bè tới dùng bữa tối ngay cả khi tấm thảm bị biến màu và chiếc ghế sofa đã sờn rách.
- Tôi sẽ ăn pop-corn  trong phòng khách sang trọng và dẹp bỏ mối bận tâm về bụi bặm khi mọi người muốn nhóm lửa trong lò sưởi.
- Tôi sẽ dành thời gian lắng nghe ông kể về những năm tháng tuổi trẻ.
- Tôi sẽ không bao giờ khăng khăng đóng cửa xe hơi vào những ngày hè oi bức chỉ vì tôi đã chỉnh trang đầu tóc và vuốt keo thật kỹ lưỡng.
- Tôi sẽ đốt những ngọn nến màu hồng xinh đẹp được tạo hình sinh động như những bông hồng trước khi chúng tan chảy trong kho dự trữ.
Tôi sẽ ngồi trên bãi cỏ cùng con cái dù có dơ một chút cũng chẳng sao.
- Tôi sẽ bớt khóc và cười trước màn hình tivi, để rồi khóc và cười nhiều hơn trước hiện thực cuộc sống.
- Tôi sẽ san sẻ trách nhiệm nhiều hơn với chồng mình.
- Tôi sẽ đi ngủ khi bị ốm thay vì làm như trái đất sẽ quay lệch quỹ đạo khi tôi không ở đó một ngày.
- Thay vì chỉ biết chờ đợi trong suốt chín tháng mang thai, tôi sẽ vui mừng trong từng khoảnh khắc để cảm nhận mầm sống nhỏ bé đang từng ngày lớn lên trong tôi, và rằng đó là một phép lạ tuyệt vời mà Thượng đế ban tặng.
- Khi các con muốn ôm hôn tôi, tôi sẽ không bao giờ nói: “Để sau đi các con. Bây giờ mẹ phải rửa ráy sạch sẽ để còn ăn tối”.
- Tôi sẽ yêu thương nhiều hơn, xin lỗi nhiều hơn.
Và nói chung khi được trao một cuộc sống mới, tôi sẽ nắm bắt từng khoảnh khắc, trân trọng nó, sống hết mình với nó và không bao giờ lãng phí nó.
 Erma Bombeck
(Mint dịch)
                                                   

Mùa đông


Có những mùa đông tàn nhanh qua ô cửa
Qua những sắc màu xám xịt của thời gian
Và nỗi nhớ ngày xưa như vô tận
Khẽ rụng chiều nay qua những chiếc lá vàng

Có những mùa đông ta rất hoang mang
Đi tìm hơi ấm qua những màn sương mỏng
Nhưng chẳng thể thấy đâu
 khi bàn tay lạnh cóng
Giá băng những khoảng trời...
Ta cứ vẽ cho mình những mùa đông chơi vơi
Rồi tự mình giấu mình qua những vần thơ cũ
Nén nhớ mong vào những ngày hư không gió
Để ngọn lửa lòng cứ âm ỉ cháy không thôi

 Mùa đông cứ thế lững lờ trôi
Chẳng để ý đến ta
Không muốn nhìn thấy ta
Khi sầu tàn thương còn vương trong đôi mắt
Trái tim lạnh ngắt
Thả rơi vết cắt linh hồn

Ta gõ nhịp cho mình trong những thoáng mưa buông
Từng bước đưa ta đi qua những mùa đông xám xịt
Kéo ta về với những mùa đồng thuần khiết
Có gió heo may
Có nắng mới đợi chờ...

                 Phong Cầm


Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Tuấn Ngọc và tôi


Một người đàn ông trung niên, tay cầm nửa ổ bánh mì, vừa đi vừa nhai, tay kia cầm chai nước lọc ngửa cổ uống ừng ực.Đó là nam ca sĩ Tuấn Ngọc mà tôi gặp vào năm 1995 ở phòng thu âm của nhạc sĩ Thanh Tùng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp Tuấn Ngọc, tôi đã gặp anh lần đầu tiên ở phòng trà Làng Văn (Cali) năm 1981 trong buổi diễn của tôi và ca sĩ Khánh Ly.
 Lúc này Tuấn Ngọc còn chơi trong ban nhạc của anh, và anh đệm guitar, vừa đàn vừa hát với cái mũ nồi luôn đội ở trên đầu. Bẵng đi một thời gian dài, tôi gặp lại Tuấn Ngọc ở Hawaii, lúc này anh chơi trong ban nhạc của anh ở một Club chuyên trình diễn cho người ngoại quốc và du khách. Lần nào gặp tôi, anh cũng mời lên hát vài bài.
Tôi rời California từ năm 1992 sau khi lập gia đình, về chốn mới có lúc đoạn giao với âm nhạc và một số bằng hữu để chăm chú vào xây dựng cuộc sống mới ở Orlando, Florida là miền đất mới, xa lạ tất cả.
 Nói thì vậy nhưng vẫn có thì giờ để viết thêm các ca khúc mới, như bài Mùa Đông Xanh tả cảnh mùa đông ở Florida mà cây lá cứ như mùa Hè, xanh tươi.
 Dù bận với cuộc sống mới, nhưng tôi vẫn biết là thời gian sau này tên tuổi Tuấn Ngọc bỗng nhiên nổi cuồn cuộn, tôi cho đó là “hoa nở muộn”, vì anh thực sự được ái mộ  sau khi trên 40 bó. Dù biết là anh đã bước lên sân khấu lúc mới 4 tuổi, và sinh hoạt với nhạc trẻ Việt Nam, và Tuấn Ngọc còn được xem là con chim đầu đàn của ban nhạc The Uptight với các em Khánh Hà, Lưu Bích, Lan Anh.
Lúc này tôi viết ca khúc mới tựa là “em nghìn thu gió bay”, và khi chuẩn bị thâu âm, tôi đã nghĩ đến giọng hát của anh. Khi còn làm việc ở phòng thu âm Tùng Giang, tôi đã nghe Tùng Giang khen ngợi về kỹ thuật hát của Tuấn Ngọc. Thực tình, lúc bấy giờ, khoảng năm 1983 tôi chưa thích giọng hát của Tuấn Ngọc lắm trong thời gian này, dù anh đang “đắt hàng” thâu cho Diễm Xưa, Trường Thanh và  một số trung tâm nhạc khác.
 Vì anh hát giọng trầm tuy ấm cúng, sang cả, nhưng phát âm có chỗ ngọng, nhất là chữ “đ”, như đi, đứng, đời…

 Thái Thảo, vợ của anh có lần nói với tôi giọng hát của anh như “hoa nở muộn”, tôi cũng đã nghĩ thế, vì hoa nở muộn thường là hoa đặc biệt trái mùa, luôn toả hương sắc mặn mà theo thời gian, và không thể phủ nhận, giọng của Tuấn Ngọc đạt đến đỉnh cao trong các giọng nam của tân nhạc Việt Nam, vì chất giọng của anh có tính cách mạnh mẽ và trầm ấm, nghe giọng anh như kể lể, an ủi, vỗ về của một người đàn ông lịch lãm, lãng mạn. Do vậy, không ngạc nhiên khi các cô, các bà yêu mến giọng hát của anh.
Khi tôi mời Tuấn Ngọc thu cho tôi bài hát “em nghìn thu gió bay” thì anh nhận lời, và tôi gửi bài cho anh nghe trước. Tuấn Ngọc là ca sĩ nắm vững nhạc lý và bài hát mới giao cho anh là anh “xử lý” rất tới.
 Do vậy khi giao cho Tuấn Ngọc là mình sẽ yên tâm, chỉ ngại một điều là khi anh bận hát show, hát thu âm nhiều quá, thành ra cái máy hát thì phải chịu thôi. 
Vì lúc này, nhiều chỗ đã mời anh thu âm lắm lắm, và anh thì cả nể, hát bất cứ bài gì, miễn là không phải loại nhạc như “thành phố buồn”.
Trở lại chuyện khi thấy anh vào thu âm lúc 2 giờ trưa với ổ bánh mì khô trên tay tôi cũng có chút ái ngại và lo cho đứa con “em nghìn thu gió bay”.
 Vì chẳng ai trước khi hát thu âm lại ăn bánh mì bao giờ cả. Sẽ khô giọng, và… có nhiều cái không trôi chảy. Biết ý tôi, anh cười bảo là, mới ngủ dậy, đói bụng, nhiều khi ăn bánh mì không có thịt rất là ngon, An thử không? Tôi lắc đầu, và sau đó anh vào thu âm. Lúc này tôi mượn phòng thu của anh Thanh Tùng, nhưng tôi mang theo Microphone Neumann Tube M149 của Đức và Microamp Manley “Vox Box” của Hoa Kỳ, là dụng cụ “chiến” để thu giọng anh cho hay. Và dù ăn bánh mì khô, nhưng Tuấn Ngọc cũng đã thu xong ca khúc tôi “em nghìn thu gió bay” hoàn hảo. Cái còn lại, tôi mang về sẽ thêm mắm muối khi Mix là xong.
Vài năm sau đó kể từ 1995, Tuấn Ngọc và tôi vẫn thường gặp nhau, anh đến Florida hát show là ghé nhà tôi nghỉ lại đêm, rồi những trận Tennis thư hùng diễn ra rất quyết liệt ăn thua đủ giữa một ca sĩ và một nhạc sĩ. Tuấn Ngọc đánh banh khá, lúc năm đầu tiên còn thắng tôi, nhưng sau đó có lúc cũng phải thua tôi, dù gì tôi cũng trẻ hơn mà.
 Và khi thua tôi, là tôi tuyên bố thôi, ngưng ở đây nhé và không tiếp tục, khiến Tuấn Ngọc buồn và… bực vì quê! Nói như thế để các bạn thấy là chúng tôi có những thời gian làm việc với nhau trong tinh thần người diễn tả ca khúc của người sáng tác, rất vui, rất tình cảm giữa anh em nghệ sĩ với nhau.
Từ đó về sau, anh hát có đến hơn chục ca khúc của tôi, nhưng anh chẳng bao giờ “promote” ca khúc nào của tôi hết, có lẽ anh lười thuộc bài mới, và style hát của anh thích hợp với nhạc của Ngô Thuỵ Miên hoặc của Từ Công Phụng.
 Có lần anh kể, khi hát ở Việt Nam, khán giả Hà Nội yêu cầu anh hát ca khúc “bóng trăng trong thành phố”, là ca khúc của tôi, nhưng anh cáo lỗi vì không thuộc bài.
 Tuấn Ngọc tính tình hiền lành, điềm đạm và có máu tếu, có lẽ của bố Lữ Liên trong ban AVT. Tuấn Ngọc cũng tốt bụng, nhưng kén bạn, vì nếu gặp đối tượng hạp “gu” thì tuôn ra nhiều chuyện vui không dứt, còn không đúng đối tượng, ngồi im chẳng nói gì, nhìn cũng hơi ngán vì khuôn mặt “hình sự”.

Anh là ca sĩ nổi tiếng, có giọng hát và kỹ thuật hát hàng đầu, anh luôn khuyến khích tôi hát vì anh nghe và bảo tôi có giọng hát tốt và hay, chỉ cần sửa sang chút xíu, ví như cây lá xum xuê nên gọt tỉa lại là good lắm, và anh còn bảo tôi gửi các bài tôi hát để anh nghe và cho nhận xét góp ý, và anh đã góp ý rất chân thực cho tôi về kỹ thuật hát. Một điều nữa là anh với tôi hợp nhau ở vấn đề kỹ thuật từ software cho đến hardware trong lãnh vực phòng thu. 
Có gì là trao đổi và sau này khi thâu âm, tôi giao cho anh tự ngồi thu tiếng hát mình, nghĩa là tôi đi làm chuyện khác để Tuấn Ngọc vừa làm ca sĩ, vừa làm chuyên viên bấm máy thu âm.
Sau này tôi không thu giọng bất cứ ca sĩ nào nữa khi hát nhạc tôi mà không “promote”, vì vậy nhiều khi ca khúc của mình, nếu không “tiếp thị” thì vẫn không đến người yêu nhạc một cách nhanh chóng. Và những ca khúc tôi dù được thu với những tiếng hát nổi tiếng như Tuấn Ngọc, Thanh Hà, Thái Hiền, Ý Lan, Thu Phương, Vân Khánh, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Thu Minh… nhưng vẫn chưa được phổ biến đúng mức, và do vậy, có người yêu nhạc vẫn nghĩ là tôi đã đoạn giao với âm nhạc nên không có ca khúc nào mới nữa, thực tôi viết rất sung mãn hơn bao giờ, vì tuổi đời cho tôi thêm kinh nghiệm, đời sống đi tới cho tôi già dặn, và tôi có đủ phương tiện hơn bao giờ hết để làm bao nhiêu Album nhạc của mình cũng được. Nhưng người ta bảo “cái khó, nó bó cái khôn. Cái khôn, nó chôn cái khó”.
Kể từ khi lấp ló sự cáo chung của băng đĩa DVD ca nhạc của các trung tâm sản xuất bị sao chép, đưa lên mạng, công việc thu băng, thu hình của các nhà sản xuất dậm chân tại chỗ, dẫn đến tình trạng các ca sĩ phải chạy tìm kiếm thị trường mới để hoạt động. Và thị trường mới ở Việt Nam là con đường duy nhất của hầu hết các ca sĩ hải ngoại kiếm sống. 
Tuấn Ngọc cũng đã xuất hiện ở Việt Nam từ Sàigon ra Đà Nẵng đến Hà Nội, anh được nồng nhiệt chào đón, và các buổi diễn của anh kín rạp với giá vé cao đến cả trăm đôla cho một vé vào nghe anh hát. Nhưng, dù được như thế ở quê nhà, có lẽ anh biết mình cũng đã đánh mất sự ái mộ của những khán giả hải ngoại khi trở về hát trên quê hương còn chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa”, và những khổ hạnh bên lề của cả dân tộc còn rất nghèo. 
Người Việt hải ngoại trách giới Show Biz Việt Nam hải ngoại lần lượt, và lần lượt về hát hò ở Việt Nam cũng chỉ vì họ yêu mình, ái mộ mình, và người ta cảm thấy có điều “phản cảm” xảy ra. Với tôi, tôi thông cảm và tôn trọng sự lựa chọn của từng người trong cuộc sống nghệ thuật của chính họ.
 Tôi không phê phán, lên án. Nhưng tôi cũng không tán thành con đường đi về Việt Nam trong hoàn cảnh tế nhị hiện nay để ca hát như một cách kiếm kế sinh nhai.
Theo tôi, khi Thượng Đế tác tạo muôn loài trong đó có con người. Ngài cho họ có sự tự do mà chính Ngài là Đấng Toàn Năng cũng không can thiệp vào sự chọn lựa của người khác.
 Theo tôi, là con người, và bằng hữu trong giới làm nghệ thuật, tôi tôn trọng sự chọn lựa của cuộc sống mỗi cá nhân khác nhau, dù tôi biết là sự thất vọng đâu đó của người ái mộ sẽ có những phản ứng tiêu cực hay tích cực cũng sẽ giống như ca dao:
Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài
Ai dè giếng cạn tiếc hoài sợi dây

               Châu Đình An


Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Đoản khúc cũ


Tháng cũ
Giữ tình nguời cũ
Trong ngăn kéo tàn phai một thời nhung nhớ
Âm thanh trĩu nặng
Nhành lan trắng
Rụng úa sân buồn

Tháng mười một ngày này của bao nhiêu năm trước
Ở nơi xa xăm
Nép bên gió biển
Có một nguời đóng khung cuộc chờ trên vách
Mỗi tối đằng kia
Tiếng ghita bập bùng
Cafe đắng, điếu thuốc cháy dở
Hững hờ đâu đó
Vài niềm tin...

Dù gì, ngày cũng sang lâu
Lòng người chắc gì nhớ!
Dăm ba phút mặc niệm
Vùi sâu dưới nấm mồ
Dù gì, hạt sẽ đơm hoa
Đêm nối ngày
Mưa sẽ tạnh
Quy luật tồn sinh dữ dội
Hơn thua rồi cũng bỏ
Rong rêu phủ lối
Kiếp người hoá tro bay

Trở về phố sáng nay,
Tinh khôi nhảy múa vội vã
Bầy sơn ca không hát
Tiếng casette nhàu nhĩ
Ngoài kia, mùa đông đang thẳng hàng chào đón
Chỉ những mặt nguời ngoảnh lại
Có vẻ như thời gian buông mất câu thề

Em bây giờ quá xa
Anh bây giờ
Như hai người lạ
Đời buồn nương tiếng thở dài
Mộng ngoan tóc rối
Gió thôi cười đêm nay.

Cỏ Dại

Paris & Metro


Buổi chiều về đến nhà sau hơn hai tuần đi xa, hàng cúc sát chân bức tường đá trước thềm nhà nở vàng đẫm, thơm ngát cả buổi chiều, như có ai rót rượu cúc xuống thềm mừng người trở lại. Nhớ khi đi thược dược đang nở, cúc mới ra nụ như những khuy áo nhỏ.
Bây giờ những khóm thược dược đã chín nẫu, cúi gập xuống vì giá tháng mười nhường chỗ cho hoa cúc.Bao giờ cũng vậy, đi xa về nhìn lại căn nhà của mình sao thấy nó ấm áp, thân mật thế! Mở hai cánh cửa ra là bước vào lại cái thế giới đời thường, rất riêng tư của mình. Bao nhiêu việc sẽ phải làm sau cánh cửa! Cứ để đó, từ từ, cái âm vang của đường xa còn tung những hạt bụi lạ trong lồng ngực.
Những chuyến metro chật ních người suốt ngày. Thả xuống, nhận vào mỗi trạm những mầu da, ngôn ngữ, vóc dáng khác nhau. Họ hối hả chen vai, lấn chỗ, im lặng, lạnh lùng, thân thiện, cho một nụ cười lạ, một nét lạnh tanh trên mặt, nhìn nhau đăm đăm, ngoảnh mặt, dựa sát, vuốt ve, hôn nhau, tất cả đều bắt được trong cái nhịp rập rềnh, chao đảo của con tàu.
Có cả tiếng đàn, tiếng hát bất chợt bước vào ở một trạm nào đó, một cái ly giấy nhầu nhĩ đưa ra xin tiền sau tiếng nhạc cuối, rồi lại biến mất ở trạm tới. Mỗi trạm metro là một bức tranh minh họa đời sống thường nhật của dân Âu Châu. Họ nôn nả vào, nôn nả ra như những con lật đật, vì metro là phương tiện di chuyển chính.
Đến sở làm việc, đi khám bệnh, đi học, đi mua sắm, đi đến nơi thương lượng buôn bán, hẹn hò với tình nhân, đều bước vào sau cánh cửa toa tàu, nắm chặt lấy thanh sắt, ôm cái túi, cái cặp sát vào ngực, chăm chú đếm từng trạm tàu dừng lại, sửa soạn sẵn một chỗ đặt chân để bước ra.
Một người rời ghế đứng lên, có ngay một người khác thế vào. Metro (nhất là ở Ý) còn hay bị các họa sĩ tài tử viết (graffiti) kín cả cánh cửa, có khi xịt sơn lên, hành khách đứng ở trong không nhìn được tên trạm để xuống.
Họ viết nhằng nhịt, bẩn thỉu làm xấu xí cả những toa tàu. Du khách ở phương xa tới cũng hòa nhập vào cái dòng xuôi chảy đó.Bỗng thấy nó nên thơ vô cùng.

 Có lẽ vì nó lạ, nó đông đảo hơn một chuyến bus ở bên địa phương mình, vì trên metro ở Paris và ở Rome có nhiều màu da, và nhiều tiếng nói khác nhau hơn, tạo nên một cộng đồng đa văn hóa ngay trong lòng toa tàu. Đi chơi không phải hấp tấp đúng giờ, và tự cho mình cái thú đi lạc. Sá gì, đi quá một trạm thì quay lại. Cứ quần jeans, giầy vải, ba lô, đi cả ngày không mỏi. 
Lang thang xuống phố, đi thăm các nơi nổi tiếng, ngồi uống cà phê vỉa hè, gặm bánh mì jambon fromage, lại tìm xuống trạm metro, lại cầu thang cuốn lên, cầu thang cuốn xuống, hoặc bước mấy chục bước cầu thang chân, cúi nhìn xuống lòng con đường sắt, đợi nghe tiếng bánh nghiến vọng lại, nhìn thấy con tàu lừng lững hiện ra ở đường hầm. Tàu tới, chui vào toa tàu, nắm chặt cái cột giữa toa, nghe tiếng rung chuyển của thân tàu trên đường sắt, nghe va chạm vai, hông vào những người lạ hoắc, đọc thơ Tế Hanh trong đầu:
Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi réo kẻ về

Tàu bây giờ không có khói phun ra ở đầu tàu, vì metro chạy bằng điện, không còn bằng than đá như ngày xa xưa đó nữa. Chưa đọc xong bài thơ là đã đến trạm xuống, đành hấp tấp chen vai, hích khuỷu tay bước ra, để rơi lại những câu thơ xuống sàn tàu, trên vai áo những người vừa đứng cạnh. Đi lang thang tiếp tục, xem nơi này, thăm chỗ kia, ghé nhà hàng ăn chiều, vang đỏ, vang trắng mời nhau

. Paris về đêm hay Rome về đêm đều đẹp và trữ tình như nhau. Cứ lang thang đường này sang đường khác, từ khu phố cổ ở Paris hay khu công trường thánh Peter ở Rome cho đến khi bốn bàn chân mỏi (thật ra chỉ có hai bàn chân nhỏ mỏi thôi, còn hai bàn chân lớn đi suốt sáng vẫn được.) Đành trả lại những mối tình của các ông hoàng, bà chúa trong cung điện Versailles cho những căn buồng ngủ thêu vàng dát ngọc. Trả lại bà hoàng Cleopatra, một bà hoàng làm khuynh đảo cả hoàng triều Rome trong hai mươi năm cho Julius Caesar.
Khách du lịch dắt nhau tìm xuống đuờng hầm lên metro về khách sạn.
Metro đêm tương đối vắng hơn. Giờ tan tầm đã đi qua, lên toa hầu như ai cũng có chỗ ngồi. Lúc này là lúc những cặp tình nhân tự do ngồi vào lòng nhau hay đứng ve vuốt nhau trước mặt khách đồng hành.
Dưới ánh đèn sáng trưng, tầu cứ rập rềnh, môi hôn cứ gắn, bàn tay cứ đặt vào những chỗ khó đặt nhất. Không sao cả! Chỉ có du khách là trố mắt ra nhìn, còn dân địa phương thì quen lắm rồi, trên chuyến tầu khuya họ hấp tấp về nhà, nhìn làm gì cho mỏi mắt.

Một con đường sắt trăm con tàu
Mưa nắng sớm trưa hay chiều
Người nhớ người thương người yêu
(Y Vân)

 Xuống tàu rồi, còn ngoái đầu quay lại, nhìn con tàu mất hút trong đường hầm. Đẹp và buồn!
Mùa thu Paris chỉ se se gió. Những hàng cây không chín đỏ, vàng muồi như những thành phố ở miền Đông hay Bắc Mỹ. Lá ngô đồng (platane) ở Paris chỉ úa vàng, khô, rồi cong lại và rơi xuống.
Du khách bước vào vườn Luxembourg với một chút thất vọng trong lòng.
Bài văn tả cảnh lá rơi trong vườn Lục Xâm Bảo thời xa xưa sao mà đẹp thế!
Bây giờ cũng mùa thu, cũng lá ngập trong vườn nhưng sao không thấy cái rực rỡ của thu, chỉ nhìn thấy mấy chiếc ghế bỏ không, những hàng cây chết, mấy người luống tuổi ngồi uống bia trong một cái quán ở giữa vườn

Mầu nâu buồn bã của lá khô vun thành từng đống chưa kịp hốt đi, những cái thùng rác bằng những túi ni lông trong suốt máng vào một cái vòng sắt, trông thấy hết cả rác bên trong, rất thiếu thẩm mỹ
.( Người bạn đi cùng cho biết để nhìn rõ những vật lạ – nếu có – của quân khủng bố). Phóng tầm mắt nhìn bao quát một vùng, lá vàng ở đây hiu hắt quá!

 Người vào vườn ngày cuối tuần cũng thưa thớt.
Du khách đi từ gốc cây nọ sang gốc cây kia, hàng cây Hạt Dẻ (Maronnie) lá còn xanh nhưng lại héo quăn từng góc, hỏi người quét vườn thì được biết nhiều cây này đang bị bệnh, chết từ từ mà chưa kiếm ra nguyên nhân.
Bỗng thấy thương và tiếc như vừa đánh mất một thiên đường trong cổ tích. Chắc từ nay hết mơ mộng về cái vườn này.
Anh nhặt cho em một chiếc lá vàng rơi trên lưng người homless được không?
Con thuyền đi dọc theo dòng sông Seine, cô hướng dẫn tour nói tiếng Anh bằng giọng Pháp nên nghe rất dễ thương. Trời hôm nay đẹp, ngồi trên boong lộ thiên không thấy lạnh, thuyền trôi trên sông nhưng gió không mạnh lắm.
Dọc theo hai bên bờ thỉnh thoảng lại thấy những cái túi ngủ. Có cái như con sâu cuộn, tòi ra một cái đầu, có cái chùm lên một người đang ngồi co ro hút thuốc.
Hình ảnh này mỗi khi “Đưa nhau xuống phố hôm nay” rất quen thuộc ở Mỹ.
Dòng sông Seine nổi tiếng của Pháp chảy qua thành phố Paris là con đường giao thông chính của nước Pháp thời xa xưa, đi bateau-mouche (gọi là thuyền ruồi, vì trên cao nhìn xuống trông giống hệt một con ruồi khổng lồ) dọc theo sông nhìn ngắm đựợc hết những phong cảnh ngoạn mục và những di tích nổi tiếng của Paris như Tour Eiffel, Grand Palais, Concorde, Musée du Louvre, Musée d’Orsay và Notre Dame v.v.
Đặc biệt là những cây cầu cũ kỹ còn lại rất nhiều, bắc qua dòng sông này. Các họa sĩ danh tiếng như Pierre Renoir, Alfred ....
Nhưng đến Paris mà bỏ quên Chevreuse Valley du khách sẽ thiệt thòi lắm. Chevreuse cách Paris 30 cây số về phía tây nam. Du khách sẽ thấy nhánh sông Yvette chẩy qua Saint Michel vào Chevreuse, dưới những cái cầu gạch nhỏ thật là thơ mộng.
Cây cỏ mùa thu bắt đầu úa vàng hai bên, những lẵng hoa đong đưa bên thành cầu, đường làng thanh vắng, tiếng chó sủa bâng quơ, nhìn xuống bên dưới thấy có những bực gạch được xây mấp mé dòng nước, một cái bảng đề:
Nơi đây ở thế kỷ 17, những người thợ thuộc da đến nhúng những tấm da sống (cowhide) trong dòng nước này.
Chắc ngoài những người thợ đó du khách cũng có thể tưởng tượng thêm mấy cô thôn nữ hái nho, hái táo cũng ra đây giặt áo. Chevreuse Valley mà chung quanh nó một diện tích khoảng mười sáu, mười bẩy dặm vuông Abbaye de Port-Royal des Champs có nhiều giáo đường và tu viện đã bị vua Louis XVI ra lệnh phá hủy tất cả, giết hoặc xua đuổi những nữ tu ra ngoài đời vào năm 1711, bây giờ chỉ còn sót lại một phần rất nhỏ kiến trúc phía ngoài của Les Granges (là kho chứa cỏ, ngũ cốc)
Thời đó là nông trại nuôi sống cả abbaye Port-Royal đông đúc, náo nhiệt trước khi bị hủy diệt.
Hiện Les Granges dùng làm viện bảo tàng và một cái nhà vòm trước xây để nuôi chim hòa bình đưa thư gọi là dovecote cũng còn tồn tại.
Du khách bước vào nhà vòm này, ngửng mặt nhìn lên tháp cao sẽ thấy những cái tổ chim còn sót lại, những con chim được nuôi để làm nhiệm vụ đưa thư hồi đó, đã bay mất hút vào vòm trời xanh biếc với những tờ thư trên mỏ. Chúng đã giao thư vào một địa chỉ mây
. Nói đến Port-Royal des Champs du khách cũng nên nhắc đến câu nói bất hủ của Blaise Pascal “Le silence éternel de ces espaces infinis m`effraie
– Sự thinh lặng vĩnh hằng của không gian vô tận làm tôi sợ hãi” trong PENSÉES, một cuốn sách bạn bè in cho ông sau khi ông mất (tập hợp những đoạn văn, những câu rời rạc bị gạch xóa, tẩy bỏ của Pascal) Pascal đã một thời ẩn thân trong Port-Royal des Champs như một hermit (ẩn sĩ) thời đó hơn là tu sĩ, ông sống trong tinh thần của một Nguyễn Công Trứ
– Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ...
Du khách cúi xuống thả một mảnh tim mình trên nhánh sông Yvette.
Bỗng nhớ đến sông Tiền, sông Hậu ở một quê nhà xa lắc, nơi những chiếc thuyền máy chở du khách đi dọc theo bờ, ghé vào từng trạm để chứng kiến đời sống mộc mạc hiền lành của người dân quê miền Nam, nơi những em bé lên mười vừa biết trông em, vừa biết phụ giúp cha mẹ làm bất cứ việc gì để kiếm được hai bữa cơm một ngày, hai bộ quần áo một năm và có tiền đóng học phí hàng tháng.

Trôi đi trôi đi sông ơi....

Trần Mộng Tú