Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Tuấn Ngọc và tôi


Một người đàn ông trung niên, tay cầm nửa ổ bánh mì, vừa đi vừa nhai, tay kia cầm chai nước lọc ngửa cổ uống ừng ực.Đó là nam ca sĩ Tuấn Ngọc mà tôi gặp vào năm 1995 ở phòng thu âm của nhạc sĩ Thanh Tùng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp Tuấn Ngọc, tôi đã gặp anh lần đầu tiên ở phòng trà Làng Văn (Cali) năm 1981 trong buổi diễn của tôi và ca sĩ Khánh Ly.
 Lúc này Tuấn Ngọc còn chơi trong ban nhạc của anh, và anh đệm guitar, vừa đàn vừa hát với cái mũ nồi luôn đội ở trên đầu. Bẵng đi một thời gian dài, tôi gặp lại Tuấn Ngọc ở Hawaii, lúc này anh chơi trong ban nhạc của anh ở một Club chuyên trình diễn cho người ngoại quốc và du khách. Lần nào gặp tôi, anh cũng mời lên hát vài bài.
Tôi rời California từ năm 1992 sau khi lập gia đình, về chốn mới có lúc đoạn giao với âm nhạc và một số bằng hữu để chăm chú vào xây dựng cuộc sống mới ở Orlando, Florida là miền đất mới, xa lạ tất cả.
 Nói thì vậy nhưng vẫn có thì giờ để viết thêm các ca khúc mới, như bài Mùa Đông Xanh tả cảnh mùa đông ở Florida mà cây lá cứ như mùa Hè, xanh tươi.
 Dù bận với cuộc sống mới, nhưng tôi vẫn biết là thời gian sau này tên tuổi Tuấn Ngọc bỗng nhiên nổi cuồn cuộn, tôi cho đó là “hoa nở muộn”, vì anh thực sự được ái mộ  sau khi trên 40 bó. Dù biết là anh đã bước lên sân khấu lúc mới 4 tuổi, và sinh hoạt với nhạc trẻ Việt Nam, và Tuấn Ngọc còn được xem là con chim đầu đàn của ban nhạc The Uptight với các em Khánh Hà, Lưu Bích, Lan Anh.
Lúc này tôi viết ca khúc mới tựa là “em nghìn thu gió bay”, và khi chuẩn bị thâu âm, tôi đã nghĩ đến giọng hát của anh. Khi còn làm việc ở phòng thu âm Tùng Giang, tôi đã nghe Tùng Giang khen ngợi về kỹ thuật hát của Tuấn Ngọc. Thực tình, lúc bấy giờ, khoảng năm 1983 tôi chưa thích giọng hát của Tuấn Ngọc lắm trong thời gian này, dù anh đang “đắt hàng” thâu cho Diễm Xưa, Trường Thanh và  một số trung tâm nhạc khác.
 Vì anh hát giọng trầm tuy ấm cúng, sang cả, nhưng phát âm có chỗ ngọng, nhất là chữ “đ”, như đi, đứng, đời…

 Thái Thảo, vợ của anh có lần nói với tôi giọng hát của anh như “hoa nở muộn”, tôi cũng đã nghĩ thế, vì hoa nở muộn thường là hoa đặc biệt trái mùa, luôn toả hương sắc mặn mà theo thời gian, và không thể phủ nhận, giọng của Tuấn Ngọc đạt đến đỉnh cao trong các giọng nam của tân nhạc Việt Nam, vì chất giọng của anh có tính cách mạnh mẽ và trầm ấm, nghe giọng anh như kể lể, an ủi, vỗ về của một người đàn ông lịch lãm, lãng mạn. Do vậy, không ngạc nhiên khi các cô, các bà yêu mến giọng hát của anh.
Khi tôi mời Tuấn Ngọc thu cho tôi bài hát “em nghìn thu gió bay” thì anh nhận lời, và tôi gửi bài cho anh nghe trước. Tuấn Ngọc là ca sĩ nắm vững nhạc lý và bài hát mới giao cho anh là anh “xử lý” rất tới.
 Do vậy khi giao cho Tuấn Ngọc là mình sẽ yên tâm, chỉ ngại một điều là khi anh bận hát show, hát thu âm nhiều quá, thành ra cái máy hát thì phải chịu thôi. 
Vì lúc này, nhiều chỗ đã mời anh thu âm lắm lắm, và anh thì cả nể, hát bất cứ bài gì, miễn là không phải loại nhạc như “thành phố buồn”.
Trở lại chuyện khi thấy anh vào thu âm lúc 2 giờ trưa với ổ bánh mì khô trên tay tôi cũng có chút ái ngại và lo cho đứa con “em nghìn thu gió bay”.
 Vì chẳng ai trước khi hát thu âm lại ăn bánh mì bao giờ cả. Sẽ khô giọng, và… có nhiều cái không trôi chảy. Biết ý tôi, anh cười bảo là, mới ngủ dậy, đói bụng, nhiều khi ăn bánh mì không có thịt rất là ngon, An thử không? Tôi lắc đầu, và sau đó anh vào thu âm. Lúc này tôi mượn phòng thu của anh Thanh Tùng, nhưng tôi mang theo Microphone Neumann Tube M149 của Đức và Microamp Manley “Vox Box” của Hoa Kỳ, là dụng cụ “chiến” để thu giọng anh cho hay. Và dù ăn bánh mì khô, nhưng Tuấn Ngọc cũng đã thu xong ca khúc tôi “em nghìn thu gió bay” hoàn hảo. Cái còn lại, tôi mang về sẽ thêm mắm muối khi Mix là xong.
Vài năm sau đó kể từ 1995, Tuấn Ngọc và tôi vẫn thường gặp nhau, anh đến Florida hát show là ghé nhà tôi nghỉ lại đêm, rồi những trận Tennis thư hùng diễn ra rất quyết liệt ăn thua đủ giữa một ca sĩ và một nhạc sĩ. Tuấn Ngọc đánh banh khá, lúc năm đầu tiên còn thắng tôi, nhưng sau đó có lúc cũng phải thua tôi, dù gì tôi cũng trẻ hơn mà.
 Và khi thua tôi, là tôi tuyên bố thôi, ngưng ở đây nhé và không tiếp tục, khiến Tuấn Ngọc buồn và… bực vì quê! Nói như thế để các bạn thấy là chúng tôi có những thời gian làm việc với nhau trong tinh thần người diễn tả ca khúc của người sáng tác, rất vui, rất tình cảm giữa anh em nghệ sĩ với nhau.
Từ đó về sau, anh hát có đến hơn chục ca khúc của tôi, nhưng anh chẳng bao giờ “promote” ca khúc nào của tôi hết, có lẽ anh lười thuộc bài mới, và style hát của anh thích hợp với nhạc của Ngô Thuỵ Miên hoặc của Từ Công Phụng.
 Có lần anh kể, khi hát ở Việt Nam, khán giả Hà Nội yêu cầu anh hát ca khúc “bóng trăng trong thành phố”, là ca khúc của tôi, nhưng anh cáo lỗi vì không thuộc bài.
 Tuấn Ngọc tính tình hiền lành, điềm đạm và có máu tếu, có lẽ của bố Lữ Liên trong ban AVT. Tuấn Ngọc cũng tốt bụng, nhưng kén bạn, vì nếu gặp đối tượng hạp “gu” thì tuôn ra nhiều chuyện vui không dứt, còn không đúng đối tượng, ngồi im chẳng nói gì, nhìn cũng hơi ngán vì khuôn mặt “hình sự”.

Anh là ca sĩ nổi tiếng, có giọng hát và kỹ thuật hát hàng đầu, anh luôn khuyến khích tôi hát vì anh nghe và bảo tôi có giọng hát tốt và hay, chỉ cần sửa sang chút xíu, ví như cây lá xum xuê nên gọt tỉa lại là good lắm, và anh còn bảo tôi gửi các bài tôi hát để anh nghe và cho nhận xét góp ý, và anh đã góp ý rất chân thực cho tôi về kỹ thuật hát. Một điều nữa là anh với tôi hợp nhau ở vấn đề kỹ thuật từ software cho đến hardware trong lãnh vực phòng thu. 
Có gì là trao đổi và sau này khi thâu âm, tôi giao cho anh tự ngồi thu tiếng hát mình, nghĩa là tôi đi làm chuyện khác để Tuấn Ngọc vừa làm ca sĩ, vừa làm chuyên viên bấm máy thu âm.
Sau này tôi không thu giọng bất cứ ca sĩ nào nữa khi hát nhạc tôi mà không “promote”, vì vậy nhiều khi ca khúc của mình, nếu không “tiếp thị” thì vẫn không đến người yêu nhạc một cách nhanh chóng. Và những ca khúc tôi dù được thu với những tiếng hát nổi tiếng như Tuấn Ngọc, Thanh Hà, Thái Hiền, Ý Lan, Thu Phương, Vân Khánh, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Thu Minh… nhưng vẫn chưa được phổ biến đúng mức, và do vậy, có người yêu nhạc vẫn nghĩ là tôi đã đoạn giao với âm nhạc nên không có ca khúc nào mới nữa, thực tôi viết rất sung mãn hơn bao giờ, vì tuổi đời cho tôi thêm kinh nghiệm, đời sống đi tới cho tôi già dặn, và tôi có đủ phương tiện hơn bao giờ hết để làm bao nhiêu Album nhạc của mình cũng được. Nhưng người ta bảo “cái khó, nó bó cái khôn. Cái khôn, nó chôn cái khó”.
Kể từ khi lấp ló sự cáo chung của băng đĩa DVD ca nhạc của các trung tâm sản xuất bị sao chép, đưa lên mạng, công việc thu băng, thu hình của các nhà sản xuất dậm chân tại chỗ, dẫn đến tình trạng các ca sĩ phải chạy tìm kiếm thị trường mới để hoạt động. Và thị trường mới ở Việt Nam là con đường duy nhất của hầu hết các ca sĩ hải ngoại kiếm sống. 
Tuấn Ngọc cũng đã xuất hiện ở Việt Nam từ Sàigon ra Đà Nẵng đến Hà Nội, anh được nồng nhiệt chào đón, và các buổi diễn của anh kín rạp với giá vé cao đến cả trăm đôla cho một vé vào nghe anh hát. Nhưng, dù được như thế ở quê nhà, có lẽ anh biết mình cũng đã đánh mất sự ái mộ của những khán giả hải ngoại khi trở về hát trên quê hương còn chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa”, và những khổ hạnh bên lề của cả dân tộc còn rất nghèo. 
Người Việt hải ngoại trách giới Show Biz Việt Nam hải ngoại lần lượt, và lần lượt về hát hò ở Việt Nam cũng chỉ vì họ yêu mình, ái mộ mình, và người ta cảm thấy có điều “phản cảm” xảy ra. Với tôi, tôi thông cảm và tôn trọng sự lựa chọn của từng người trong cuộc sống nghệ thuật của chính họ.
 Tôi không phê phán, lên án. Nhưng tôi cũng không tán thành con đường đi về Việt Nam trong hoàn cảnh tế nhị hiện nay để ca hát như một cách kiếm kế sinh nhai.
Theo tôi, khi Thượng Đế tác tạo muôn loài trong đó có con người. Ngài cho họ có sự tự do mà chính Ngài là Đấng Toàn Năng cũng không can thiệp vào sự chọn lựa của người khác.
 Theo tôi, là con người, và bằng hữu trong giới làm nghệ thuật, tôi tôn trọng sự chọn lựa của cuộc sống mỗi cá nhân khác nhau, dù tôi biết là sự thất vọng đâu đó của người ái mộ sẽ có những phản ứng tiêu cực hay tích cực cũng sẽ giống như ca dao:
Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài
Ai dè giếng cạn tiếc hoài sợi dây

               Châu Đình An


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét