Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Ký ức bếp lửa hồng


Một tối trời mưa lất phất, khi cơn gió lạnh đã vi vu khắp những nẻo đường của xứ Huế, tôi cùng chị dâu đến nhà một người quen để hỏi thăm người bạn đi xa mới về.
Đang ngồi chuyện trò với mọi người ở gian nhà bếp, vô tình nghe đâu đó những tiếng nổ lách tách rất vui tai, thoảng một cảm giác quen thuộc hiện về nhưng vẫn chưa thể nào nhớ ra. Không nén được tò mò, tôi lần ra phía sau
. À thì ra là đây, một bếp lửa hồng đang rực cháy, sáng cả một khoảng không của khu vườn.
Bác chủ nhà đang đun ấm nước chè bằng mạt cưa, cảm giác ngạc nhiên xen lẫn thích thú khiến tôi không thể rời mắt khỏi hình ảnh ấy vì đã rất lâu rồi không được thấy ai đó đun nấu thứ gì một cách thủ công như thế nữa.
Trong tiết trời se lạnh, nhìn những miếng mạt cưa cháy sáng lập loè, nghe tiếng nổ lách tách và cảm nhận hơi ấm toả ra từ ánh lửa, dường như thời gian đã ngưng đọng lại trong từng hơi thở của trời đêm.
Bao lâu rồi không thấy hình ảnh rất đỗi thân quen, bao lâu rồi không được đắm mình vào cái mùi ngai ngái từ rơm rạ, từ vỏ trấu, từ củi khô bị cháy xém, cũng bao lâu rồi không được ngồi cạnh đốm lửa hơ tay sưởi ấm mỗi khi đông về. Và tôi thấy nhớ.
Nhớ những ngày xưa xa lắc, khi tuổi thơ trôi qua mỗi ngày cùng bếp lửa hồng của mẹ. Ngày ấy, nhà tôi thường chụm lửa bằng lá và củi khô.
Những gánh củi, bao lá to, mẹ tôi chất đầy cả gian bếp để dùng trong thời gian dài.
Thi thoảng, mẹ cũng đun nấu bằng những thứ lá được nhặt nhạnh ngay chính trong khu vườn nhà mình.
Đó là "công lao" của các anh em tôi khi một ngày nào đó hứng chí, bốn anh em hì hụi quét tước khu vườn cho sạch sẽ
. Nào là lá đào, lá ổi, lá nhãn, lá xoan... tất tần tật những thứ lá nào đã héo úa, khô không khốc và rơi rụng vung vãi khắp khu vườn ngày xưa ấy.
Tuy ít thôi, nhưng cảm giác được tự tay chụm những đụn lá do mình kiếm thật thích thú.
Mỗi lần như thế, tôi thường ngồi bệt xuống đất "giành" công việc chêm thêm lá vào bếp kiềng ba chân giúp mẹ, đợi lúc những tiếng nổ lách tách giòn tan vang lên, thì nhắm nghiền đôi mắt mà hít hà mùi thơm nồng, ngai ngái ấy.
Và sau đó lại cười khì khi khi nghe mẹ mắng yêu "chỉ giỏi chơi thôi chứ có phải giúp mẹ được cái gì ra trò đâu".Đúng là hồi ấy chẳng giúp được gì cho mẹ cả, nhưng ký ức xưa sáng trong và đẹp vô ngần, làm nhớ quá đỗi những hình ảnh cũ kĩ mà ấm nồng mùi thơm từ đất, từ cây cỏ.
Một khu vườn rộng với đủ các loại cây trái, rau màu mà bố tôi hằng ngày vẫn chăm bẵm chu đáo.
Mẹ tôi dành một khoảng đất trống phía bên phải vườn cho việc nấu nướng vào mùa nắng.
Những bếp lửa trôi theo thời gian, nhưng những đụn khói nhuốm màu ký ức tưởng chừng đã bỏ quên trong một ngóc ngách nào đó của cuộc sống hiện đại nay lại trở về ngọt ngào và lung linh quá.
Mùa đông bao nhiêu năm trước theo ánh lửa đỏ chảy về trong tôi réo rắt.
Khi tiết trời đã chia tay những ngày nắng, đón những cơn mưa dai dẳng của xứ Huế về trong rét mướt, mẹ tôi không đun nấu bằng lá khô nữa, thay vào đó là củi.
Gánh củi nào càng quăn queo, nhàu nhĩ lửa cháy càng to. Gian nhà bếp tuy bé nhỏ và vẫn thường vi vu gió từ các khe hở của mái tôn được dịp sưởi ấm bởi bếp lửa nghi ngút khói. 

Và đứa trẻ con như tôi mãi vẫn chưa từ bỏ được thói quen lẽo đẽo bên gấu quần của mẹ mỗi khi đông về.
Đơn giản chỉ vì vẫn muốn nghe những tiếng nổ lách tách, xem những đốm bọt trắng li ti trào ra từ củi khô, hơ đôi tay tong teo lạnh của mình gần đốm lửa đang cháy sáng, nghe mẹ tỉ tê kể chuyện ngày xửa ngày xưa, ngày xa lắm...
Rồi chốc chốc lại xoa xoa hai bàn tay vào nhau cho cái ấm được lan toả khắp, không quên đệm thêm vài tiếng "phù phù, ấm quá" cho ra dáng người lớn nữa.
Những lúc như thế, hai bên tai, má cũng nóng bừng và đỏ rực lên theo ánh lửa bập bùng
. Dường như, cái lạnh của ngày đông chẳng còn tồn tại trong gian nhà bếp đơn sơ có hình hài giống một manh nón của bà nông dân mỗi sớm ra đồng.
Những buổi ngồi xem mẹ nấu ăn bên bếp lửa hồng cũng cho tôi nhiều ký ức không thể nào quên, để có đôi khi, hình ảnh xưa cũ chợt hiện về, mang theo những nụ cười ngây thơ tưởng như chưa bao giờ diệu vợi theo thời gian.
Tôi còn nhớ một kỉ niệm đã lâu thật lâu rồi mà cho đến hôm nay, sau bao nhiêu năm trưởng thành và khôn lớn, thời gian và dòng chảy của cuộc sống vẫn chẳng thể nào xoá nhoà đi.
Một buổi chiều, mẹ tôi nhóm bếp để nấu nồi cơm cho gia đình. 

Vì bận chút việc khác nên mẹ bảo người anh trai kế tôi trông coi, đợi lúc nào cơm sôi thì gọi mẹ tôi ra.
Chẳng biết anh trai tôi từng nấu cơm củi như thế hay chưa, chẳng biết đã bao giờ thấy cơm sôi là khi những đốm bong bóng trắng chảy tràn ra bên ngoài, nắp xoong bung lên kêu long tong, và cũng chẳng biết mẹ tôi dặn dò anh thế nào lúc nồi cơm chuẩn bị chín tới...
Ấy vậy mà, lúc đang ngồi cạnh xem mẹ xếp áo quần, cả tôi và mẹ đều trố mắt nhìn nhau khi nghe tiếng anh trai tôi hét toáng lên trong bếp:
"Mẹ ơi, mẹ ơi, làm sao đây, cơm... cơm... cơm chảy nước miếng, cơm chảy nước miếng rồi... mẹ ơi". (Huế quê tôi gọi nước dãi là nước miếng).
Mẹ chưa hiểu chuyện gì xảy ra, vội vàng chạy ra xem, thì thấy anh tôi mắt nhắm mắt mở, nghiêng đầu sang một bên chỉ đôi đũa vào nồi cơm.
Thì ra, cơm chuẩn bị chín tới, đang sôi lên ùng ục, nước trong nồi nổi bong bóng trắng xoá trào ra cả bên ngoài... làm mẹ và tôi được một phen vười vỡ bụng vì một kiểu ví von chưa từng nghe bao giờ...
Giờ, khu vườn không còn rộng như ngày xưa, gian bếp cũ đã bị xoá bỏ, cây trái trong vườn cũng "mất" dần, lác đác chỉ còn lại vài nhánh ổi... và những đụn rác bỗng trở nên trơ trọi, thừa thãi nơi góc vườn.
Giờ, người ta thường đun nấu bằng bếp ga, tay mẹ không còn nhọc nhằn với rác, với củi, mắt mẹ không còn cay, mái tóc mẹ thôi nhuộm màu khói, cơm trên nồi cũng không còn cháy khét mỗi khi lửa bị bỏ quên nhưng... miền thương nhớ cũng bị trôi tuột xa tận nơi nảo nơi nào.
Chợt thấy cay cay nơi khoé mi, vì hơi khói từ ấm nước chè đang sôi hay vì hơi khói từ bếp lửa ngày xưa của mẹ.
Thèm quá đỗi một lần được trở lại những tháng ngày thơ bé để tranh giành nhau những củ khoai lang nướng mỗi mùa đông về.
Ôi! Nhớ quá bếp lửa hồng - bếp lửa yêu thương.

Hồ Tịnh Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét