Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Nghe NS Trịnh Nam Sơn



Tháng 4 / 1975, chàng thanh niên Trịnh Nam Sơn theo gia đình người chị gái đi di tản và đã đến ở đảo Guam một thời gian ngắn rồi sau đó đến Hoa Kỳ theo diện tị nạn.
Cũng như bao nhiêu người Việt mới nhập cư lúc đó, với vốn tiếng Anh rất hạn chế, Trịnh Nam Sơn trải qua rất nhiều công việc lao động chân tay để kiếm sống.
 Anh không nề hà việc gì, từ rửa xe hơi, rửa bát đĩa ở nhà hàng hay theo những tàu đánh cá lên tận vùng Alaska băng giá đánh bắt cua biển dài hơn nửa năm trời.
Tới giờ, Trịnh Nam Sơn vẫn nhớ rõ chuyến đi đánh bắt cua biển. Anh kể, khi đó, thấy nhiều người Việt rủ nhau theo tàu cá lên tận Alaska, một nơi nổi tiếng về phong cảnh tuyệt đẹp, anh cũng hồ hởi xin đi.
70% người làm việc tại đó là người Việt, còn lại là người Philippines.
 Trong 6 tháng liền, công việc của anh ở đây chỉ là sơ chế cua, cá từ tàu đánh bắt hải sản ở biển Alaska mang về. Cua ở đó rất to, cỡ chừng 6-7 kg/ con, dài chừng 80cm.
Hầu như ngày nào cũng làm việc 18-20 tiếng, chỉ có 4-6 tiếng để ngủ, mà ngủ luôn trên tàu, không có thời gian để ngắm cảnh.
 Bù lại, lương rất cao, gấp 4 lần bình thường. Trịnh Nam Sơn kể, anh đi vì hiếu kỳ là chính. Tiền nhiều thì cũng thích đấy, mà ở Alaska cũng chả có cơ hội để tiêu.
Nửa năm mới về nhà một lần. Nhưng bạn bè anh đông, khao bạn bè xong cũng vừa hết tiền. Anh cười hiền: “Hồi đó, đi vui là chính, cốt là trải nghiệm”. Anh trải nghiệm hai lần đi Alaska: 6 tháng chế biến cua biển và 6 tháng chế biến cá hồi.
Khoảng cuối năm 1976, Trịnh Nam Sơn qua California và bắt đầu vừa đi làm, vừa theo học đại học cộng đồng. Thời này, anh vừa học, vừa làm, vừa chơi nhạc với mấy nhóm nhạc người Hoa ở vùng Los Angeles.
Lúc đó, anh làm việc cho công ty thiết kế hệ thống nước, máy lạnh, máy sưởi cho các công trình xây dựng lớn như bệnh viện, toà nhà cao tầng, khách sạn...
Còn việc chơi nhạc, thoạt đầu đều là cùng những người bạn học chung trường.
 Sau này, anh nhận thấy vốn liếng âm nhạc của mình quá nghèo nàn nên quyết định bỏ hết mọi việc và đi học nhạc tại trường Dick Grove School of Music.
Tốt nghiệp trường nhạc năm 1986, Trịnh Nam Sơn bắt đầu có một số sáng tác ghi dấu ấn như Dĩ Vãng, Về Đây Em, Quên Đi Tình Yêu Cũ, Con Đường Màu Xanh...
Trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến cuối thập niên 90 là giai đoạn Trịnh Nam Sơn sáng tác và ra album nhiều nhất.
 Anh không ngờ Con đường màu xanh được yêu chuộng nhất tại Việt Nam, trong khi đó ở hải ngoại là Về đây em.
Từng được hỏi nhiều về Con đường màu xanh, nhưng đây là lần đầu tiên Trịnh Nam Sơn hé lộ về quá trình anh viết nhạc phẩm này.
 Anh kể: “Con đường màu xanh được sáng tác năm 1991 và đây cũng là khoảng thời gian tôi vừa trở lại cuộc sống độc thân “hậu hôn nhân”.
Dĩ nhiên không có đổ vỡ nào không đau buồn, nhưng dù sao tôi cũng mong rằng mỗi người hãy hướng đến một con đường màu xanh, màu của lạc quan, hy vọng để đi đến một tương lai tốt đẹp hơn”.

Anh chia sẻ: “Từ một mối tình đơn phương thời trai trẻ rồi đến đổ vỡ trong hôn nhân cho đến chia tay những mối tình không trọn vẹn; tất cả những điều đó tôi không xem là những “trắc trở” mà là những “trải nghiệm”.
Những trải nghiệm ấy đã cho tôi cảm hứng sáng tác nhưng chúng không “tạo hiệu ứng buồn” trong những bài hát của tôi”.
Từng là fan của tác giả Con đường màu xanh, tôi tò mò muốn biết câu chuyện sâu thẳm bên trong, nhưng Trịnh Nam Sơn khéo léo không nhắc đến nhân vật trong Con đường màu xanh.
Anh bảo: “Thường tôi chỉ viết cho “tình yêu” của mình chứ không cho “người yêu” của mình. Tôi viết vì cảm xúc trong lòng mình chứ không vì người khác. Vì vậy cho dù sau này nếu không còn yêu nhau nữa thì những cảm xúc trong bài hát vẫn mãi trọn vẹn”.
Dĩ vãng là tác phẩm đầu tay của Trịnh Nam Sơn. Ban đầu đây là tác phẩm nhạc khí anh viết khi đang theo học về khí nhạc và chỉ huy dàn nhạc tại trường Dick Grove School of Music ở Hollywood.
 Tính đến nay, anh đã viết mấy chục bản khí nhạc và hai bản nhạc phim tài liệu.
Sau này, khi muốn phổ biến Dĩ vãng, Trịnh Nam Sơn đã nhờ mấy người bạn là nhà thơ viết giúp cho phần lời, nhưng họ nói không có thời gian. Anh đành tự viết lời Việt.
 Sau đó, anh nhờ đạo diễn Lưu Huỳnh, lúc đó cũng học cùng trường với Trịnh Nam Sơn, nhưng học về đạo diễn làm giúp một video ca nhạc.
Lúc gửi gắm tác phẩm của mình cho Lưu Huỳnh, anh cũng chưa nghĩ là mình sẽ hát, mà định mời ca sỹ. Khổ nỗi, lúc đó, người ta chưa biết đến Trịnh Nam Sơn là ai, nên anh mời hết người nọ, đến người kia đều bị từ chối. Thế là, anh quyết định tự hát.
Không những thế, anh còn tự đánh ghi ta, đệm đàn piano và thổi kèn saxophone cho bài hát của mình.
 Với sự nhiệt tình giúp đỡ của Lưu Huỳnh, album đã được quay khá công phu. Dĩ vãng được thu vào băng nhựa VHS là công nghệ mới nhất thời đó.
Khi quay xong, Trịnh Nam Sơn cũng chưa nghĩ đến chuyện lỗ lãi. Chỉ đơn giản nghĩ rằng, làm thế nào để giới thiệu album này tới nhiều người. Hồi đó, chưa có nhiều phương tiện quảng bá như bây giờ.
Trịnh Nam Sơn đã đi gõ cửa hết trung tâm sản xuất băng đĩa này, đến trung tâm sản xuất băng đĩa kia của cộng đồng người Việt tại Hải ngoại, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Không nản chí, anh quyết định tự đi phát hành. Anh thiết kế poster đĩa nhạc của mình rồi đi dán khắp nơi.
Rồi Dĩ vãng cũng được ra mắt, tại một quán café. Đến giờ, Trịnh Nam Sơn vẫn còn nhớ mãi ngày đó.
 Anh thuê một quán café nhỏ, thuê dàn âm thanh xịn và đến đó trình diễn. Anh kể, khán giả có mặt ở đây rất ấn tượng, nhưng rồi, cái tên Trịnh Nam Sơn và Dĩ vãng vẫn nhạt nhòa với số đông.
Thời đó, quảng cáo hữu hiệu nhất là tới tiệm bán máy video, cho họ mượn băng để thử máy. Những người đi mua đầu video thấy lạ với một clip ca nhạc có hình ảnh chất lượng cao hơn rất nhiều so với băng video thông thường.
Và mọi người bắt đầu để ý tới nhạc của Trịnh Nam Sơn.
 Cuối cùng, trời không phụ lòng người, hãng thu thanh Khánh Hà đã mua bản quyền và sản xuất đĩa nhạc, nhờ đó mà Dĩ vãng được đưa đến công chúng.
Sau này, Trịnh Nam Sơn và Khánh Hà thường xuyên hợp tác với nhau. Khánh Hà cũng thường xuyên hát bài của Trịnh Nam Sơn trong nhiều năm ở hải ngoại.
 Năm 91, Trịnh Nam Sơn tiếp tục ra đĩa nhạc Về đây em rất được yêu chuộng tại hải ngoại và tới cuối năm 91 là Con đường màu xanh.
Khoảng 94, khi nhạc Việt Nam bắt đầu bị cạnh tranh bởi nhạc Hoa lời Việt, nhạc Âu Mỹ lời dịch, Trịnh Nam Sơn chuyển sang làm tư vấn bất động sản và chỉ còn “dạo chơi trong vườn hoa âm nhạc”. 

                        St                                            theo TGAN 


Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Tự Tình Cùng Đất Nước

Những tháng ngày tôi còn nhỏ xíu
Ôm tập vở nhàu theo bạn bè đến lớp
Nước mắt chảy quanh sợ sệt đủ điều
Đất nước quanh tôi là cô giáo nhỏ
Dạy tôi i tờ và đọc ca dao

Buổi sáng có loài chim nào hót quá hay
Chim chìa vôi hay chim chào mào
Rót vào lòng tôi nỗi nhớ
Rót vào lòng tôi niềm thương yêu
Và niềm dịu ngọt

Tôi đi dạo ven vùng quê thơ ấu
Tuổi thơ như cánh diều no gió
Ngất ngưỡng trong một trời chiêm bao
Những tên gọi như Gò Chùa, Gò Ông Đốc
Những dòng suối mát lạnh trưa hè

Suối Sầu Đế, suối Đập Lạnh
Ngọt ngào trong trái tim tôi.
Ơi vùng quê thơ ấu của tôi
Một dãy trời xanh ngắt

Có loài bướm nhỡn nhơ
trong khu vườn trí tưởng
Có loài chim hút mật
Cất tiếng kêu yêu thương
Rũ tôi về vùng trời hồng

Đó là đất nước, phải không?
Những tháng ngày tôi lớn lên

Đọc được dăm câu truyện Kiều
Tôi mê Nguyễn Du quá đổi
Và thương Thúy Vân
Và yêu Thúy Kiều


 Sao cuộc đời Kiều mưa gió quá!
Tôi yêu thích Chinh Phụ Ngâm
Người vợ chờ chồng đi chiến đấu
Với một lòng thủy chung
như bài hát
“Chinh chiến miền xa, con ơi
Cha con chinh chiến miền xa”
Tôi nghe mà rưng rưng nước mắt

Tôi yêu cô Loan trong Đoạn Tuyệt
Tôi yêu cô Mai trong Nửa Chừng Xuân
Tôi yêu cô Nhung trong Lạnh Lùng
Những nhân vật của những nhà văn

Nhóm Tự Lực Văn Đoàn bất tử
Một Nhất Linh trong tâm tưởng tôi nở rộ
Những đoá hoa hồng thắm

Tôi lớn lên với tình yêu của Mẹ
Tình yêu của Em
Những ngày đầu tiên rộn rã
Đâu đâu cũng nghe tiếng chim ca
Đâu đâu cũng là mật ngọt
(những mật đắng sau này

Em làm sao thấu được)
Tình em đã cho tôi
Là trái tim vội vã
Là nỗi nhớ thương một tà áo lụa

Một mái tóc dài đen mượt
Nhánh mũi dọc dừa của em
Làm tôi chết đi nửa đời nửa đoạn
Tôi hạnh phúc để mà yêu em

Dù em hành hạ tôi tận lực
Dù em đốt cháy tôi thành tro than
Tôi vẫn một mực yêu em
Vì tôi kiếm tìm em suốt thời thơ ấu
Vì Em cùng nghĩa với Mẹ

 Cùng nghĩa với Quê Hương, Đất Nước
Có phải thế không?

Hởi em yêu thương một đời
Rồi những cánh chim cũng sẽ dừng bay

Sẽ đậu trên bến bờ thương nhớ
Tôi nghe dưới mạch đất ngầm cũng cựa quậy
Những làn sóng tin yêu

Đàn chim đậu trên tầng cao của mây trời
Cũng vọng về đất nước
Sẽ hát bài ca về cổ tích

Có Mẹ Âu Cơ
Có Mẹ Châu Long

Ngàn đời dang tay vẫy gọi
Hãy về cùng non nước

Phải về chứ
Về để được đi trên cầu Long Biên
Được đi trên cầu Trường Tiền
Được vào lăng tẩm

Ta sẽ vịn vào văn bia tiến sĩ
Thấm mồ hôi tài hoa của tiền nhân
Sẽ vịn vào từng nấm mộ của bạn bè

Và ngợi ca tiếc thương
Những anh hùng vô danh đã chết

Phải về chứ
Phải không em
Vì đó là Đất Nước

Đất của ta
Và Nước của ta
Không bao giờ mất được.

TRẦN YÊN HÒA



Điều giản dị mang tên 'tình bạn'


Khi tôi bị lạc trong một đường hầm tăm tối, tôi muốn có một người nào đó yêu quý tôi đủ nhiều để có thể ngồi cạnh tôi trong bóng đêm mà chia sẻ chứ không phải một ai đó đứng ngoài cuộc và bảo tôi phải làm gì. 
Mỗi khi bị tổn thương, tôi muốn gần gũi với những người bạn thật sự yêu thương mình và có thể cùng san sẻ. Có thể họ không có khả năng đưa ra bất kỳ lời khuyên nào, nhưng họ có thứ tình cảm vô cùng quý giá ấy.
 Trên thế gian nếu như có người bạn biết chia sẻ với người khác, thì đó chính là người bạn luôn quan tâm chăm sóc như bạn đối với tôi vậy.
 Đó là tình bạn bè sâu đậm theo năm tháng cùng học chung một lớp và trong trái tim của chúng ta vẫn lưu lại tình cảm ấm áp ấy. 
Nhân gian làm sao có thể không có bạn! Không có bạn thì dù đứng dưới ánh mặt trời cũng cảm thấy giá lạnh, dù sống trong dòng người đông đúc cũng cảm thấy cô độc và tĩnh mịch. Bạn đã tiếp cho tôi thêm sức sống khi tôi thất vọng.
 Bạn đã cho tôi niềm tin khi tôi bị hiểu lầm, bạn đã cho tôi niềm an ủi khi tôi buồn đau. Tôi biết bạn sẽ luôn động viên tôi bằng giọng nói dịu dàng và những nhận xét đầy khích lệ. Chính bạn đã giúp tôi tin tưởng vào giá trị của bản thân, đồng thời luôn biết cách cổ vũ để tôi không ngừng nỗ lực cho niềm đam mê của mình.
Cây tùng, cây bách chỉ sống lâu khi nó trên núi cao, hoa mai chỉ nở khi tuyết bay. Vàng thực được tôi luyện trong lửa, tình bạn được đúc kết trong cuộc sống hàng ngày. Và tôi biết bạn là người sẽ không khi nào quên chúc mừng sinh nhật tôi hay bất kỳ ngày lễ nào trong năm. Tình bạn ấy làm cho ngày tháng của tôi thêm tươi đẹp, khiến thế gian tràn ngập tiếng cười...
Bạn như đóa hoa Uất Kim Hương -Tulip mộc mạc nở trong thung lũng, tự khô héo nhưng không bao giờ nuối tiếc, lúc hoa thắm sắc không kiêu ngạo, lúc hoa tàn cũng chẳng oán than, thanh nhã tỏa hương thơm tinh khiết, như một mùa xuân vĩnh viễn.
 Nét duyên dáng và dịu dàng của bạn đã hiện lên vẻ đẹp của tuổi trẻ, luôn nhiệt tình thân thiện và đặc biệt nồng hậu...
 Bạn có những phẩm chất tốt đẹp đó, thật khiến cho người ta phải yêu mến!
Tình bạn của chúng ta có lúc vui có lúc buồn, có lúc lo lắng có lúc hân hoan, cũng giống như thưởng thức trà hoa nhài, có các vị đắng chát và mùi hương dịu nhẹ, trong tim chúng ta vẫn còn lưu lại mãi hương vị khó quên đó. Bạn như một chiếc dù, có lúc để tôi che nắng, có lúc để tôi che mưa, luôn có mặt mỗi khi tôi cần, là cầu bắc giữa lòng và lòng, chở càng nặng càng thêm vững chắc.
Không có những tháng ngày sóng gió thì đó là những ngày bình thường, không có những ngày tháng chờ mong thì đó là những ngày trầm tĩnh, không có bạn ở bên thì cuộc sống nhạt nhẽo vô cùng...
Từ trong tấm lòng chân thật tôi xin cầu nguyện cho bạn có được cuộc sống an lành, có một nguồn vui hạnh phúc và luôn đạt được mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống...
 Cảm ơn bạn, tôi cảm ơn sự trân trọng, nụ cười, niềm tin, tín nhiệm mà bạn dành cho tôi. Nhưng điều quan trọng hơn hết, tôi cảm ơn vì bạn là người bạn hiền từ và tuyệt vời như thế!
Nếu trong rừng có hai con đường mòn:
 Một con đường đầy hoa cỏ thơm ngát, chưa dấu chân người; một con đường dày đặc dấu chân, đã có nhiều người đi qua. Bạn sẽ chọn con đường nào?
 Tôi tin rằng bạn sẽ đi theo con đường mới..
. Có nhiều vấn đề chúng ta phải tìm cách sống chung với nó. 
 Khi chúng ta bước ra ngoài phạm vi đáy giếng bé nhỏ của cuộc sống mình để bước vào một thế giới khác, bước vào cuộc sống của mọi người xung quanh, chúng ta sẽ bước ra khỏi những vấn đề của mình một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
 Nếu biết bước ra, hoà mình vào thế giới, chúng ta sẽ thấy rằng thế giới này thật to lớn, luôn đủ sức để hoá giải và làm tan biến những bất ổn của mình. 
Hãy tin tưởng rằng: Khi bạn đi vào nhà ga của sự đau khổ, tôi sẽ dùng tình bạn chân thành để mua cho bạn một chiếc thẻ thông hành đi đến "ngày mai"...
Chẳng có khóa học nào dạy chúng ta cách trở thành một người bạn thân, hay tìm một người bạn thân như thế nào?
 Tôi thật may mắn vì đã tìm được một người bạn thân đúng nghĩa để gắn bó lâu dài.
 Màu xanh là màu sắc của sinh mệnh và sự lãng mạn, là màu của lá.
 Từ đáy lòng mình tôi rất muốn tặng bạn một chiếc lá màu xanh, để hoà tan tình bạn của tôi trong màu lá xanh tươi đó... 

                                                                              Thái Hà

Câu chuyện của hai vĩ nhân

Một câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1892 tại Đại học Stanford. 
Có một cậu sinh viên 18 tuổi đang gặp khó khăn trong việc trả tiền học.
 Cậu  là một đứa trẻ mồ côi và không biết đi  đâu để kiếm ra tiền.
 Thế là cậu bèn nảy ra một sáng kiến. Cậu  cùng một người bạn khác quyết định tổ chức một buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ cho việc học.
Họ tìm đến người nghệ sĩ dương cầm đại tài Ignacy J.Paderewski.
 Người quản lý của Paderewski yêu cầu một khoản chi  phí bảo đảm  $ 2.000 dollar   Mỹ để cho ông ấy được biểu diễn.
 Sau khi họ thỏa thuận xong, hai người sinh viên ấy bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị để cho buổi trình diễn được thành công.
Ngày trọng đại ấy cuối cùng đã đến.
 Paderewski cuối cùng cũng đã biểu diễn tại Stanford. Thế nhưng không may là vé vẫn chưa được bán hết. 
 Sau khi tổng kết số tiền bán vé lại, họ chỉ có được $  1.600 đôla Mỹ.
 Quá thất vọng, họ đến chỗ của của Paderewski để trình bày hoàn cảnh của mình. 
Hai người sinh viên ấy đưa Paderewski toàn bộ số tiền bán vé, cùng với một tờ giấy ghi nợ 400 đôla Mỹ, và hứa rằng họ sẽ trả số nợ ấy sớm nhất có thể.
"Không", Paderewski nói 
- "Cái này không thể nào chấp nhận được".
 Ông xé tờ giấy ghi nợ và  trả lại $ 1.600 đôla Mỹ cho hai chàng thanh niên và nói: "Đây là 1.600 đôla Mỹ, sau khi trừ hết tất cả các chi phí cho buổi biểu diễn thì còn bao nhiêu các cậu cứ giữ lấy cho việc học. Còn dư bao nhiêu thì hãy đưa cho tôi".
 Hai cậu sinh viên ấy vô cùng bất ngờ, xúc động cảm ơn Paderewski..
Đây chỉ là một việc làm nhỏ, nhưng đã chứng minh được nhân cách tuyệt vời của Paderewski.
Tại sao ông ấy có thể giúp hai người mà ông ấy thậm chí không hề quen biết.
 Chúng ta tất cả đều đã bắt gặp những tình huống như vậy trong cuộc sống của mình. Và hầu hết chúng ta đều nghĩ: "Nếu chúng ta giúp họ, chúng ta sẽ được gì?"
. Thế nhưng, những người vĩ đại họ lại nghĩ khác: "Giả sử chúng ta không giúp họ, điều gì sẽ xảy ra với những con người đang gặp khó khăn ấy?".
 Họ không mong đợi sự đền đáp. Họ làm chỉ vì họ nghĩ đó là việc nên làm, vậy thôi.
Người nghệ sĩ dương cầm tốt bụng Paderewski hôm nào, sau này trở thành thủ tướng của Ba Lan. Ông ấy là một vị lãnh đạo tài năng.
 Thế nhưng không may chiến tranh thế giới nổ ra, và đất nước của ông bị tàn phá nặng nề.
 Có hơn một triệu rưỡi người Ba Lan đang bị chết đói, và bây giờ chính phủ của ông không còn tiền để có thể nuôi sống họ được nữa. Paderewski không biết đi đâu để tìm sự giúp đỡ. Ông bèn đến cơ quan cứu trợ lương thực Mỹ để nhờ.
Người đứng đầu cơ quan đó chính là Herbert Hoover, người sau này trở thành tổng thống Mỹ. Ông Hoover đồng ý giúp đỡ và nhanh chóng gửi hàng tấn lương thực để cứu giúp những người Ba Lan đang bị đói khát ấy.
Thảm họa cuối cùng cũng đã được ngăn chặn. Thủ tướng Paderewski lúc bấy giờ mới cảm thấy nhẹ nhõm.
 Ông bèn quyết định đi sang Mỹ để tự mình cảm ơn ông Hoover vì cử chí cao quý của ông ấy đã giúp đỡ người dân Ba Lan trong những lúc khó khăn.
 Thế nhưng khi Paderewski chuẩn bị nói câu cảm ơn thì ông Hoover vội cắt ngang và nói: "Ngài không cần phải cảm ơn tôi đâu, thưa ngài thủ tướng.
 Có lẽ ngài không còn nhớ, nhưng những năm trước, ngài có giúp đỡ hai cậu sinh viên trẻ tuổi ở bên Mỹ được tiếp tục đi học, và tôi là một trong hai chàng sinh viên đó đấy". 
   Thế giới này thật tuyệt vời, khi bạn cho đi thứ gì, bạn sẽ nhận lại được những điều tương tự.
                                               Haley
                                          (dịch từ Academictips )

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

20 chiêu giúp cuộc sống tươi mới hơn


20 tuyệt chiêu giúp cuộc sống của bạn dễ dàng và vui vẻ, tươi đẹp trở lại: 
1. Nói chuyện cởi mở. Đừng hy vọng rằng bạn sẽ được mọi người thấu hiểu khi không nói một lời nào.
2. Hãy lịch sự và chu đáo đối với người khác. Bạn không phải cố gắng đối xử tốt và làm hài lòng với tất cả mọi người.
 Hãy chú ý đến với những mối quan hệ thực sự quan trọng với bạn.
3. Không làm việc quá sức: cố gắng ngủ từ 6 đến 8 tiếng, ăn uống đều đặn và chăm chỉ tập thể dục. Đừng cố gắng làm tất cả mọi thứ trong một ngày.
4. Hạn chế mua những thứ không cần thiết. Nó sẽ tiết kiệm tiền bạc và giúp ngôi nhà của bạn không bừa bộn bởi những thứ thừa thãi. Hãy chi tiêu trong khả năng của bạn.
5. Không nên so sánh mình với người khác. Tính ghen tị có thể dần dần "tiêu diệt" bạn.
6. Duy trì mối quan hệ với những người gần gũi cùng bạn trong tinh thần và cuộc sống, để bạn có thể học được điều gì mới và hữu ích từ họ.
7. Không uống rượu. Nó phá hủy thể chất và tinh thần.
 Trên thực tế, rượu không làm giảm căng thẳng, buồn bã và tất nhiên nó sẽ không giải quyết được những vướng mắc của bạn trong cuộc sống.
8. Sử dụng thời gian một cách khôn ngoan. Không lãng phí thời gian xem tivi, chơi game hoặc sử dụng mạng xã hội. Công nghệ hiện đại được thiết kế chỉ để giúp cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn, chính vì vậy hãy dành thời gian để khám phá ra cách quản lý thời gian hiệu quả nhất.
9. Từ bỏ thói quen nói dối. Trung thực trong các mối quan hệ và giao tiếp là điều trên hết. Việc này sẽ luôn được mọi người đánh giá cao.
10. Cố gắng vệ sinh thân thể mỗi ngày, thói quen này giúp cơ thể cũng như tinh thần của bạn luôn sảng khoái. 
 11. Cười nhiều hơn. Nụ cười giúp bạn giảm strees rất hiệu quả và cũng giúp bạn trẻ hơn. Nụ cười là điều rất quan trọng.
12. Ăn khi bạn thực sự đói. Uống nhiều nước trong suốt cả ngày.
 Thường thì chúng ta nhầm lẫn giữa đói với khát. Nếu bạn đang khát nên uống nước thay vì trà hay cà phê, hoặc nước ngọt...
13. Dành nửa giờ một ngày tập thể dục. Đi bộ vào buổi sáng hoặc buổi tối.
14. Tìm hiểu và khám phá một điều mới và tự làm cho bản thân mình tốt hơn hàng ngày.
15. Làm cho những ước mơ và điều ngông cuồng nhất mà bạn mong muốn thành sự thật. Đừng sợ những gì người khác sẽ nói, hãy đặt ra mục tiêu và làm việc theo cách của bạn với nó. Đừng cố gắng để đạt được mong muốn và ước mơ của người khác áp đặt cho bạn và không chỉ nói "Tôi có một ước mơ" mà hãy biến nó thành sự thật bằng hành động.
16. Hãy nhớ rằng tất cả mọi thứ trong cuộc sống sẽ thay đổi và đi qua.
 Bởi không có gì là kéo dài mãi mãi, học cách chập nhận thực tế này, bạn sẽ thấy đầu óc nhẹ nhõm hơn.
17. Tất cả mọi người có thể phạm sai lầm kể cả bạn. Đừng đổ lỗi cho chính mình về những lỗi lầm. Hãy coi chúng như một bài học và kinh nghiệm có thể giúp bạn trong tương lai không xa.
18. Luôn có một quan điểm linh hoạt. Đừng bắt người khác chấp nhận suy nghĩ của bạn, ngay cả khi bạn đúng, hãy để mọi người có ý kiến riêng của họ.
 Dù sai hay không thì điều này cũng giúp bạn duy trì mối quan hệ và làm hài lòng mọi người.
19. Đừng ngại thể hiện lòng biết ơn và ngưỡng mộ đối với những người đã giúp đỡ bạn.
20. Cải thiện và phát triển bản thân. Nhưng đừng quên bản chất thật sự: "Ước mơ và mục tiêu không phải là những người bạn có nghĩa vụ phải theo đuổi bạn".
                                                                 Mint ,dich

Bài học vô giá từ chim ó, dơi và ong

 
Câu chuyện về loài chim ó
Nếu bạn đặt một con chim ó vào một chiếc lồng, với kích thước khoảng 2m x 2,5m, và hoàn toàn không có nóc, tức là phần trên được mở toang; thì cho dù vẫn có khả năng bay lên, con chim này sẽ hoàn toàn trở thành một... tù nhân.
Lý do là một con chim ó luôn bắt đầu bay từ mặt đất lên, với đoạn "chạy đà" khoảng 3 - 4m. Không có quãng đường để chạy, theo thói quen, chú chim thậm chí chẳng buồn cố gắng thử bay lên, mà sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời, trong một "nhà giam" nhỏ chẳng hề có mái!
Câu chuyện về con dơi
Một con dơi bình thường luôn bay ra ngoài vào buổi tối. Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, lanh lợi đến mức ấn tượng.
 Tuy nhiên, nó không thể cất cánh từ một địa điểm bằng phẳng. Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng, thì tất cả những gì nó có thể làm là lê bước loanh quanh một cách vô vọng và đau khổ.
Cho đến khi nó tìm được một độ cao nào đó, chỉ cần là một góc nâng nhỏ thôi, để từ đó, nó có thể tung mình vào không trung. Và, ngay lập tức, nó bay lên như một tia chớp.
Câu chuyện về loài ong
Một con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái cốc lớn không có nắp, cũng sẽ ở đó cho đến khi chết, trừ phi chúng ta lôi nó ra.
 Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà cứ khăng khăng cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt bên, hoặc qua... đáy cốc. Nó sẽ tìm một con đường ở nơi mà không có con đường nào tồn tại, cho đến khi nó hoàn toàn tự hủy hoại mình.
Và câu chuyện về con người 
Theo rất nhiều cách, chúng ta cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ. Chúng ta vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối và tuyệt vọng của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể một giải pháp ở rất gần, chỉ cần chúng ta nhìn lên cao hơn - hay nhìn hướng tới phía trước.
Nhìn ngược lại có thể khiến bạn buồn bã. Nhìn quanh có thể khiến bạn lo lắng. Hãy nhìn lên cao, và nhìn tới phía trước, đó là cách sống lạc quan. Và tinh thần tích cực, nhiều hy vọng chính sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp trong hầu hết các trường hợp.
Có một tác giả đã viết: "Khi không có giải pháp nào xuất hiện ngay trước mắt, thì con người rất dễ kết luận rằng không có một giải pháp nào cả.
 Nhưng thực tế đã chứng minh, từ lần này sang lần khác, rằng giả thuyết đó là sai lầm".
Chỉ cần bạn nhìn lên cao hơn, rộng hơn tình huống hiện tại, rất có thể bạn sẽ thấy một lối đi ngay trước mắt mình.
 Sống đơn giản, yêu thật lòng, quan tâm sâu sắc, nói lời yêu thương. Đó là câu trả lời cho mọi vấn đề.

                                                                   Haley 
                                                                   St 

Nhớ lại đừng quên


Bỗng nhớ lại con đường ta đã dạo
Cây co ro treo lá rét mùa đông
Tay em ấm cớ chi tôi dại dột
Lỡ buông ra sơ ý , lá rơi thầm

Bỗng nhớ lại những ngày xuân em ốm
Mới quen nhau tôi chẳng dám thăm nhà
Cứ quanh quẩn bên đường như mất trộm
Trái tim mình , ai lấy kiếm chưa ra

Bỗng nhớ lại cơn mưa chiều thoáng bay
Ta chia tay không rõ lí do gì
Chưa thấm thía những dòng mưa khi ấy
Là những dòng mùa hạ sắp chia li

Bỗng nhớ lại , nói điều sao giản dị
Tôi như em ngây dại đến vô cùng
Chỉ cần một trong hai người biết nghĩ
Lúc bấy giờ ta dễ mất nhau không?

             Đoàn Vị Thượng

Theo Áng Mây Bay


Tháng năm dòng nước trôi xa
Người qua, người sẽ đi qua những người
Tôi qua ... không một hẹn lời
Hẹn hò chi bấy, bước dời về đâu ?
Tặng đời đóa đóa hoa sầu
Nhớ nhau từ đóa mộng đầu rã đôi
Giọt nước như giọt mưa rơi
Mỗi mùa mưa đến tôi ngồi chắp tay

Mưa về đọng ở hàng mi
Mắt tôi hồng lệ dựng xây hồng vàng
Đèo bồng đeo đuổi đa mang
Đẩy xua u oán, đá vàng hiểu cho

Đi đi lỡ bước sang đò
Cuồng ca tuý vũ không dò lênh đênh
Đi đi suốt kiếp mỏi mềm
Nhọc nhằn đã lắm còn lênh đênh hoài

Gịot mưa gõ nhịp dẻo dai
Hoàng hôn gõ nhánh cửa cài kín bưng
Đi đi tình mộng vô chừng
Đăm chiêu vô tận ngại ngùng vỡ toang

Như tia nắng biếc chiều tàn
Lửa đời thoi thóp khôn hàn trái tim
Niềm vui níu nhánh mộng chìm
Tâm hồn cô độc tâm tình tìm nhau

Gom từng cơn nắng nhỏ chơi
Nụ cười hiu hắt phanh phơi nổi đời
Nhánh đời gió lộng trùng khơi
Nhặt lên thả xuống chiều vời vợi bay

                 Bùi Giáng


Võ Hồng và những dòng chữ kỷ niệm Tuy Hòa


Đất Tuy Hòa Phú Yên vẫn được coi là cằn cỗi về văn học so với các tỉnh miền Trung lân cận. Đây là một nhận xét dựa vào mấy chục năm trước, còn tương lai sau này thì chưa thể kết luận được.
 Và trên mảnh đất cằn cỗi văn học đó đã nảy lên một đóa hoa đẹp mang tên Võ Hồng.
 Ông sinh năm 1921 - lứa tuổi ba má tôi - tại làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách Tuy Hòa ba chục cây số về hướng bắc.
  Trong giờ Việt Văn thời trung học, tôi được dạy về những bài mẫu trích từ tác phẩm của nhiều nhà văn miền Bắc, miền Trung và miền Nam, cũng may trong số đó có tên Võ Hồng, cho nên mình cũng có thể ngẩng mặt mà trao đổi chuyện văn nghệ với bạn bè các tỉnh khác.
  Tôi vẫn nhớ những đoạn văn tả cảnh miền quê ở tỉnh Phú Yên, đặc biệt là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn, thấy nó gần gũi và thơ mộng. Trời trưa hè Tuy Hòa dễ làm buồn ngủ; thời niên thiếu, trước khi ngủ trưa, tôi hay cầm cuốn truyện dài Hoa Bươm Bướm của Võ Hồng, đọc vài trang cho cảm giác nhẹ nhàng lây lan từ văn phong của ông và mơ màng. Đó là kỷ niệm đặc biệt mỗi khi nhắc tới ông.
  Từ sau năm 1975, nhà văn Võ Hồng vẫn viết đều. Mặc dù sống trong hoàn cảnh chính trị tế nhị của đất nước thời chiến tranh cũng như hòa bình, ông vẫn đóng vai một nhà văn sống với chữ nghĩa văn chương.
  Mười mấy năm trước có dịp về Tuy Hòa, tôi được một ông chú họ bảo nên ghé Nha Trang thăm nhà văn Võ Hồng, nhưng không hiểu sao tôi lại quên mang theo địa chỉ.

 Ở San Jose cũng có một cô bạn ái mộ ông, bảo là thỉnh thoảng nói chuyện qua điện thoại với ông. Và tới khi nghe tin ông mất vào tuần trước thì tôi đã không còn cơ hội để diện kiến một nhà văn gốc Phú Yên tài hoa.
Thời gian theo năm tháng đổi thay, dân số Việt Nam tăng lên gấp đôi gần trăm triệu người, các thị xã lớn lên thành thành phố, Tuy Hòa cũng có bộ mặt khác.
  Xin trích một đoạn văn trong cuốn Trầm Mặc Cây Rừng - Chuyến Về Tuy Hòa của ông tả về phố cũ mấy chục năm trước để nhớ và tặng cho những đồng hương của miền đất Núi Nhạn Sông Đà Rằng:
  “Chúng tôi cùng tới ‘Cafe Thảo’. Nghe nói khung cảnh nơi đây mộc mạc đơn sơ và những người trầm lặng suy tư hay tìm tới đây.

 Chúng tôi không hẳn là những người có đặc điểm quí báu đó, riêng tôi thì chỉ vì tò mò mà thôi.
 Đến thành phố nào, những người ít tiền cũng hay tìm một chỗ ngồi nơi một quán cafe. Ít tốn kém. Một lối trang sức tinh thần.
 Ở đây có cà phê Mây Hồng, cà phê Tùng, cà phê Hoài Bắc, cà phê ‘Chỗ chúng ta’. Một cô thâu ngân có khuôn mặt học trò hay có mái tóc Liêu trai thường thay thế cho hương vị của cà phê bởi rất nhiều khi người ta tới để ‘nhìn’ hơn là để ‘uống’. 
Đến một thành phố, người ta cũng hay tìm để bước vào những hiệu sách. Có cái gì thân mật nơi đó, người ta bắt gặp những khuôn mặt quen của tờ nhật báo quen đọc, những tập nguyệt san, tuần san quen được lật trên tay. Nhạn Đà, Vạn Kim, Đà Giang, Hùng Cường. Sinh hoạt tinh thần được chuyển về trọn vẹn từ thủ đô, được bày trên các ngăn tủ, được kẹp trên các sợi dây thép chăng ngang dọc.
  “Mười giờ hơn khi chúng tôi về nhà. Lúc nãy đi ngang cô nhi viện Mằng Lăng tôi cảm thấy bùi ngùi.

 Mằng Lăng là một địa điểm của xã hội, nổi danh vì ngôi nhà lớn, họ đạo đông và giàu. Họ đạo di cư vào Tuy Hòa, nhà mồ côi di chuyển theo, được xây cất cao rộng kiên cố và mang tên cũ. 
 Như là một hoài niệm không nguôi, như tấm lòng người Do Thái lang thang lúc nào cũng nghĩ về Đất Thánh của mình. 
Ngót một nửa số ruộng phì nhiêu của cánh đồng quận Tuy An thuộc quyền sở hữu của nhà thờ Mằng Lăng.
 Ngày Chúa nhật các họ đạo ở Gò Chung, ở Đồng Đất, ở Lò Giấy, ở Long Hòa, ở Diêm Điền… đều tụ hội về nhà thờ lớn Mằng Lăng xem lễ. Người ta đi thành từng đoàn dài trên những con đường nhỏ quanh co
  Những đoàn người mặc áo dài đen nghiêm chỉnh đi thành hàng một hướng về ngôi nhà thờ lớn như những chân dài ngoẵng của một loài nhện khổng lồ.
  “Khi nghe tôi về Tuy Hòa, một người bạn dặn: - Đi Tuy Hòa thì đừng quên con đường xuống Tòa Hành chánh, một con đường đẹp lý tưởng. Đường rộng trồng toàn cây dương mát.

 Hai bên đường có một đoạn có ruộng lúa. Lâu ngày sống xa ruộng lúa nay được ngửi mùi bùn, mùi nước, mùi lá lúa thật không gì êm mát bằng.
  “Khi tôi chợt nhớ đến lời người bạn thì đã trễ. Buổi tối đoạn đường đó cấm đi lại.
  “Ngày mai tôi sẽ trở lại Nha Trang bằng chuyến xe sớm. Cầu mong cho đêm nay yên tĩnh đừng có những cuộc pháo kích, những trận tấn công.

 Tôi muốn ở lại dài ngày giờ hơn để đi thăm những bạn quen, những người mà tôi xa cách đã mười lăm năm nay.
 Mười lăm năm, đó không phải là một thời gian ngắn.
 Cứ chồng nó lên ba lần là đủ để thành một đời người. Tôi cũng muốn đi thăm lại những cơ sở quen thuộc: trường Trung học Nguyễn Huệ, chùa Bảo Tịnh, nhà thờ Thiên Chúa giáo, trường Nữ Tiểu học, nhà thờ Tin Lành, cô nhi viện Phật giáo…”
  Xin phép nhà văn Võ Hồng cho tôi nhắc tên quán cà phê Nhớ gần trường Đặng Đức Tuấn và nhà ga Tuy Hòa, có cô chủ quán mái tóc dài giống Juliette trong phim Romeo & Juliette thập niên 70.

                                                                                               Trần Củng Sơn

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Nghe Tô Chấn Phong - Anh Tú - Khánh Hà


                                         

Nếu như ngày mai chẳng bao giờ đến.

Chẳng ai trong chúng ta biết trước được ngày mai.Ngày mai mọi chuyện có thể hoàn toàn khác những gì ngày hôm nay người ta nghĩ.
 Hãy nắm lấy từng giây phút, khoảnh khắc đối với những người ta yêu thương.

Thi thoảng vào giữa đêm
Tôi thức dậy và ngắm em ngủ
Em đang chìm vào giấc mộng bình yên
Nên tôi tắt đèn và nằm đó trong bóng tối
Rồi một ý nghĩ thoảng trong đầu
Nếu như chẳng bao giờ tôi còn thức dậy vào buổi sáng
Liệu em có nghi ngờ cảm giác của tôi về em trong trái tim.

Nếu ngày mai chẳng bao giờ đến
Liệu em có biết tôi yêu em đến nhường nào
Liệu hằng ngày tôi đã cố gắng mọi cách để thể hiện rằng em là người duy nhất của tôi
Nếu như thời gian tồn tại của tôi trên trái đất này kết thúc
Em sẽ phải đối mặt với thế giới này mà không có tôi
Tình yêu tôi đã trao em trong quá khứ
Có đủ để tồn tại mãi mãi
Nếu như ngày mai chẳng bao giờ đến.

Tôi đã từng mất những người thương yêu trong đời mình,
Những người chẳng khi nào biết được tôi yêu họ biết bao
Giờ đây tôi sống trong niềm hối tiếc
Rằng những cảm xúc thật của mình sẽ chẳng còn dịp để bộc lộ,
Vì thế tôi tự hứa với mình
Rằng mỗi ngày sẽ nói với em, em có nghĩa với tôi biết bao
Để tránh đi tình cảnh
Chẳng có cơ hội thứ hai để bộc lộ.

Nếu ngày mai chẳng bao giờ đến
Liệu em có biết tôi yêu em đến nhường nào.
Liệu hằng ngày tôi đã cố gắng mọi cách để thể hiện rằng em là người duy nhất của tôi
Nếu như thời gian tồn tại của tôi trên trái đất này kết thúc
Em sẽ phải đối mặt với thế giới này mà không có tôi.
Tình yêu tôi đã trao em trong quá khứ
Có đủ để tồn tại mãi mãi
Nếu như ngày mai chẳng bao giờ đến.

Vì thế hãy nói với người bạn yêu
Những gì bạn thật sự nghĩ
Nếu như ngày mai chẳng bao giờ đến...
Trên đây là lời dịch bài hát rất tuyệt vời này. Khi nghe xong bài hát bạn hãy gửi bài hát này đến những người mà mình yêu quý...Để họ biết bạn quý yêu quý họ đến chừng nào, và cùng để họ cảm nhận, trân trọng sự quý giá của mỗi khoảnh khắc bên nhau.


Bài hát: If Tomorrow Never Comes
Sáng tác: Ronan Keating


Sometimes late at night
I lie awake and watch her sleeping
Shes lost in peaceful dreams
So I turn out the lights and lay there in the dark
And the thought crosses my mind
If I never wake up in the morning
Would she ever doubt the way I feel
About her in my heart

(chorus)

If tomorrow never comes
Will she know how much I loved her
Did I try in every way to show her every day
That shes my only one
And if my time on earth were through
And she must face the world without me
Is the love I gave her in the past
Gonna be enough to last
If tomorrow never comes
cause Ive lost loved ones in my life
Who never knew how much I loved them
Now I live with the regret
That my true feelings for them never were revealed
So I made a promise to myself
To say each day how much she means to me
And avoid that circumstance
Where theres no second chance to tell her how I feel

Chorus

So tell that someone that you love
Just what youre thinking of
If tomorrow never comes 



Hoàng Ngọc Tuấn 'Tôi không phải là tác giả viết về tuổi thơ'


Ai mà chẳng có trong đời một mối tình. Dù lớn hay nhỏ, dù thành hay không, thì cũng là những giây phút trong đời chẳng thể nào quên. Nhất là với những người, lẫn lộn giữa thực và mộng, chập chờn giữa lãng mạn và thực tế, thì chữ tình yêu lại có vị trí của khói sương, và chữ hình như để biểu tỏ một sự thể gần cận mà mơ hồ.
 Hoàng Ngọc Tuấn, người dùng ngôn ngữ thi ca để dệt nên tình yêu, dùng mơ mộng để cấu tạo nên thực tại, tác giả phác họa những mối tình ngây thơ, của những chàng tuổi trẻ như chú gà trống ưỡn cổ gáy vang đi vào đời. 
Những tác phẩm như Hình như là tình yêu, Ở một nơi ai cũng quen nhau, Thơ Về Đường Sơn Cúc,… một thời là những quyển sách mà tuổi trẻ Sàigòn mến chuộng. Dù trong không khí chiến tranh, nhưng những ý tưởng ngây thơ, những tâm tình như sợi cỏ long lanh buổi sáng đã làm tuổi trẻ tươi đẹp hơn, những bản nhạc nồng thắm hơn và những vần thơ cũng rộn rã hơn.
   Được biết ở trong nước, để tưởng niệm ngày giỗ của ông, nhà xuất bản Phương Nam ấn hành tuyển tập truyện ngắn Hình như là tình yêu. Ngày ra mắt sách cũng là một dịp để bạn bè và người ái mộ nhà văn tưởng niệm tụ họp coi như làm lễ giỗ khá long trọng.

 Ở hải ngoại thì cũng đã tái bản một tập truyện khác của ông: Ở một nơi ai cũng quen nhau.”
  Trước năm 1975, Hoàng Ngọc Tuấn nổi tiếng là nhà văn viết cho tuổi học trò ngây thơ hồn nhiên. Sau năm 1975, mặc dù ông vẫn còn sinh nhai bằng nghề viết nhưng không có tác phẩm nào tiếp theo được chú ý.

 Có người ví von, văn nghiệp của ông đã chết từ sau 1975. Viết về thể thao hay sưu tập những truyện cười, chắc không phải là công việc làm của một nhà văn đã có nhiều tác phẩm được hâm mộ. 
Với những bút hiệu gần như là vô danh: Huấn Toàn, Nhị Ngọc, Mây Biếc, Tú Ân, Ngọc Nhị, những bài đăng báo hoàn toàn chỉ là để mưu sinh và không có một chút âm vang nào.Trong một bài viết tưởng niệm Hoàng Ngọc Tuấn, nhà văn Nguyễn Đạt cho tôi hình dung ra một cuộc sống đơn độc và buồn của một người cầm bút mà tôi nghĩ lúc còn trẻ ngây thơ yêu đời lắm.  Thú thực tôi không thân quen cũng như hiểu biết gì về anh nhiều, nên qua những điều mà anh viết tôi phỏng đoán vậy. Còn, đời sống mọi người sau 1975 thì cả nước đi xuống chứ chẳng riêng một mình ai. 
Ở Việt Nam, rất nhiều người cùng một lứa bên trời lận đận như thế lắm. Nhất là người cầm bút, sống trong một chế độ mà nhà văn gốc tích từ văn học miền Nam nếu được hoạt động cũng chỉ đóng vai cây kiểng và góp mặt khiêm nhường. 
Rồi tôi nghe anh bị bệnh nan y và hoàn cảnh rất đơn độc khó khăn.…
… Năm 1972,  trong cuộc phỏng vấn “Đi tìm các tác giả được ưa thích hiện nay” của tuần báo Khởi Hành, Hoàng Ngọc Tuấn là một tác giả được ghi tên nhiều lần đều đặn sau mỗi lần lấy ý kiến độc giả qua từng số báo.

 Sở dĩ có hiện tượng ấy bởi vì trong truyện Hoàng Ngọc Tuấn có nét lãng mạn của tình yêu thuở mới lớn và nhân vật của ông sinh động tự nhiên chứ không có những sinh hoạt giả cách thời thượng nhưng rỗng không mà các nhà văn tập tành hiện sinh tạo ra. Sự kiện Hoàng Ngọc Tuấn có nhiều fans ái mộ cũng là điều dễ hiểu.
       Nhà văn Võ Phiến đã nhận xét về tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn:
  Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh. Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng, Anh Hoàng Ngọc Tuấn, là một người vui vẻ. Anh vừa ngông, lại vừa nghịch, vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên anh quyến rũ vô tả.”
…”Thế mà, theo như Nguyễn Đạt, những ngày cuối của tác giả Hình như là tình yêu sao vắng nụ cười đến thế.

 Ở lại Sài Gòn, chịu qua bao nhiêu sự thay đổi, mỗi ngày thêm mệt mỏi, nặng nề vác trên vai những khó khăn chồng chất của một thời thế hỗn loạn. 
 Và rốt cuộc cũng chỉ là cuộc trở về mà ai cũng phải có một lần trong đời.…Tuần báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh trước 1975 đã có bài phỏng vấn nhan đề “Hoàng Ngọc Tuấn và Một Buổi Chiều”. 
 Tác giả thổ lộ: “Văn chương không phải là một nghề nghiệp hiểu theo nghĩa thông thường. Văn chọn tôi chứ tôi không chọn được, khi ta làm một cái nghề gì đó, nghề nghiệp ấy đòi hỏi một thời khóa biểu, một giờ giấc, một số lương bổng nhất định, một số giờ nghỉ ngơi cuối tuần như thứ Bảy Chủ nhật chẳng hạn. Tôi viết văn thì không như thế.
 Ngày nào cũng rong chơi như một ngày Chủ nhật và ngày nào cũng bận rộn làm việc như một ngày thứ Hai. Đêm là ngày, ngày cũng là đêm. Đời của một kẻ sáng tác không có mùa hè hoàn toàn rảnh rang mà là suốt năm tràn đầy mùa xuân thôi thúc hứng khởi.
 Nhưng nếu nói một cách đơn giản hơn thì tôi theo đuổi chuyện văn chương vì đó là một sinh hoạt có ý nghĩa nhất trong đời sống theo ý kiến riêng của tôi. Sau nữa tôi không biết làm việc khác được ngoài sự viết…””
   Nói về truyện ngắn đầu tay Buổi Chiều Hạ Lan: “Khoảng 67 hay 68 gì đó. Sau hai năm học ở đại học và bắt đầu thấy rằng những chữ mình viết ra coi có có vẻ thích thú hơn là những chữ trong cours. Lúc đó tôi chẳng có công việc gì làm cả. 

Buổi sáng đang đói và thèm cà phê mà không có tiền và chẳng đi đâu được.
 Tôi ngồi lại một mình trong căn phòng của hội đoàn CPS (khu Khám Lớn Cũ)…
 Hiện tại thì trống rỗng, nhạt nhẽo, kỷ niệm thì ngọt ngào hào hứng… Thế là tôi bắt đầu viết.
 Và tôi đã viết chỉ trong một buổi sáng để xong Buổi Chiều Hạ Lan. Hỏi thời gian bao lâu để nghĩ về thì câu trả lời là: “ Đêm hôm trước. Đêm tối, ánh sáng, cô đơn, và, viết, thế là có Buổi Chiều Hạ Lan.” “
  Nghĩ về những người phê bình văn học: “Họ thường kết luận là chờ đợi và tin tưởng ở những tác phẩm mới hơn của tôi. Tôi mong họ giữ mãi niềm tin đó vì đó cũng là niềm tin  mạnh mẽ của tôi. Bây giờ chỉ còn việc biến niềm tin thành hành động.”…”
    ”   Được biết anh thích đọc Saroyan, mến Salinger, phục Dostoievsky, nhưng chẳng mê ai cả,  và khi bị hỏi có bị ảnh hưởng nào không thì tác giả Cô Bé Treo Mùng trả lời: “Tôi không biết. Người đọc sẽ dễ thấy hơn tôi. Nhưng tôi sẽ rất sung sướng nếu được ảnh hưởng ít nhiều của tinh hoa nhân loại.

 Sáng tác thì dĩ nhiên trong cô độc nhưng con người sáng tác nào cũng phải sống với cuộc đời nhận lấy những dấu vết của cuộc đời và thụ hưởng gia tài nghệ thuật chung của con người.””
 Mấy chục năm sau, có một người ái mộ Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả Songcon viết bài tưởng niệm và gián tiếp trả lời khi cho rằng trong truyện ngắn đầu tay Buổi Chiều Hạ Lan  Hoàng Ngọc Tuấn chịu ảnh hưởng rất nặng của J.D. Sallinger của The Catcher in the Rye. Nhân vật Holden Caufield có phảng phất bóng dáng trong truyện Hoàng Ngọc Tuấn.
    Trong tuần báo Mây Hồng số ra mắt năm 1972 ở Sài Gòn thời trước, Hoàng Ngọc Tuấn đã trả lời những câu hỏi phỏng vấn một cách thực thà. Như: Là một tác giả thường viết về tuổi thơ xin anh cho biết vì nguyên do nào mà anh đã chọn đề tài này? 

Anh viết: “Trước hết tôi thấy tôi không phải là một tác giả viết về tuổi thơ. Có lẽ độc giả thấy những nhân vật trong truyện tôi có một vài người nhỏ tuổi nên tưởng thế.
 Ngay cả một cuốn sách mới đây của tôi Thư về đường Sơn Cúc tuy bé tí xíu như hạt tiêu nhưng cũng không phải là một chuyện về tuổi thơ.
 Khi sáng tác tôi ít phân biệt về tuổi thơ hay tuổi già.
 Một thời nào tôi đã sống qua tôi thường viết về nó. 
Do đó dĩ nhiên là có một vài truyện tuổi thơ của tôi. Một đề tài nằm mãi trong tôi, tự dưng có ngày phải nhảy ra đời để thành một chuyện. Tôi không chọn lựa đề tài.”
”Nếu đọc lại Thư về đường Sơn Cúc, tôi có một cảm giác khá kinh ngạc. Đây là văn viết bằng thơ hay thơ dùng văn để diễn tả một câu chuyện tình? Một trao đổi bằng thư giữa hai người mang tên Bạn Lớn và Bạn Nhỏ? 

Những cuộc đối thoại, có nhiều khi như là độc thoại, để diễn tả lại cảm giác mong manh của tâm tình bứt đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” khởi đầu cho chuyến viễn du tình ái? 
Ai là một xao động theo nghĩa của chữ  “Hình như”?
  Tôi đã bắt chước như nhà văn Nguyễn Đình Toàn trong đoạn trích dẫn, giở những trang sách, đọc những câu văn xuôi mà óng ả mượt mà như thơ của Hoàng Ngọc Tuấn trong “ Thư về đường Sơn Cúc:
““... căn nhà của em ở trên một con đường xác xơ ven biển, nhà không có số và gió đã thổi mất tấm bảng chỉ đường.

 Nhưng có hề gì đâu tôi sẽ gửi cho em về địa chỉ mới Con đường Sơn Cúc vì mỗi ngày em đều đi qua đó.
Ông có biết một loài hoa ấy không?
Cả nhà gọi nó là cây cúc rừng
Chỉ có mình em gọi là hoa Sơn Cúc.
Hoa vàng óng ả.
Hoa vàng mật ngọt.
Vàng rực rỡ cả một lối mòn

 Được gọi là Đường Sơn Cúc của em.
Tôi thấp thoáng trông hình bóng em chao mờ giữa một rừng hoa thắm.

 Mỗi sớm mai từ nhà đến trường, với cặp sách giáo khoa trên tay mà hồn đã bay lãng đãng đến tận cuối chân trời nào một mình em lững thững không hề nôn nóng vội vàng nhớ đến tiếng chuông reo vào lớp.””
  Cúc rừng? Sơn Cúc? Cùng là tên của một loài hoa dại mà sao chữ Sơn Cúc lại mở ra một không gian nào mới, nào lạ, của những cuộc sống nào mơ hồ của những người nam và nữ xôn xao với tâm tình nửa ngỏ nửa e ấp trao nhau.

 Thơ, tản văn, hay là bất cứ thể loại nào, cũng chỉ là một, là ngôn ngữ mật ngọt đậm đà của giây phút xôn xao đầu tiên của thời mới lớn, mà Hoàng Ngọc Tuấn đã viết bằng cái tâm trong veo của mình.
…Trả lời câu hỏi: 

Qua các truyện ngắn của anh, tuổi thơ thường hiện lên những hình ảnh thơ mộng, tuổi thơ của anh có êm đềm như thế không?
 Hoàng Ngọc Tuấn thổ lộ: “Hơn thế nữa là đằng khác. Tôi tiếc chưa có thì giờ và tâm hồn bình yên để làm sống lại những ngày xưa êm đẹp đó. Thuở nhỏ, tôi theo gia đình đổi chỗ ở hoài, từ tỉnh này qua tỉnh khác, mỗi năm học một trường. Huế, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột, v.v. Trường Bà Sơ, trường Thầy Dòng (La San), trường Thầy Chùa (Bồ Đề), trường tư, trường công... đủ cả. Hồi đó tôi yêu thương rất nhiều điều, và tôi mừng mà thấy đến nay tôi vẫn chưa thay đổi.”…”
 Sáng nay, mới ngủ dậy, nằm lơ mơ trên giường nghe chim rân ran ngoài hiên, cầm những cuốn sách của Hoàng Ngọc Tuấn, tôi nghĩ mình phải viết bài tưởng niệm này khác hơn.
  Mình phải viết về cái mình nghĩ đối với tác giả hơn là trích dẫn những điều tác giả đã nói về mình và tác phẩm mình qua những bài phỏng vấn.
 Dù tôi không có cái may là bạn với anh như những anh Nguyễn Đạt, Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Sơn... hay có chung thời sinh hoạt ở những phong trào sinh viên học sinh thuở nào.
 Thế mà, trong bài viết hiếm ý nghĩ chủ quan của mình.
 Không biết có phải là nghĩ về anh một cách gián tiếp không có gì hơn là qua những thổ lộ những tâm sự để mường tượng lại vóc dáng văn chương của anh vào một thời mà có lẽ chắc anh cũng ngầm hãnh diện về những thành quả của mình.  Cầu chúc linh hồn anh sẽ rong chơi và không vướng bận gì với những trăn trở cuối đời trong cõi tạm này.

                                                              Nguyễn Mạnh Trinh