Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Nghe NS Trịnh Nam Sơn



Tháng 4 / 1975, chàng thanh niên Trịnh Nam Sơn theo gia đình người chị gái đi di tản và đã đến ở đảo Guam một thời gian ngắn rồi sau đó đến Hoa Kỳ theo diện tị nạn.
Cũng như bao nhiêu người Việt mới nhập cư lúc đó, với vốn tiếng Anh rất hạn chế, Trịnh Nam Sơn trải qua rất nhiều công việc lao động chân tay để kiếm sống.
 Anh không nề hà việc gì, từ rửa xe hơi, rửa bát đĩa ở nhà hàng hay theo những tàu đánh cá lên tận vùng Alaska băng giá đánh bắt cua biển dài hơn nửa năm trời.
Tới giờ, Trịnh Nam Sơn vẫn nhớ rõ chuyến đi đánh bắt cua biển. Anh kể, khi đó, thấy nhiều người Việt rủ nhau theo tàu cá lên tận Alaska, một nơi nổi tiếng về phong cảnh tuyệt đẹp, anh cũng hồ hởi xin đi.
70% người làm việc tại đó là người Việt, còn lại là người Philippines.
 Trong 6 tháng liền, công việc của anh ở đây chỉ là sơ chế cua, cá từ tàu đánh bắt hải sản ở biển Alaska mang về. Cua ở đó rất to, cỡ chừng 6-7 kg/ con, dài chừng 80cm.
Hầu như ngày nào cũng làm việc 18-20 tiếng, chỉ có 4-6 tiếng để ngủ, mà ngủ luôn trên tàu, không có thời gian để ngắm cảnh.
 Bù lại, lương rất cao, gấp 4 lần bình thường. Trịnh Nam Sơn kể, anh đi vì hiếu kỳ là chính. Tiền nhiều thì cũng thích đấy, mà ở Alaska cũng chả có cơ hội để tiêu.
Nửa năm mới về nhà một lần. Nhưng bạn bè anh đông, khao bạn bè xong cũng vừa hết tiền. Anh cười hiền: “Hồi đó, đi vui là chính, cốt là trải nghiệm”. Anh trải nghiệm hai lần đi Alaska: 6 tháng chế biến cua biển và 6 tháng chế biến cá hồi.
Khoảng cuối năm 1976, Trịnh Nam Sơn qua California và bắt đầu vừa đi làm, vừa theo học đại học cộng đồng. Thời này, anh vừa học, vừa làm, vừa chơi nhạc với mấy nhóm nhạc người Hoa ở vùng Los Angeles.
Lúc đó, anh làm việc cho công ty thiết kế hệ thống nước, máy lạnh, máy sưởi cho các công trình xây dựng lớn như bệnh viện, toà nhà cao tầng, khách sạn...
Còn việc chơi nhạc, thoạt đầu đều là cùng những người bạn học chung trường.
 Sau này, anh nhận thấy vốn liếng âm nhạc của mình quá nghèo nàn nên quyết định bỏ hết mọi việc và đi học nhạc tại trường Dick Grove School of Music.
Tốt nghiệp trường nhạc năm 1986, Trịnh Nam Sơn bắt đầu có một số sáng tác ghi dấu ấn như Dĩ Vãng, Về Đây Em, Quên Đi Tình Yêu Cũ, Con Đường Màu Xanh...
Trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến cuối thập niên 90 là giai đoạn Trịnh Nam Sơn sáng tác và ra album nhiều nhất.
 Anh không ngờ Con đường màu xanh được yêu chuộng nhất tại Việt Nam, trong khi đó ở hải ngoại là Về đây em.
Từng được hỏi nhiều về Con đường màu xanh, nhưng đây là lần đầu tiên Trịnh Nam Sơn hé lộ về quá trình anh viết nhạc phẩm này.
 Anh kể: “Con đường màu xanh được sáng tác năm 1991 và đây cũng là khoảng thời gian tôi vừa trở lại cuộc sống độc thân “hậu hôn nhân”.
Dĩ nhiên không có đổ vỡ nào không đau buồn, nhưng dù sao tôi cũng mong rằng mỗi người hãy hướng đến một con đường màu xanh, màu của lạc quan, hy vọng để đi đến một tương lai tốt đẹp hơn”.

Anh chia sẻ: “Từ một mối tình đơn phương thời trai trẻ rồi đến đổ vỡ trong hôn nhân cho đến chia tay những mối tình không trọn vẹn; tất cả những điều đó tôi không xem là những “trắc trở” mà là những “trải nghiệm”.
Những trải nghiệm ấy đã cho tôi cảm hứng sáng tác nhưng chúng không “tạo hiệu ứng buồn” trong những bài hát của tôi”.
Từng là fan của tác giả Con đường màu xanh, tôi tò mò muốn biết câu chuyện sâu thẳm bên trong, nhưng Trịnh Nam Sơn khéo léo không nhắc đến nhân vật trong Con đường màu xanh.
Anh bảo: “Thường tôi chỉ viết cho “tình yêu” của mình chứ không cho “người yêu” của mình. Tôi viết vì cảm xúc trong lòng mình chứ không vì người khác. Vì vậy cho dù sau này nếu không còn yêu nhau nữa thì những cảm xúc trong bài hát vẫn mãi trọn vẹn”.
Dĩ vãng là tác phẩm đầu tay của Trịnh Nam Sơn. Ban đầu đây là tác phẩm nhạc khí anh viết khi đang theo học về khí nhạc và chỉ huy dàn nhạc tại trường Dick Grove School of Music ở Hollywood.
 Tính đến nay, anh đã viết mấy chục bản khí nhạc và hai bản nhạc phim tài liệu.
Sau này, khi muốn phổ biến Dĩ vãng, Trịnh Nam Sơn đã nhờ mấy người bạn là nhà thơ viết giúp cho phần lời, nhưng họ nói không có thời gian. Anh đành tự viết lời Việt.
 Sau đó, anh nhờ đạo diễn Lưu Huỳnh, lúc đó cũng học cùng trường với Trịnh Nam Sơn, nhưng học về đạo diễn làm giúp một video ca nhạc.
Lúc gửi gắm tác phẩm của mình cho Lưu Huỳnh, anh cũng chưa nghĩ là mình sẽ hát, mà định mời ca sỹ. Khổ nỗi, lúc đó, người ta chưa biết đến Trịnh Nam Sơn là ai, nên anh mời hết người nọ, đến người kia đều bị từ chối. Thế là, anh quyết định tự hát.
Không những thế, anh còn tự đánh ghi ta, đệm đàn piano và thổi kèn saxophone cho bài hát của mình.
 Với sự nhiệt tình giúp đỡ của Lưu Huỳnh, album đã được quay khá công phu. Dĩ vãng được thu vào băng nhựa VHS là công nghệ mới nhất thời đó.
Khi quay xong, Trịnh Nam Sơn cũng chưa nghĩ đến chuyện lỗ lãi. Chỉ đơn giản nghĩ rằng, làm thế nào để giới thiệu album này tới nhiều người. Hồi đó, chưa có nhiều phương tiện quảng bá như bây giờ.
Trịnh Nam Sơn đã đi gõ cửa hết trung tâm sản xuất băng đĩa này, đến trung tâm sản xuất băng đĩa kia của cộng đồng người Việt tại Hải ngoại, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Không nản chí, anh quyết định tự đi phát hành. Anh thiết kế poster đĩa nhạc của mình rồi đi dán khắp nơi.
Rồi Dĩ vãng cũng được ra mắt, tại một quán café. Đến giờ, Trịnh Nam Sơn vẫn còn nhớ mãi ngày đó.
 Anh thuê một quán café nhỏ, thuê dàn âm thanh xịn và đến đó trình diễn. Anh kể, khán giả có mặt ở đây rất ấn tượng, nhưng rồi, cái tên Trịnh Nam Sơn và Dĩ vãng vẫn nhạt nhòa với số đông.
Thời đó, quảng cáo hữu hiệu nhất là tới tiệm bán máy video, cho họ mượn băng để thử máy. Những người đi mua đầu video thấy lạ với một clip ca nhạc có hình ảnh chất lượng cao hơn rất nhiều so với băng video thông thường.
Và mọi người bắt đầu để ý tới nhạc của Trịnh Nam Sơn.
 Cuối cùng, trời không phụ lòng người, hãng thu thanh Khánh Hà đã mua bản quyền và sản xuất đĩa nhạc, nhờ đó mà Dĩ vãng được đưa đến công chúng.
Sau này, Trịnh Nam Sơn và Khánh Hà thường xuyên hợp tác với nhau. Khánh Hà cũng thường xuyên hát bài của Trịnh Nam Sơn trong nhiều năm ở hải ngoại.
 Năm 91, Trịnh Nam Sơn tiếp tục ra đĩa nhạc Về đây em rất được yêu chuộng tại hải ngoại và tới cuối năm 91 là Con đường màu xanh.
Khoảng 94, khi nhạc Việt Nam bắt đầu bị cạnh tranh bởi nhạc Hoa lời Việt, nhạc Âu Mỹ lời dịch, Trịnh Nam Sơn chuyển sang làm tư vấn bất động sản và chỉ còn “dạo chơi trong vườn hoa âm nhạc”. 

                        St                                            theo TGAN 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét