Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Bát canh ký ức


Mỗi người có một cách đi qua tuổi thơ khác nhau cùng với vô vàn những ký ức - dù buồn hay vui vẫn sẽ đượm màu. Và tôi cũng đã đi qua tuổi thơ với biết bao nhiêu điều để nhớ, trong đó quên làm sao được những kỷ niệm có mùi khói bếp với những món quà chân chất vị quê của ngoại, của mẹ, của bố…
 Mà có lẽ, cái vị ngon của những món quà bình dân hay bữa cơm gia đình ngày ấy, nó nồng đượm và ý nghĩa hơn rất nhiều so với bây giờ  - bởi lẽ, thời của tôi - mọi thứ vẫn còn nghèo khó, và một chiếc kẹo vừng, một cây kem mút, một chiếc bỏng gậy xanh xanh, đỏ đỏ cũng đủ để nhớ suốt cuộc đời.
Có người nói, hạnh phúc là được ăn ngon. Tôi lại nghĩ, hạnh phúc không phải chỉ được ăn ngon mà là được cảm nhận tình yêu của người nấu gửi vào từng mùi vị của món ăn. Để nấu một món ăn ngon có lẽ chẳng khó, nhưng để nấu được những món ăn đáp ứng khẩu vị của từng người trong gia đình thì cực khó, nó cần đến tình yêu của người nấu.
 Và điều đó, có lẽ chỉ có bà, có mẹ mới làm được dù trải qua đủ trăm bề khó nhọc, quanh năm vẫn đảm đang tất bật lo cho căn bếp của gia đình không bao giờ nguội lạnh. Bởi, nhà đâu phải chỉ là nơi để ngủ, nhà là nơi để trở về khi ánh lửa vẫn còn. Vì thế, mỗi một người đang sống cũng chỉ mong có một ánh lửa của riêng mình.
Ngày bé, tôi là đứa trẻ kén ăn.
 Những món không thích, tôi chẳng bao giờ động đến, mặc cho ngoại, cho mẹ dỗ dành. Tôi rất sợ ăn cá, cua, ngao, hến… cũng như không thích ăn rau gì ngoài rau muống, rau ngót.
 Hôm nào, bữa cơm có những món đấy là tôi sẽ phụng phịu ăn cơm không. Mẹ lo tôi ăn mãi một món sẽ thiếu chất, nên thường chế biến khác đi để "dụ" được tôi ăn. Có lần, mẹ làm trứng đúc rươi, mẹ nói đó là trứng đúc thịt.
 Lần khác, bố làm thịt chuột đồng - bố bảo đó là thịt gà. 
Để tôi ăn được thịt mỡ, ngoại kho mỡ bì với cá và tương, nồi cá kho 10 tiếng đồng hồ trong khói bếp cay xè mắt của ngoại giữa trưa hè đã cho tôi được ăn món thịt mỡ ngon nhất mà tôi từng sợ.
Rồi có biết bao lần như thế, cuối cùng thì tôi cũng ăn quen dần nhiều món ăn mà trước đó tôi ghét và không còn khảnh ăn nữa.
 Và đặc biệt nhất là, để tôi ăn được nhiều loại rau - ngoại và mẹ đã nấu canh rau tập tàng (canh gồm các loại rau như rau má, dền, sam, mã đề, mồng tơi, bùi ngót, lá lốt, cải xanh, đọt khổ qua....)
 Bát canh rau tập tàng đặc biệt ấy là ký ức tuổi thơ đẹp vô cùng với tôi.
Canh rau tập tàng có rất nhiều tên gọi khác nhau, có nơi gọi là rau thập toàn, rau láo nháo, rau lốn nhốn…
 Nghe cái tên thấy buồn cười, nhưng một bát canh rau ấy chứa đựng biết bao nhiêu tâm huyết của người nấu. Vì để có được bát canh tập tàng ngon ngọt đủ vị, cần phải có đến 7 - 8 loại rau khác nhau, có khi trên cả chục mới gọi là đủ vị.
 Thật ra, giống như cái tên, rau tập tàng là rau chẳng ai trồng, chẳng ai chăm bón, mọc vô hàng vô lối ở ngoài đồng, bên bờ mương, trong vườn.
Bát canh nấu lên cũng chẳng cần nhiều gia vị đi kèm, chẳng cần thịt thà, cá tôm đắt tiền, vốn vị của nhiều loại rau tưởng chừng hổ lốn, chẳng có gì để "hợp tấu" ấy lại tạo ra bát canh ngọt thơm vô cùng. Mà nếu có cầu kỳ hơn, nấu canh tập tàng thì cũng chỉ cần một vài con tôm khô, hay mớ cua đồng, tép đồng thôi. 
Ăn như thế mới đúng là thứ "quà quê" hương đồng gió nội của người dân đất Việt.
 Rau tập tàng có rất nhiều loại rau để chọn nấu cùng, toàn là những loại rau dại, rau bờ rau bụi, mỗi thứ một chút nhưng tạo ra bát canh độc nhất vô nhị, bát canh thảo thơm và mát lành giải nhiệt sau khi đã chán những bữa cơm quá nhiều cá thịt. 
Ngày hè oi bức, có bát canh tập tàng nấu với cua đồng ăn cùng cà pháo muối giòn tan thì có lẽ chẳng cần thứ cá thịt sơn hào nào khác cũng đưa được vài bát cơm ngon lành. 
Ăn như thế lại còn thấy ngon đáo để, cơ thể như được giải tỏa khỏi cái nóng oi bức vì từng vị rau đưa cơm đến đâu là thấy tỉnh người ra đến đấy. 
Bát canh rau tập tàng tưởng vậy, còn là vị thuốc quý. 
Rau mồng tơi lợi tiểu, lá lốt chống đầy hơi, đau bụng, rau má giải độc, rau sam kháng sinh, rau lang, rau đay nhuận tràng, rau dền kích thích tiêu hóa, rau muối nhiều khoáng, sát trùng, điều hòa khí, lá khổ qua chữa đổ mồi hôi, mụn nhọt…
 Bát canh như thế, nào đâu chỉ là để ăn, nó là cả tình thương của người nấu gửi vào đó.
Chính vì lẽ đó, sau bát canh rau muống dầm sấu chua, bữa cơm ngày hè - tôi mong ngóng nhất vẫn là bát canh tập tàng mẹ nấu. 
Để có bát canh ấy, nhiều khi, bố tôi lang thang sang bãi giữa sông Hồng hái cả chiều. 
Có lúc, bố còn đi từ sáng, mang theo cần câu, đến chiều về sẽ có "chiến lợi phẩm" là mớ rau tập tàng và cá ngạnh sông để mẹ nấu bữa cơm ngon lành cho cả gia đình.
 Bữa cơm với canh rau tập tàng nấu cua ngọt lịm, cá ngạnh ướp nghệ rán vàng rộm, đậu phụ kho tương béo ngậy và cà pháo giòn tan mẹ muối, chỉ đơn giản vậy thôi, tôi cũng đã đi qua một tuổi thơ đẹp vô ngần với bát canh ký ức - bát canh tình thương - bát canh của gia đình - canh tập tàng. 
Sau này, tôi cũng sẽ nấu bát canh ấy cho con - để tuổi thơ của con cũng đi qua những năm tháng đẹp vô ngần như tôi.

                                           Mộc Diệp Tử

Những cánh thư gửi gió




Bạn thân mến !

Sáng nay, khi sắp xếp lại giá sách, tôi vô tình tìm thấy lá thư bạn viết cho tôi. Thư gửi cách đây đã hơn hai năm rồi, nhân dịp tôi trở về trường Đại học sau đợt thực tập dài. Những hàng chữ với đầy sự quan tâm của bạn : hỏi thăm, chúc mừng, dặn dò ân cần. Đọc lại thư mà lòng tôi nao nao. Những kỉ niệm về bạn chợt ùa về trong nỗi nhớ tha thiết.
 Vậy là chúng ta biết nhau đã gần bảy năm. Bảy năm cho một tình bạn vượt không gian và cả thời gian nữa. Tôi vẫn tin rằng có một định mệnh vô hình nào đó sắp xếp cuộc đời của mỗi chúng ta. Và hẳn định mệnh đã dành cho tôi sự ưu ái khi cho tôi được gặp bạn. 
Bên nhau chỉ vài ngày ngắn ngủi trong kì thi đại học mà bạn và tôi như đã thân thiết từ rất lâu rồi.
 Rồi chúng ta chia tay nhau với nhiều lưu luyến và lời hẹn ước gặp lại trong một ngày không xa. Nhưng tiếc rằng tôi đậu, bạn rớt. Đó là dấu mốc đưa hành trình của chúng ta rẽ sang hai ngả khác nhau. Nhưng tôi biết đó không hề là điều trở ngại mà ngược lại, càng làm cho tình bạn của bạn và tôi thêm gắn bó và khăng khít hơn.
 Rồi bắt đầu những năm tháng của đời sống sinh viên với bao nhiêu vui buồn và lo toan. Tuy ở cách xa nhau hàng nghìn cây số, nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác bạn ở bên cạnh. Giản dị thôi, những lá thư đã giúp nối liền khoảng cách và trao gửi những yêu thương. Đều đặn hai tuần một lần, tôi nhận được thư của bạn.
 Chiếc phong bì nhỏ nhắn với nét chữ thanh thanh. Tôi đã nâng niu từng dòng thư với tất cả nỗi nhớ nhung và không quên hồi âm ngay cho bạn.
 Chưa bao giờ tôi để bạn phải đợi thư vì tôi biết bạn cũng rất mong tin tôi.
 Bạn có biết suốt những năm tháng đi học xa nhà, những lá thư của bạn đã sưởi ấm lòng tôi, giúp tôi vượt qua nỗi cô đơn. Bạn luôn động viên tôi hãy nỗ lực không ngừng trên con đường học vấn. Tôi đã cảm động biết bao khi bạn nhắn nhủ tôi phải siêng học gấp hai lần, học cho cả phần của bạn nữa vì bạn đã rất tiếc khi không thể theo được nghề mà bạn yêu thích…
 Và rất nhiều những chia sẻ nữa từ bạn trên mỗi bước ngoặt trong cuộc sống của tôi. Tôi biết mình sẽ khó có thể vượt qua những trở ngại nếu như không có sự khích lệ từ bạn. Cảm ơn bạn nhiều lắm !
 Thời gian trôi đi, những lá thư giữa bạn và tôi cứ thưa vắng dần. Một phần vì công việc bận rộn, phần vì chúng ta có nhiều cách liên lạc thuận tiện hơn.
 Ví như, chỉ cần nhấc điện thoại lên, tôi có thể được nghe giọng nói của bạn. Hay có điều gì cần tâm sự, bạn gửi gắm nó vào email và chỉ vài phút là tôi có thể cùng san sẻ với bạn. Những lá thư viết tay đã từng được nâng niu là thế, giờ nằm lặng lẽ trong góc hộp này. Những cánh thư nhắc tôi về một thuở đời sống với nhiều khó khăn nhưng cũng đầy lãng mạn, mơ mộng.
 Tôi không thể phủ nhận tiện ích của thư điện tử song mỗi khi nhận được email từ bạn, lòng tôi vừa vui lại vừa bâng khuâng nhớ tiếc. Thay vì những nét chữ mềm mại chứa đựng trong đó bao nhiêu tình cảm là những dòng chữ đều tăm tắp nhưng vô cảm. Có phải cuộc sống quá bận rộn và hối hả đã không còn chỗ cho những điều lãng mạn nữa chăng?
 Vậy thì …, bạn ơi !
 Tôi muốn làm một điều gì đó cho tình bạn của chúng ta. Những lá thư sẽ giúp tôi thực hiện một phần ước nguyện này. Phải, vẫn là những lá thư viết trên những trang giấy nhỏ xinh. Tôi sẽ viết cho bạn đều đặn vào những khi rảnh rỗi.
 Mỗi lá thư sẽ là một cơ hội để tôi gửi gắm những tâm tình và kể cho bạn nghe những chuyện vui buồn của đời sống. 
Tôi vẫn đùa bạn rằng : nếu như có một điều ước, tôi muốn được làm ngọn gió rong ruổi khắp bốn phương trời.
 Nhưng nếu không thể được là gió thì tôi sẽ nhờ gió gửi những cánh thư này tới bạn.
 Này gió, hãy giúp tôi đưa thư nhé, không chỉ tới người bạn thân nhất của tôi mà hãy gửi giùm tôi thông điệp nhỏ đến tất cả những đôi bạn trên thế gian này.
 Đừng để cuộc sống bận rộn làm cho tâm hồn mình trở nên khô cằn. Và tình yêu thương chỉ giữ trong lòng thôi sẽ là không đủ, hãy bày tỏ với nhau. Đừng ngại ngần. Bởi mỗi cánh thư sẽ giúp cộng thêm vào gia tài mỗi ngày của bạn một niềm vui – niềm vui được lắng nghe và chia sẻ. 
                                        Nguyễn Hạnh Nguyên
                                                        

Câu chuyện về người Samurai


Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức.
Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. 
Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đo chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường.
 Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”
Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”Một năm sau, người đánh cá đến gặp vị samurai để trả nợ . Người đánh cá
vui vẻ nói:
“Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”.
Vị samurai trả lời “Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi. Ngươi đã trả nợ rồi.”
                                                                 St

Xin Trả Lại Em


Anh xin trả lại em
Những thư yêu ngày trước
Năm trăm lá còn nguyên
Cho đúng lời giao ước

Anh xin trả lại em
Tập khăn yêu xanh đỏ
Cuốn lưu bút bìa đen
Và đôi vòng tay nhỏ

Anh xin trả lại em
Cặp gối hồng em tặng
Bây giờ đi ở riêng
Chắc hẳn em cần lắm

Anh xin trả lại em
Những lời cùng khấn nguyện
Ngày ấy chắc em quên
Nên vội vàng thề hẹn

Anh xin trả lại em
Những môi cười sóng mắt
Những kỷ niệm êm đềm
Khi mình thương nhau nhất

Còn một trái tim yêu
Trọn đời anh giữ lại
Trọn đời anh mang theo
Cho đẹp tình thơ dại

Nhất Tuấn

Ngôi sao bật mí show



Về Hà Tiên ra đảo Hải Tặc


Về Hà Tiên, nhiều người nói chỉ có “ra hòn” là vui. Đảo Hải Tặc, cái tên nghe dữ dằn, gây nhiều tò mò khiến chúng tôi quyết tâm vượt sóng khám phá một lần cho biết.
Hòn Đốc thuộc xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Hòn Đốc còn có tên gọi rất ấn tượng là “đảo Hải Tặc”, nằm ở khu vực biển Tây của Việt Nam.
 Hòn Đốc hợp với các đảo lân cận hình thành quần đảo Hải Tặc có diện tích đất nổi 1.100ha, gồm 16 hòn đảo cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý.
Tấm bia chủ quyền ở bờ tây đảo Hải Tặc ghi rõ dòng chữ:
“Quần đảo Hải Tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’8; kinh tuyến 104 độ 20’0”. Quần đảo Hải Tặc gồm có các đảo:

- Hòn Kèo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước Non, Hòn Bô Dập, Hòn Đồi Mồi”.
Từ Saigon du khách theo quốc lộ 1 về Vĩnh Long, rẽ qua QL80 đi Sa Đéc - Long Xuyên. Từ TP Long Xuyên đi Tri Tôn - Vàm Rầy - Kiên Lương - Hà Tiên. Đường dài chừng 350km, dễ đi. Từ Hà Tiên ra Hòn Đốc chừng 11 hải lý (21,7km).
Thú vị cua “ăn đèn”
Tàu phăm phăm gối sóng hướng về Hòn Đốc.

 Giữa biển khơi xanh biếc, phía nào cũng nhìn thấy đảo, du khách tưởng như đang du ngoạn giữa “tiểu Hạ Long”!
 Sau hai giờ hải hành, tàu cập bến Bãi Nam đảo Hải Tặc. Chúng tôi “đổ bộ” lên đảo, lúc này trời đã xế chiều. Có dịp ngắm hoàng hôn với mặt trời lặn dần xuống biển thấy lòng thanh thản lạ.
Cảng cá nhộn nhịp hàng lên xuống. Du khách sẽ gặp rất nhiều cá bớp, cá đuối, ghẹ, mực, tôm… Cá rất tươi ngon, giá cả cũng “rất ok”: cá bớp 80.000 đồng/kg, cá đuối 70.000 đồng/kg, mực trứng 80.000 đồng/kg, tôm tích 70.000 đồng/kg, ghẹ 70.000 đồng/kg…
Soi và đâm cua biển ở những kè, gành đá ven đảo Hải Tặc là một tiết mục hấp dẫn.

 Cua biển về đêm thường vào bờ, nép ven các vách đá để kiếm ăn, tìm bạn tình và sinh sản. Bạn sẽ được trang bị đèn ba pin cực mạnh để soi xuyên xuống mặt nước. Một cây chĩa hai có ngạnh, dài chừng hai thước.
 Khi soi gặp cua, bạn phải giữ tâm của ánh đèn chiếu ngay mắt cua. Mắt cua sẽ phản chiếu lại ánh sáng đỏ hồng như hai hạt lựu, trong suốt. Chúng sẽ bất động “ăn đèn”.
Bạn nhắm theo luồng ánh sáng và phóng chĩa vừa tầm cho thật ngọt và êm.

 Nếu săn tìm và đâm giỏi, một đêm trúng có thể thu được vài ký cua biển đem về nấu cháo hoặc hấp bia nhậu lai rai.
Sau một giấc ngủ ngon, không mộng mị giữa tiếng sóng biển rì rào, chúng tôi khoan khoái dậy sớm ngắm mặt trời vừa mới nhô lên ở phía quần đảo Bà Lụa, vượt qua Dốc Miếu thoai thoải đổ xuống Bãi Dừa thơ mộng. Một không gian hoang sơ hiện ra với khoảng trời biển bao la, tĩnh lặng. 

Trên núi, ven rừng thỉnh thoảng có tiếng chim được đặt tên nghe rất lạ như “lấu lấu” hay “bắt cô trói cột” hót lên lảnh lót, vang động rồi yên ắng chìm sâu giữa biển, rừng tịch mịch…

                   Cướp biển,  nghe “chuyện ngày xưa”
Trong tiếng sóng biển vỗ oàm oạp, nghe chú Tư “xe tăng”, một ngư dân cố cựu, kể: “Ông nội tôi nói lại hồi đó trên đảo này có đảng cướp “Cánh Buồm Đen”. Bọn cướp chủ yếu “đánh” những tàu buôn đi ngang vịnh Hà Tiên - Rạch Giá. Trên cột buồm của tàu “Hải Tặc” thường treo cây chổi có ý quét sạch tàu qua lại. “Cánh Buồm Đen” hoạt động trên một vùng biển rộng lớn của vịnh Thái Lan… Đến bây giờ, người ta vẫn đồn râm ran về một kho báu được bọn cướp biển chôn giấu đâu đó trên quần đảo…Chuyện kể rằng từng có người đến đây để đào kho báu vào một buổi chiều tháng 3-1983, ngư dân xã Tiên Hải đã vây bắt được hai người này.

 Họ khai có một tấm bản đồ được vẽ cách đây 300 năm của dòng họ truyền lại, chỉ dẫn tới kho báu mà hải tặc chôn giấu!
 Chuyện trở nên ly kỳ hơn khi hồi đầu năm 2009, một số ngư dân lặn tìm ốc, hải mã tình cờ gặp một số lượng khá lớn tiền đồng cổ…”. Ngày nay chuyện cướp biển ở quần đảo Hải Tặc chỉ còn là quá khứ. Hòn Đốc đã hoàn toàn thay da đổi thịt.
 Xã đảo Tiên Hải đã có trường cấp 2, trạm xá, bưu điện, đường giao thông quanh đảo. Ngư dân có một cuộc sống ấm no.
 Khách tham quan, du lịch tìm đến đảo ngày một đông. Đã có nhiều dự án đang được phat' triển  ở đây.
 Ra đảo Hải Tặc dứt khoát phải thử món ghẹ tươi hấp bia! 
Theo kinh nghiệm của ngư dân địa phương, ghẹ ngon là những con thật chắc, to cỡ bốn ngón tay, bấm vào yếm không lún.
 Ghẹ rửa sạch, cho vào nồi, đổ chừng một lon bia hấp với củ sả đập giập.
 Ghẹ hấp bia khi chín sẽ có màu vàng gạch tôm quyện với hương vị thơm lừng của bia, sả. Ghẹ hấp bia phải ăn lúc còn nóng.
 Gạch béo ngậy cùng vị cay nhẹ của muối tiêu chanh, thấm vào miệng lưỡi mà theo ngôn ngữ “dân nhậu” là ngây ngất củ tỏi.
 Ăn ghẹ cũng là một nghệ thuật, phải từ từ bóc yếm, bóp vỡ càng, gỡ thịt, nhấm nháp lai rai… Ghẹ ở đây có khối thịt nhỏ màu trắng hồng, chắc lẳn, to bằng ngón tay út, ăn vào thơm, ngọt thấm dịu cả đầu lưỡi.
                                                                             Đặng Hoàng Thám

                     

Hoa xương rồng khoe sắc


Em và mùa thu


Lâu lắm rồi em mới dành tặng cho mình những giây phút thong thả dạo bước trên con đường với chiếc lá thu đang bay nhè nhẹ.
 Em nghĩ, lúc này  khoảng lặng rất cần thiết với em. Đã đến lúc, bộ óc phải được nghỉ ngơi để suy nghĩ, cân nhắc mọi chuyện được sáng suốt hơn. Đã đến lúc, tâm hồn cần thoải mái, phiêu một chút để có thể bay bổng với cuộc đời.
 Cần thiết lắm chứ, nếu không có những phút giây như vậy thì cuộc sống này sẽ mệt mỏi, buồn chán và tẻ nhạt biết bao. 
Mùa thu lúc nào cũng đẹp và dịu dàng trong mắt em, thu "hợp" với lòng em… Và thật có duyên khi tình yêu của em cũng ươm màu nảy lộc bắt đầu từ mùa thu.
 Mùa cây thay lá, những chiếc lá khiêm nhường nghiêng mình rời khỏi cành. Em không thấy sự buồn đau nào trên khuôn mặt của lá, hình như chỉ có chút vương luyến cuối cùng. Lá chấp nhận tuân theo quy luật của thời gian, lìa xa cành để một ngày kia những lộc non xanh biếc sẽ trỗi dậy thay thế, dâng hiến hết mình cho cuộc đời.
Cũng vì cách cảm nhận như thế, mùa thu mang đến cho em cảm xúc nồng nàn ấm áp, chứ không phải một nỗi buồn vu vơ theo gió.
Con đường nhỏ ồn ào mà hàng ngày em vẫn vội vã lướt xe qua, hôm nay sao dễ thương đến lạ theo từng bước chân nhẹ nhàng của em.
 Thường ngày, em đã không kịp cảm nhận mặt nước hồ Tam Bạc rất phẳng lặng và yên bình, em không kịp thấy những bông hoa trắng tinh khiết đang nép mình bên đường đã mang lại hương thơm ngào ngạt  trong lòng phố.
 Càng  ngắm nhìn thu ở khoảng trời này càng thấy đắm say, em giống như một chàng trai đang soi mình vào đáy mắt của một cô gái, rồi trái tim chàng cũng chìm vào đôi mắt ấy, mê mẩn không muốn rời ra. Hàng liễu bên hồ vào thu  xanh mướt, cái màu xanh yểu điệu mà ngọc ngà duyên dáng. 
Hồ thu đẹp quá, bảo sao các thi sĩ lại giàu cảm xúc đến vậy khi mùa thu gõ cửa.
Thật là những cảm xúc êm ái tuyệt vời… tự dưng em muốn con đường này là vô tận. Để bước chân em có thể cảm nhận từ từ hơi thở của mùa thu trong thành phố.
 Em sẽ ru mình rơi  mãi trong những phút bình yên như thế! Sẽ đau đầu lắm khi phải trở về  đối diện với những rắc rối, đua tranh, va chạm,… trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Mặc dù em biết có như thế mới tạo nên một cuộc đời rất thực, và cũng không phải em yếu đuối muốn trốn chạy gì đâu.
 Chỉ là hôm nay, em thấy thực sự cần một khoảng lặng cho mình. Và thật may cho em, đúng lúc em lạc bước trên con đường thì mùa thu vừa ngang qua phố. Em và mùa thu chắc là có duyên từ lâu lắm rồi.
Thôi đi những đắn đo… xin hãy để cho em ngày hôm nay, chỉ ngày hôm nay được bồng bềnh cùng gió, vẩn vơ cùng mây.
 Hãy để cho tâm hồn em được nhẹ nhõm phơi mình cùng mùa thu tri kỷ.
 Dẫu biết rằng, ngày mai với em sẽ là con đường dài với những ồn ào của cuộc sống…
                      
                                                                    Hoa Bất Tử

                                                             

                                                                

LIFE + STYLE with Thuỳ Dương


Sài Gòn Rong Chơi Ký -Vũ Hoàng Chương


Trên phương diện học thuật, không ai có thể phủ nhận Vũ Hoàng Chương là một trong những cây đại thụ của thi ca Việt Nam cận đại.
Theo nhận định của nhiều nhà phê bình văn học thuộc nhiều thế hệ, so với các nhà thơ đồng thời, thơ Vũ Hoàng Chương có những nét riêng trau chuốt từng câu, từng chữ, giàu nhạc điệu, nhẹ nhàng, sâu lắng, lãng mạn và sang trọng.
Ông sinh ngày 5/5/1916 tại làng Phù Ửng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Nam Định (nay thuộc về Hưng Yên). Vũ Hoàng Chương đỗ tú tài Pháp năm 1937.
Sau đó, theo học Trường Luật rồi cử nhân toán tại Hà Nội, nhưng tất cả cũng chỉ được một vài năm rồi bỏ, để theo nghề dạy học và làm thơ cho đến cuối đời.
Năm 1954, ông di cư vào Nam, tiếp tục dạy văn ở một số trường trung học, và Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Vũ Hoàng Chương mất ngày 6/9/1976, khi vừa tròn tuổi 60.
Tôi là một người may mắn, khi có một thời gian được tiếp xúc và gặp gỡ thi sĩ Vũ Hoàng Chương dường như mỗi ngày.
Đó là vào khoảng cuối năm 1973, đầu năm 1974, khi vợ chồng ông đang tá túc tại nhà nữ sĩ Mộng Tuyết, trong một căn phòng được ông gọi là “gác mây”, nằm cuối đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận).
Lúc bấy giờ, tôi đang giữ trang thơ của nhật báo Sóng Thần. Một buổi sáng, vừa bước vào tòa soạn ở số 133 Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi), đã thấy nhà văn Chu Tử (chủ bút) đang ngồi uống trà với Ngọc Thứ Lang (người dịch cuốn Bố Già) và nhà thơ Hoàng Trúc Ly.
Bỗng dưng có ai đó nhắc đến thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nói ông đang bệnh nặng.
Không hỏi thêm một câu nào, ông Chu Tử quay sang ra lệnh cho tôi, xuống ban Trị sự, lấy tiền mua vài lạng thuốc phiện đem biếu cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Nghe thế, tôi rất vui khi biết mình sắp được gặp gỡ nhà thơ lớn mà mình ái mộ từ lâu, nhưng chỉ nghe danh chứ chưa được diện kiến lần nào. Dọc đường, tôi cứ phân vân không biết phải xưng hô với thi sĩ Vũ Hoàng Chương như thế nào cho phải phép.
Cuối cùng, tôi quyết định sẽ gọi ông bằng thầy và xưng em là ổn nhất.Không có gì khó khăn để tôi tìm ra nhà nữ sĩ Mộng Tuyết.
Gọi là “gác mây”, cái tên nghe rất thơ mộng, nhưng thật ra, đó là một căn phòng nhỏ, chỉ hơn 20 thước vuông, không có lấy một thứ đồ đạc nào đáng giá.
Trên một chiếc đi văng bằng gỗ, được trải mấy tấm chiếu hoa, Vũ Hoàng Chương ngồi tựa lưng vào vách, gầy gò và mệt mỏi.
Trên khuôn mặt xanh xao là một cặp kiếng trắng dày cộm. Trước mặt ông là một tờ báo và một chiếc kính lúp, mỗi khi đọc, ông phải soi từng dòng.
Ngồi trên chiếc ghế kê sát cửa ra vào là bà Thục Oanh, vợ của ông, một người đàn bà với vẻ bên ngoài rất bình thường, nhưng lại có đời sống rất phi thường.
Bởi lẽ, bà còn là chị ruột của thi sĩ Đinh Hùng. Suốt đời người đàn bà này là chỗ dựa của hai nhà thơ lớn mà ngoài tánh khí thất thường ra, cả hai còn là những con nghiện á phiện rất nặng từ khi còn rất trẻ, nhưng chẳng bao giờ làm ra được nhiều tiền.
Vì thế, mà bà Thục Oanh âm thầm chịu đựng cảnh túng thiếu, cắn răng lo cho hai nhà thơ lớn của Việt Nam mà chẳng hề ta thán.
Thấy tôi xuất hiện, bà Thục Oanh đứng dậy chào khách và hỏi tôi muốn tìm ai?
Tôi nói ngay: “Ông Chu Tử nhờ em đem biếu cho thầy ít quà”.
Tôi trở nên hụt hẫng khi nghe Vũ Hoàng Chương nói, cho dù giọng ông chậm rãi và nhỏ nhẹ: “Chu Tử là ai?
Hình như tôi không quen người này, nhưng tại sao lại biếu quà cho tôi, mà quà gì thế?”. Khi nghe tôi nói tới thuốc phiện, nét mặt ông rạng rỡ hẳn lên.
Tôi ngồi xuống mép đi văng, đặt hai lạng thuốc phiện lên tờ báo cũ mà ông đang đọc dở.
Như bị ma lực của nó thu hút, ông cầm lên, mở ra, vẻ thích thú của một tay sành điệu: “Thuốc Thượng Lào, sản phẩm hảo hạng đây”.
Thế là câu chuyện giữa tôi và thi sĩ Vũ Hoàng Chương trở nên thân mật hơn.
Ông nói, mỗi ngày ông vẫn có thú vui đọc báo, nhưng chỉ đọc được một tờ, bởi không có đủ báo.
Tôi hứa, mỗi ngày sẽ mang đến cho ông đủ các loại nhật báo phát hành trong ngày.
Để cho ông yên lòng, tôi nói, mỗi ngày tôi thường đi ngang qua đây, nên rất thuận đường.
Nói thế là vì tôi mong được kết thân với ông, chứ chẳng có viếc gì phải cần đến khu vực này cả.
Ông nhận lời một cách vui vẻ, và từ đó, chiều nào tôi cũng mang báo đến cho ông, rồi ngồi chuyện trò với nhau đủ mọi thứ chuyện trên đời, rồi thành thân thiết.
Vài tuần sau, một lần Vũ Hoàng Chương bất chợt nhắc đến sức khỏe nhà văn Chu Tử.
Nhân đó, tôi hỏi, dường như ông và Chu Tử cũng quen nhau, nhưng giữa hai người có điều gì đó lấn cấn?
Ông thú thật là có quen biết.
Nhưng do mâu thuẫn gì đó với Chu Tử, nên thôi. Còn như Chu Tử có xúc phạm Vũ Hoàng Chương hay không, cũng chẳng ai biết hư thực ra sao, bởi đó cũng chỉ là thị phi của người đời.
Có những buổi chiều khi tôi đến thì bà Thục Oanh vắng nhà.
Tôi tự pha trà và ngồi đối ẩm với thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Tôi hỏi ông về chuyện tình yêu và những bài thơ đau tình bất hủ của ông.
Nét mặt ông trở nên buồn vời vợi, nói như nói với chính mình: “Năm tôi 25 tuổi thì Tố Uyển đi lấy chồng, tôi đã như điên, như cuồng.

 Người ta biết nhiều đến chuyện tình ly cách và những bài thơ tôi làm cho Tố Uyển giai đoạn này, đặc biệt là hai câu mà nhiều người thuộc:
Tình ta, ta tiếc cùng ta khóc -
Tố của Hoàng, nay Tố của ai…


 Ông nói tiếp: Thật ra còn có một người phụ nữ nữa, cũng làm cho tim tôi và thơ tôi rỉ máu, nhưng ít được người ta nhắc tới hơn:

Kiều Thu hề! Tố em ơi
Ta đang lữa đốt tơi bời mái tây…
Tôi hỏi: “Thế còn cô Thục Oanh?”.
Ông nói: “Đó là một người bạn đời, người chia ngọt sẻ bùi, tuy không phải là người tình nhưng còn hơn cả người tình”.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương thường nói với tôi là ông không có bạn. Nhưng theo tôi nhìn thấy thì ông sống rất tình nghĩa.
Có lần ông hỏi tôi có thường gặp Ngọc Thứ Lang không?
Tôi nói rất thường gặp. Sáng nào cũng thấy anh ngồi ở quá cà phê trước tòa soạn báo Sóng Thần.
Dạo này trông anh rất yếu và hay đau ốm. Thế là chẳng nói, chẳng rằng, ông lấy trên đầu nằm ra một cục thuốc phiện, cắt làm đôi, gói cẩn thận bằng một mảnh giấy kiếng màu cam, rồi trao cho tôi, dặn dò: “Đưa cho Ngọc Thứ Lang và đừng nói gì cả”.

Một buổi chiều khác, tôi gặp Lê Cung Bắc (nay là đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc) tại tòa soạn, và rủ anh ghé Vũ Hoàng Chương chơi.
Lê Cung Bắc nhận lời ngay, bởi anh cũng là người yêu thơ và rất ái mộ thơ Vũ Hoàng Chương. Đó là một buổi gặp gỡ hết sức thú vị.
Trước khi theo tây học, Vũ Hoàng Chương từng học chữ Nho nhiều năm, thuộc loại uyên bác.
Còn Lê Cung Bắc lại xuất thân trong một gia đình khoa bảng, mấy đời ông cha liên tục đỗ đầu các đại khoa dưới triều Nguyễn.
Do đó, anh cũng rất tinh thông Tứ Thư, Ngũ Kinh,… từ hồi còn rất trẻ. Đặc biệt, Lê Cung Bắc thuộc làu rất nhiều bài Đường thi, và cả những bài từ, bài phú.
Thế là một già, một trẻ, hết đọc rồi bình thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, đến Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu… say sưa cho đến sẩm tối.

 Vũ Hoàng Chương nói, ông tuy đã già nhưng tâm hồn còn rất trẻ, nên rất thích chuyện trò với những người bạn trẻ có được kiến thức như Bắc.
Ông dặn tôi, thỉnh thoảng nhớ rủ Lê Cung Bắc đến thăm ông, để chuyện trò cho đỡ buồn.
Khi chia tay, ông rời đi văng bước ra cửa tiễn chúng tôi bằng những bước đi không vững, để bày tỏ lòng mến khách.
Ông nói: “Lâu lắm không bước ra đường, chẳng biết phố xá dạo này ra sao?”.
Lê Cung Bắc trả lời: “Phố xá thì vẫn thế. Lập tức thi sĩ Vũ Hoàng Chương ứng khẩu, đọc liền hai câu:

Thế mà cứ chúc muôn năm mãi
Nó sống lâu thì nước chết non.
Ra đầu đường, Lê Cung Bắc nói với tôi, quả thật, nếu cứ nhìn vào cái thân xác gầy còm, yếu ớt đó, không ai ngờ tiềm ẩn trong tim là ngữ khí ngất trời.
Điều làm tôi cảm động nhất, là vào một buổi chiều cuối năm 1974, khi tôi đến với ông như thường lệ đã thấy trước mặt ông là một tập sách mỏng.
Ông cầm lên đưa cho tôi và nói: “Đây là quà của tôi biếu anh, một trong những người rất hiếm hoi mà tôi quý mến”.
Tôi lật ra, cứ tưởng như mơ. Đó là một tập thơ của Vũ Hoàng Chương, do chính ông viết bằng đầu tăm, chấm mực tàu viết lên giấy bổi.
Tập thơ có cái tựa là Song Kiều, ngoài bìa Vũ Hoàng Chương viết tặng đích danh tôi, có chữ ký và triện son hẳn hoi, nhưng chỉ dày hơn 20 trang, mỗi trang có 4 câu lục bát, vì nét chữ rất to.
Dĩ nhiên là tôi vô cùng sung sướng. Cái công mỗi ngày tôi vẫn mang báo đến tặng ông rõ ràng không bỏ.
Đầu năm 1975, khi chuyển nhà đi nơi khác, vì không ổn định chỗ ở, tôi đã mang tập thơ quý giá, với chỉ một ấn bản duy nhất đó, cùng một ít tư liệu riêng, gởi gắm cho nhà thơ Huy Tưởng trên đường Huỳnh Tịnh Của.
Về sau tôi hỏi, thì Huy Tưởng nói đã nhiều lần cố lục tìm trong đống sách vở và đồ đạc lỉnh kỉnh trong nhà anh, nhưng chẳng biết thất lạc ở đâu. Thế là mất!
Một thời gian sau, thi sĩ Vũ Hoàng Chương rời khỏi “gác mây”, dọn về Vĩnh Hội.
Từ đó, cho đến lúc ông qua đời vào năm 1976, vì bộn bề công việc, tôi không đến với ông được nữa.
Ngay cả khi ông nhắm mắt, tôi lại ở thật xa thành phố, nên cũng không thể đến thắp cho ông một nén nhang như lòng tôi mong ước.
Tôi nghĩ, cho dù quá nhiều thăng trầm ở đời này, hạnh phúc thì ít, khổ đau thì nhiều, nhưng có lẽ thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đã mỉm cười ra đi bởi ông đã thấm đẫm tinh thần Phật giáo như lời thơ ông:

Biển khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một mái thuyền chơi
Thuyền ai ngược sóng, ai xuôi sóng
Cũng chỉ trong cùng biển khổ thôi.

                                    

                                      Đoàn Thạch Hãn



Lạc quan trong cuộc sống

 Lạc quan là một điều cần thiết để đạt được thành công và nó cũng là một nền tảng của lòng can đảm và và sự tiến bộ 
- Nicholas Murray Bulter.

Nhà chúng tôi nằm đối diện ngay lối vào của bệnh viện John Hopkins ở Baltimore. Cả gia đình chúng tôi sống ở tầng dưới và để dành phòng tầng trên cho các bệnh nhân thuê ở trọ.
 Vào một buổi tối nọ, tôi đang nấu súp cho bữa chiều thì nghe tiếng gõ cửa. 
Tôi bước ra và nhìn thấy một người đàn ông vô cùng xấu xí đứng trước nhà mình. "Tại sao ông lại chỉ cao hơn đứa con trai lên tám của tôi một chút", tôi nghĩ vậy khi nhìn thấy thân hình co quắp và nhăn nheo của ông. Nhưng khuôn mặt ông ta mới thực sự là đáng sợ, nó tấy đỏ và méo xệch.
Nhưng giọng nói của ông lại rất dễ mến: "Xin chào, tôi đến để hỏi xem bà có còn phòng trống nào để nghỉ hay không, chỉ một đêm nay thôi.
 Tôi từ vùng biển phía đông đến đây điều trị và phải đến sáng mai mới có chuyến xe về". Rồi ông kể đã đi tìm phòng suốt từ trưa đến giờ nhưng ai cũng bảo không còn phòng trống nào cả. "Tôi nghĩ đó là do gương mặt mình. 
Tôi biết trông nó rất đáng sợ nhưng bởi bác sĩ nói chỉ cần điều trị thêm vài lần nữa là sẽ khỏi nên tôi luôn cố gắng".
Thoáng chút do dự, nhưng câu nói tiếp theo của ông ấy đã thuyết phục tôi: "Tôi ngủ trên ghế ở ngoài sảnh cũng được, vì xe buýt sẽ chạy rất sớm mà".
 Tôi bảo sẽ tìm cho ông một cái giường đàng hoàng chứ không thể để ông ngủ trên ghế được.
 Trở lại bếp để hoàn thành bữa tối của mình, sau đó tôi mời ông cùng ăn với cả nhà. "Ồ, không cần đâu. Tôi có nhiều thức ăn lắm". Ông nói và giơ lên một chiếc túi giấy màu nâu.
Nấu ăn xong, tôi đến chỗ hành lang và nói chuyện với ông rồi nhanh chóng nhận ra trong cơ thể nhỏ bé này là cả một tấm lòng thật bao la.
Ông kể mình làm công việc đánh cá để chu cấp cho con gái, 5 đứa cháu ngoại và anh con rể đã hoàn toàn tàn phế sau một tai nạn. Trong giọng nói của ông chẳng hề có chút gì gọi là oán than, mà dường như lại ẩn chứa lòng biết ơn. 
Ông biết ơn vì căn bệnh của mình không hề gây đau đớn và cảm ơn vì thượng đế đã cho ông thêm lòng tin để tiếp tục cuộc sống.
Đến giờ đi ngủ, tôi đặt một chiếc giường xếp vào phòng của bọn trẻ cho ông.
 Sáng hôm sau, khi thức dậy, chúng tôi thấy khăn trải giường được xếp lại gọn gàng còn ông lão đã ở ngoài sảnh. Từ chối bữa sáng, và trông có vẻ hơi do dự, ông nói: "Tôi có thể trở lại đây vào lần điều trị tới được không.
 Tôi sẽ không gây phiền hà gì cho anh chị đâu. 
Tôi có thể ngủ trên ghế được mà". Ông dừng lại một chút rồi tiếp lời: "Các cháu của anh chị làm cho tôi có cảm giác như đang ở nhà. Người lớn thì khó chịu với gương mặt của tôi nhưng bọn trẻ thì dường như chẳng bận tâm gì đến chuyện đó"
. Tôi bảo, ông luôn được chào đón trở lại ngôi nhà này.
Lần thứ hai, ông trở lại vào buổi sáng, mang theo quà cho chúng tôi là một con cá lớn và một bình đựng đầy những con hàu to nhất mà tôi chưa từng thấy bao giờ.
 Ông bảo mình chỉ mới vừa lột vỏ chúng sáng nay trước khi đi vì như thế chúng sẽ tươi hơn.
 Chuyến xe của ông chạy từ hồi 4 giờ sáng vậy mà không biết ông đã thức dậy lúc mấy giờ để làm tất cả những việc này. 
Trong suốt những năm trú ngụ qua đêm tại nhà tôi, chưa bao giờ ông đến mà không mang theo cho gia đình tôi một thứ gì đó.
Thỉnh thoảng, tôi còn nhận được những món quà qua đường bưu điện. Từ nhà ông đến bưu điện phải đi một đoạn khá xa, và ông lại còn phải tốn rất nhiều tiền để gửi những thứ tươi sống như vậy cho chúng tôi, thành thử những món quà của ông còn giá trị gấp đôi. Có lần người hàng xóm của chúng tôi nói: "Chị đã cho ông già gớm ghiếc đó trọ qua đêm phải không?
 Còn tôi thì đã từ chối ông ta. Chị có thể mất khách nếu để cho những người như vậy ở trọ trong nhà mình". Cũng có thể chúng tôi đã để mất khách một hay hai lần gì đó.
 Nhưng một khi họ đã hiểu về ông thì chắc chắn những suy nghĩ đó sẽ không còn.
Cả gia đình tôi luôn biết ơn vì đã may mắn được quen biết ông. Chúng tôi đã học được một điều rằng, trong cuộc sống, không phải lúc nào ta cũng gặp được những điều may mắn.
 Cái quan trọng là chúng ta phải biết sống lạc quan và sẵn sàng đón nhận mọi điều rủi ro xảy đến chứ không phải chỉ biết than thân trách phận.
                                              Haley 
                           dịch từ Inspirationpeak )

Tình Ca VN-Nhạc Chủ đề Trên Radio ( ttheo -end)


Những ca khúc ấy khiến người ta bâng khuâng tự hỏi:
“Biết đâu có một ngày ở hai phương trời cách biệt mà cũng đều là đất khách quê người, có đôi tình nhân cũ tuy xa nhau hàng ngàn dặm nhưng đang cùng chia xẻ với nhau một thanh âm quen thuộc, để nhắn nhủ nhau rằng
“ Tình Ca - những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau...”
“Tôi Muốn Nói Với Em” (2001) là tuyển tập ca khúc thứ hai của Nguyễn Ðình Toàn, sau tuyển tập “Hiên Cúc Vàng” [1999] với 10 ca khúc đánh dấu những ngày đầu tiên khi tác giả đặt chân tới nước Mỹ. Và tiếp theo đó là tuyển tập thứ ba:
“Mưa Trên Cây Hoàng Lan” (2002)
Một trong những ca khúc của tuyển tập này, được trình bày qua giọng hát Khánh Ly, mang tên “Nước Mắt Cho Sài Gòn”, với những lời hát mà ngay từ đầu năm 1976 đã trở thành rất quen thuộc với thính giả hải ngoại, nhưng dường như chỉ được biết đến dưới tựa đề bài hát “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của một tác giả khuyết danh.
Cũng như Hà Nội, Sài Gòn trong lời giới thiệu “Nhạc Chủ Ðề” có thể chỉ là một nơi chốn kỷ niệm nào đó - “một thành phố nơi người ta đã yêu nhau”.
Nhưng đối với tác giả bài hát, và đối với cả một thế hệ những người yêu quý ông, Sài Gòn giống như một chiếc hộp thần bí mà Pandora đã vô tình mở ra, và những oan khiên thống khổ tràn ngập không gian là cái giá phải trả cho những hạnh phúc tuyệt vời mà người ta nhận từ thế giới huyễn hoặc của một thời tuổi trẻ.
Sài Gòn là nơi từ đó, suốt thập niên 60, qua làn sóng điện giữa đêm khuya thanh vắng, chương trình “Nhạc Chủ Ðề” đã gửi đến thính giả những viên ngọc trác tuyệt nhất của kho tàng tình ca Việt Nam, những sáng tác bất hủ của Ðoàn Chuẩn, Ðặng Thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bích, Lâm Tuyền, ...
Mỗi bài hát là tặng vật vô giá mà chỉ riêng các cặp tình nhân Việt Nam mới có thể chia sẻ cùng nhau.
Sài Gòn cũng là nơi mà Nguyễn Ðình Toàn đã viết lên những ca khúc của chính ông, đầy chất thơ và miên man tình tự, ghi lại dấu vết những cuộc tình không may ...

Trong những năm tháng nhọc nhằn cùng khổ, đầy bất trắc ấy, giữa một thành phố yêu dấu đã bị mất tên, có những người bạn thầm thì với nhau “Nước Mắt Cho Sài Gòn”, để nhớ...
Rồi cơn sóng thời gian lại cuốn đi, hết thập niên 70, rồi hết thập niên 80, cuộc bể dâu tiếp tục vùi dập từng mảnh đời, chia xa những thân tình, thử thách những số mệnh, như âm vang của một lời tiên tri nhẹ nhàng nhưng đau đớn:

“Này đường xưa tôi đi
Khóm cây bao lần thay lá nhớ
Dòng đời trôi quanh co
Có khi xui người lỗi hẹn hò...”

Dường như mỗi bài hát mà Nguyễn Ðình Toàn đã viết và mang theo khi ông rời xa quê hương là dấu vết còn sót lại của một thời mà người ta cùng nghe với nhau và hát cho nhau nghe những bản tình ca.
Những bài hát ấy rất buồn, mỗi lời hát có thể như một tiếng thở dài chua xót, nhưng đó là ngôn ngữ của tình ca, của hạnh phúc và khổ ải quyện lẫn với nhau thành tặng phẩm của trần gian.
Như ai đã nói:
“Chẳng có gì khác biệt giữa những giọt lệ khóc thương và những giọt lệ mừng vui”, biết đâu mỗi kỷ niệm đắng cay âm thầm chứa đựng một phút giây hạnh phúc?
Và nếu Sài Gòn - như lời hát viết cho một người tình đã mất tên - chính là chiếc hộp oan nghiệt mà Pandora đã mở ra, thì người ta cũng có thể nhắc nhở nhau rằng chiếc hộp ấy đã được đóng lại sau khi tất cả những thống khổ và bất hạnh đã tràn ngập không gian,
Và nơi đáy hộp vẫn còn sót lại một tặng vật cuối cùng, mang tên hy vọng, để Sài Gòn sẽ không mãi mãi chỉ là một “Quê Hương Thu Nhỏ” trong lòng người viễn xứ.

                  Đào Trường Phúc


Tình Ca VN-Nhạc Chủ đề Trên Radio


“Tình ca- những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - Bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau...
Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta”...“Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó:



Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ...
Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố”...
Ðó là những lời mở đầu một chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn, một buổi tối thứ năm nào đó của thập niên 60.
Nguyễn Ðình Toàn đọc những lời giới thiệu ấy sau phần nhạc hiệu của chương trình, và tiếp theo là những giọng hát và những ca khúc chọn lọc đến với thính giả
- Giọng hát Duy Trác và “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, giọng hát Thái Thanh và “Giáo Ðường Im Bóng” của Nguyễn Thiện Tơ, giọng hát Sĩ Phú , “Trở Về Dĩ Vãng” của Lâm Tuyền, giọng hát Lệ Thu và “Bóng Chiều Tà” của Nhật Bằng, giọng hát Khánh Ly và “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy...
Những lời giới thiệu ấy, những lời ca tiếng hát ấy dội vào tâm tư của cả một thế hệ Việt Nam, một thế hệ lớn lên trong bối cảnh của những cơn binh lửa nối tiếp nhau trên quê hương.

Và kỳ lạ thay, đến bây giờ những ca khúc ấy vẫn ở lại trong ký ức họ, cho dù nhiều năm tháng đã trôi đi, bao nhiêu khuôn mặt đã xa khuất, một cuộc chiến đầy cay đắng đã tàn để nhường chỗ cho một thảm kịch khởi đầu, một thế hệ đang lùi dần vào quá khứ trong khi nhân loại đón chào một thiên niên kỷ mới...
Nếu như đối với các thính giả ái mộ “Nhạc Chủ Ðề” của thập niên 60, chương trình phát thanh ấy là một thư viện cất giữ giùm cho họ những trang sách kỷ niệm vô giá của tuổi thanh xuân hay một thời yêu đương, thì đối với sinh hoạt văn nghệ nói chung,
“Nhạc Chủ Ðề” là nhịp cầu tiếp nối giữa dòng nhạc tiền chiến và dòng nhạc sau cùng của miền Nam tự do.
Chất nối kết hai dòng nhạc ấy là tình yêu, cho nên cuộc hành của “Nhạc Chủ Ðề” chính là cuộc hành trình của tình ca Việt Nam, dọc theo những năm tháng oan trái nhất của lịch sử...
“Tình Ca Việt Nam” là tựa đề của băng nhạc đầu tiên và duy nhất do người khai sinh chương trình “Nhạc Chủ Ðề” - nhà văn Nguyễn Ðình Toàn - thực hiện vào năm 1970.

Ngày đó trên quê hương chúng ta, compact disc và video chưa xuất hiện, mới chỉ có hình thức“bande magnetique”, và các phòng thâu băng cũng chưa có những thiết bị kỹ thuật tối tân để lọc âm thanh, ghép tiếng hát...
Giữa giông bão chiến tranh, trong nỗi mong manh bọt bèo của thân phận con người và số phận đất nước
Những ca khúc bất hủ của kho tàng tình ca Việt Nam được ghi lại và cất lên qua những giai điệu tuyệt vời nhất, vào giai đoạn thăng hoa nhất của những tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú, Võ Anh Tuấn
Qua tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Ðan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Ðào Duy... tiếng clarinette của Ðỗ Thiều và Lê Ðô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây...
Hơn ba mươi năm sau, khi khối người Việt Nam lưu lạc nơi hải ngoại đã chuyển tiếp từ thế hệ thứ nhất qua thế hệ thứ hai, rồi thế hệ thứ ba, “Tình Ca Việt Nam” mới được in và phát hành lần đầu tiên dưới hình thức CD.
Nguyễn Ðình Toàn gửi đến thính giả mười lăm bài hát cũ của chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn, cùng lúc với tuyển tập ca khúc thứ hai do ông sáng tác “Tôi Muốn Nói Với Em”.
 Và như thế, phải chăng một nhịp cầu đã được nối trở lại?
Nhưng câu hỏi ấy đặt ra để làm gì nhỉ? Ba mươi quá đủ dài để dập vùi bao nhiêu cuộc đời, xé nát bao nhiêu giấc mơ, cuốn phăng bao nhiêu ân tình, nhưng vẫn chưa và có lẽ chẳng bao giờ xóa sạch được dấu vết kỷ niệm trên ký ức của những người đã lạc nhau trong một cuộc bể dâu.
Ba mươi năm trước, khi viết lời giới thiệu “Hướng Về Hà Nội”, Nguyễn Ðình Toàn nhắn nhủ rằng sự chia lìa hai thành phố trên cùng một đất nước cũng đớn đau y như cuộc phân ly giữa những cặp tình nhân sinh ra đời để yêu nhau.
Bây gờ đây, có những người mở mắt chào đời ở Hà Nội và trưởng thành ở Sài Gòn nhưng chẳng biết có còn được một ngày trở về để nhìn lại hai thành phố thân yêu ấy lần nữa hay không.
Sự chia lìa giữa người và người đã trộn lẫn trong cuộc phân ly giữa người và quê hương, cũng như những con sông đều trở thành dòng vĩnh biệt để chảy vào biển cả câm lặng.
Có bao giờ
Còn có bao giờ ta thấy lại nhau không?”

... Mỗi ca khúc ấy là hóa thân của một bài thơ, được viết trong đầu rồi hát trong tim, như sự mài dũa trí nhớ để chống chọi với một cơn mộng dữ. Nhưng dẫu cho đau buồn bao nhiêu và cay đắng chừng nào, những bài thơ ấy vẫn còn nguyên vẹn sự óng chuốt và mềm mại, cũng giống như những lời giới thiệu “Nhạc Chủ Ðề” của thập niên 60.

Thật là kỳ lạ khi mỗi câu thơ và lời hát này, sau bao nhiêu đợt sóng quay cuồng của định mệnh, vẫn có thể mang người ta trở lại với một ngày nắng vui hay một chiều mưa buồn, một buổi sớm mai trong mảnh vườn nhỏ của Hà Nội hay một đêm khuya hiu hắt trên đường phố Sài Gòn.
Nếu người ta tái ngộ với chính mình qua những dòng thơ “Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi” thì người ta cũng cảm thấy lòng trẻ lại với “Căn Nhà Xưa”.
 Cái rung cảm của năm nào
“Tay em lạnh để cho tình mình ấm, môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm, sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan, trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết” - vẫn trở lại đầy ắp trong lời thầm thì của mấy chục năm sau:
“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải, nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái...
Có những sớm em tìm đến, với những đóa hồng khép nép giữa vòng tay ôm...
Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng, đã đổi màu xanh lấy hương nồng...”
 

 

Dòng thơ tình tiến chiến



Bài Hát Mùa Thu

Hôm nay có phải là thu ?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về .
Cảm vì em bước chân đi,
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.
Ai về xa mãi cô thôn,
Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà ?
Ngày em mới bước chân ra,
Tuy rằng cách mặt, lòng ta chưa sầu .
Nắng trôi vàng chẩy về đâu ?
Hôm nay mới thực bắt đầu vào thu .
Chiều xanh trắng bóng mây xưa,
Mây năm xưa đã phiêu du trở về .
Rung lòng dưới bước em đi,
Lá vàng lại gợi phân ly mất rồi!

Trời hồng, chắc má em tươi,
Nước trong, chắc miệng em cười thêm xinh.
Em đi hoài cảm một mình.
Hai lòng riêng để mối tình cô đơn.
Hôm nay tưởng mắt em buồn:
Đã trông thấp thoáng ngọn cồn, bóng sương.
Lạnh lùng chăng, gió tha hương?
Em về bên ấy, ai thương em cùng?

                  Đinh Hùng 





Cỏ -

Giấy trắng quá

Mắt em trong quá
Liệu thơ tôi có xứng trắng trong này...
Đây đâu phải thơ
Chỉ là những tiếng tôi thì thầm lúc buồn khổ
Để nguôi đau, tôi chẳng muốn ai hay...
Nhưng em đã đến
Mắt trong và giấy trắng
Trưa Hồ Tây, mặt trời nở đỏ vườn
Chỉ một lý do ấy
Tôi đã không từ chối được
Hát cho em nghe những tiếng tôi nấc thầm...
Nếu em cứ bảo đó là thơ
Thì hãy coi thơ này hát lên từ lá cỏ

Lá cỏ vệ đường
Lá cỏ không tên
Người này lặng im nghe cỏ hát
Người kia xéo giày, dẫm đạp lên...
Nhưng không sao cả em ơi
Cỏ sinh ra là để gót giầy dẫm đạp
Để vô danh
Để xanh

Để hát

Phùng Quán