Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Ngôn Ngữ Huế - Hoàng Long Hải:


Người Việt Nam có câu tục ngữ “Ðất lề quê thói” hoặc văn vẻ như Hạ Tri Chương thì “Hướng âm vô cải” làm cho người ta không muốn thay đổi tiếng nói của mình.
 Ngay tại Huế, kinh đô của nhà Nguyễn trước đây, nơi có nhiều người từ địa phương khác, chẳng hạn như ông Phan Ðình Phùng người Hà Tĩnh, Phạm Phú Thứ người Quảng Nam, Bà Huyện Thanh Quan người Bắc một thời lâu dài đến Huế làm cung trung giáo tập, Phan Thanh Giản người Nam Bộ đầu tiên đỗ khoa thi tiến sĩ đến làm quan sinh sống thì tiếng nói của người dân ở các miền có lẽ nào không có ảnh hưởng đến tiếng nói của người Huế hay sao?
Ðến Huế năm 16 tuổi, tôi bị người Huế chê không những chỉ vì là “dân đất sét” (người Huế gọi là “đất sec” chữ C ở cuối thay vì chữ T như người Quảng Trị) mà còn vì tôi dùng nhiều tiếng nhà quê khác nữa.

 Thay vì gọi là “côông” (hai người khiêng một vật nặng bằng một cái đòn, người trước người sau) thì tôi gọi là “cò ke”, “sợi cao su” trong nam gọi là “cọng thun(g) thì tôi gọi là “chạc địu”.
 Vào Nam làm việc, tôi tập tiếng Nam kẻo không thì sợ đồng bào trong Nam cho rằng tôi là người... ngoại quốc.
Ở Trị Thiên, khi về miền quê, nên nói cái “trôốc” thay vì cái “đầu”, “trốc cúi” thay vì “đầu gối”.

 Nói thế đồng bào dễ hiểu hơn khỏi cần thông dịch viên. Nhưng khi nói chuyện với người Huế thì phải trở lại với cái “đầu”, “đầu gối” thì sẽ không bị chê là “dân nhà quê”.
Người Huế họ không nói “Huế ta” mà nói “Huế mình”.

  Nói với người Nam, tôi nói theo cách Huế là “ngoài tui” hay “ngoài tôi”, chỉ danh Huế thì nói là “Huế tui” hay “Huế tôi”.
  Nói với bạn bè Huế thì tôi nói là “Huế mình” hay “ngoài mình”.
Nhưng có gì khác giữa ta và mình?
Có chứ! Cứ so sánh:
“Một mảnh tình riêng ta với ta” của Bà Huyện Thanh Quan

Một mình mình biết, một mình mình hay” trong truyện Kiều của Nguyễn Du.
Người đọc sẽ thấy sự khác biệt giữa ta với mình.

 Mình khiêm nhường hơn, âu yếm hơn, thân thiết nhẹ nhàng hơn, và chơn chất hơn.
Khi bàn tới ngôn ngữ Huế, người ta thường quanh quẩn với “mô tê răng rứa” với “hí” hay “hỉ”.

  Tiếng Huế nhất là tiếng Huế của mấy bà mấy cô nhẹ nhàng, dễ mến hơn “mặn mà có duyên” hơn dù khi họ mắng nhau “Ðồ tinh le“quỷ sứ” hay đồ “Con Yêu Bánh Nậm” như tên một tác phẩm của Trần Kiêm Ðoàn.
 Ngay trong tác phẩm này của Trần Kiêm Ðoàn người ta gặp không ít tiếng Huế như thế: “tinh le”, “tinh đèo đèo”, “đồ yêu”, “đồ quỷ”, “hổ ngươi”, “ôốc dôộc”, “trổ trời mà lên”, “ác nhơn thất đức”, “làm bộ làm tịch” “làm tàng”, “giựt le”, “tội tình chi rứa”, “thiệt là ngụy, “hiện ngụy” v.v...
Người khi nói “nhìn”, họ gọi là “ngó” (ngó chi tôi đồ cỏ dại hoa hèn).

 Nếu có một anh con trai nào đó hay nhìn lén, hay nhìn lâu một cô gái Huế. Cô ta thấy “ôốc dôộc” và “làm đày” mà nói: “Nợ nần chi mà ngó nhau dữ dứa?”
Khi yêu ai, họ ít khi dùng chữ “yêu”. Có lẽ từ thập niên 1950, “văn minh” hơn, người ta mới nói “Anh yêu em” hay “Em yêu anh” hay “Hai người yêu nhau”. 

Trước đó, họ gọi là thương. “Anh thương em” hoặc ngược lại. Chẳng hạn như trong câu ca dao:

Ðường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Phá Tam giang ngày rày đã cạn
Truông Nhà Hồ Nội Tán dẹp yên.

...
Chữ “thương” hay hơn chữ “yêu”. Thương là cho hết, là hy sinh mà không đòi lui. Thương em là hy sinh cho em, có thể cả cuộc đời cho em nếu em về chịu về làm vợ, mà không so đo, kèn cựa em thương lại nhiều hay ít. Yêu thì ngược lại.
Về tiếng Huế, phải nói nhà thơ Hoàng Xuân Sơn đã đưa ngôn ngữ Huế vào thơ một cách tài tình. Ông không chỉ dùng tiếng Huế, mà còn đức cả những “thành ngữ Huế” vào thơ.

 Có lẽ một số người còn nhớ bài thơ “Huế Chi Lạ Rứa” sau đây của một cô nữ sinh lớp đệ tam trường Ðồng Khánh hồi cuối thập niên 1950:

Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc
Ngó chi tôi đồ cỏ dại hoa hèn
Nhìn chi tui hình đom đóm trong đêm
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch
Tui mơ ước có bao giờ tuyệt đích
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ
Rồi ngó tui chi lạ rứa hững hờ
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch


Vì là chốn kinh đô, nơi vua chúa, quan quyền sinh hoạt, vào ra thưa bẩm, cúi đầu vòng tay, khi đi tay không đánh xa vung vẩy, chân bước nhẹ nhàng, chậm rãi, không chạy nhảy la hét... Tất cả những điều đó có ảnh hưởng đến cách nói năng của người Huế.

 Ngoài ảnh hưởng vua quan ấy, còn nhiều ảnh hưởng khác nữa: Phật Giáo, Nho Giáo khá sâu đậm. 
Cái “nhu hòa” của đạo Phật, cái “khuôn phép” của đạo Nho tất không chấp thuận những cách nói năng “dao to búa lớn”, nhất là đối với đàn bà con gái; con gái thường phải tập công, dung, ngôn, hạnh.
 Dĩ nhiên, không ai có thể nói toàn bộ mọi người là như thế, nhưng những ảnh hưởng nói trên với số đông người Huế không thể là không có được.
Bên cạnh những “nhu hòa nhã nhặn đó, không thể không có “giọng nói vua quan” mà người Huế thường gọi chung là “giọng các mệ”.
Ðến Huế, ở tại nhà một người bà con tôi gọi bằng chú thím. 

Tôi ngạc nhiên và cảm thấy ghê ghê khi bà thím mắng yêu đứa con trai út của bà: “Quất cho một roi đứt cái đầu”.
 Các thành ngữ “chèm đầu bây chừ”, “chém đầu cho tau” là tiếng các mệ dùng để mắng thiên hạ.
Trong cuốn “Nếp Nhà” của Bửu Kế, ông có thuật câu chuyện một mệ (ông Bửu Kế cũng là mệ đấy!) ngày xưa giàu có lắm, nay thời thế đổi thay, “sa cơ lỡ nghiệp”, nhưng “giọng các mệ” thì vẫn còn y chang.

 Một hôm, đói quá mệ xin người quen hai hào để mua một củ khoai ăn cho đỡ đói lòng, nhưng cách xin và cách nói của mệ vẫn ý như lúc còn “làm cha thiên hạ”:
- Ðưa mệ hai hào ra mệ “chém” một củ khoai.
Không chém được đầu ai mệ chém củ khoai vậy.
Hoặc một lần mệ cùng bạn bè vào vườn nhà người ta trộm bưởi, bị chủ nhà đuổi bắt.

 Bạn bè chạy cả. Mệ kẹt trên cây, không chạy kịp, sợ thì sợ nhưng mệ vẫn còn “giọng các mệ”.
- Xê ra dưới cho “mệ xuống”.

                                                                                  (Trích “Viết Về Huế”)

                                                                               Hoàng Long Hải
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét