Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Chủ đề “mùa Thu”

Mùa thu được xem là mùa đẹp nhất trong năm, với khung cảnh lãng mạn và đầy thơ mộng của sắc màu cây lá. 

Nếu là một người yêu thích mùa thu hay đơn giản yêu những khung cảnh lãng mạn, bạn không nên bỏ qua bộ sưu tập hình nền tuyệt đẹp dưới đây.Vẻ đẹp của mùa thu được không ít người ghi nhận, đó là lý do vì sao mùa thu được xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học, âm nhạc hay hội họa… 

Lâu nay mùa thu vẫn được xem là mùa đẹp nhất trong năm, với những khung cảnh lãng mạn, những rặng cây thay lá… mang một không gian vừa đẹp vừa nên thơ.

                                                 


Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Lá Thư Ngày Trước




Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư
Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư
Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh
Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
Chút hơi tàn leo lét ngọn đèn khuya
Giấc cô miên rùng rợn nẻo hôn mê


Gió âm tưởng bay về quanh nệm gối
Trong mạch máu chút gì nghe vướng rối
Như tơ tình thắc mắc buổi chia xa
Ngón tay run ghì nét chữ phai nhòa
Hỡi năm tháng hãy đưa đường giấc điệp
Yêu mê thế để mang sầu trọng kiếp
Tình mười năm còn lại chút này đây

Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén
Ai dám viết yêu đương và hứa hẹn
Lần đầu tiên ai dám ký "Em Anh"
Nét thon mềm run rẩy gắng đưa nhanh
Lòng tự thú giữa khi tìm trốn nấp
Mươi hàng chữ đơn sơ ồ ngượng ngập


E dè sao mươi hàng chữ đơn sơ
Màu mực tươi xanh ngát ý mong chờ
Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy
Ôi thân mến nhắc làm chi thuở ấy
Đêm nay đây hồn xế nẻo thu tàn
Khóc chia lìa ai níu gọi than van
Ta chỉ biết nằm nghe tình hấp hối

Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
Mưa mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau
Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay màu đôi mắt biếc
Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
Thôi rồi đây chiều xuống giấc mơ xưa
Lá lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa


Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ
Trăng nào ngọt với duyên nào thắm nở
Áo xiêm nào rực rỡ ngựa xe ai
Đây mưa bay mờ chậm bước đêm dài
Đêm bất tận đêm liền đêm kế tiếp
Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại chút này thôi
Lá thư xưa màu mực úa phai rồi
Duyên hẳn thắm ở phương trời đâu đó


 Vũ Hoàng Chương

Buồn


Khi đã làm kiếp người, sống nơi trần gian này được bao năm thì vui muốn vẫn vui. Chẳng ai muốn buồn bao giờ. Nhưng đã là kiếp người sinh, bệnh, lão, tử như lời Phật dạy thì chắc chắn phải vướng vào khổ, mà khổ thì làm sao vui được phải không bạn?

“Buồn nằm nghe tôi khóc, mái hiên mưa về….
buồn mềm chăn gối nhớ em yêu vội, hồn tôi sám hối tháng năm sầu lo…”
Nỗi buồn quanh quẩn trong cuộc đời người, từ chuyện buồn lứa đôi ta gọi là thất tình, qua đến chuyện buồn vợ chồng ta gọi là buồn… bực. Đến chuyện buồn xã hội làm ta chán chẳng muốn giao du, rồi đến chuyện buồn lớn hơn là chuyện buồn của đời ta. Ta đau bệnh, ta bất an, ta khổ sở, ta cảm thấy cuộc đời ta sao chẳng có một ngày thong thả. Vì vậy mà ông Mai Thảo lúc sinh thời, là nhà văn suy tưởng, sống nội tâm đã phải quên nỗi buồn bằng cách ngồi thong thả, nhưng nào thoát được nỗi buồn, đó là:
“Lạ thay những lúc ngồi thong thả, là chút tình riêng với nước non”.
Đấy là nỗi buồn với đất nước, nơi quê hương mà ta đã sinh ra và lớn lên với trường lớp thầy cô. Cái quê hương buồn đấy, dù khổ sở nghèo nàn, dù bom đạn chiến tranh tàn phá tơi bời, nhưng sao nó vẫn theo ta trong từng giấc ngủ, trong từng miếng ăn.
 Mỗi khi ăn ngon tôi đều chạnh lòng nghĩ đến những tháng ngày mà gia đình bác tôi với 18 miệng ăn, mỗi lần có một trái chuối phải cắt thành khoanh nhỏ chia đủ cho mỗi người hưởng cái hương vị… chuối!
Quê hương là nơi mảnh đất thiêng liêng, khó tả được cái cảm giác trong ta vừa thương, vừa ghét, vừa gần, vừa xa.
 Nó thể hiện cái tình cảm như sớm nắng chiều mưa, nhưng cuối cùng nó vẫn bất diệt ngàn đời trong trái tim ta.
 Nhất là một khi đứng tuổi, ta cảm thấy gần lại với quê hương yêu quý mà ta đã bỏ ra đi vì bạo quyền trong những năm 1975, hay những đêm xuống thuyền vượt biển từ khoảng 1975 đến 1985. Biết bao người bỏ thây nơi biển cả trên đường vượt thoát, cũng có người phúc phận may mắn đến bến bờ tự do trong cay đắng nghẹn ngào.
Có người sống được nhưng sống trong cái chết, đó là mất vợ, mất con, mất chồng mất những gì thân yêu nhất của đời mình trên một chuyến ghe bị bão táp đánh tan nát. Có người nỗi buồn dai dẳng như vết thương lành rồi cứ mãi rướm máu vì nỗi buồn…
Gần 40 năm qua kể từ khi miền Nam thân yêu của chính thể VNCH rơi vào tay phương Bắc. Đất nước thống nhất chẳng thể nào có được niềm vui. Những người xa xứ một khi về lại thăm nhà, sang lại bên này, có kẻ còn mộng mị cho là đất nước đã phát triển “tột bực”, nhà lầu mọc lên cao ngất, xe gắn máy chạy đầy đường, và ăn cái gì cũng ngon, cũng có. 
Nghe thật là buồn cho họ, vì vẫn còn có những con người từng chết đi sống lại mà vẫn chưa tởn!
Thế rồi toàn cầu lao đao vì kinh tế suy thoái, bộ mặt nghèo, đói, tụt hậu của đất nước dần lộ diện như thuở ban đầu của những năm bao cấp. Ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi là phương châm của người cầm quyền hiện nay.
 Giặc phương Bắc của 1000 ngàn năm vẫn chưa quên, vậy mà vẫn chơi với dao, đùa với lửa, từ kẻ cầm quyền đất nước, cho đến vài cá nhân trong và ngoài nước, hình như vẫn còn trong cơn mộng mị, mê sảng, dị kỳ về những ảo tưởng khôn cùng.
Buồn quá phải không những ai còn nặng nợ với chút tình riêng núi sông?
Buồn quá phải không với những giòng nhạc cho thân phận quê hương trong chinh chiến, rồi qua thời bình nỗi buồn còn nhân lên gấp bội. Mà vì sao vậy? 
Có phải vì buồn là cái nghiệp, là cái kiếp mà chúng ta, là kiếp người làm sao thoát được.
Nhưng con người chúng ta vẫn có thể thoát được cái nỗi buồn bằng cách sống tự tin vào chính những gì mà chúng ta đang có được, kể cả đau khổ, gánh nặng và nỗi đau khổ hiện hữu. Nói như thế là theo cách nhìn của tôn giáo và ta chủ quan hoặc lạc quan “tếu” không? Mai Thảo, một nhà văn tên tuổi của văn học Việt Nam lúc sinh thời, từng viết những vần thơ mà theo tôi, ông ta đúng nghĩa là thi sĩ của thân phận con người. 
Mời bạn đọc 4 câu thơ của Mai Thảo:
“Ta thấy nơi ta trục đất ngừng
Và cùng một lúc, trục trời ngưng
Sao không hạt bụi trong lòng trục
Cũng đủ vòng quay phải đứng dừng…”
Vâng! Chỉ là hạt bụi thôi của thân phận con người, và “Chỉ Là Hạt Bụi Thôi” cũng là tựa ca khúc tôi viết 1985.
Hạt bụi thôi mà viền quanh tròn con mắt, thành một giòng sông vơi. Là hạt bụi, có lúc đã làm cả trục đất phải đứng lại.
Có còn buồn không?

Châu Đình An

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Nghèo mà thanh thản

 
Có những người nghèo và thanh thản, còn có kẻ giàu mà vẫn khổ. Nghèo nhưng biết chi tiêu. Có bao nhiêu dùng bao nhiêu, không đòi hỏi gì thì sẽ thanh thản thôi.
 Có những người giàu lắm nhưng trong lòng lúc nào cũng đau khổ vì hậm hực hận thù người nọ người kia.
Sức khỏe, sắc dục, tiền bạc, cái tôi cao ngạo - đó là những ham muốn khó từ bỏ của con người. Phải tỉnh táo để vượt qua những ham muốn này. 
 Tôi dùng từ “sắc dục” vì tình dục rất đa dạng và nhiều màu sắc. Bất kể điều gì buồn hay vui cũng đều có cái giá của nó.
Những gì xảy ra trong hôm nay đều do tất cả những gì ta làm trong quá khứ. Bởi thế đừng bao giờ oán trách cuộc đời.
 Cuộc sống này có phức tạp nhưng chắc chắn một điều: "Rồi đâu cũng sẽ vào đó", ông trời không bao giờ bất công cả. Phải có nguyên nhân thì mới có kết quả, “không có lửa thì lấy đâu ra khói”.
Phía sau thành công là biết bao nhiêu cay đắng mà con người phải trả giá. Hãy nói những lời tích cực với chính bản thân mình. Một giấc ngủ ngon chỉ đến với những người đặt mình xuống sau một ngày làm việc siêng năng và vất vả.
Trong suốt chuyến hành trình mang tên cuộc đời, ở từng giai đoạn thì người ta đem theo những hành lý khác nhau.
 Đó có thể là tiền bạc, kiến thức, tình yêu thương hay kinh nghiệm chống chọi với ngoại cảnh. Sống càng nhiều, trải nghiệm càng nhiều thì ta sẽ hiểu đời hơn.
 Hiểu đời thì sẽ biết sống hơn. Phải hạnh phúc để đón chào những niềm vui khi làm tốt công việc và đủ dũng cảm để gánh chịu những hậu quả do sai lầm mình gây ra.
                                                                        Nguyễn Hữu Hiếu.    

Mơ Hoa



những bông hoa đêm
rơi xuống lòng anh lặng lẽ
chúng không còn ánh nắng
nên chờ đợi bình minh ...

những ngôi nhà sáng
những con đường sáng
những thành phố sáng
vì sao nhợt nhòa

rơi xuống lòng anh lặng lẽ
chúng không còn hơi ấm
nên chờ đợi nhóm lên ...

nhưng cơn gió rối
nhưng câu chuyện tồi
nhưng lề trái phải
que diêm sau cùng.

rơi xuống lòng anh lặng lẽ
chúng không còn bóng tối
nên chờ đợi bủa vây ...

còn xếp riêng tặng nhau?
cánh hoa màu đêm trắng
cánh hoa tình lấm mặn
mật nồng sen môi hương.


Trần Thi Ca

Một thời Âm nhạc



Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Chỗ nào cũng nắng

 
Quá cái tuổi háo hức những món quà miệt vườn trong giỏ xách mẹ, mỗi bận bà lên thăm anh hóng thứ khác : những câu chuyện của quê nhà. Năm tiếng đồng hồ ngồi xe đò không ăn nhằm gì với bà già quen làm lụng, nên vừa bước chân vào nhà anh ngay lập tức chuyện giòn như cốm nổ. Không lúc nào chịu ngồi yên một chỗ, trong lúc xăng xái dọn chỗ này dẹp chỗ kia, vừa làm vừa kể, những chuyện nhà quê theo bước chân mẹ dìu dặt nửa xa nửa gần.
 Giọng điệu bâng quơ, như thể không ai nghe cũng không sao, mẹ nói cho vui nhà vui cửa. Chuyện và người kể chuyện, là những gì mà anh không thể mua ở cái thành phố tiện nghi đến tận xương tủy này, tiện nghi đến nỗi những kẻ nhớ quê cũng mua được cá lòng tong, mớ tép rong.
Mà, những câu chuyện ấy cũng đâu có giựt gân, kịch tính gì. 
Lơ vơ, quẩn quanh chỉ là cái góc bếp bị dột, cô bạn bên xóm vừa làm sui đầu tay, con lộ bê tông mới toanh phóng qua trước nhà. Sực nhớ gì thì nói đó, mẹ cứ láp giáp rời rạc, như thể chắp vá nhưng cái quê nhà mà anh đã rời bỏ hồi mười tám tuổi hiện lên sống động như bộ phim ai ải màu rơm rạ mục.
 Không phải cái tên nào anh cũng biết, nhưng anh cảm giác họ quen thuộc với mình, cái cô dâu phóng khỏi chiếc xuồng để quay lại với gã thợ rèn mà cổ yêu, hay bà thầy bói lấy búi tóc trong bụng con bệnh bằng máu lưỡi. Mẹ cũng không màng anh có quen người này người kia hay không, có gợi nhớ gì không.
 Quan trọng gì, mẹ sẽ ở lại nhà anh vài ba ngày rồi phải về coi vườn tược, thời gian mẹ con gần gụi cũng ngắn ngủn, nên phải tận dụng những thứ có thể nói được với nhau.
Bằng cách đó mẹ buộc anh vào quê nhà, dù sợi dây đó không thấy được bằng mắt thường, mong manh.
 Đôi khi anh cũng vuột khỏi nó, trôi tuột theo vài cuộc điện thoại thẳng căng của cuộc mưu sinh bù đầu. Mẹ, một chân rút lên ghế, tơ mơ ngó ra rào, thủng thẳng kéo anh về, “mùa này so đũa trổ bông…”. 
Ngay lập tức anh nghe ngọt trong cổ họng cái vị của mật nằm sâu trong cuống bông, cái hình ảnh nửa vầng trăng cong treo chi chít trên cành, và mùi thơm của nồi canh chua bông so đũa nấu với cá rô đồng, nêm rau tần dày lá.
Và những con Tím con Lẹ nào đó mà anh vẫn nhớ mùi ghẻ chóc, giờ nằm võng ru cháu nội, ngoại trước mặt anh, ngay giữa thành phố và căn nhà rào cỗng kín bưng. Họ đến với anh bằng mái tóc bạc, đuôi mắt răn reo…qua cái giọng kể hiền queo của mẹ.
 Khó mà nắm bắt cho rạch ròi những chuyện không đầu cuối đó nhưng nó mang đến một cảm giác khó tả, xáo động một cách êm đềm. Tàu chạy quá xá nên lở mất bụi quao dưới bến. Cuối năm nay người ta bắc cây cầu qua sông Đầm. Người chị em bạn dì của anh thôi chồng, về xứ cất quán bán cóc ken.
 Đứa cháu họ xa vời đại bác bắn không tới mới đậu đại học. Bầy vịt xiêm vừa thay lông, chắc tới đám giỗ nội là lại sức, thể nào chú Út cũng xắn mấy mụt măng đem qua.
 Măng hầm thịt vịt là món bà nội ưa nhứt, hồi còn sống.
Như thể mỗi chuyện là một cọng nan tre, mẹ tiện tay đan thành tấm liếp che nắng, gió cho anh đỡ rạc rài.
Nhưng đó là chuyện hồi trước, giờ chuyện quê nhập nhoạng trong cơn đảo điên của đời sống. Anh tự hỏi vì giọng chị Hai không giống mẹ, hay vì những câu chuyện khác xưa rồi. Chang chói. Bén nhọn. Chị Hai còn biết kể gì ngoài những độ nhậu nhóm lên từ sáng sớm. Ba mẹ con bên xóm tự vẫn chết bằng thuốc sâu. Gần nhà xảy ra mấy vụ đâm xe máy.
 Một thằng nhỏ trộm chó bị xóm xông vào đánh gãy xương vai.
 Một cuộc ẩu đả của mấy anh em con cô con dì, chỉ vì ranh đất xê xích có một tấc. Anh nghĩ đó không phải thứ mình chờ đợi, những gì xảy ra ở xứ sở miệt vườn xa xôi kia phải dịu dàng hơn thứ tin tức anh vẫn thường tiếp xúc trên trang báo hàng ngày.
 Anh nghĩ cái xóm mà mẹ anh nằm lại, nó phải đứng ngoài những cơn gió lốc của cái đời sống loạn lạc này.
 Như nó đã từng thờ ơ đi qua mấy bận binh lửa, mấy bận chính thể đất nước đổi thay, mấy bận thanh trừng.
 Mãi mãi trong hình dung, quê anh như cụm bông gòn vừa bong ra khỏi trái, bay bâng quơ ơ thờ đậu đâu cũng được.
Trong ngôi mộ đã bắt đầu xanh cỏ của mẹ, những câu chuyện nhà quê đã từng làm bóng mát cho anh cũng hóa đất. Đốm bông gòn hiền queo đã thốc bay, cuốn vào dòng loạn lạc. Anh biết không phải tại chị Hai kể chuyện miệt vườn không hay. 
                     Nguyễn Ngọc Tư.

Chuyện dzui dzui

Tai họa

     Một nữ ngôi sao điện ảnh đang ngồi ăn trong nhà hàng thì một anh chàng tiến đến:
    - Xin lỗi cô, hình như tôi đã gặp cô ở đâu rồi thì phải, có lẽ là ở một sân tennis gần đây.
    - Tôi không bao giờ chơi tennis.
    - Hay là tôi gặp cô ở bãi biển nhỉ?
    - Tôi không có thời gian đi biển đâu.
    Anh băn khoăn:
    - Vậy thì gặp ở đâu nhỉ?
    Cô mỉm cười:
    - Chắc anh gặp tôi ở rạp chiếu phim.
    - A, phải rồi. Cô bán kem ở mé bên phải cửa rạp phải không?


Hẹn hò

     Hai chàng trai cùng sở khoe chuyện bồ bịch. Một chàng nói:
    - Hôm qua tao hẹn Kim đi ăn lần đầu. Xui cái kẹt xe, tao đến trễ gần một tiếng, xui là điện thoại lại hết pin gọi không được...
    - Lần đầu vậy là tiêu mày rồi. Cô ấy có quạu không?
    - Rất vui vẻ . Tại đến nơi tao còn phải đợi cô ấy thêm một tiếng nữa.


 St
 


Phở 14 ở Paris


Chuyến xe buýt chở đoàn du khách đến Paris 13, ăn sáng ở quán phở bánh cuốn 14 của người Tàu ngay góc đường Tolbiac và đại lộ Choisy. Trời vẫn mưa phất phơ.
 Lạnh.Như đàn chim bước vào quán với những tiếng hót xa lạ, nhưng lại bắt gặp ngay sự đồng thanh tương ứng của một bà khách già ngồi sát vách bên hành lang thông ra sau bếp.
Bà reo lên: “Việt Nam hả, tôi cũng Việt Nam”. 
 Điều này chứng tỏ những thông tin tôi nghe trước khi đi sang đây từ trang web  tripadvisor.com chuyên đánh giá các điểm đến du lịch, quán toàn người Tàu không là sai lệch – nhận xét của ông khách trẻ có nickname là andi_and_thao, người ở Ulm, Đức.
Quán sớm chỉ có mỗi bà cụ. Thức dậy sớm, ăn phở sáng, bà chẳng khác nào một bảo tàng vật thể cho cái phi vật thể: lối sống Việt.Khi ngồi yên vị ở một góc quán trước comptoir, ngay cửa vào, lòng tôi bỗng dưng ngớ ra khi dòng nhạc bolero chảy vào:

“Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng
Bao nhiêu kỷ niệm bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không
Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi trong suốt cuộc đời tương lai trả lời thôiNgày biệt ly chúng mình chưa nói hết câu tạ từ
Năm năm cách biệt năm năm mong chờ héo mòn tình nghĩa xưaNhắc đến thấy buồn tình kia ngăn đôi đường
Nhật ký đời tôi ghi thêm một lần thương...”

Về lại Việt Nam, mò vào internet – theo phong cách “nếu mà không biết thì ta google” – mới hay đó là bài Nhật ký đời tôicủa Thanh Sơn. Ăn phở nghe nhạc bolero ở một xứ cách quê nhà 
13, 14 giờ bay, giữa một khí quyển lạnh lẽo, cây trơ nhánh gầy, tự nhiên thấy quê nhà hiển hiện đúng mực.
Một người bán trong quán nói: “Nguyên liệu ở đây hầu hết mua ở Việt Nam”. 
 Một người bán khác nghe hỏi giả lơ bỏ đi vào sau quán.
 Đến khi nghe bình luận: “Bà này chắc ba Tàu”, mới vội vã lên tiếng bằng thứ tiếng Việt giọng lơ lớ, nhiều phát âm bị ngọng xác nhận gốc Tàu của bà.Coi kỹ nguyên liệu như tương cay, tương ngọt, nước mắm, đều thấy là hàng Thái Lan do Tang Frères nhập vào Pháp.
 Người Việt đã đánh mất cơ hội bán hàng cho vô số quán phở như thế trên thế giớ
Có thể nói, vị phở của quán góc đường này ở một nơi xa lắc cội nguồn, do những người không thuần Việt sản xuất, là OK.
 Đậm mùi hoa hồi đặc trưng của phở Việt, dẫu rằng hoa hồi là vị thuốc Bắc (Tàu). Nước dùng không được trong, chắc do bán đắt không kịp vớt bọt.
 Người ta càng bắt gặp quê nhà Sài Gòn hơn khi nhìn thấy đĩa giá sống cùng ngò tàu tươi rói trong cái lạnh quắt quéo của xứ này, mùa này. Chỉ tiếc tô phở châu Âu quá cỡ thợ mộc và không có trẻ em dành cho những người thực như miêu.
Khi chuyến xe buýt buổi trưa chở chúng tôi đi ngang quán, thì nó khác hẳn với cái vắng sáng sớm, Tây xếp hàng chờ bàn dài từ cửa ra hết hành lang trước quán.

 NGỮ YÊN

Cooking with Thuy Phan


Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Những đôi giày cao gót

 
Hôm nay, gót giày của em bị gãy. Em thường xuyên đi giày cao gót, nhưng đây lại là lần đầu tiên em gặp phải tình huống như thế. Và lại là với đôi giày ấy, món quà sinh nhật cuối cùng của một người đã tặng em cách đây hơn một năm.
Đôi khi, ký ức trở nên mờ nhạt dần, nhưng có những đồ vật vô tri vô giác vẫn nằm lại ở đâu đó, một cách vô thức như thứ bằng chứng đanh thép cho một điều gì đó đã tồn tại.
 Trong ngăn kéo, dưới đáy tủ, trên giá sách... người ta quên bẵng mất chúng, hay có lúc nào đó nhớ ra nhưng lại không nỡ đem bỏ chúng đi. Cứ như vậy, những điều từng đặc biệt bị phủ một lớp bụi quên lãng. Cho đến khi chúng biến mất vĩnh viễn. Khi ấy, người ta mới sực nhớ lại. Ký ức chỉ mờ
Có ai đó nói rằng, hai người yêu nhau, nếu chàng trai tặng cô gái một đôi giày thì hai người rồi sẽ chia tay. Em chẳng tin đâu, nghe thật phản khoa học. 
Chẳng qua đó chỉ là một sự tình cờ, một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
 Hay đơn giản người ta không hiểu vì sao cuối cùng lại rời xa nhau, nên đổ lỗi cho một sự việc vốn không có chút liên quan. Và rồi cất tiếng thở dài: "Uh, bởi đó là số phận". Em đã không tin.
Nhưng bây giờ em quyết định sẽ không cho người yêu của mình lúc nào đó tặng em một đôi giày. Có những đôi giày rất đẹp, nhưng khi đi vào chân lại đau đớn vô cùng.
 Có những đôi giày khi mới đi tưởng chừng rất dễ chịu, nhưng chẳng mấy chốc lại bị đứt quai, gẫy gót.
 Có những đôi giày tuy vô cùng chắc chắn, nhưng đi vào chân nhìn lại vô cùng thô kệch...
 Hoặc có những đôi giày mình rất thích, nhưng tiếc thay lại chẳng thể vừa chân.
Nhưng vẫn luôn có một đôi giày thực sự dành cho em, để đôi bàn chân nhỏ bé xỏ vào, và dịu dàng bước đi trong một ngày nắng rạng ngời.
đi, nhưng chẳng thế nào tan biến như đồ vật, chẳng thể nào có thể ném đi thật xa...

                                                                   Bích Ngọc

Suson Wong



Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Khi nào thấy


Khi nào thấy, trên đường đời mệt mỏi
Cần nghỉ ngơi đôi chút cạnh dòng sông,
Em hãy đến tìm tôi nơi bến đợi
Tán đa tôi, bóng mát vốn quen dừng.

Khi nào thấy bị đời buồn gặm nhấm
Cần một lời tiếp sức để đi xa
Em hãy đến tìm tôi nơi bãi vắng
Biển tôi chờ, con sóng mãi ngân nga.

Khi nào thấy, trong lòng mang thương tích
Những vết thương vô ý tự gây nên
Em hãy đến tìm tôi, chiều tĩnh mịch
Tôi xin làm con suối tắm cho em.

Nếu cần nữa, tôi là hồ trên núi
Trong hoang vu, im lặng ngắm mây trời
Em hãy đến, chim thiên nga cánh mỏi,
Đậu yên lành trên mặt hồ tôi.


 Xuân Hoàng

Chuyện phiếm


 Vài điều khác thường trên báo 

Những lúc rảnh rỗi tôi cũng hay đọc báo, đọc lăng nhăng, nhật báo, tuần báo, nguyệt san, tạp chí... 
Đôi lúc không có báo mới, lại lười lái xe đi xin, đành nhai lại báo cũ. Hết chuyện để đọc, tôi đọc luôn cả rao vặt, nhắn tin và đọc luôn cả... cáo phó
. Trong một tờ báo cũ tôi đọc được một mẩu thông cáo vui vui, được viết như thế này:
Thông cáo: Giáo xứ Thánh: xxxx xxxx Vừa thành lập ca đoàn mới, chúng tôi tha thiết kêu gọi tất cả các ca viên cũ cũng như mới hãy nhiệt tâm tham gia ca đoàn để cùng chung tiếng hát, ca tụng Thiên Chúa.

 Xin liên lạc ca trưởng: Kỹ Sư Nguyễn văn P. Số phone: xxx xxx xxxx 
Giời ạ, thực tình tôi không hiểu giữa engineering và music có liên quan gì với nhau nữa, định gọi anh P. để hỏi, nhưng thấy ngài ngại lại thôi.
Rồi cũng trong những tờ báo cũ đó, tình cờ tôi đọc được một mẩu cáo phó rất “đáng nể” nguyên văn như sau:
Cáo Phó: Chúng tôi toàn thể gia đình họ Lý, vô cùng đau đớn thông báo cùng toàn thể thân bằng quyến thuộc. Cha, ông nội, ông ngoại của chúng tôi: 

Ông Lý bá N. Vừa qua đời ngày: 11-8-1990. Tại xxx xxx Hoa Kỳ
 Hưởng thọ 93 tuổi. Linh cửu được quàn tại: xxx xxx
 Trong lúc tang gia bối rối, nếu có điều chi sơ xuất xin tất cả quí vị niệm tình tha thứ.

 Tang gia đồng khấp báo.
- Trưởng nam: Tiến sĩ Lý bá H. Vợ và các con tại Hoa Kỳ
- Thứ nam: Dược sĩ Lý bá P. Vợ và các con tại Hoa Kỳ
- Thứ nam: Thạc sĩ Lý bá C. Vợ và các con tại Hoa Kỳ
- Thứ nữ: Kỹ sư Lý ngọc cẩm T. Chồng và các con tại Hoa Kỳ
- Thứ nam: Kỹ sư Lý bá V. tại Hoa Kỳ
- Thứ nữ: Cao học kinh tế Lý ngọc thu H. tại Hoa Kỳ
- Cháu đích tôn: Kiến trúc sư (sắp ra trường) J. lý

Ông cụ Lý này quả thật phúc đức đầy nhà, sống rất thọ, con cháu toàn là những người tài ba, lỗi lạc. Nếu không nhờ cái chết (đương nhiên) của ông chắc chả bao giờ tôi may mắn biết được người Việt ở xứ cờ hoa này lại có một gia đình thuộc loại khoa bảng cỡ đó. Đáng nể thật!
Thật không may cho tôi (thật ra cho thằng bạn tôi thì đúng hơn).

 Chưa hết “bàng hoàng” về cái cáo phó của gia đình cụ Lý thì đúng hai tuần sau, anh Đ, anh của thằng bạn thân lại chết bất đắc kỳ tử vì tai nạn xe.
 Anh Đ rất dễ mến, những lần đến nhà thằng bạn chơi, tôi vẫn thường gặp anh, anh xem tôi như em út trong nhà, tôi cũng rất quí anh, những lúc rảnh rỗi anh cũng hay trò chuyện với chúng tôi.
  Khi hay tin anh đột ngột qua đời, tôi buồn lắm. Tội nghiệp cho chị và hai đứa bé, tội nghiệp cho thằng bạn thân nữa. Gần nửa tiếng đồng hồ ngồi suy nghĩ, cuối cùng tôi mới viết được một mẩu phân ưu như sau:
Phân Ưu: 

 Được tin anh Hoàng cao Đ. vừa qua đời tại San Jose. Hưởng dương 49 tuổi. Chúng tôi thành thật chia buồn cùng chị và toàn thể gia quyến, cầu chúc hương hồn anh Đ được sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc.
 Toàn thể gia đình họ Phạm thành kính phân ưu.
Trước khi đi đăng báo, tôi đưa mẩu phân ưu cho bác cả tôi xem thử (bác cả là bậc túc nho). Xem xong bác chả nói câu nào chỉ lắc đầu chép miệng. Hỏi mãi bác mới trả lời:
- Cháu viết phân ưu như vậy coi chừng người ta sẽ cười cho cả dòng họ Phạm nhà mình.
- Sao thế bác?
- Chữ hương hồn không thể dùng cho đàn ông được cháu ạ, cháu phải dùng hai chữ anh hồn hoặc anh linh.

 Hai chữ hương hồn hay hương linh chỉ dùng cho phụ nữ mà thôi.
 Nếu cháu muốn thì dùng chữ linh hồn cũng được vì chữ này dùng chung cho cả hai phái.
 Quỉ thần ơi! 
 Từ lúc cha sanh mẹ đẻ tới giờ, đâu có ai nói cho tôi nghe chuyện này.
 Tôi nào có biết phân ưu mà cũng rắc rối quá như vậy đâu.
 Thường thường người chết là yên, người sống coi vậy mà phiền phức à nghe 

                                             Thúc Sinh

Âm nhạc Bạn và Tôi