Trong giới nghệ sĩ, người tôi có nhiều kỷ niệm nhất, là ca sĩ Khánh Ly. Không phải vì chị hát nhạc của tôi, mà vì chị là người có khá nhiều kỷ niệm của thời tôi long đong. Tên tuổi của chị gắn liền với dòng sinh mệnh của thời cuộc Việt Nam trước 1975 và ngay đến bây giờ, Khánh Ly là tên tuổi người thương cũng lắm, mà kẻ ghét cũng nhiều. Năm 1983 lúc tôi từ Maryland mới về thủ đô tị nạn Bolsa, Cali để “hội nhập” vào dòng sinh hoạt âm nhạc ở đấy theo lời “dụ dỗ” của ca sĩ Duy Quang.
Tôi với Duy Quang khá thân, anh để tôi tạm thời ngủ trong phòng của anh, (phòng ngủ ở Midway City là cái Garage) được trưng dụng làm phòng ngủ.
Bạn có biết không. Duy Quang là người “phá trinh” ca khúc “đêm chôn dầu vượt biển” đấy. Anh ta là giọng hát thu âm đầu tiên ca khúc này.
Vì gia đình nhạc sĩ Phạm Duy với tôi thân nhau, đến nỗi có người bảo tôi giống Duy Minh như hai anh em sinh đôi.
Khi nhạc sĩ Phạm Duy dán hình tôi trên vách phòng ăn để ra phi trường Los Angeles đón tôi, thì cô con gái Thái Hiền đã nghi là “bố có con riêng, vì giống anh Minh quá!”. Làm bà Thái Hằng cũng nghi ngờ. (Tôi sẽ viết về chuyện này sau).
Trở lại chuyện Khánh Ly, khi tôi rời phòng trọ của Duy Quang về trú với Tùng Giang ở phòng thu âm Cerritos.
Anh Tùng Giang ở “đầu đông, còn tôi ở đầu tây” hùng cứ trên căn gác lưu đày của phòng thu âm. Tôi gọi căn gác lưu đày vì nó nhỏ xíu, ngột ngạt. Bạn cứ tưởng tượng ra, nó chẳng phải là căn gác theo nghĩa thường, mà là nơi chứa đồ vật.
Vì Tùng Giang không có nhà ở, nên dùng nơi làm việc làm chỗ ở luôn. Công việc của tôi được giao, vừa làm, vừa học.
Việc thì chẳng có gì to lớn, chuẩn bị băng nhựa, microphone cho ca sĩ và ban nhạc đến thâu âm, bấm nút thâu âm, và dọn dẹp giấy tờ của các nhạc sĩ viết hòa âm sau khi thu âm vứt lung tung trong phòng vocal, phòng thâu tiếng.
Nghĩ lại, cũng nhờ cái việc “nhặt rác” này đã cho tôi tự học cách viết hòa âm của nhạc sĩ Lê Văn Thiện và Tim Heinz khi tôi nhặt gom lại, tối đến trên căn gác lưu đày tôi tự học, tự tìm hiểu cách viết hòa âm, và à, thì ra thế! Cuối cùng tôi đã biết viết hòa âm. Tôi đã học được mà không phải đến trường.
Sinh hoạt ở phòng thu Tùng Giang có dịp gặp được vợ chồng anh chị Khánh Ly, Nguyễn Hoàng Đoan. Lúc bấy giờ chị đến thu âm. Lần đầu tiên gặp chị, dễ mến, thân thiện, và chị vẫn còn đẹp như ngày nào.
Chị nói là đã biết tôi qua tạp chí Trắng Đen của ông Việt Định Phương. Sau đó, anh chị mời tôi đến nhà ăn cơm. Nhà chị Khánh Ly cũng gần đấy.
Sau này, tôi qua lại thường xuyên với gia đình chị Khánh Ly, cơm trưa, cơm tối với dưa, cải, trứng luộc, nhất là cà pháo mắm tôm do chị làm bếp.
Chị Khánh Ly là người công giáo như tôi, tuy không sùng đạo, nhưng sau nhà chị có tượng mẹ Maria đứng trên hòn non bộ, và nơi đấy tôi biết chị dâng lời nguyện với mẹ Maria thường xuyên với xâu chuỗi trên tay.
Tôi xem anh chị như người thân trong gia đình, và ngược lại cũng thế, anh chị đối xử với tôi rất tình cảm.
Có những chuyện riêng tư của anh chị, tôi cũng góp phần, như tôi nhớ lại đi San Diego để giải quyết vấn đề báo Hồn Việt, mà anh Nguyễn Hoàng Đoan một trong các người sáng lập.
Khánh Ly có một giọng hát không mệt mỏi theo thời gian, dù chị thuốc lá nhiều, thức khuya với bè bạn tụ tập ăn uống, đánh bài tứ sắc vui chơi, nhưng tiếng hát của chị vẫn thế, vẫn đậm đà, lôi cuốn và tâm tình, kể lể. Một điều đặc biệt là tuy phóng khoáng bè bạn, nhưng anh chị vẫn sắp xếp thì giờ lo cho con, lúc này hai cháu còn nhỏ. Biết đường hướng đi đến trong cách làm việc, tổ chức thu băng nhạc, đi trình diễn và cách phát hành băng nhạc.
Phải nhìn nhận công này do anh Đoan phụ trách, với một lịch kín trình diễn, thu hình, thu nhạc của chị. Do vậy, chúng ta thấy Khánh Ly là tiếng hát thu âm nhiều nhất, đi show nhiều nhất, nhiều hơn bất cứ ca sĩ nào từ trong nước ra đến hải ngoại.
Rồi xảy ra có chuyện không vui, khi tôi về làm chủ bút tuần báo Đồng Nai của ca sĩ Diễm Chi.
Có bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lúc này, làn sóng chống đối nhạc anh Sơn bùng nổ, và nhiều người nhập cuộc, có cả nhà văn, nhà thơ, nhà báo (tôi biết nhưng thôi không kể ra đây) để “đánh Trịnh Công Sơn”. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến Khánh Ly.
Bài báo viết là tổng hợp ý của một số tên tuổi lớn của âm nhạc, nhà thơ, do tôi ghi lại, nhuận sửa và tờ Đồng Nai tiếp thị nhanh chóng bằng cách làm liền một chiến dịch trên mặt báo. Tôi biết Khánh Ly buồn, giận.
Nhưng, tính chị có lòng nhân và tha thứ, anh chị vẫn xem tôi như người em trong gia đình. Sau đó, tôi giã từ tờ báo của ca sĩ Diễm Chi, trở lại với công việc kinh doanh thẩm mỹ và mở nhà in, bên cạnh đó, thì giờ còn lại viết nhạc và viết bài cho tuần báo Lính của ông cò Nguyễn Thừa Dzu, là một ông anh kết nghĩa của tôi.
Làm báo ở Cali như lên võ đài. Một, không oánh nó. Hai, thì nó oánh mình. Mình thủ một chỗ, thì thủ được bao lâu? Coi chừng nó “nóc ao”.
Quan niệm như thế ở một số tay viết. Và khi làm chủ tờ báo, cứ cho ta hùng cứ một phương, và Bolsa thời bấy giờ cũng như bây giờ luôn có tình trạng báo chí Việt ngữ “thập nhị sứ quân”. Mô hình này cũng lan vào trong giới ca sĩ, giới làm băng dĩa ca nhạc và cái gọi là “trung tâm” băng nhạc. Nắm quyền phát hành muốn đưa ai lên, muốn dìm ai xuống tha hồ tự tung tự tác, tạo thành phe nhóm bêu xấu lẫn nhau mà vẫn gặp nhau cười như không có gì mà ầm ĩ. Nghĩ cũng lạ! Bởi vì nếu “giết người đi thì ta ở với ai?”.
Tiếp đến, tôi viết 10 ca khúc với tâm trạng suy tưởng, về thân phận, về tình yêu và nỗi thương nhớ quê nhà. Mỗi khi có bài mới viết, Khánh Ly là người nghe tôi đàn hát đầu tiên, chị vừa nghe vừa làm “giám khảo”. Có bài Khánh Ly bảo “không được” và nói như ra lệnh “xé đi”.
Chị kể anh Trịnh Công Sơn cũng thế, xé nhiều bài lắm, nhờ vậy mới còn lại bài hay, vì mình phải nghe ý kiến bên ngoài. Vâng, đúng thế chị ạ. Có những bài chị Khánh Ly ưng ý lấy ngay để thu băng khi tôi vừa làm xong, như bài “Sầu Khúc”. “Buồn nằm nghe tôi khóc, mái hiên mưa về, buồn mềm chăn gối, nhớ em yêu vội, hồn tôi sám hối, tháng năm sầu lo…”
Bài hát này chị là ca sĩ hát thu âm đầu tiên, kế đến là Ngọc Anh mới đây.
Khánh Ly có tai thẩm âm chính xác và biết bài hát nào sẽ đánh động tâm hồn người nghe. Chị viết bài hay lắm. Một số báo với nhan đề “bên đời hiu quạnh” nhiều người theo dõi đọc.
Có nghi ngờ cho là chồng chị viết, nhưng điều này không chính xác, vì tôi là người ngồi thấy chị viết ở bàn ăn nhà bếp, chữ chị viết tôi còn nhớ to, tròn, láu, với chỉnh sửa gạch tung tóe trên trang giấy.
Rồi tôi với chị bàn nhau thu âm hai giọng Khánh Ly và CDA. Vì thử nghiệm qua bài hát của tôi phổ thơ Mường Mán, bà con thích quá, bài hát Chăn vịt ở phương Nam. Chị còn tổ chức đêm Khánh Ly Châu Đình An ở phòng trà Làng Văn với tựa đề “Chôn dầu, chăn vịt”.
Cái tựa này Khánh Ly đặt ra làm chiêu tiếp thị, khiến bà con ngẩn ngơ vì chôn dầu chăn vịt là cái giống gì? Một người như Khánh Ly, có tiếng hát bạn nghe phải ghiền với các ca khúc Trịnh Công Sơn thời tuổi trẻ trong chiến tranh ở các quán cà phê khắp Việt Nam, nơi nào mà không vang lên tiếng hát Khánh Ly? Nhưng không những ở ca khúc chống chiến tranh, mà chị còn hát Tango rất tới.
Những CD Khánh Ly Tango được nồng nhiệt đón nhận, và nói đến Tango, ta nghĩ đến một người. Khánh Ly.
Bên cạnh đó chị còn có lòng vị tha và tốt với bạn, vì tôi nhớ có lần chị chuẩn bị thâu cuốn Video ở Nhật, nội dung có bài hát “đêm chôn dầu vượt biển” của tôi. Mỗi tuần đến nhà chị ăn cơm, đàn tập cho chị hát.
Một lần Thanh Tuyền ghé chơi, nghe bài hát này bèn xin thâu băng mà không biết Khánh Ly đang có kế hoạch thu hình bài hát này. Nhưng chị vui vẻ nói với Thanh Tuyền “mẹ mày lấy hát đi, tao hát sau cũng được”.
Tôi đưa cho Bill Kilpatrick soạn hòa âm cho 10 bài hát mới có sự góp ý của chị Khánh Ly.
Có những bài với giọng buồn, khàn, đục của chị càng nghe càng buồn, như bài “Tình khúc cho loài sâu” của tôi viết có đoạn: “Phố xưa tôi về, bóng người in xuống. Có con sâu nhỏ, ngủ giấc mồ côi. Vầng trăng chợt lên, mây mù che kín. Thoáng tiếng hò ơi, nhặt khoan mấy hồi”
Hay là: “Nắng mưa là mưa nắng. Kiếp người tựa tre măng. Tóc xanh rồi bạc trắng. Buồn quanh một chỗ nằm. Trong bàn tay định mệnh. Tuổi nào, phận lênh đênh. Mệnh nào thân bỏ xứ. Sao tiếng ca buồn tênh…”
Ngày trong phòng thu, tôi là người ngồi bấm nút trên máy thu giọng hát của chị ca khúc “Tình khúc cho loài sâu” mở đầu. Nghe chị hát ca khúc của tôi, không hiểu sao xúc động quá, tôi rơi nước mắt nghĩ đến quê hương Việt Nam yêu dấu đang khổ đau. Vì bài hát này, tôi viết vào tháng bẩy năm 1979 trước một năm ra đi vượt biển.
Tôi còn nhớ rõ, bài này viết ở Long An, nơi tôi trú thân làm ruộng một thời gian khốn khó.
Buổi chiều, khi mặt trời khuất dần cuối chân trời, chống cây cuốc, nhìn áng mây cuối cùng lững thững trôi về phía trời Tây, tôi nghĩ đến thân phận tôi và bao người như con sâu, cái kiến.
Thôn quê dần tối, không có ánh điện mà chỉ có ánh đèn dầu le lói, tôi khóc qua màn nước mắt nhạt nhòa nhìn thôn xóm với tâm trạng của loài sâu nhỏ mồ côi. Rồi tôi bước đi trong tưởng tượng ánh đèn dầu đang le lói như phố đêm.
Tương lai của tuổi trẻ tôi và bao lứa như vầng trăng vừa ló dạng, đã bị bao phủ bởi mây mù chủ nghĩa và tiếng hò ơi vang vọng từ dưới con lạch, tiếng hò buồn bã làm sao. Ca khúc đã hình thành từ đó.
Khánh Ly hát hết một câu xong, chị hỏi tôi cho nghe lại rồi nheo mắt cười hỏi tôi qua cái microphone thu âm “sao, cu”. Người Bắc gọi “cu” là thương lắm, thân thích lắm, chị thích gọi tôi là “cu An”.
Tôi ý kiến, ý ruồi, thế này, thế nọ, rồi bấm nút làm lại. Tùng Giang về đến, ngồi nghe xong nhìn tôi nói “đm. An viết nhạc hay ghê chứ, tôi thích lời bài hát, hôm nào chỉnh sửa lời mấy bài hát giùm tôi”. Sau đó băng nhạc được đặt tên “Bông bưởi chiều xưa” là bài thơ của bạn tôi Giang Hữu Tuyên do tôi soạn thành ca khúc.
Lẽ ra tôi đặt tựa “Tình khúc cho loài sâu”.
Nhưng vì bài thơ Bông bưởi chiều xưa của Giang Hữu Tuyên viết riêng cho ông Hoàng Cơ Minh, khi ông từ giã gia đình thân yêu về lập chiến khu kháng chiến. Tôi quý cả hai người, một vị tướng liêm khiết, trong sạch, hy sinh vì đại nghĩa. Một nhà thơ có tấm lòng với xứ sở long đong. Nên tôi chọn Bông Bưởi Chiều Xưa là thế đấy.
Khi tôi lập gia đình năm 1992, đám cưới vợ chồng tôi rất ít nghệ sĩ tham dự vì ai cũng bận đi show cuối tuần thứ bảy. Những người thân quen vắng mặt, trong đó có anh chị Khánh Ly Nguyễn Hoàng Đoan.
Tôi giận từ đấy, không liên lạc với anh chị. Rồi sau khi lấy vợ, tôi dọn về ở Orlando Florida đến bây giờ đã 20 năm trôi qua.
Nhưng trong hồn tôi lúc nào cũng nhớ đến kỷ niệm vui buồn trong buổi đầu tiên bước chân vào thế giới sinh hoạt nghệ sĩ 30 năm trời.
Mà bây giờ tôi biết chắc, cái thế giới đó không thể nào thích hợp với con người bản tính “mệnh vô chính diệu” của tôi.
Châu Đình An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét