Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013
Một Tên Gọi
Nói đến các món ăn tráng miệng, các món ăn chơi ở San Jose -CA không biết phải viết sao cho đủ.
Ngoài các món ăn chính cơm, phở hũ tiếu, mì v.v còn các tiệm chuyên bán chè, cùng vài loại bánh ngọt, được đặt tên là Hiển Khánh.
Bảng hiệu Hiển Khánh xuất phát từ Sài Gòn thời 60, đi đâu cũng thấy – nam , bắc Cali ngay cả đến các tiểu bang ở xa cũng thấy tên Hiển Khánh thân thuộc này, tên hiệu này in đậm vào nỗi nhớ của một số đông người Việt Nam đã xa quê hương xứ sở.
Các cụ khi được mời ă bánh trung thu luôn so sánh với bánh Đông Hưng Viên, đặt bánh phu thê, bánh cốm, bánh đậu xanh phải tìm đến tiệm Bảo Hiên Rồng Vàng, cho dù ông bà chủ tiệm bây giờ chẳng dính líu gì đến các ông các bà chủ tiệm ngày xưa.
Chữ thạch chè Hiển Khánh có lẽ vấn vương nhiều với các ông các bà trong vài hội cựu sinh viên học sinh và e rằng cũng lưu luyến không ít với các ông trong các hội cựu quân nhân bây giờ, nếu có ai gợi lên hay kể lại về một cái tiệm nhỏ chuyên bán một món thạch thái nhuyễn, cùng đậu xanh đánh, điểm vài cánh hoa nhài trắng toát, chỉ thế thôi mà tên Hiển Khánh đã thênh thang bước vào văn học, thanh thản ngự trong các chuyện tình, và chắc chắn không ít người, giữ kín trong lòng một hình ảnh đẹp, không tiện kể ra cho chồng hay cho vợ nghe, về một lần mình đã bước chân vào tiệm thạch chè Hiển Khánh cùng người khác trong quá khứ đã rất xa.
Có lẽ không bao giờ nữa, những người nhớ nhung món thạch chè tìm lại được vị hoa nhài ngọt ngào tan trên đầu lưỡi, cùng chút bùi ngậy vừa đủ của đậu xanh đánh mịn, điểm với miếng thạch được thái bằng tay thật khéo.
Thạch ngày xưa được bán từng gram, là những sợi màu ngà, nhẹ tâng như mây, mua về rửa sạch bụi bặm, rồi ngâm vào nước, sau khi sợi thạch mềm thật mềm, mới đong bằng bát (chén) cứ một bát thạch cần hai bát nước, bắc lên bếp nấu cho thật tan, đổ vào thố, chờ cho thạch đông cứng lại, khi ấy dùng dao cau thật sắc thái thạch.
Miếng thạch trong suốt như gương được cầm gọn trong lòng bàn tay, con dao từ trên cắt dọc xuống, sau đó mới cắt ngang, sợi thạch nào cũng đều tăm tắp với nhau.
Nước đường thắng bằng đường trắng tinh tình tinh, dùng lòng trắng trứng khuấy vào để lọc cho hết những vẩn cặn, sau đó mới được chuyên sang cái thố thủy tinh trong suốt, miệng hẹp, đợi nuớc đường thật nguội mới thả hoa nhài vào, đậy kín nắp lại.
Nếu vào mùa Thu, hoa nhài được thay bằng hoa bưởi, sau này có tinh dầu hoa bưởi, đóa hoa nhài thả vào chỉ để làm duyên.
Trời nắng nóng uống ly thạch chè, hay ăn bát thạch, mát tận vào xương, trời mưa không ăn thạch lạnh, kêu đĩa đậu xanh đánh nhâm nhi ngắm mưa thì còn gì thú cho bằng, chưa kể đến việc đọc những câu thơ lục bát của ông chủ tiệm viết lên giấy, rồi dán lên tường, hay cài dưới miếng kính mặt bàn.
Các anh các cậu sinh viên học sinh, có thú ngồi uống cà phê, đếm từng giọt đắng, thì phía các cô kẹp tóc có thú đi ăn thạch chè.
Từng tốp nhỏ, ít nhất là hai, nhiều nhất là sáu, đủ ngồi quanh chiếc bàn, tha hồ nói chuyện râm ran rồi cười khúc khích.
Nét đẹp hồn nhiên, nỗi vui con gái lây lan, để rồi tiệm thạch chè là nơi tìm đến để làm quen nhau sau khi “theo ngõ về”, theo luôn vào tiệm thạch, đối phương có bốn người, mình kéo theo ba “thằng” nữa cho tương xứng, cho đến khi thành nơi hò hẹn, mặt đối mặt.
Cũng loáng thoáng có màu áo hoa lính trận, bên mái tóc thề, để rồi như ngựa chạy tên bay, bây giờ con cháu dắt đi đến chợ Việt Nam, nhìn bảng Hiển Khánh lòng không khỏi bồi hồi, dù bối cảnh đã khác không có gì giống trong ký ức ngoài cái tên ngọt ngào Hiển Khánh, có thể là hai tên của ông bà chủ tiệm ghép lại với nhau chăng?
Bây giờ nấu thạch người ta dùng bột aga-aga, cắt thạch đã có bàn bào của Nhật hay của Trung Quốc, nhanh gọn, đậu xanh đã đãi vỏ bán sẵn, chỉ việc mang về nấu không phải ngâm đậu qua một đêm, sáng dậy ngồi đãi vỏ.
Đãi vỏ đậu trong cái rá, lừa cho vỏ gọn về một phía rồi nhặt vỏ bỏ sang một bên, con gái ngày xưa phải biết đãi vỏ đậu xanh, nếu không sẽ bị mắng là “hư thân mất nết.” Chỉ hai việc đãi đậu và thái thạch đã làm cho ly thạch chè ngon hơn chăng?
Tôi hay đặt câu hỏi và rồi chẳng màng nữa tìm câu trả lời, khi các nhân vật vương vấn, nhớ nhung tiệm thạch chè Hiển Khánh có thể không còn thích ăn ngọt nữa, vừa là vì đã qua tuổi hẹn hò, vừa là vì bác sĩ bảo nên kiêng ăn ngọt, kẻo mà bị bệnh tiểu đường.
Đi tập thể dục, chạy bộ, nghe loáng thoáng câu, “sống mà không được ăn là chết mà biết thở!” tôi cũng đồng ý như thế, nhưng rõ rệt một điều mỗi thời có riêng một niềm vui, có riêng một hương vị của thời ấy, hương vị thời thạch chè Hiển Khánh đã qua, các con cháu có hỏi sao “cụ” lại đòi vào tiệm thạch chè Hiển Khánh mà chẳng mua gì, hay có đứa thương “cụ” quá cản lại “bác sĩ đâu cho bà ăn ngọt nữa, không được vào đấy!” thì cũng đành thế thôi.
Có lẽ các ông không có nhu cầu kể cho các cháu nghe, về một thoáng hương xưa thạch chè Hiển Khánh, phần các bà thì thích kể lại khoảng ngọt ngào ấy, có mùi hoa bưởi, hoa nhài, có đón đưa chiều chuộng, có câu thơ lục bát đơn sơ:
Thạch chè Hiển Khánh ngọt ngào
Bổ phổi, thông đàm lại tỏa hương hoa
Đậu xanh giải nhiệt lại bùi
Ăn vào một bát ngậm ngùi nhớ nhau.
Thế đấy các câu lục bát đơn sơ như thế đấy, mà vào tiệm chè nào cũng nhớ đến nó, y như nhớ ca dao, y như nhớ viên ngói, bức tường xưa loang lỗ vôi rêu.
Ăn vài viên chè bột bán, nước cốt dừa từ trong lon trong hộp không thơm, chẳng bùi, hình như nó “vô duyên” ngay từ khi bị bỏ vào hộp, chẳng còn hương bàn tay nhồi dừa nạo trong nước ấm, rồi vắt lấy nước cốt dừa để nấu chè.
Có mỗi chén chè cuối tuần, cũng đã đủ để trí óc lang thang về tiệm thạch chè, con đường Đinh Tiên Hoàng, con đường Phan Đình Phùng và vài câu lục bát xa xưa.
Đừng ai hỏi người viết về những “cố nhân” thạch chè Hiển Khánh nhé, họ đã bị các con các cháu cấm không cho vào tiệm thạch chè nữa rồi.
Ngô Đồng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét