Nhìn
tên người gửi thư, chưa xem hình, tôi mường tượng lại cái dáng dấp
gầy gầy, gương mặt bầu bĩnh với đôi mắt tròn xoe của cô bạn thuở còn
cặp kè nhau mỗi tối để ra ngoài “phường” tập hát tập múa. Mở thư, nhìn
tấm ảnh, tôi hơi khựng, vẫn mái tóc “bum bê”, vẫn đôi mắt to tròn
nhưng thiếu vắng nụ cười hình như luôn ở trên môi người bạn năm xưa.
Bao nhiêu năm trôi rồi nhỉ, lâu, thật lâu lắm rồi tôi mới được nhìn
lại hình ảnh của người bạn thuở thiếu thời. Thời gian, hoàn cảnh sống
dễ làm thay đổi hình dáng lẫn tính tình của một người.
Hình Hương chụp đứng tựa gốc cây, trông cô đơn, lạc loài, chán nản
làm sao ấy. Cái dáng khoanh tay, không có lấy được nụ cười mỉm chi,
mắt buồn tênh, tất cả như cô đang cố ôm giữ chút gì đài các còn lại của
mình.
Ngắm nghía tấm ảnh một chốc tôi mới đọc từ từ từng những dòng chữ của Hương.
Tôi đoán không lầm, Hương đang sống cuộc sống tạm bợ ở Sài Gòn, chờ
người mới yêu-mới quen thì đúng hơn, làm giấy tờ bảo lãnh qua Pháp.
Hương kể, “H. quen được anh này, dân ở Pháp về làm ăn, hai đứa làm giấy tờ rồi ảnh sẽ bảo lãnh H. qua Pháp sống theo diện vợ chồng”.
Hương đã ly dị hơn mười năm, hai đứa con ở với Hương, còn chồng cũ của
Hương chỉ thăm viếng theo luật của toà chỉ thị. Tôi không ngờ cuộc sống
lứa đôi của Hương buồn đến vậy, chia tay sớm như vậy Hương rất thân
với tôi trong một khoảng thời gian ngắn, khi hai đứa cùng bị bắt đi múa
hát sau năm 1975 theo chương trình “thiếu nhi quàng khăn đỏ” mắc
dịch của phường khóm đưa ra, bắt những đứa con nít ở tuổi 10-14 như
chúng tôi phải múa hát cho thật hay để đi thi với phường, quận khác.
Tôi trốn chui trốn nhủi nhưng vẫn bị lôi ra phường tập múa mỗi tối sau giờ cơm chiều hết hơn năm trời.
Riêng Hương, lúc đó là một “cục vàng” của phường vì giọng ca của Hương
có triễn vọng đem tiếng tăm lại cho phường, quận (chẳng biết để làm
quái gì). Hương được đám thanh niên đoàn đảng trong khu phố chúng tôi ở
“chăm sóc đặc biệt”; luyện giọng, chọn bài hát cho Hương để đem Hương
đi dự thi giải thành phố.
Gia đình của Hương là dân “tư bản”, rất khá giả trong khu phố nên bị để
ý đến tài sản và từng hành động. Ba Mẹ Hương sợ con mình phải khổ,
phải bị đưa đi kinh tế mới nên không có cách nào khác hơn là phải chiều
chuộng, hối lộ và nghe theo lời của bọn công an luôn chầu chực ra vô
nhà của Hương, hầu cho gia đình được yên thân phần nào và tài sản đừng
bị lấy mất hết.
Bọn chúng tôi, ở cùng khu phố, bị tập họp lại chung một nhóm, tối nào
cũng gặp nhau nên ngoài việc múa há, còn lại là tha hồ tán dóc và cặp
bạn với nhau. Không những có giọng ca thánh thót hay nhất trong khu
phố, Hương còn có gương mặt xinh xắn như con búp bê. Hương đi đâu cũng
được người chung quanh ưu đãi chiều chuộng. Tôi không ngoại lệ, rất
thích Hương, chúng tôi hay thủ thỉ với nhau chuyện lớn chuyện nhỏ của
nhóm.
Bọn con trai cùng nhóm thích trò chuyện với Hương hơn tôi, chúng
hay rủ Hương đi chơi chung như đi ăn chè, chạy xe đạp chung đến chỗ
tập múa. Nhóm chúng tôi đi đâu cũng chỉ có một đứa con trai thủy chung
đi phía sau và trò chuyện với tôi là Phiên.
Với người chung quanh được yêu chuộng như thế, trong gia đình Hương
cũng được cưng chiều từ bé vì gia đình Hương ai cũng bảo nhờ Hương mà
mọi người trong nhà được sung sướng lây.
Tôi nghe kể trước khi Hương ra đời, gia đình Hương rất nghèo khó, Ba Mẹ
Hương đã có bốn người con trong căn nhà nhỏ ở tận cùng ngõ hẽm của
xóm. Khi Hương được sanh ra, Hương đã đem đến sự thay đổi tốt lành cho
Ba Mẹ Hương. Cô bạn tôi khi chào đời đã nằm gọn lỏn trong cái bọc
chưa vỡ mà các bà mụ, bác sĩ bảo là “bọc điều”.
Không biết có đúng theo lời của Ông Bà xưa để lại không, chỉ biết rằng
Hương vừa sanh ra là một tuần sau đó Ba Mẹ của Hương trúng số lô độc
đắc.
Tôi không biết số tiền trúng là bao nhiêu, nhưng đã đủ để Ba Mẹ
Hương xây căn nhà bốn tầng lầu khang trang, mua xe hơi, vòng vàng, mở
tiệm buôn bán, còn lại để dành trong nhà băng và các anh chị em của
Hương được ăn sung mặc sướng bao nhiêu năm kể cả sau khi Sài Gòn bị thất
thủ và đại đa số dân Sài Gòn lâm vào cảnh thiếu ăn.Hương càng lúc
càng được đám thanh niên cầm đầu trong đoàn-đảng kéo theo nhịp điệu thi
đua ca hát đang ồ ạt phát ra thời đó, năm 75-77.
Cứ thế, cái số “đẻ bọc điều” của Hương vẫn theo Hương đều đều.
Được gia đình cưng chiều, được bạn bè yêu thương; thời cuộc mới thay
đổi sớm chiều, còn bé tí mà Hương đã có “địa vị” trong khu phố với
giọng ca trời phú. Cuộc sống của Hương trong những ngày tháng mà tôi
cho là “đói khổ” của tôi, lại là cuộc sống vàng son. Hương chưa biết
ăn độn, Hương chưa có một chiếc áo cái quần nào vá vai, vá tay, vá lai,
vá đùi như quần áo của tôi.
Những ngày tháng trẻ thơ của Hương cũng phai phôi dần, xa bọn chúng tôi
dần sau hơn một năm hát hò trong khu phố nhỏ. Hương trở thành “ca sĩ” và trở thành thiếu nữ tập tễnh trong tình yêu sau khi đoạt giải nhì giọng ca “thiếu nhi thành phố”.
Đúng lý ra Hương đã bị tuột xuống hạng ba nhưng cô bé có triễn vọng
hơn Hương xui xẻo, bị đau ngay hôm thi hát, thế là lần nữa dầu hên nhưng
mọi người vẫn vui vẻ hãnh diện lãnh giải và loáng thoáng đâu đó cái
câu “đúng là số đẻ bọc điều” lại vang lên.
Tôi ít gặp Hương, thỉnh thoảng chỉ thấy bạn mình phóng xe gắn máy cùng
một người thanh niên lạ mặt. Tôi đã tròn mắt không tin khi nghe đồn “Hương thay bồ như thay áo”
khi Hương mới mười lăm tuổi. Những sự đồn đãi không tốt đó không
những làm cho Hương bị “mất giá trị” trước đám thanh niên cùng khu phố,
trái lại, họ càng theo đuổi Hương hơn bao giờ hết.
Cho đến một ngày, khi Hương được mười sáu tuổi, một thanh niên dáng vẻ
rất đẹp trai-con nhà giàu (học giỏi hay không tôi không rõ), được
Hương rất hãnh diện cho chở về nhà, về khu phố của chúng tôi và giới
thiệu đó là người yêu của Hương.
Người yêu của Hương đúng như cái dáng vẻ, khi có dịp gặp nhau, tôi nghe
Hương kể gia đình anh chàng rất giàu có, con trai một, học chung lớp
với Hương nhưng lớn hơn Hương một tuổi và yêu Hương “kinh khủng”. Còn
gì hơn nữa, cuộc sống của Hương như luôn có vải lụa điều lót từng bước
chân nàng đi.
Từ bé cho đến lớn, Hương chưa từng trải qua một điều gì phải phật ý;
đến cái tuổi biết yêu lại yêu và được yêu bởi một người con trai (trong
mắt đa số bọn con gái cùng tuổi thời đó mong ước) giàu có đẹp trai,
hoạt bát vui vẻ. Hai bên gia đình thật xứng với câu “môn đăng hộ đối”,
đẹp đôi. Và cuộc đời cứ thế mà trôi êm ả cho Hương.
Những ngày Hương
bận rộn với người yêu, tôi cũng bắt đầu biết mơ mộng, biết nhịp đập của
trái tim mình đã khác lạ khi “người ta” tỏ lời xa xôi, tôi lại
bận rộn với những chuyến vượt biên nên hầu như không liên lạc với Hương
nữa. Hương lập gia đình ngay sau khi xong trung học.
Đám cưới của Hương tôi cũng không được mời vì Hương tưởng tôi đã rời
khỏi Sài Gòn. Tôi chỉ biết hai vợ chồng Hương sau đó sống trong căn
nhà khang trang do Cha Mẹ chồng Hương tậu riêng cho hai người, cuộc
sống lứa đôi của Hương rất hạnh phúc, theo lời kể của người bạn cùng
nhóm ngày xưa, kèm theo câu cố hữu “Hương sướng thật, đúng là số đẻ bọc điều”.
Ngày tôi rời khỏi VN, Hương cũng không hay, chúng tôi mất liên lạc mãi
cho đến cách đây hơn một năm tôi ngạc nhiên khi thấy trong hộp điện thư
của mình có email của Hương.
Tôi vẫn tưởng Hương còn sống trong nhung lụa, còn hưởng hạnh phúc bên
chồng con, nhưng không, thực tế hoàn toàn khác với sự suy nghĩ của tôi.
Cái “bọc điều” của Hương đã bị xé rách mất vài miếng. Hương
đã ly dị thật lâu vì cả hai không còn thấy thích hợp với nhau trong
cuộc sống nữa. Hương viết, “có lẽ Hương và Tùng lấy nhau lúc còn
quá trẻ, cuộc sống thay đổi, con người thay đổi, Hương không chịu được
tánh trẻ con của Tùng khi cần Tùng giữ một số trách nhiệm cho gia đình”.
Hương kể và Phiên cũng viết thư cùng lúc kể (cả hai tìm cách liên lạc
với tôi cả bao năm trời), Hương và Tùng đều “bung” ra khỏi mái ấm đi
tìm người yêu mới. Tùng càng lúc càng bê tha trong công việc mà Phiên
bảo tôi “phần lớn là do xã hội hiện tại”.
Mỗi lần công ty có
mối làm ăn, phải đi họp hành với các “mối” là phải vào quán nhậu sang
trọng, và không những chỉ có thức ăn thức uống hảo hạng đãi khách hàng
mà còn có những cô gái “chân dài” trẻ măng xinh xắn phục vụ “tận tình”
nơi phòng riêng sau đó.
Dần dà Tùng theo thói quen, cùng khách hàng bàn chuyện làm ăn theo kiểu
đó và vắng mặt không về nhà cho đến sáng hôm sau một cách thường xuyên
hơn. Kết qủa, Hương và Tùng chia tay.
Hương phải bán căn nhà chia
tài sản vì Tùng không làm ra tiền và Hương từ lúc lấy chồng chưa hề
phải đi làm. Ba Mẹ của Hương cũng không tài nào giúp được con vì cạn
sạch tiền cho hối lộ, cho những buôn bán lỗ lả và thêm vào là một ông
qúy tử nghiện ngập đã ngốn hết số vốn còn lại.
Nghe đâu Ba Mẹ Hương đã phải bán căn nhà để trả nợ cho ông ấyTôi đọc
thư Hương, đọc thư Phiên mà buồn buồn. Hương không kể tôi nghe rằng
Hương hiện tại cuối tuần nào cũng vào bar, vào vũ trường tìm vui đã
nhiều năm, trong dịp đó cô bạn tôi đã gặp anh chàng nào lạ hoắc nay sắp
sống chung với Hương bên Pháp danh nghĩa chính thức là vợ chồng.
Phiên
kể tôi nghe, “nhìn Hương lao mình vào cuộc sống tạm bợ mà tội
nghiệp. Phiên biết chắc Hương không yêu ông ta nhưng Hương muốn có
cuộc sống sung sướng như xưa, có ai mà muốn ở lại VN nhất là cuộc sống
của họ càng lúc càng xuống dốc.”
Phiên còn kể khi Hương bắt đầu
bước chân đi làm, với nhan sắc của Hương, Hương đã được vài người đàn
ông có chút quyền thế trong xã hội VN sau này đưa đón nhưng chỉ lợi
dụng tình cảm và xác thân của nàng. Hương bị đẩy ra khỏi cái lồng son,
bị đẩy ra khỏi cái bọc điều, chới với giữa dòng đời, không biết xoay
trở làm sao ngoài dựa dẫm vào những người đàn ông mà nàng tưởng là yêu
thương nàng hết mực.
Tội nghiệp cho Hương.
Tôi không biết cái bọc điều của Hương không còn “linh nghiệm, hay vì
sống dưới chế độ Cộng sản, sống trong xã hội đầy lọc lừa, buông thả
hiện tại, bọc điều nào rồi cũng bị rách bươm như cái giẻ rách?
Qua thư Phiên, tôi được biết cô bạn nhỏ một thuở như con chim vành
khuyên trong lồng son nay buồn như lá mùa thu vì trải qua những muộn
phiền bị lừa đảo, Hương sống buông thả, tập tành uống rượu bia có khi
say khướt mỗi cuối tuần.
Một Hương líu lo rạng rỡ nay ngồi nơi vũ trường thường xuyên đến thâu
đêm và ngày ngồi chờ người chồng mới bảo lãnh qua Pháp với hy vọng
cuộc sống bình yên hơn, vui vẻ hơn và sung sướng hơn.
Tôi cũng hy vọng, cũng chúc phúc cho Hương được người chồng mới yêu
thương nàng hơn, lo cho nàng đầy đủ hơn; chỉ là không biết tương lai
của hai đứa con nàng sẽ ra sao, chúng đã hơn mười tám tuổi, không hiểu
rồi Hương có đem con theo được với nàng trong cuộc sống mới hay lại Mẹ
một nơi con một nẻo.
Không biết cái số “đẻ bọc điều” của Hương rồi sẽ ra sao, mong
cái bọc điều của Hương được vá lại, bọc nàng lại trong êm ấm, hạnh phúc
cho đến hết cuộc đời còn lại của nàng.
PTL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét