Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Những con chim én trên bầu trời thành phố

Trong lùm cây phỉ, họ yêu nhau
dưới mặt trời của đám sương mù
với lá nhầu trong mái tóc
và mặt đất là căn nhà

Hỡi trái tim én
hãy ưu ái với họ

Hình ảnh hàng cây bốc khói
trên những lớp sóng sóng sánh
én ơi, hãy làm thế nào để họ
đừng bao giờ lãng quên...


Những câu thơ trên là trích từ bài Cánh Én của Wislawa Szymborska, nhà thơ Ba Lan được giải Nobel năm 1996. Ai chuyển ra ngôn ngữ thơ Việt, Nguyễn tôi cũng không còn nhớ nữa. Bạn nào biết xin chỉ giùm.


A, những con chim én! Không hiểu sao Tim yêu chúng thế. Như yêu những con ve của mùa Hè ở phượng thành. Như yêu những cánh hải âu trên bờ biển Destin ngày nọ. Bây giờ, ngồi ở đây, nơi xứ nắng, tình cờ đọc bài thơ của Wislawa Szymborska lòng anh lại càng nhớ lắm Và trong bài Tản Mạn kỳ rồi, Tim Nguyễn có nhắc tới những con chim én ngủ giấc sầu ở San Juan Capistrano ngày nào. Ôi, những con chim én thân yêu đã gợi lại những bầu trời nay chỉ còn trong trí nhớ.
Vâng. Đối với Nguyễn, và những ai nữa ở bên trời này, thì Sài Gòn và Đà Lạt là nơi cư ngụ của một thời thanh xuân, của tình yêu và mộng ảo. Ở đó, có những bóng dáng rực rỡ của ngày nào và có bầu trời với nhiều chim én...
Thanh Tâm Tuyền, trong một bài thơ, viết cho Vũ Đạo Ánh và Trần Lê Nguyễn ở những năm cuối thập niên 60, có nói về những con chim én trên bầu trời thành phố Sài Gòn:

Vũ Đạo Ánh...
mùa này gió biển thổi điên vào lục địa
... khóc đi Nguyễn
chim én vẫn bay đầy đàn trên bầu trời chiều đường
phố ở Sài Gòn

Ở Sài Gòn, muốn nhìn thấy chim én bay đầy trời như thế có lẽ phải ra chỗ công viên nhà thờ Đức Bà hoặc bến Bạch Đằng. Mà phải là buổi chiều mới có nhiều chim én bay. Ở đó, nhất là trên những kè đá ở Bến Bạch Đằng, ta có được một không gian rộng rãi cho tầm nhìn. Hãy nhìn, kìa, những cột buồm nồng mùi muối biển xa nhô lên trên vàm sông, gió lồng lộng thổi về, làm chao đảo trong ráng chiều đỏ rựng.

 Khách sạn Majestic với vòm mái cao và những ngôi nhà của những năm đầu thế kỷ vừa qua. Và những cầu tàu “quai de brume”, những vỉa hè buổi chiều thả rơi từng bông sứ máu. Ô, những con chim én bay vun vút trong không, trên những cột buồm nhấp nhô theo triều lên, bên những mái nhà là nơi chúng làm tổ. Ở đó, có gã thi sĩ bụng đói, mắt sâu, buổi chiều đi dạo chơi chuyện trò cùng chim én.
Một nơi nữa cũng có nhiều chim én. Trong một truyện ngắn của Châu Trị có tựa đề Thành Phố Sương Mù, cô sinh viên mắt nâu một ngày đã ghé qua viện đại học và trường Yersin. Nơi đó cũng là thành phố thời xanh của Nguyễn: Đà Lạt. 
Ở đây chim én nhiều vô kể. Chúng bay, vòng lên lượn xuống, thật nhanh, và trẻ con tha hồ dùng cành trúc khua đập. Nóc mái đài phát thanh, nhà thờ con gà và tiệm sách Nhân Văn là nơi trú ngụ của bầy chim én. 
Không ở đâu chim én và người gần nhau như ở thành phố trên cao này. Gần như những mái nhà san sát. Gần như những con đường quanh co lên xuống, nồng hương cà phê và mùi nhựa thông trong nắng mới.
 Hôm ấy mới từ Sài Gòn lên, đôi mắt nâu của cô sinh viên nhân vật truyện đã mở rộng nhìn trời, thấy chim én bay thật gần thật gần trên mái đầu và những cành thông. Ngày ấy, cô đã nhặt đem về miền nắng những trái thông khô để tạo thành những chú gà trống mào đỏ cất tiếng gáy trên bàn học. Nay còn không những chú gà làm bằng trái thông khô mộng mị kia?
Ô, đã xa, xa như trời và đất. 
Còn nhớ Tim có nói là đã nhìn thấy rất nhiều chim én, gọi là cliff swallows, chúng làm tổ dưới mái nhà thờ Mission ở thành phố biển San Juan Capistrano -điểm hẹn giữa San Diego và Santa Ana. Đó là trước năm 2009. 
Nay chim én không về dưới mái nhà thờ Mission nữa. Để nhớ lại những con chim én ngày nào, em hãy cùng anh nghe bài hát “When the Swallows Come Back to Capistrano” của Leon Réne:

When the swallows come back to Capistrano
That’s the day you promised to come back to me
When you whispered, “Farewell,” in Capistrano
Twas the day the swallows flew out to sea.

Khi những con chim én
bay về San Juan Capistrano
tôi nhớ đó là ngày
em hứa sẽ trở về
khi thì thầm bên tai tôi
lời giã biệt
ở Capistrano
ngày đàn én bay ra biển xa

Ôi, những con chim én thân yêu của tôi.

                                                     Tim Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét