Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Những hàng me Sài Gòn




Bình Nguyên Lộc lang thang trên những vỉa hè Sài Gòn cách nay mới sơ sơ... ngót sáu chục năm. Người lang thang đi rồi, nhưng vỉa hè còn ở lại, me cũng còn ở lại tuy phong độ so với trước chắc suy nhiều...BNL ngó me, vừa vì mến me vừa do có ý muốn theo dõi “cô Mùa”.
 Tuồng như sợ nỗi nhớ mùa nọ mùa kia của mình chưa đủ dông dài, nhân thấy me ngủ chiều, ông bèn nhớ luôn tuốt về thời tiền sử!Những hàng me Sài Gòn bây giờ có bao nhiêu gốc đủ già để biết người xưa? 
Me! Cái tên mới thô lỗ làm sao chớ!
 Nó không được tầm thường như mận, bưởi, cau, mà cục mịch như ổi, xoài, măng cụt.
Nhưng nếu có những cô Thùy Dương, Yến Tuyết không đẹp bằng những chị Mén, chị Vầu, thì cũng có những cây anh đào, thanh tùng không đẹp bằng me, bằng me Sài Gòn.
Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sậm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không xơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng và buồn, thì nó còn đẹp hơn biết bao!
Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Ðà giao nhành rợp bóng, những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa, những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàn xanh sậm quyến luyến những tiếng dương cầm của ai trong vài cửa sổ vọng ra...
Ôi, những hàng me chứa chấp cô Mùa, một cô gái quê ít dám léo hánh đến thành phố.
 Chính trên mớ tóc xanh biến màu theo thời tiết của ngươi mà những khách yêu thiên nhiên tìm dấu chân Mùa hằng năm len lén đến vài lần nơi thành phố.
Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sài Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu.
Những ngày mà toàn thân me đều khoác áo màu đọt chuối non, là những ngày người mến thiên nhiên nghe tiếng hát của Mùa, là những ngày họ hồi hộp rình Mùa, hồi hộp lắng nghe bước chân Mùa trên xi-măng của thành phố.
Ôi, những cây me ngủ chiều, gợi nhớ sự nghỉ ngơi của đồng áng, gợi nhớ những nỗi buồn tiền sử của loài người, khi chiều xuống họ hãi hùng nhìn cây ngủ, chim về, mặt trời chun xuống thiên nhai không biết ngày mai sẽ trở lại hay không...
A... ha, những cây me vui, những cây me rắn mắc, thỉnh thoảng, sau một trận mưa, lại đánh rơi xuống áo đẹp của ai những hột nước làm cho ai nhăn mày..
.Tôi thương Sài Gòn vì những hàng me. (1952) 
Quà đêm trên sông Ông Lãnh
 Vậy là “gã Bình Nguyên Lộc” còn ưa “lang thang” dưới sông nữa, chớ đâu phải chỉ trên “hè phố”. Nhờ “gã” chịu khó đi rồi chịu khó ghi, mà nay ta mới được thấy chút ít hình ảnh của con sông Ông Lãnh, tức con kinh Tàu Hũ, tức con lạch Bến Nghé, một thời...Món bánh canh cá rô, “hay tệ lắm (...) cá lóc”, không biết có còn nhiều người thích ăn?“Con đò Thủ Thiêm”..
. Khách chạy xe dưới đáy sông Sài Gòn bây giờ có biết chăng xưa kia, trên mặt nước trên đầu mình, đêm đêm một “cô bé (...) có tấm thân uốn éo như dòng sông uốn khúc” đã chèo qua chèo lại rao bán “bắp non”?.
Nếu ban ngày con sông Ông Lãnh rộn rịp sanh hoạt với những ghe thương hồ chở khẩm lừ trái cây và các thứ hàng hóa khác, thì về đêm, một sự sống âm thầm nhưng không kém linh động, nổi lên trong khi người ta ngỡ con rạch ngủ yên.

Ở đây không có xe hơi, không có ra-đi-ô, không có trẻ nô đùa, nên những tiếng bí mật của đêm trường mang rõ linh hồn của nó, âm thanh có sự sống đã đành mà cho đến tiếng động, lắm khi cũng thành nhạc.
Một chiếc xuồng tam bản, chuồi êm rơ trên mặt nước, một mái chèo khua nhẹ trên dòng kinh, một đèn dầu leo lét soi mờ bóng một cô chèo xuồng, rồi từ tất cả các thứ ấy, vẳng lên: “Ai… chè đậu… cháo cá… hông?”
.Bất giác ta bị đẩy lùi về thế kỷ trước và câu ca dao:
“Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”như được một người bình dân nào bập bẹ cho nó thành hình, chập chững lần dò, bỏ một tiếng, thêm một lời, để tỏ tình gián tiếp với cô bé chèo thuyền có tấm thân uốn éo như dòng sông uốn khúc.

Khách hàng dưới sông phần lớn là dân quê, những trạo phu của ghe thương hồ. 
Vì thế quà ở đây cũng nấu theo lối quê, thật thà nhưng đậm hương vị. Cháo cá ngọt cái chất ngọt của cá đen ở đồng chớ không phải ngọt ngay nhờ bột ngọt hóa học như cháo trên bờ.
 Mùi thơm của chè đậu trắng gợi nhớ mùa chè cúng đưa ông Táo ngày hăm ba Tết ở làng xa.Lối bán hỗn hợp hai thứ quà mặn ngọt này cũng là theo truyền thống nhà quê.
 Trên phố, người ta bán cháo cá vào giấc sáng, thỉnh thoảng về đêm; chè đậu luôn luôn bán buổi trưa từ 11 giờ đến hai giờ.Quà trên sông Ông Lãnh luôn luôn nóng hổi, vì bếp lửa khỏi phải gánh nặng nề, nên các nồi quà được nằm mãi trên cà-ràng cho đến khi vơi tới đáy.Ai đã ăn món xu xoa mật đường hạ trên kinh Tàu Hủ vào mùa nực chưa? 
Đường hạ đen sản xuất ở Biên Hòa tiết ra một mùi thơm đặc biệt mà đường cát trắng không có được. 
Khi thứ đường hạ ấy được nấu thành mật để ăn bánh đúc hoặc ăn tàu hủ (óc đậu), xu xoa, thì hương vị của nó càng đậm đà hơn.Ta cứ nghe như là phảng phất đâu đây mùi đồng áng, mùi lò đường tiểu công nghệ với những đêm dài nổi lửa đốt lò, với tiếng rít ghê rợn của các “ông che” (...)
“Kẹo đậu phộng trà Huế hông?”.

 Ông già rụng răng nầy rao nghe còn dở hơn chú Khách trên. Nhưng người ta cứ mong lão tới.Họ thích xem lão đưa cao ấm nước trà đang sôi lên, rót trà xuống một tô nước lạnh, lão rót thế nào mà bọt dâng lên còn nhiều hơn là bọt bia, không khát nước, trông thấy cũng cứ thèm.
Thích nhứt là xem lão ta uống, không biết bao tử lão là bao lớn mà hễ khách quen thách uống là lão tự pha cho lão, không phải một tô thường, mà một tô con rồng, thứ tô sứ giả sản xuất ở Lái Thiêu cách đây bốn mươi năm mà ngày nay ít gia đình nào còn giữ được.Tô ấy to bằng năm tô thường. Lão ta uống một hơi, không nghỉ để thở lần nào cả. 
Những người biết lão nhiều, kể rằng lão có tài ăn năm mươi chiếc bánh trôi nước có nhân, rồi uống liên tiếp hai tô nước như vậy.
“Kẹo đậu phộng trà Huế hông?”. 

Câu hát không hay ho gì nhưng nghe yêu đời lắm, vì do miệng một kẻ yêu đời hát lên, kẻ ấy đã ngót bảy mươi rồi và chắc không con cháu, nhưng chưa hề ai thấy lão than thở một lần, đêm đêm quạt lò trà xành xạch để sống những ngày nhàn như thời Sài Gòn chưa thấy xe hơi, những ngày một miếng kẹo, một tô trà Huế đậm và một miếng trầu, cả ba thứ được bán chung lại với một giá kinh khủng là... một xu. 
Lập đông ở miền Đông 
“Anh Chín cất cái chòi này giống như khoét một lỗ trong rừng. Chung quanh nhà anh, thảo mộc xanh mịt đứng sững lên như thành giếng đóng rêu. Nhà anh Chín giống như nằm dưới đáy giếng, chỉ thấy một mảnh trời tròn, nhỏ. 
 Gió bấc lướt trên ngọn cây, té vào giếng ấy như nước chảy vào chỗ trũng, và vì không có lối ra gió quay cuồng, càng vặn thêm lòng người vốn đã lạnh.
Cái buồn chiều hôm, cái buồn một ngày mưa, cái buồn đêm vắng cũng nghe không khó chịu bằng nỗi buồn nhìn cây lá xơ rơ trong gió. Nghe như là một cuộc tang thương đã qua đó, và cái gì cũng đã hết, đã chết, hoàn toàn trống rỗng từ ngoài vào đến bên trong.”Cảm giác, cảm xúc độc đáo. 
Cái “nghe” ở đây ngộ “từ ngoài vào đến bên trong”!Mặt trời mãi không thấy đâu hết từ sớm đến giờ. 
Mây trắng đục phủ cả vòm trời và hối hả từ phía rừng sâu bay về đâu không biết. Những hột mưa nhỏ xíu khi nhặt khi thưa cứ rơi mãi xuống mặt đất lầy nhầy. 
Thỉnh thoảng những sợi nước nhuyễn ấy bị gió từng cơn thổi tạt, khi thì xiên qua, khi thì xiên lại giống như những sợi chỉ treo vật gì, đánh đòng đưa trước gió.
 Có khi gặp phải hai luồng gió ngược nhau, những sợi mưa ấy tréo lộn với nhau như tre đan.
 Có khi hột nước mịn quá và rơi nhặt quá, bị gió cuốn, bay như khói.Gió nhẹ, mưa sương, nhưng anh Chín nghe cái lạnh thấm tới đáy lòng anh. Nhưng anh không ngạc nhiên vì thời tiết.
 Ðã ba ngày rồi trời vẫn thế. Năm nào, vào độ này trời cũng âm u, vần vũ ba bốn ngày, rồi mưa dứt hẳn, cùng với gió bấc trên rừng về, và mùa nắng bắt đầu thiêu đốt vạn vật cho đến mùa mưa tới. Anh Chín nhớ rằng hồi ở dưới làng người ta gọi cảnh thê lương này là “trời lập đông”.Vậy hôm nay là ngày thứ ba trong những ngày lập đông ủ dột.
Những đám mây thừa trong lục địa bị đuổi xua ra biển cả, như còn tiếc sứ mạng chưa tròn, đánh rơi mãi những giọt lệ giã từ buồn như mưa Ngâu.Anh Chín cất cái chòi này giống như khoét một lỗ trong rừng. 
Chung quanh nhà anh, thảo mộc xanh mịt đứng sững lên như thành giếng đóng rêu. Nhà anh Chín giống như nằm dưới đáy giếng, chỉ thấy một mảnh trời tròn, nhỏ.
 Gió bấc lướt trên ngọn cây, té vào giếng ấy như nước chảy vào chỗ trũng, và vì không có lối ra gió quay cuồng, càng vặn thêm lòng người vốn đã lạnh.
Cái buồn chiều hôm, cái buồn một ngày mưa, cái buồn đêm vắng cũng nghe không khó chịu bằng nỗi buồn nhìn cây lá xơ rơ trong gió. 
Nghe như là một cuộc tang thương đã qua đó, và cái gì cũng đã hết, đã chết, hoàn toàn trống rỗng từ ngoài vào đến bên trong (...)Hai cặp trâu cổ, nhốt chung trong chòi, phía sau, bỗng rống lên, những tiếng dài chết lần theo với tiếng gió hú trong cây. 
Ðàng xa thác nước Hàn Dài và Hàn Ông Sâm giận dữ đổ ào ào nghe như mưa nguồn gầm trong cây lá.
 Tùy theo chiều gió, tiếng thác khi thì xáp lại gần như muôn binh tiến đến, khi thì dịu lại như mưa sắp tàn (...)Lập đông đã dứt trong đêm rồi.
 Mưa bụi không rơi nữa. Mặt trời ban mai đã trở lại sau những ngày núp ẩn, để nghe chim muông tung hô, chào đón.
 Qua các lỗ trống trên tàng cây, ánh nắng lò vào bóng râm, thành những tia ngay bót như cây cột đình.
 Anh Chín thỉnh thoảng ôm lấy những cây cột nắng đó để mà sưởi. Những lúc ấy anh sè tay hứng lá trắc tròn xoe, vừa rơi vừa quay như chong chóng, hoặc những lá sao dài rơi xụi lơ xuống đất.
Cùng với tiếng ve rân trong nắng sớm, những tiếng tố hộ, tố hộ của loài công vang dội từ gốc rừng này đến gốc rừng khác. Những man khê, suối dại rù rì đâu đó, dưới cỏ, trong rêu (...)
Rốt cuộc anh cũng tới nơi.
 Bờ sông Bé cao nghều nghệu như muốn ép con sông nhỏ chảy dưới kia, sâu thăm thẳm. 
Vách lá xanh đứng sững lên làm cho sâu thêm vực thẳm ấy. Bờ sông man rợ khiến dòng nước hiền lành kia cũng mang một vẻ hiểm ác như chứa trong lòng nó không biết bao nhiêu là thủy quái (...) 

                                                   Bình Nguyên Lộc

 (trích từ truyện ngắn Thèm Người. Nhan đề phần trích tạm đặt.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét