Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Về cái buồn vui


Bốn mùa: XUÂN - HẠ - THU - ĐÔNG, cái dòng thời gian bị ngắt ra từng quãng. Nhưng không hẳn là sự chuyển mùa có một giới hạn rõ nét mà còn phải tùy nơi, tùy lúc.
Có khác biệt của đất trời, là có khác biệt của lòng người. Cái Buồn Vui là khoảnh khắc của lòng người; tùy thời, tùy cảnh, tùy mức độ chao rung qua cảm xúc của người với Đời, với Người và với Mình... trong những cái chung và những cái riêng.
Có những cảm khái thuận lòng suy nghĩ, cũng có những cảm khái nghịch thường - lòng người mà, đôi khi nó biến đổi trạng thái nhanh như vận tốc ánh sáng.

Đang vui rồi bỗng chợt buồn
đang buồn muốn khóc, lại cười hả hê
đừng hỏi ai tại sao lại thế
mình hỏi mình, không dễ trả lời....

Chuyện buồn vui thì vô kỳ hạn.
Cũng may sự đột biến vô hạn đó, đã tạo trong ta ngọn lửa nhiệt tình, luôn cảm xúc trước nỗi xót xa, sưởi ấm bạn bè và sưởi ấm chính ta...
Vượt qua giới hạn của bốn mùa và không gian cách biệt.
Sự rung cảm nhạy bén đến độ đôi khi ta không làm chủ được những giòng nước mắt.
Nó chợt đến, chợt đi cả khi còn những "nỗi-buồn-chiến-tranh" hay trong thời hậu chiến.
Cái cảm giác vế một cuộc ra đi nào cũng còn độ nóng. Từ cuộc ra đi xa lắc 45, rồi 75 và sau đó nữa.

 Như Anh vừa nhắc tôi về những người đã ra đi từ một bến sông.
Nhắc một chữ là thấy buồn một chữ.

 Chữ SÔNG đó. Con sông nào làm ngăn cách lòng người và ngăn cách nhân sinh?
Con sông nào đã đưa ta vào miền đất hứa? Con sông nào đã đẩy ta vào chốn lưu đày?
Nước của tôi đấy sao? Phải. Đích thực là Nước của tôi. Nhưng sao tôi lại bỏ đi? Lại bất chợt nhớ đến câu của một người Bạn vừa mới viết ra: "Bị quê hương ruồng bỏ,giống nòi khinh".
-Không. Giống nòi không khinh ta.

 Chúng ta là những mảnh của trăm cái trứng - đứa ra khơi, đứa được lên non... Sao lại bị rẽ khinh?
Đất nước tôi. Giống nòi tôi. Vĩnh hằng là giòng nước mát, là cội nguồn ta mãi muốn quay về.
Cái nôi của Lạc Hống vẫn ấm, với tiếng ru êm của bà mẹ Âu Cơ.
Chỉ những ai mượn tiếng giống nòi tôi trong mọi ý đồ mưu cầu danh lợi, mới khinh bỉ những người cùng chung nòi giống với mình.
Còn Quê hương

 - "Quê hương vẫn là chùm khế ngọt
- Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người..".
Giap' v. Thach
Sự từ chối từ quê hương với người, hay từ người với quê hương, đều là sự bi đát trên chính cái thân phận của một quê hương.
Cái Vui mày trốn đâu rồi
Cái Buồn chễm chệ cứ ngồi ở đây?

Nếu thấy chướng tai, gai mắt thì đá nó đi, quẳng nó đi, quẳng thật xa vào cõi vô ưu. 

Mà cái Buồn thì lúc nào cũng trên chân cái Vui. Buồn lại biến tướng dưới nhiều hình thức, dưới mọi tốc độ.
Có khi chợt đến, chợt đi. Có khi bám hoài dai dẳng trong suốt một thời, đến nỗi có người không còn chịu nổi, đã tự giải thoát mình... Có người thì lấy rượu giải sấu, rồi sầu càng sầu...
Nhưng cũng có người nhờ quá buồn mà tìm ra hạnh phúc. 

Đó là trường hợp của hai kẻ trên bước đường lang thang vì buốn mà gặp nhau.
Qua một thời gian đã hóa gỉải được cái buồn và hai Họ nhận được tin báo hỷ. Lành thay. Thiện thay!!
Tôi nghe nói, những người thích làm thơ thì hay buồn hơn người bình thường.
Có đúng như vậy không?
Nếu đúng, thì có cần tránh xa họ cho đỡ buốn không?.
Chắc là không. Vì tôi cũng thích làm thơ, mà làm thơ để giải buồn, thì chắc là buồn ít hơn người vì buồn mà làm thơ??!!!
Có ai cười khi đọc qua đoản khúc này, là tôi đã mãn nguyện và rất cám ơn.
Lành thay! Thiện thay!

                                           Cao Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét