Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Chữ nghĩa – Cà phê văn nghệ:


Thưa bạn cà phê một thưở,

Một ngày nào đó như mới đâu đây… 
Cả một khoảng không gian thu hẹp của một cõi, cùng những níu kéo ngày là lá tháng là mây. Ít lâu sau gặp lại bạn bè ngồi như đóng chốt ở cái quán cuối phố.
 Hồi nhớ lại ngày đó, mỗi đứa một góc, cả một khung trời quen thuộc qua thằng này thằng kia.
 Nghĩ cho cùng ở cái tuổi vắng gió đìu hiu này, cũng cần phải có một nơi chốn để trở về cùng những ngày tháng cũ. Và rồi không ai bảo ai, như gió đánh đò đưa lại cùng nhau hẹn hò về ngày này năm ấy…
 Ngày ấy quán như một nơi chốn để gặp nhau, tới không gặp để lại một vài hàng nhờ cô thâu ngân chuyển dùm. 
Cũng nơi chốn ấy, tuần trước thằng bạn về phép, tuần sau bàng hoàng nghe tin anh nằm xuống, hơn một lần… Ngồi chơ vơ một mình, đốt điếu thuốc như thắp nén hương lòng cho những thằng bạn đã bỏ cuộc chơi, để bất chợt thấy ly cà phê đắng chát và nguội ngắt
                                                                    .                   Tr tre con 2 
 Ngay lúc này đây, hoài đồng vọng về những thằng bạn quen biết một thưở, đã áo bào thay chiếu anh về đất. Với nhiều thằng, bây giờ với năm tháng còm cõi, chẳng nhớ nổi một cái tên. Lại có cớ nghiêm và buồn, bồi hồi qua câu của người xưa thế sự du du hề, một cuộc bể dâu, nhân kiếp phù sinh hề, một thoáng bạch câu.
Nhớ với quên, để chẳng quên một vài lập dị nhân. 
Chuyện là có khứa lúc nào cũng ngồi ở một góc cố hữu và quay mặt vào tường, mặt mày đăm táo bón như một triết nhân sinh bất phùng thời qua… dạng Phạm Công Thiện với mặt trăng hiếp dâm mặt trời. 
Có một nhóm chỉ ngồi ở một bàn từ ngày này qua tháng nọ, đến mụ người như cánh vạc bay, rồi đàn bò vào thành phố cùng cỏ hoang lạc lối. Lắm khi trái nắng trở trời bắt cô thấu ngân cho nghe đi nghe lại… một bản nhạc cho nó phê… Bắt qua một nhóm khác cùng : tuổi trẻ phải là một cái gì.
 Cái gì đâu không thấy, chỉ toàn nói chuyện đội đá vá trời, trên thông thiên văn dưới thuộc lòng địa lý. 
Thuốc lá điếu mồi, điếu hút, điếu “sơ cua” thì nhớ đâu vào đó, nhưng khoản chi tiền chầu cà phê thì lờ tít.
 Rồi bỗng dưng đột nhiên đứng dậy và biến mất như ma… và hôm sau giữa ban ngày ban mặt xuất hiện như ma trơi, lại tiếp nối chuyện… tuổi trẻ phải là một cái gì. Cái thằng tôi không biết làm gì hơn là làm thinh, là lẳng lặng bỏ bao thuốc vào túi.
Nhắc đến những kỳ nhân dị tướng trên thì không quên một thằng Bờm trôi sông lạc chợ người Quảng Ngải. Quảng Nam hay cãi Quảng Ngải hay co là nó đây.
 Trôi sông lạc chợ vào Sài Gòn, vừa đi học vừa kèm trẻ tư gia. Ấy vậy mà thỉnh thoảng cuối tháng vẫn dấm dúi tiền kèm trẻ cho anh em thằng Bờm đóng hụi chết tiền nhà. Vì rõ ra nắm sôi không… ngon như óc chó như thằng bờm Lưu Trọng Đạt đã luận thuyết.
Nhắc đến thằng Bờm này thì lại nhớ đến thằng khác. Cái thằng đẹp trai học giỏi con nhà giầu học trường Tây, ăn cơm Tây. 
Nhưng khổ một nỗi vì nó đau bao tử nên sáng trưa chiều tối nuốt khoai tây nghiền nhuyễn nhừ. 
Nay học luật, trốn việc quan đi ở chùa bằng vào tới quán lau nhà, rửa tách chén mệt nghỉ. Còn cái thằng tôi, việc nhà thì nhác việc thiên hạ sự thì siêng là ghé quán cô Hồng lấy cà phê. 
Chả là nghe đâu cà phê ở đây trộn lẫn với cau khô giã nhừ. Hay nói khác đi cà phê thằng Bờm là “âm bản” của cà phê Pasteur.
Qua đây, năm thì mười họa đập bể kính ra tìm lấy bóng từng thằng một.
 Thảng như đảo về thăm quán thằng Bờm trong chốc lát để điểm mặt chỉ tên thì nhớ đến thằng đang học thổi kèn ở trường Quốc Gia Âm Nhạc, mắt hấp ha hấp háy, miệng cười ruồi, tay nhón điếu thuốc lá. 
Thằng thổi kèn ở bên Úc, hai thằng gặp lại qua quán vắng chiều hôm, qua đường giây điện thoại. Chuyện là mới đây đang mày tao chi tớ, bất chợt nó hỏi: Mày biết tao đang ở đâu không ?. Tiếp, nó cười khục khục là đang ngồi trên xe lăn tới bàn mổ đê thông van mạch, nhớ thì gọi vậy thôi.
Thôi sao được, thế là tôi lưỡi đá miệng : Đừng có đi luôn nghe mày. Vậy mà ngay sau đấy nó… nghe lời tôi lặng lẽ đi vào cõi tĩnh mịch, chẳng ai biết, không ai hay. Cái tình của thằng bạn cà phê là thế đấy. Trước khi đi vào cõi vô cùng cũng chẳng quên ới cho bạn một tiếng.
 May mà tôi không theo nó, ấy vậy mà may.
..... Quay quả trở về lại thăm thú quán thằng Bờm như một dấu ấn, đánh dấu một đoạn đường đã qua. Quán thằng Bờm chẳng của riêng ai, vì mỗi người mỗi có một quán cà phê của riêng mình ở ngõ không tên nhà không số nào đấy. 
Nói cho ngay, quán chỉ là cái mốc của thời gian và không gian nào đó. Như một chuyến đò qua sông, cây đa bến cũ, cùng đam mê, nhiệt tình của những mẫu người, những khuôn mặt như những Bi, những Lộc, những Lập…Nay nếu có hình dung lại từng bóng dáng, hồi tưởng lại từng khuôn mặt, dường như đều mờ nhân ảnh trong một cõi đi về.
Tận cùng của Sài Gòn đầu đường cuối ngõ chẳng thể không nhắc tới quán chị Chi. Quán chỉ đủ chỗ cho ba bốn chiếc bàn, không nhạc, không gì cả. Ngoại trừ bức tranh trên vách được cắt ra từ một tờ báo ngoại quốc.
 Tranh chụp một bàn tay giắt một em bé vai đeo cặp sách, mắt mở to, miệng mếu máo, phía dưới có hàng chữ : “Đi học hả ?
 Hôm qua đã đi học rồi mà”.
 Và chẳng mấy ai nhớ đến số nhà của quán cà phê, chỉ biết rằng nó nằm ở con phố nhỏ Nguyễn Phi Khanh. Ấy vậy mà cách đây mươi năm, ngày chị đi vào cõi tĩnh mịch, có tới hơn hai trăm khách cà phê của một thời một thưở theo linh cữu chị để tiễn đưa. Nghĩ cho cùng mấy ai được như vậy.
 Tất cả chỉ vì cái tình tri ngộ qua hình bóng lắng đọng qua cái tên thân quen, gần gũi: quán chị Chi.Bằng vào tất cả những gì tôi vừa nhắc tới qua bài tạp bút này chỉ là một thóang ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của một trong những quán cà phê Sài Gòn trong trí nhớ.
 Mây vẫn bay ngày vẫn trôi đi, ai chẳng có một cái quán để nấp bóng còn đang bồng bềnh nổi trôi đâu đó nơi quê nhà.
 Và cũng để hòai cảm một ngày nào đó, ngồi nơi quán xá bên đường ở một thành phố xa lạ, bỗng dưng bắt gặp một vài khuôn mặt quen thuộc qua một dòng nhạc, qua một ly cà phê…
Để hoài cố nhân với còn ai nữa, những người muôn năm cũ của quá vãng thấp thoáng ẩn hiện như mới đâu đây trong một ngày ít nắng nhiều mây…

Phí Ngọc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét