Ba mẹ chồng tôi vừa từ New York trở về sau chuyến nghỉ đông kinh khủng
tại Florida. Qua điện thoại, mẹ kể với tôi rằng khi bố mẹ vừa tới Bắc
Carolina thì chiếc xe bị hỏng. Họ đã đưa nó đi sửa nhưng sau đó nó lại
hỏng lần nữa ở Delaware.
“Nhưng, điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn là những
giây phút chìm ngập trong khói bụi vì ách tắc trên cầu Verrazano.
Lúc ấy
chúng ta có cảm giác như mình chẳng bao giờ về nhà được nữa” - Mẹ kể.
“Thật kinh khủng”
- Tôi nói, và thực sự cũng muốn được chia sẻ câu
chuyện của mình - thảm kịch khi chiếc xe của tôi bị chết máy vào lúc
chín rưỡi tối ở bãi đậu xe vắng ngắt trong khu mua sắm.
Nhưng đúng lúc đó có người gõ cửa nên chúng tôi đành bỏ dở cuộc trò
chuyện.
Trước khi cúp máy, mẹ nói thêm rằng: “Cảm ơn con vì đã lắng
nghe, nhưng mẹ cảm ơn nhất vì con đã không kể câu chuyện về chiếc xe bị
hỏng tồi tệ kia”.
Mặt tôi nóng bừng vì ngượng.
Tại sao mẹ có thể đọc được suy nghĩ của
tôi rõ đến vậy? Nhiều ngày sau đó, tôi vẫn còn băn khoăn về điều này.
Tôi không thể đếm được đã bao nhiêu lần tôi phàn nàn về những bất đồng
giữa tôi và con trai, rồi nỗi thất vọng của tôi về công việc, những rắc
rối với xe cộ… đến nỗi bạn tôi từng phải ngắt lời và than rằng: “Những
điều đó cũng xảy ra với tớ”.
Thế rồi không biết từ lúc nào, chúng tôi mải mê đề cập tới thằng con
trai bất trị của cô ấy, ông chủ lắm điều của cô ấy, và cả cái bình nhiên
liệu bị rò rỉ của cô ấy.
Tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc gật đầu
đúng lúc mà trong lòng không khỏi băn khoăn rằng có phải chúng tôi đều
là những người vô tâm trước cảm xúc của người khác hay không.
Người ta rất dễ nhầm lẫn giữa: “Tôi hiểu cảm giác của bạn vì tôi cũng
từng trải qua điều đó” với sự cảm thông thực sự.
Không điều gì tự nhiên
hơn việc cố gắng xoa dịu một người bạn đang trĩu nặng buồn lo bằng việc
khẳng định chắc chắn rằng cô ấy không cô đơn.
Những buồn đau này chỉ giống nhau ở một mặt nào đó, còn về cụ thể,
chúng muôn màu muôn vẻ như những dấu vân tay vậy.
Câu nói: “Tôi hiểu nỗi
đau của bạn” chỉ là lời mào đầu cho một chuỗi lời khuyên tiếp sau đó:
"Đây là những việc tôi đã làm", và "Đây là những việc anh nên làm", ...
Nhưng khi chuyến du lịch bằng xe ô tô của bạn kéo dài gấp ba lần thời
gian thông thường hay khi con bạn bị sốt cao lúc nửa đêm thì bạn có thực
sự muốn nghe cách bạn mình từng xử lý trong tình huống tương tự hay
không?
Khi ta cảm thấy buồn nản, bối rối hay hạnh phúc, điều ta mong muốn nhất
chính là sự sẻ chia của một người bạn sẵn sàng lắng nghe chúng ta bất
cứ lúc nào.
Lắng nghe để đồng điệu với nỗi đau hay niềm vui của người
khác mới là biểu hiện của sự cảm thông thực sự.
Rất may, cảm thông là đức tính mà chúng ta có thể dễ dàng học được.
Kể
từ buổi trò chuyện hôm đó với mẹ chồng, tôi đã chấm dứt thói quen ngắt
lời người khác trong khi họ đang giãi bày tâm sự.
Tôi đã học cách lắng
nghe và tôn trọng mạch cảm xúc của họ, quan tâm hơn tới ngôn ngữ cơ thể,
biểu hiện gương mặt, âm điệu giọng nói và những hàm ý chưa bộc lộ thành
lời của họ.
Và khi chính tôi là người được giãi bày, tôi càng hiểu và trân trọng
hơn sự thông cảm của người khác.
Một ngày nọ, tôi gọi cho một người bạn,
than phiền rằng tôi đang lo lắng và không thể tập trung.
“Cậu có muốn kể cho mình nghe về điều đó không?”
- Cô ấy có vẻ ngóng
chờ và kết quả là tôi đã được dốc bầu tâm sự.
Cuối cùng, tôi cảm ơn cô
ấy vì đã lắng nghe và hỏi cô ấy đang sống thế nào.
Cô ấy đáp rằng:
“Chúng ta sẽ nói về việc của tớ vào ngày mai”.
Đó chính là sự cảm thông.
Không phải lúc nào chúng ta cũng chờ đợi những câu trả lời hoặc những
lời khuyên nhủ.
Đôi khi chỉ cần một ai đó im lặng lắng nghe, thế là đủ.
Roberta Israeloff
Haley dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét