Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Tiếng chim ( end )



 Từ đó ông già như con chim bị nhốt trong chiếc lồng xi măng trên lầu năm, ông hết đường cựa quậy.
 Anh con trai tin cụ sẽ quen và sẽ mê cuộc sống thị thành.
 Song theo chỗ tôi nhận xét thấy cụ ngày càng sầu thảm. Có nhiều khi ông già lần xuống tầng dưới than vảng với tôi. Cụ nói chán ăn cơm tháng, thèm mắm ba khía, cá đồng, thịt chuột.
 Ông than phiền thức ăn nấu theo kiểu thành phố mặn không ra mặn, nhạt không ra nhạt, rất khó nuốt.
 Ông than phiền gió từ chiếc quạt máy khó chịu, đường trắng quá, ăn không ngon. Gạo nhạt quá, đèn sáng quá.
 Ông đúng là một lão nông Nam bộ. Tuy anh con có may cho cha mấy bộ quần áo sang trọng song không thấy ông dùng.
 Cái cốt cách nông dân nơi ông không giấu vào đâu được. Mấy ngón chân ông lão to bè, loại bàn chân đặc biệt của người chuyên đi chân trần, trên đất, gánh nặng. Ông chỉ còn lại vài chiếc răng cửa rất to.
 Miệng luôn luôn ngậm điếu thuốc rê to tướng ướt và tắt tự lúc nào.Tôi thắc mắc về việc những người con tại sao không để ông sống chung với họ. Một ông lão tám mươi làm sao sống một mình.
 Nhưng tôi không dám đặt câu hỏi này với họ, nghe đâu người con là một cán bộ cao cấp. Hàng ngày họ cho đầy tớ mang cơm đến.
 Tội nghiệp ông lão rất thương các cháu, chẳng mấy khi chúng đến thăm.
 Mấy đứa cháu con nhà giàu, sang trọng ăn mặc theo kiểu tây đầm chỉ dám đứng bên ngoài nhìn vào phòng xem ông chúng nó với cặp mắt tò mò như đến sở thú xem con gấu nằm trong hang tối.
Nghe chuyện đến đây tôi đã phần nào tưởng tượng được tình cảnh ông lão trong những ngày cuối đời bị tách hẳn ra cái thế giới quen thuộc đầy màu xanh đồng nội của mình để bị giam hãm trong căn phòng nhỏ giống như giữa khu rừng bạt ngàn xi măng. Lần ấy tôi ở lại Sài gòn năm ngày.
 Sáng nào tôi cũng được thức dậy với tiếng chim vui.
 Sau đó tôi trở về Nha Trang, rồi bận bịu công việc nên quên mất chuyện ông già nuôi chim trồng hoa.
Thuở niên thiếu tôi cũng từng sống ở nhà quê. Đến bây giờ sau rất nhiều năm ở thành thị tôi vẫn còn nuối cái mộng vui thú điền viên thôn dã.
 Tôi không thể nào quên được tiếng sơn ca từ cánh đồng cỏ xuân mơn mởn vút lên gieo một tràng tiếng óng ánh dài lóng lánh như sương mai. 
Tiếng chim làm cho cánh đồng bớt trống trải. Kể từ khi lên trung học tôi phải rời thôn quê về thành phố, rồi nhiều năm đại học. Học hành xong thì đi làm, có vợ, mua nhà rồi ở luôn thành phố.
 Từ ấy mất hút màu xanh đồng nội. Giờ đây mỗi khi có dịp ra khỏi thành phố, đứng trước màu xanh những thuở ruộng mạ tôi luôn luôn cảm thấy tâm hồn êm ả. Những cuộc chạy trốn cái náo nhiệt thành phố cũng chẳng thể kéo dài được lâu.
 Tôi lại phải quay về hòa vào dòng xe cộ bất tận trên đường, trở về cảnh đời thường đầy đủ tiện nghi chán ngấy. Tôi mà còn thế huống gì ông già.
 Tội nghiệp ông giống như cái cây bị nhổ trốc gốc từ ruộng rẫy về cắm trong chiếc lọ nhỏ.Mấy năm sau tôi gặp lại anh Thức. Thức trách tôi vì sao về Sài gòn nhiều lần chỉ đến ở khách sạn không đến sống với anh, chê thiếu tiện nghi sao?
 Tôi nói, không phải, chỉ vì nhà ông cao quá lại không có thang máy. Trước leo nổi, bây giờ thì chịu, chân ngày càng yếu còn người thì càng nặng... Rồi tôi hỏi chuyện ông lão nuôi chim trồng hoa. 
Tôi hỏi con sơn ca của tôi mỗi buổi mai còn hót không ? 
Thức ngậm ngùi:
Tôi hỏi, vì sao? Thức kéo tôi vào hiệu nước kể tôi nghe câu chuyện cảm động và đầy sự phẩn nộ sau đây: "Năm ngoái cũng vào khoảng tháng này, trời nóng lắm. Một buổi chiều tôi thấy người con trai lớn của ông cụ xách chiếc giỏ lưới đựng nhiều đồ hộp đến thăm ông cụ. 
Tòan những thứ thức ăn nước uống đắt tiền. Thời đó những loại thực phẩm cao cấp như thế này có tiền cũng chẳng mua được.
 Người con có vẻ tự hào về việc mình chăm sóc cha bằng mấy thứ đồ hộp cao cấp như thế này. Anh nói dù nhà giàu cũng chẳng mua được. Anh ta ngầm bảo chỉ với vị trí quan trọng trong ngành ngoại thương như anh mới có.
 Anh ta cầm lên một hộp, và dù không có sự yêu cầu anh vẫn đọc cái nhãn in rất đẹp toàn chữ nước ngoài rồi giảng giải :" Người già cần những loại thực phẩm vô cùng đặc biệt tinh khiết, đầy đủ như thế này mới có lợi cho việc tiêu hóa dinh dưỡng.
 Theo anh chỉ có mấy nước có nền công nghệ tiên tiến mới có thể sản xuất được... ". 
Kế đó anh ta kể với tôi về chuyến du lịch dài ngày của cả gia đình anh lên Đà Lạt.
 Không chỉ tránh cái nóng Sài gòn mà anh cần chữa bệnh biếng ăn, vợ anh bệnh khó ngủ, các con bệnh dị ứng...
Nói xong anh lên tầng trên với ông già. Tôi chắc anh vào phòng cha đưa chiếc giỏ rồi đi ngay không dặn dò gì cả vì chỉ vài phút sau đã thấy anh quay xuống. 
Tội nghiệp ông lão suốt ngày chờ đợi con đến chuyện trò mà con lại bỏ đi ngay. Phải chi hôm đó anh nói với tôi vài lời.
 Lần trở xuống anh ta dừng lại nói chuyện lâu hơn.
 Anh cho tôi biết vài tin tức thuộc loại quan trọng đặc biệt mà chỉ có hạng cán bộ cao như anh mới độc quyền biết. Anh làm như ban bố cho tôi ân huệ đặc biệt. Anh tỏ ra khoái trá về những hiểu biết này.
 Ôi phải chi lúc đó người đàn ông này đừng đem chuyện thời dự viễn vông ra nói mà chỉ cần gởi gắm nhờ tôi chăm sóc cha anh thì đã chẳng xảy ra nông nỗi.
 Sau này tôi cứ ân hận mãi, tôi trách anh ta ít trách mình thì nhiều. Tại sao tôi phải đợi đứa con như anh ta gởi thì mới để tâm chăm sóc ông già?
- Bây giờ ông tới nhà tôi không còn được nghe tiếng chim sáng nữa.
Mấy ngày sau cửa phòng ông lão đóng im ỉm, nhưng bên trong tiếng sơn ca vẫn hót. Hàng cây trước cửa phòng lá vẫn xanh rì màu rắn lục. Và những bông hoa cứ đỏ rực một màu máu.
 Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi chưa bao giờ thấy ông lão tưới nước bón phân cho hoa mà chúng vẫn tươi tốt? Tối đến trong phòng tối om. Tôi tưởng người già ngủ sớm. 
Không thấy ông xuất hiện. Có nhiều buổi sáng trời trong, nắng vàng thực đẹp cũng chẳng thấy ông cụ ra hiên sưởi nắng. 
Chúng tôi, những người hàng xóm lâu ngày hiểu cách sống âm thầm của ông nên cũng chẳng để tâm.
 Vả lại là thị dân ai cũng bận, cuộc sống là thế đấy nó xô con người vào vòng quay tối mày tối mặt, chẳng còn thời gian và hơi sức đâu để ý cuộc sống người chung quanh.
 Thực là một cách sống hời hợt của đám thị dân.Cho đến một hôm cả khu cư xá dậy lên nạn ruồi xanh, Ban đầu ruồi xuất hiện ít, sau nhiều dần.
 Những con ruồi no tròn, mình ánh lên sắc sanh kim lọai, hai mắt đỏ choán hết cả đầu.
 Chúng vo ve suốt ngày, đậu mọi nơi, để dấu phân rất bẩn lên cửa kính. Sau nạn ruồi đến mùi lạ.
 Ban đầu chưa rõ mùi gì, dần dần chuyển sang hôi thối mùi chuột chết. Nơi nào cũng phảng phất cái mùi đáng tởm lợm này. Chúng tôi léo nhau đi tìm.
 Có người la:- Trời ơi ! Lại đây mà coi, ruồi đậu đầy cửa nhà ông lão!Chúng tôi phá cửa xông vào.
 Cả bầy chuột cống túa ra. Nhiều người hét lên, chết khiếp.
 Ông nằm sóng sòai trên nền. Ông chết đã nhiều ngày. Mấy ngón tay ngón chân bị chuột gặm nham nhở cụt gần hết !
Ông lão nhà quê chết đói ngay trên một đống thực phẩm sang trọng đắt tiền.
 Mấy hộp thịt, hộp cá, hộp nước trái cây xanh đỏ lăn lóc đầy nhà!
 Ông già quá, quê mùa quá, quê mùa đến nỗi không biết những thứ đẹp đẽ kia là thức ăn đồ uống. Mà dù có biết thì ông cũng chẳng biết cách gì mở chúng ra ăn uống.
 Đối vơi người nông dân chất phát quanh năm đồng chua nước mặn thức ăn thức uống đâu có giống mấy thứ xa lạ này?
Người ta còn kinh ngạc hơn khi phát hiện ra hàng cây cảnh người con trai và cô con dâu mua về cho ông tạo khung cảnh thôn đã điền viên cũng là thứ cây cảnh nhân tạo làm bằng chất nhựa tổng hợp.
 Những hoa lá không cần chăm sóc tưới bón vẫn xanh rờn rắn lục, đỏ lòm máu.
Và trời ơi !!
 Mọi người còn sửng sốt hơn nữa, khi thấy trên bàn, chiếc máy cát xét đời mới nhất chốc chốc vang lên tiếng chim sơn ca !

                     Quý Thể

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét