Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay. Ngậm
ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác...
Hình như ta chẳng bao giờ thực
sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai, nghĩ rằng
phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có
tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống
cho quá khứ.
Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú.
Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.
Từ ngày "thế giới phẳng", ta còn sống với đời sống ảo.
Ta ngồi đây với
bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận
dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện thì
nhiều khi đã lỡ nhịp. Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý
thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn.
Nhờ vậy mà
không có thì giờ cho già nữa. Hiện tại thì không có già, không có trẻ,
không có quá khứ vị lai.
Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó,
chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều
thú vị để phát hiện, để khám phá.
Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi
tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75.
Vậy sao ta đang ở cái tuổi
tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền
rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không?
Ta đang ở cái tuổi
nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi
nào đẹp hơn nữa.
Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng
hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức
mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch...
Cơ thể
ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sãn của nó, không cần
biết có ta. Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng
làm dữ.
Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách
cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho
mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử
tế với ta hơn.
Anh chàng Alexis Zorba nói: "Cũng phải chăm nom đến thân
thể nữa chứ, hãy thương nó một chút, cho nó ăn với, cho nó nghỉ với.
Đó
là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi
mình ngang xương giữa đường cho mà coi"
(Nikos Kazantzaki).
Từ ngày biết thương "con lừa" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ
tôi... cũng khác tôi xưa.
Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói,
không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc
ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì
cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá.
Một người cô tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà
vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa
Mỹ đắt tiền cho uống.
Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm
sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được.
Giá nghèo một
chút còn hay hơn. Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon,
thấy sướng.
Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ
giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như
sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được.
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: "Cơ tắc xan hề khốn tắc miên"
(Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền) trong bài Cư trần lạc đạo (Ở đời mà vui
đạo).
Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên
Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm.
Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm
lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi
tu tiếp.
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như
vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương
pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng
chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn
cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình.
Phương pháp
nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác.
Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu
kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo.
Tai kém nhạy để bớt nghe những
điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ
sắc sảo hoài ai chịu cho nổi.
Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe,
không thì đóng lại mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép
lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần".
Tự dưng không tu hành gì
cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng
những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa
trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt
nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là
xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành.
Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó.
Tưởng hoa đốm
của trời, ai dè trong mắt mình. Chính cái "tưởng" của ta nhiều khi làm
hại ta.
Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu
hao năng lượng vào những chuyện hơn thua.
Dĩ nhiên có những chuyện phải
ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn
trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.
Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về
mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì
về mình cả.
Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút.
Nhưng muốn vậy, phải... chuyển đổi cách thở.
Thở ư? Đúng vậy Một bác sĩ
có thể biết rất nhiều về bộ máy hô hấp, về cơ thể học, sinh lý học, bệnh
lý học của bộ máy hô hấp nhưng chưa chắc đã biết thở.
Đỗ Hồng Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét