Trong đám bạn ấy Hồng-P đẹp nhất và dễ thương, tôi thường về phe Hồng, bênh vực Hồng mỗi khi có tên nào chọc ghẹo, Hồng cũng thường cho tôi kẹo cam thảo. Nhớ lần tôi bị bịt mắt đi bắt dê, lạng quạng làm sao tôi chụp được Hồng rồi nghe Hồng ré lên, vội kéo miếng vải bịt mắt xuống, tôi hiều lý do, thay vì chụp sau lưng tôi lại chụp phía trước.!
Hồng đỏ mặt lườm tôi, tôi bối rối không biết nói gì nhưng không giận nhau.
Thời gian ngắn sau, cả khu phố chúng tôi xuống tàu Marine Serpent di cư vào Nam, mỗi người một nơi, nay bất ngờ gặp nhau đây mà không nhận ra bạn cũ.Tôi lo lắng hồi hộp, quên hẳn bóng Hồng ngay bên cạnh mà nghĩ đến chuyện tương lai, tai ương sẽ không bao giờ thoát. Miệng đắng ngắt bữa cơm chiều trong phạm điếm, không ăn cũng phải đi tập họp đề sinh viên cán bộ điểm danh.
Sau vài động tác sơ khởi 4 món ăn chơi, tôi nghe tiếng thét của hung thần từ trên bục gỗ:
_ “SVSQ nào sáng nay ra phố đã nghinh niên trưởng, hãy tự giác bước ra khỏi hàng”!
Hai tiếng “tự giác” thật nhẹ nhàng nhưng là tôn chỉ của người SVSQ, thiếu tự giác thì chỉ còn con đường “thịt nát xương tan”! Tôi tự giác bước ra khỏi hàng. Tối mùa Đông Đà Lạt lạnh cóng mà sao trán tôi vã mồ hôi, hai đầu gối nó không nghe lời mà cứ rung lên từng chặp.
Màn dạy dỗ của mấy “ông cha” kéo dài cho đến khi kèn báo giờ đi ngủ tôi mới được tha về phòng! Như một cái mền rách nhúng nước vất trên nền gạch bông, tôi chỉ biết thở dài:
_ “Nào ai dám nghinh! Tôi sợ té đ.. nên quên chào! Nào ai dám liếc! Hồng kia đã có chủ rồi! Thôi từ nay em xin chừa”.Những Chủ Nhật sau đó, mỗi khi bất ngờ gặp Hồng ngoài sân, ngoài ngõ, tôi chỉ biết yên lặng gật đầu chào như chào một người chị và Hồng khẽ mím chi. Bà chị tôi biết ý hỏi:
_ “Cậu giận cô Hồng à? Cô ấy hỏi thăm cậu đấy”
Tự ái được vuốt, tôi thấy Hồng đẹp Hồng dễ thương hơn, nhưng tôi sợ, Hồng đã có gai nay lại còn thêm vài vòng “concertina” rào quanh nữa thì đàn em chỉ còn nhớ câu:
_“Chí tuy còn mong tiến bước nhưng sức không kham nổi đoạn trường”.
Hai năm quân trường với bao cay đắng khổ cưc nhưng giúp tôi trưởng thành, hãnh diện và mãi mãi nhớ những kỷ niệm quân trường, bị hành xác và hành xác lại khóa sau như vũ điệu liên hoàn “nàng dâu mẹ chồng”, nhớ ơn các niên trưởng, không mẹ chồng đố “mày” thành sinh viên sĩ quan.
Trường Võ Bị, trường đại học CTCT, các chàng sinh viên SQ là một thành phần tạo nên nét đẹp Đà Lạt, câu chuyện anh em nhà Võ hành hạ nhau thì trăm họ đều biết, nhưng thương cho roi cho vọt, chuyện quân trường để lần sau, đề tài này tôi xin kể tiếp những bông Hồng gai.
Những ngày Chủ Nhật được ra phố mà cứ thấy thằng em nằm nhà, bà chị tưởng tôi thất tình bèn rủ em đi chợ Hòa Bình, “chị cho cậu coi cái này hay lắm”. Tôi theo chị vào chợ, thấy chị nói chuyện với bà chủ sạp vải, tôi trông dáng bà quen quen, phụ với mẹ tiếp khách là một cô tuyệt đẹp, tôi cũng thấy như quen quen. Tôi mỉm cười một mình, chàng thanh niên nào thoạt trông thấy người đẹp đều có cảm tưởng “quen quen”. Nhưng quen riết rồi thì làm bộ mặt lạ!
Trên đường về bà chị hỏi tôi:
_ “Cậu có nhớ bà chủ sạp vải là ai không?”
Không nghe tiếng trả lời, chị tôi có vẻ sốt ruột trả lời thay:
_ “Bà Xuân đấy, hàng xóm của mình ở phố Dinh, Hải Phòng đó”.
Tôi vội vã hỏi liền:
_“Thế người ngồi cạnh bà Xuân là cô Hồng hay cô Phụng”.
_ “Cô Hồng, cậu thấy sao? Hay lắm đấy”.
Lại một bông Hồng nữa xuất hiện, Hồng này có em gái tên Phụng nên xin gọi là Hồng-P. Hồng-P, Phụng và em trai tên Thiệp là đám bạn trong khu phố Dinh Hải Phòng của tôi thời gian 53-54. Chúng tôi chơi thân với nhau, thường đánh bi đánh đáo, búng dây thung, chơi trò bịt mắt bắt dê, tối tối rủ nhau đi ăn “chí mà phù”, “lạc phá xang” ngoài bờ sông Cấm.
Trong đám bạn ấy Hồng-P đẹp nhất và dễ thương, tôi thường về phe Hồng, bênh vực Hồng mỗi khi có tên nào chọc ghẹo, Hồng cũng thường cho tôi kẹo cam thảo.
Nhớ lần tôi bị bịt mắt đi bắt dê, lạng quạng làm sao tôi chụp được Hồng rồi nghe Hồng ré lên, vội kéo miếng vải bịt mắt xuống, tôi hiều lý do, thay vì chụp sau lưng tôi lại chụp phía trước.!
Hồng đỏ mặt lườm tôi, tôi bối rối không biết nói gì nhưng không giận nhau. Thời gian ngắn sau, cả khu phố chúng tôi xuống tàu Marine Serpent di cư vào Nam, mỗi người một nơi, nay bất ngờ gặp nhau đây mà không nhận ra bạn cũ.
Nhớ kỷ niệm xưa, tôi sinh ngẩn ngơ, dò tin tức biết gia đình Hồng ở khu dốc Nhà Bò, như vậy Hồng sẽ đi lễ nhà thờ Con Gà. Kể từ đó tôi siêng đi lễ ngày Chúa Nhật hơn và Chúa đã thương con chiên không ngoan đạo, tôi đã thấy Hồng “trong giáo đường đêm Noel ấy”.
Vẫn suối tóc dài chấm eo thon, nhưng Hồng đẹp hơn ngày xưa nhiều lắm, dần dần mỗi Chủ Nhật tôi tìm cách ngồi gần thêm một chút cho tới khi Hồng quỳ hàng ghế trước, tôi quỳ ngay phía sau, những lần như thế thì .. Chúa ở trên cao còn người tôi yêu thì ngay trước mặt, tôi không nghe được lời giảng của linh mục mà chỉ nghe nhịp đập của tim.
Hồng-P đẹp như một pho tượng, tôi không dám lại gần mà cứ lẽo đẽo theo sau cho tới gần ngày mãn khóa thì tôi uống thuốc liều, sau thánh lễ tôi chận Hồng ngay cuối nhà thờ và thật khó mở đầu, tôi chỉ gọi được một câu: “Hồng”.
Sau vài lời trao đổi kỷ niệm xưa, Hồng không ngỡ ngàng, có lẽ nàng cũng đã nhiều lần bị các chàng SVSQ chận đường như vậy, nhưng khi nhận ra tôi, Hồng cười thật tươi và .. bạn cũ không rủ cũng tới, thật tự nhiên Hồng đưa tay ra cho tôi bắt và nói:
_ “Mấy tháng nay Hồng biết có người theo dõi, nhưng không ngờ đó lại là Văn”.
Hồng-P mời tôi về nhà, cũng gần đó thôi, ngay cuối dốc nhà Bò. Tôi nói với Hồng là tôi biết nhà từ lâu rồi, để tôi dẫn đường cho thì Hồng nháy mắt:
_ “Vẫn cái tật nghịch ngợm như ngày xưa ở Hải Phòng”.
Tôi không biết Hồng có nhớ cái vụ “bịt mắt bắt dê” hay không, nhưng nghe Hồng nhắc kỷ niệm cũ tôi thấy cái bàn tay ngày ấy tê-tê, thấy ấm lòng và hồi hộp khi Hồng mời về nhà. Bước vào nhà chưa kịp hỏi thăm ông bà cụ và các em thì Hồng đã nói:
_ “Mẹ bán vải ngoài chợ, bố đi chơi xa, em Phụng đã có gia đình và ở riêng, còn cậu Thiệp thì đi Không Quân, hiện đang học ở Nha Trang”
Bạn bè 10 năm mới gặp lại nhau làm sao kể cho hết kỷ niệm, Hồng-P giữ tôi ở lại ăn cơm với đọt su-su xào tỏi
. Mộng ước theo đuôi bấy lâu chỉ có thế thôi, nay đang trong tầm tay, trời gầm cũng không nhả. Tôi giúp Hồng tước vỏ đọt su-su, ôn chuyện cũ, đôi khi như vô tình, hai tay chạm vào nhau khi cùng lấy đọt rau một lượt. Hồng đột ngột hỏi tôi:_ “ Tháng sau Anh mãn khóa rồi phải không?”
Hồng-P bất chợt gọi tôi là anh thay vì Văn khiến tôi muốn ngộp, không trả lời câu nàng hỏi mà nhìn thẳng vào mắt nàng, không cần phải giả đò ứa lệ mà tôi cảm động thật sự, làm liều cầm tay em, tôi nói:
_ “Em vào dự lễ mãn khóa của anh nhá”.
Có lẽ bàn tay chai đá vì hít đất nhẩy xổm xiết “búp măng” hơi chặt, tay Hồng-P hơi nhúc nhích như muốn gỡ ra nhưng lại vẫn để nguyên chỗ cũ rồi khẽ nói:
_ “Đây là lần đầu tiên em sẽ được dự lễ mãn khóa của một SVSQ Võ Bị”.
Đúng hay sai chưa biết, nhưng rõ ràng Hồng-P muốn nói một điều gì đó mà chỉ những người để ý đến nhau mới hiểu. Chúng tôi xưng hô “anh em” từ lúc nào không hay, nói đủ chuyện trên trời dưới đất, trừ chuyện tình yêu. Khi bắt tay nhau để tôi về trường thì trời đã tối, đành gọi taxi, dùng dằng tay lại cầm tay, tiếng ai nghẹn ngào:
_ “ Mình vừa gặp lại nhau thì đã..! Có thể lại xa nhau 10 năm như lần trước ”!
Hồng đến tham dự ngày mãn khóa và chúng tôi vui bên nhau như chưa bao giờ có, thân thiết nhau như “ngày xưa thân ái”. Rồi chúng tôi chia tay nhau trong tình bạn hoàn toàn trong sáng, tôi nói với Hồng-P ước mong sẽ quay lại chọn .. Đà Lạt làm nơi dừng chân. Lệ tràn khóe mắt, Hồng-P chúc tôi lên đường bình an và sớm gặp lại.
Hôm đó là sáng ngày 30 tháng 11 năm 1964.
Sau 15 ngày phép mãn khóa, vừa khoác áo trận TQLC ra chiến trường thì thủ khoa Võ Thành Kháng đã hy sinh cùng Hùng, Thái Quan.. tại mặt trận Bình Giả, chưa kể một số bị trọng thương! Chiến tranh khốc liệt bắt đầu, những chàng trai Võ Bị lăn vào lửa đạn, thằng mất thằng du mình trên đôi nạng gỗ, không còn thời gian nào đề nghĩ đến bố mẹ, gia đình và cả người yêu, trước mắt chì còn đồng đội, đôi khi vừa gặp nhau chưa tàn điếu thuốc thì vuốt mắt
cho nhau
Những bông hồng Đà Lạt thường trách các anh mau quên lời hứa! Không phải thế đâu, nhớ lắm chứ, nhớ mà chưa có seo-phôn gọi về khiến càng nhớ thêm.
Nằm võng viết thư cho người yêu bằng ánh sáng đèn pin, vùa nắn nót được câu: “Em yêu” thì nghe địch pháo kích, “ầm”! Buông “em yêu” để nhẩy ào xuống hố.
Thôi hẹn em thơ sau để anh đi kiểm soát xem có đồng đội nào bị thương không ..và đã có người vừa ra đi sau tiếng nổ! Nhớ lắm chứ nhưng sao đành để em phải đội khăn tang, thôi đừng trách các anh nữa những bông Hồng gai Đà Lạt ơi.
Hồng-P và tôi thư từ qua lại và mí-mí chuyện tương lai, nhiều khi thư nhận được chưa kịp đọc thì đã bị ướt nhòe, mắt anh mờ không đọc được thư em.
Thú thật có nhiều lúc mong bị thương, bị nhẹ thôi, để có dăm ba ngày dưỡng thương về phép thăm người mình thương. Nhưng khổ nỗi không nhẹ mà nặng, như nặng ngàn cân.
Tới phiên tôi, không nhẹ mà bị loại khỏi vòng chiến, chân thấp chân cao, tay bó bột tay chống nạng về thăm trường cũ và người xưa. Trường Võ Bị vẫn như ngày nào, nhưng các khóa đàn em oai phong hơn với alfa đỏ ba vạch vàng. Tôi gặp lại niên trưởng K17 Võ Vàng cùng người bạn đồng khóa cùng đại đội H Nguyễn Xuân Huy và vài bạn khác nữa đang là cán bộ và huấn luyện viên của trường.
Tôi còn nhớ lời hứa năm xưa với Hồng-P là sẽ quay về và chọn Đà Lạt làm nơi dừng chân, dù làm cán bộ hay huấn luyện viên tôi cũng đủ điều kiện, nhưng nay quay về rồi thì thiếu một chân! Thiếu chân đứng thì làm sao dừng chân với em đây!
Gió lạnh trên đồi thông trước cổng câu lạc bộ Nhữ Văn Hải thổi mạnh làm một ống quần tôi lay động, bất giác tôi rùng mình và quyết định không trở lại quân trường nữa, thất hứa với Hồng-P không chọn Đà Lạt làm nơi dừng chân, không đủ can đảm gặp lại Hồng-P, giữ mãi cho nhau hình ảnh đẹp hơn là “anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về làm dang dở đời em”.
Tôi quay về với anh em đồng đội TQLC, ở đó anh em chúng tôi cần nhau và tôi cũng tự an ủi rằng mình còn may mắn hơn những đồng đội khác trở về trên chiếc xe lăn và hằng ngày, mỗi ngày hằng trăm anh em trở về với hòm gỗ không có cài hoa, không có hai hàng nến trắng mà chỉ có những vành khăn tang.
Chúc Hồng, cả hai Hồng và những bông hồng gai Đà Lạt không phải nhìn thấy khăn tang và đừng trách các anh là người không giữ lời hứa.
Tô Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét