Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Cây Cà Rem Trong Đời


Những người kém may mắn trong cuộc sống thường nhật thì tự bảo rằng: “ Số tôi là số con rệp”. Chẳng biết tại sao con rệp lại khổ trong khi được ký sinh nhờ máu trong cơ thể con người. Ngược lại những người may mắn thì được gọi là “số đẻ bọc điều”. Tôi từ tấm bé đã mồ côi cha lẫn mẹ mà chính tôi lại là người “đẻ bọc điều”, mẹ tôi nói thế vì người sinh ra tôi trong một cái bọc đỏ ong…
Mẹ tôi là một cô gái quê, sinh ra và lớn lên ở một cái làng thuốc Bắc, bên dòng Sông Hương thơ mộng - làng Minh Hương (bây giờ gọi là làng Thanh Hà). Lúc người được đôi mươi mẹ tôi thường thay thế ngoại tôi lên chợ Đông Ba cất hàng cho người. Lúc ấy ba tôi đang dự khóa huấn luyện Hạ sĩ quan (cua cai) tại Mang Cá. Người thường ra phố chơi và đã gặp mẹ tôi rồi đã phải lòng nhau.

Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành

Trước ngày mãn khóa học, cha tôi nhờ mai mối về làng xin cưới mẹ tôi, Ông bà ngoại tôi đặt điều kiện phải có ông bà nội tôi đến xin cưới mới được.

 Cha tôi nhờ người về Quảng xin ông nội tôi ra cưới mẹ tôi. Ông nội và chú Tám tôi mang thổ sản Quảng Ngãi là nếp ngự, đường, đậu và lễ vật đi ghe bầu ra cưới vợ cho cha tôi…
Sau ngày cưới chừng dăm ba tháng thì cha tôi phải xuống tàu đi Tây và rồi người kẹt luôn cho đến năm 1949 mới trở lại Huế. Khi cha tôi rời xa mẹ thì mẹ vẫn chưa biết đã mang thai. Vì thế chiến thứ II đến hồi khốc liệt cho nên không hề có sự liên lạc giữa cha mẹ tôi. Cha tôi hoàn toàn không hay biết mẹ tôi đã mang thai…
Ngày xưa người đàn bà sinh con trong vòng 3 tháng đầu, người ta tin rằng còn phong long cho nên có nhiều điều kiêng kỵ.

 Cũng vì phong tục đó và vì làng tôi không có nhà hộ sinh, vả lại ở xa kinh đô hay thành phố lớn cho nên theo tục lệ của làng thì người sản phụ không được sinh nở trong nhà, mà phải sinh con tại một cái chòi cao cẳng ở ngoài vườn. Người sản phụ sinh và nuôi con cho hết phong long mới được đưa vào nhà.
Một tháng trước khi tôi chào đời, Ông ngoại tôi đã cất một cái chòi lá ngoài vườn sau và mẹ tôi đã chuẩn bị một cái liềm để cắt rốn, khăn vải vệ sinh để sẵn trên chòi.

 Không biết vì lý do gì mà mẹ tôi đã cưu mang tôi hơn 10 tháng rồi mà tôi vẫn nằm lỳ trong bụng 
– Thời gian tính theo ngày mẹ tôi tiễn ba tôi xuống tàu đi qua Tây.Hôm ấy ngày 16 tháng mười, thời tiết buốt giá, trời mưa như trút thì mẹ tôi cũng chuyển bụng, người đội nón mang tơi ra ngoài chòi nằm trong lúc mệ tôi (bà ngoại) đi xuống Triều Sơn Đông mời cô mụ.
 Có lẽ vì trời mưa tầm tã hay vì có nhiều người cùng sinh ra một ngày với tôi cho nên không tìm được cô mụ.
 Ở những làng quê nhỏ như Minh Hương, một cô mụ phải đặc trách hai ba làng. Tôi chẳng chờ cô mụ mà đã vội vã ra chào đời.
Mẹ tôi đã tự đỡ lấy con. Người đỡ tôi ra không có hình hài mà chỉ là một cái bọc đỏ hon hỏn. Nhờ sinh dễ cho nên người còn bình tĩnh mà cấu cho vỡ cái bọc đỏ đó mà lôi đầu tôi ra cho thấy ánh sáng cuộc đời. Sau khi dốc ngược tôi lên, đét tôi vài cái cho tôi khóc cho đúng cái chu trình tiếng khóc chào đời.
Tôi khóc yếu ớt như con mèo nhỏ, tiếng khóc của tôi làm sao đủ để tranh với tiếng gầm thét của trời đang mưa như thác đổ, và lạnh như cắt. 

Mẹ tôi lau sạch tôi và bọc tôi trong mấy khăn vải mà mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn. Tôi được chào đời vắng bóng cô mụ, vậy thì bà Mụ Tiên sẽ không xuất hiện để dạy tôi cười, dạy tôi chơi hay dạy tôi làm trò hoặc cho tôi nhưng tiện nghi sung túc mà bao đứa trẻ khác thường được.
Ngay từ những giờ phút đầu tiên trong đời, số phận của thằng bé “đẻ bọc điều” ngoài sự kiện thiếu Bà Mụ Tiên, tôi còn chịu trận mưa bão đưa đến nước lụt dâng nhanh, ngập lụt cả kinh đô Huế. Cho đến gần khuya thì nước đã lên sát chỗ hai mẹ con nằm, ông ngoại tôi phải chèo ghe ra đón hai chúng tôi vào nhà.
Kể từ đó cuộc đời của tôi luôn luôn kém may mắn. 

Gia sản hai ngoại tôi cũng bắt đầu sa sút đến tận cùng, nhà cửa ruộng vườn bán hết, cửa hàng bây giờ chỉ còn lại một cái sạp bán bánh kẹo nho nhỏ. Các cậu các dì của tôi thì lưu lạc giang hồ. 
Vài tháng sau khi tôi chào đời, mẹ tôi đã đi qua Lào kiếm ba tôi vì nghe tin người nhảy dù xuống nước này đã bị Nhật bắt, rồi cũng biệt tăm vô âm tín. Gia đình tôi chỉ còn hai cụ và chị Nở con dì Nghè, chị của mẹ tôi và tôi.
Vài năm sau chị Nở cũng đi lấy chồng, tôi lớn lên thui thủi với hai ngoại già yếu mà nguồn tài lợi chỉ trông chờ và cái sạp bán bánh kẹo nho nhỏ trước sân nhà.

 Khi lên sáu hay bảy gì đó thì tôi được trao phó nhiệm vụ lên chợ Đông Ba cất hàng, thỉnh thoảng thì lên chợ Bao Vinh mua rượu, thay thế chị Nở. Dĩ nhiên bà tôi trước tiên phải dắt tôi đi giới thiệu từng hàng quán mà chi Nở tôi vẫn thường đi cất hàng trước đây để họ giúp đỡ tôi sau nầy.
Tới giờ nầy tôi cũng không biết, từng ấy tuổi đầu, làm sao tôi có thể cuốc bộ từ Minh Hương, lên tới Chợ Đông Ba, đưa tiền và chiếc bị bằng cói cho bà hàng bánh kẹo để họ bỏ hàng vào đó rồi tôi lại cuốc bộ về làng cho bà tôi bán.
Khi đi theo ngoại tôi để cất hàng, tôi chỉ biết thoăn thoắt bén gót theo người, tôi chẳng hề có dịp ngắm nhìn phố xá chung quanh. 

Vì vậy trong chuyến đi cất hàng đầu tiên, như con chim non vừa rời tổ mẹ, bay lượn lên xuống, tôi đủng đỉnh đi qua từng đường phố. Tôi mãi lo ngắm cảnh vật chung quanh với biết bao thắc mắc mà chẳng biết hỏi ai. Trời giữa hè, nắng như thiêu như đốt nhưng tôi chẳng hề quan tâm vì còn đang say sưa với thế giới lớn hơn làng tôi.Từ làng lên phố Đông Ba tôi đi qua Địa Linh trên con đường trải đá gồ ghề, đi chân đất thế mà không biết đau. 
Đi một quãng thấy mệt tôi lại dừng chân nghỉ. Đôi khi tôi đứng lại xem mấy đứa bé khác đánh bi đánh đáo, tay vẫn khư khư giữ túi tiền, dù bà tôi đã cẩn thận cài lại bằng hai chiếc kim băng. Bao Vinh, phố đầu tiên mà tôi dừng lại để ngắm nhìn những cái lạ, cái khác mà làng tôi không có.
 Đúng là một cậu bé nhà quê mới lên tỉnh. Rời Bao Vinh tôi đi qua Mang Cá, đến Abatoir (lò giết heo, bò) và rồi tới Cầu Đông Ba tôi rẽ qua đường vào cửa Đông Ba để lên Ngã Giữa trước khi vào chợ cất hàng.
 Ngã giữa là con phố chính của Huế, tiệm nào cũng có nhiều cái lạ, nhất là tiệm bán đồ bách hóa, tôi dừng chân say sưa ngắm những món đồ chơi đầy mầu sắc lạ lùng mà tôi chưa hề thấy qua như xe hơi, xe đạp và máy bay tàu bò v.v.. Nhìn nhưng chẳng dám ước ao vì biết chắc đời mình sẽ không bao giờ có được.
Tôi đi qua hàng vải, thấy mấy người bán hàng đen thui, sau nầy tôi mới biết là người Ấn Độ, tay cầm một cây bằng gỗ, (cây thước) trên trần nhà có cái gì đang quay vòng vòng (quạt trần). Tôi nghĩ rằng họ dùng cây gỗ đó để làm cho nó quay. Mà quay cái đó để làm gì! Có thắc mắc nhưng chẳng có câu trả lời. Tất cả đều rất lạ lẫm đối với tôi.

 Có một thứ mà tôi thắc mắc đã làm tôi ngây người đứng nhìn mấy đưa bé con bằng trạc tuổi tôi, được mẹ chúng mua cho chúng một cục gì tròn tròn dài dài, bốc khói, có cắm một que bằng tre cỡ chiếc đũa.
Sau khi mua xong chúng liếm chúng mút, cắn một cách say sưa thú vị. Tôi ngây ngất đứng lại nhìn chúng mà thèm đến độ nước miếng trào ra không kịp nuốt.

 Lúc đó tôi tủi thân đến cực độ. Tại sao cũng tấm bé như nhau thế mà chúng nó được hưởng của ngon vật lạ, dù rằng chỉ đáng năm xu, tôi thấy người mẹ trả tiền cho thằng bé bán hàng. Tôi ngây người nhìn thằng bé say sưa mút món đồ ăn đang bốc khói cho đến khi chúng theo mẹ đi khỏi rồi tôi vẫn đứng như trời trồng nhìn theo!
Tôi thầm nghĩ – tại sao mình không có cha mẹ như chúng nó. Cha tôi đâu? Mẹ tôi đâu?
Đầu óc tôi miên man nghĩ đến thân phận mồ côi mồ cút của mình.

 Tôi lại nghĩ đến những buổi chiều lúc tan học, tôi thường ra trước ngõ đứng nhìn trẻ con có cha có mẹ, đi học về mà ước gì mình cũng được như chúng. Nhiều khi tôi tự an ủi bằng cách ra vườn sau hái lá chuối non, cắt xén cẩn thận làm thành một cuốn sách, vót tre làm bút viết. 
Thật ra tôi có biết chữ đâu mà viết. Tôi chỉ vẽ bậy bạ. Tôi cũng đã từng đứng ngoài cửa sổ nhà mụ Cửu Sừng, nhìn con cái bà ta ngồi học. Tôi cũng lẩm nhẩm đọc lại những gì chúng đọc, tôi cũng đã thuộc hết hai mươi chín chữ cái – nhưng có thấy mặt chữ đâu mà viết…Giấc mơ thèm khát “cây gì bốc khói” lẩn quẩn với tôi mãi. Ít tháng saụ, một hôm anh Hướng, chồng chị Nở, về thăm ngoại tôi, ngỏ ý muốn xin cho tôi lên trường của anh để học dăm ba chữ.
 Tôi sung sướng mê người nhưng sự sung sướng đó không bằng tôi được anh ấy cho tôi năm xu. Năm xu, vừa đúng giá của một “cây gì bốc khói”. Tôi run run cầm đồng tiền và cứ tưởng mình nằm mơ. Tôi lí nhí trong miệng lời cám ơn rồi bỏ lẹ và túi chỉ sợ ngoại tôi thấy…
Tối hôm đó tôi trằn trọc mãi mà vẫn chưa ngủ được. Mọi khi tôi nằm xuống là ngủ như chết. Tôi nghĩ đến “cây gì bốc khói”, với năm xu mà anh Hướng cho, nhất định tôi phải mua cho được.

 Tôi bật dậy, mò đến cái hộp tài sản của tôi, vài viên bi ve mà tôi lượm được trên con đường đi cất hàng và một cái nạng ổi mà tôi chặt được từ sau vườn nhưng chưa có dây cao su để làm ná bắn chim. Tôi tiến đến cửa sổ, dưới ánh trăng mười sáu sáng như đèn, tôi cầm đồng tiền lên xem
. Đồng tiền nầy sao mà dễ yêu quá, nó đẹp quá, với nó mai tôi sẽ đạt được giấc mơ ít lâu nay. Nghĩ đến cảnh mấy thằng bé mút và liếm “cây gì bốc khói” một cách ngon lành, nước miếng của tôi lại chảy ra ào ạt…tôi chỉ mong sao trời mau sáng để tôi lại được đi cất hàng kẹo bánh cho ngoại. Tôi cẩn thận, bỏ đồng tiền vào hộp, thay vì để vào chỗ cũ tôi đem đến chỗ tôi nằm ôm hộp ngủ với những giấc mơ thần tiên.
Hôm sau như thường lệ, ngoại tôi đưa tiền và bị cói cho tôi đi cất hàng.

 Tôi chạy như bay vào chỗ để đồ chơi, lấy đồng tiền, tôi nắm chặt đồng tiền trong tay như sợ nó bay mất. Tôi tung tăng hướng về chợ Đông Ba nơi có “cây bốc khói thần diệu”. Đường lên phố hình như hôm nay dài hơn, đi mãi mà vẫn chưa tới. Khác với mọi khi, tôi không ngừng lại chỗ mấy đứa bé đánh bi đánh đáo. Tôi đi thẳng một lèo lên Ngã Giữa. Khi đến nơi tôi chẳng thấy đứa bé bán “cây gì bốc khói” đâu cả. Tôi đi lên đi xuống trên đường đường phố đến năm sáu vòng mới nghe được tiếng rao:
- Cà rem mới ra lò
Tôi quay lưng lại và tiến nhanh về hướng có tiếng rao hàng. Tôi đưa đồng tiền cho thằng bé mà chẳng biết nói gì. Thằng bé bán cà rem hỏi:
- Mi muốn mua cà rem chi?
Vì có biết thức ăn nầy bao giờ đâu cho nên rụt rè trả lời:
- Chi cũng được.
Thằng bé ngạc nhiên nhìn tôi rồi mở thùng lấy ra một cây màu đỏ đưa cho tôi và nói:
- Cà rem xi rô hí!
Tôi gật đầu không trả lời và chìa tay cầm cây cà rem rồi quay lưng đi, chỉ sợ nó hỏi thêm điều gì nữa thì biết gì mà trả lời. Tôi đi vội vào một chỗ vắng để thưởng thức “cây bốc khói” mà thằng bé gọi là cà rem. Tôi nhìn cây cà rem đang bốc khói nhưng vẫn chưa ăn làm như sợ hết.

 Khi mới cầm cây cà rem từ tay thằng bé bán hàng, tôi thấy xung quanh cây cà rem có một lớp bụi trắng xóa bao bọc nhưng bây giờ thì đã mất. Cây cà rem đổi mầu đỏ hơn. Tôi nhắm mắt tưởng tượng hương vị độc đáo của nó. Hình ảnh mấy thằng bé con liếm, mút rồi cắn một cách ngon làm.
Tôi đưa cây cà rem lên môi rồi từ từ thè lưỡi ra liếm. Tôi nghĩ rằng cà rem đang bốc khói chắc phải nóng lắm nhưng khi lưỡi tôi vừa chạm vào cây cà rem thì sao mà nó lạnh quá.
 Nó lạnh đến độ tôi suýt đánh rơi cây cà rem xuống đất. Nhất là khi tôi thử cắn một miếng, trời đất quỷ thần ơi, hàm răng tôi như vỡ vụn ra từng mảnh. Nó buốt cho tới óc. Cái răng cửa bị sâu nhói lên như xương cá đâm vào. Giấc mơ thần tiên của tôi đã biến mất để lại cho tôi những nỗi đớn đau của cái răng sâu hành hạ. Hai hàng nước mắt của tôi tự nhiên trào ra.
Tôi tiếc năm xu, tôi tiếc những hình ảnh mà đầu óc non nớt và cái thân phận nghèo mạt của thằng bé mồ côi vẫn ôm ấp bấy lâu nay. 

Đau thì đau, buốt thì buốt, năm xu lớn quá, là một gia tài kếch xù mà đây là lần đầu tiên tôi mới có. Tôi nuốt vội miếng cà rem vừa mới cắn. Cà rem đi tới đâu, buốt lạnh tới đó, cho khi xuống tới bao tử thì mới hết. Tôi nhắm mắt chịu cực hình, ăn cho hết cây cà rem.
Dù bây giờ là trời mùa hạ oi bức, thế mà cây cà rem đã làm cóng buốt trái tim của thằng bé mồ côi nghèo khổ. Hết cây cà rem, tôi định giữ cây que để làm kỷ niệm, nhưng rồi lại nghĩ – Cái que nầy rồi cũng sẽ chẳng quý giá gì, nhưng kỷ niệm cây cà rem đầu đời sẽ không bao giờ phai nhạt trong đời tôi.

 Tôi vất mạnh cây que cà rem xuống đất như chối bỏ một quá khứ kinh hoàng. Tôi ngoái lại nhìn cây que dưới đất nằm chung với rác rến và sỏi đá một lần sau cùng rồi lủi thủi đi về hướng chợ Đông Ba…
                                                                                      
 Hà Phương Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét