Gần 50 năm trước bài thơ Lời Tình Buồn của Chu Trầm Nguyên Minh xuất hiện như một lời chia tay trong tâm trạng bấp bênh, mang đầy nuối tiếc của kẻ ra đi mà chẳng biết ngày về… “Anh đi rồi” vang lên như lời than thở của kẻ đang giã từ đời sống bình yên để bước vào cõi đạn bom.
Cuộc ra đi đó là dấu chấm hết của đời thư sinh, xếp bút nghiên để cầm lấy súng. Bản tính hiền hòa, CTNM mang súng mà có lẽ chắc chẳng biết phải dùng súng để làm gì. Trong lòng anh chỉ mang nặng những âu lo, trước mắt anh chỉ có một bầu trời đầy sa mù nên lời thơ của anh âm thầm vang lên như một nỗi buồn thân phận. Cá nhân. Nhưng cũng là tập thể, của những trai tráng cùng thời…
Chỉ với câu thơ đầu : “Anh đi rồi còn ai vuốt tóc”….
Bài thơ đã ngân lên như một khúc nhạc nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy day dứt, xót xa khi phải xa cách trong tình yêu. Chỉ một từ “đi” thôi nhưng sao nó làm nỗi buồn như kéo dài đến vô tận ! Từ “đi ” ở đây không hẳn là chuyển động… mà còn là sự chia ly, là kéo dài khoảng cách không gian giữa hai kẻ yêu nhau, sẽ không còn thấy, không còn gặp, không còn được tình tự, âu yếm nhau nữa. Một cảm giác cô quạnh khi hai người không được sống bên nhau
. Sự chia ly làm kẻ ra đi buồn da diết và tình yêu sâu sắc của anh dành cho người ở lại lúc này đang lớn lên như biển như trời. Những câu hỏi kế tiếp chính là nỗi băn khoăn của kẻ ra đi : “đêm xuống rồi em buồn không hỡ?” Trời sa mù tầm tay với âu lo…
Chắc chắn là chỉ trước lúc xa nhau con người mới cảm nhận hết tình yêu thương, sự mất mát và nỗi cô đơn. Ý tưởng không mới, cũng chẳng lạ… thế nhưng người đọc thơ anh cứ nghe lòng buồn da diết – Có lẽ nó giải bày niềm khát khao hạnh phúc và nỗi đớn đau lúc chia ly trong tình yêu bằng cảm xúc rất thật, rồi ngôn ngữ và nhạc điệu đã làm cho cảm xúc thăng hoa ?
Đọc thơ anh, không khó nhận ra là lời thơ tự nhiên tuôn chảy, hoàn toàn không cường điệu hay cố gắng tạo ra những tiếng kêu thê thiết… mà âm vang vẫn man mác, trầm buồn. Anh đi rồi còn ai đưa đón…
Nỗi lo lắng đơn giản mà xúc động. Những câu hỏi sau đó còn được anh liên tiếp, phóng bút đưa ra, dồn dập… như sự hốt hoảng này chính là nỗi buồn/nhớ đang giăng ngập hồn mình. Nó chiếm lĩnh trọn tâm hồn kẻ ra đi. Bởi ra đi trong thời khói lửa chiến tranh là sự ra đi một đi không trở lại. Quá khứ không quay về… Có còn lại chỉ là những kỉ niệm về ngày xưa. Những hoài niệm làm người đi day dứt… nên “đi rồi” mà như vẫn đứng đó, ngẩng nhìn về phía sau, vì, chỉ một chút nữa thôi là không còn chi nữa.
Không còn mái tóc xanh “trùng dương sóng lượn” không còn cả ngôn ngữ để “nói hết yêu thương”.
Đi, mà lòng vẫn ao ước được ở bên em… ở đâu cũng được, dưới thấp hay trên cao, thậm chí lơ lửng giữa bầu trời như một đóm sao…miễn là được nhìn thấy em, chiêm ngưỡng em… chăm lo cho em mọi thứ.
Nhưng đi rồi…thì không gian xa khuất… nên lòng “..chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng Bâng khuâng. Và lo sợ. Vì ngày mai biết đâu anh sẽ không còn sống, hay sống sót trở về mà một phần xương thịt đã gửi lại núi rừng.
Bài thơ chỉ có vỏn vẹn 112 chữ nhưng chứa đựng bao điều muốn nói. Ngắn, nhưng cô đọng những tâm tình, những âu lo, mất mát, của tuổi thanh xuân chìm sâu hun hút theo dòng lịch sử của một thời chinh chiến.
Bài thơ khi đọc lên, tự nó đã thấy buồn. Rồi qua lời hát nó còn da diết hơn. Thê thiết hơn. Ngôn ngữ trữ tình thanh thoát còn được bay lượn trên làn sóng âm thanh làm lòng người nghe cảm nhận một cảm giác chơi vơi. Đó có phải là kí ức về một thời trai trẻ, về mối tình đầu… mà ai ai trong chúng ta cũng sẽ giữ mãi ?
Cho dù ngày sau có ra sao đi nữa…có chết đi…thì vẫn hạnh phúc vì đã có được một tình yêu nồng thắm… “Phúc yêu em dấu lần quá khứ ”… Âm thanh du dương cao vút rồi khép lại bằng “ Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô” …
Rồi tất cả chìm vào hư không… Còn lại chăng chỉ là một nỗi buồn, tiếc, nhớ… mênh mang…
Thơ là một dòng suối mà ngôn ngữ là con thuyền chuyên chở cảm xúc, nhờ thứ ngôn ngữ cô đọng đó nên “cái bên trong” của nhà thơ… lan ra bên ngoài…tưới mát tâm hồn và chạm đến trái tim người đọc.
Thế nhưng xưa nay hiếm có những bài thơ mà âm vang dừng lại thật lâu, đọng lại trong tâm người thưởng thức..
Phần lớn những vần thơ đến với chúng ta chỉ trong một thoáng, nó như bức tranh mây đa sắc xuất hiện giữa bầu trời…và hình như chỉ khi nào có một họa sĩ tài hoa bằng nghệ thuật độc đáo của mình, nắm bắt được hình ảnh bất chợt, vẽ lên tranh thì hình tượng ấy mới trở nên cụ thể, hư ảo và sắc màu cùng hiện thì cảm xúc của nhà thơ mới được hình tượng hóa : và người yêu thơ mới có thể cảm nhận hết sự cộng hưởng của giai điệu và lời ca.
Bài thơ Lời Tình Buồn của CTNM nhẹ nhàng và ngôn ngữ tự nó có mang theo âm tiết như một bài ca.
Nhưng phải nói thêm là tiếng vang của nó sẽ vụt tắt nếu không bắt gặp bàn tay tài hoa của Vũ Thành An.
Chính có sự gặp gỡ này thì ngôn ngữ và âm thanh mới giao thoa và những cung bậc cảm xúc được vang lên bằng một thứ âm thanh len lỏi vào trái tim người nghe, ngân vang và được lưu giữ mãi.
Bài hát đã chắp cánh cho những vần thơ ngọt ngào, da diết … bay cao, lay động lòng người. Nhiều năm sau nghe lại Khánh Ly… giọng hát có lúc trầm buồn, có khi cao vút, khơi dậy trong lòng người nghe những nỗi nhớ của một thời yêu thương, lòng vấn vương bao kỷ niệm của hương xưa, của thuở chiến chinh, của trời mây non nước…
Lời Tình Buồn cuốn hút, mang tâm hồn tôi bay ngược về quá khứ, hất tung những hình ảnh bị che mất dưới lớp bụi mịt mờ của thời gian…
Trương Văn Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét